Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/07/2023

Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ với Nhật

Trần Đức Anh Sơn, Quốc Phương

Việt Nam với mong muốn nâng cấp quan hệ lên cùng Nhật trong sự ‘dè chừng’ Trung Quốc !

Nhật Bản cần giúp đỡ Việt Nam trong việc chế tạo các máy bay quân sự không người lái, chia sẻ các thông tin tình báo, đặc biệt thông tin từ quan sát trên Biển Đông giúp cho các mục tiêu cả về quốc phòng và dân sự. Đó là một vài trong số các khuyến nghị mà Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - nhà sử học, chuyên gia Nhật Bản học và Phương Đông học, Trưởng phòng Quản lý Khoa học của Đại học Đông Á- đưa ra tại một hội thảo đánh dấu năm thập niên bang giao Việt Nam – Nhật Bản tính từ mốc 1973. Hội thảo diễn ra ở Thành phố Đà Nẵng, hôm 01/7/2023.

vietnhat1

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương (phải) và Đại tướng Izutsu Shunji (trái) tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội hôm 28/6/2022. Quân Đội Nhân Dân

Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, cuộc hội thảo được tổ chức ở Đà Nẵng hôm 01/7/2023 gồm có ba phần, trong đó có phần nhìn lại lịch sử, phần nhìn về triển vọng tương lai, và phần diễn đàn để bàn sâu hơn các vấn đề trong lĩnh vực như hợp tác kinh tế, đầu tư, trong đó có cấp vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam, vấn đề hợp tác an ninh, quốc phòng, và vấn đề nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản từ đối tác chiến lược sâu rộng hiện nay, lên mức đang được mong muốn là đối tác chiến lược toàn diện.

"Hội thảo ra đời với mục đích nhìn lại, đánh giá tất cả các lĩnh vực từ quan hệ ngoại giao đến các hợp tác kinh tế, hỗ trợ phát triển, hợp tác văn hóa giáo dục, đặc biệt là hợp tác chính trị, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế để nâng cao vị thế của hai nước, và hợp tác an ninh, quốc phòng trong bối cảnh ở Biển Đông đang có sự trỗi dậy rất hung hăng của Trung Quốc. Và Việt Nam, Nhật Bản là hai nước láng giềng của Trung Quốc mà đều đang chịu sức ép trước sự trỗi dậy này, nhất là các vấn đề tuyên bố tranh chấp về chủ quyền ở trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hai nước Việt Nam, Nhật Bản chia sẻ chung những lợi ích và các mối quan tâm, vì vậy Hội thảo đã tổ chức một Diễn đàn để các nhà khoa học, các học giả và thậm chí chúng tôi cũng mời tướng lĩnh, như của Học viện Chiến lược Quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, rồi mời nhà ngoại giao từ Đông Bắc Á để cùng bàn bạc. Hội thảo theo tôi đã đặt ra được các vấn đề đó, đã có những thảo luận rất sôi nổi nhằm giải quyết các vấn đề này, sau hội thảo, chúng tôi sẽ biên tập những ý kiến đó để công bố thành sách, hay dưới dạng các bài viết, coi như đó như kênh thông tin để nếu chính quyền của cả hai nước quan tâm, có thể tham khảo những ý kiến ở đây của những người có tâm huyết nghiên cứu thực sự về vấn đề này, chứ đây không đơn thuần là một hội thảo kỷ niệm giống như những hội thảo kỷ niệm diễn ra hàng ngày ở Việt Nam".

‘Việt Nam cần hỗ trợ về drone/UAV và thông tin tình báo’

Về nhu cầu hợp tác, hỗ trợ an ninh, quốc phòng và thông tin tình báo, thông tin khác, học giả tại cuộc Hội thảo hôm 01/7 đã đặt ra một số vấn đề được cho là cụ thể để khuyến nghị với chính phủ Nhật Bản cân nhắc giúp đỡ, hậu thuẫn Việt Nam, như Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho biết tiếp trên quan điểm riêng:

"Về hợp tác an ninh, quốc phòng, có một báo cáo rất đầy đủ Giáo sư Tiến sĩ Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Quốc phòng, qua báo cáo này và tại phiên thảo luận, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân đã cung cấp rất nhiều thông tin, trong đó trong những năm qua, Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác rất nhiều lĩnh vực…, từ sau năm 1992, sau cuộc chiến Campuchia, Nhật Bản khi nối lại vốn ODA cho Việt Nam, bắt đầu có những hợp tác về quốc phòng từng bước với Việt Nam, đặc biệt đến tháng 3/2014, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang ký với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo một tuyên bố chung về đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và ổn định ở Châu Á – Thái Bình Dương, quan hệ giữa hai nước được nâng cấp lên rất nhiều, và Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.

Ví dụ như Nhật Bản đã hỗ trợ cho Cảnh sát Biển của Việt Nam 6 chiếc tàu để tuần tiễu ở trên biển, rồi đào tạo cho lực lượng Cảnh sát Biển và Hải quân Việt Nam, rồi tăng cường giao lưu giữa hai nước với tàu của Nhật Bản tới cảng Cam Ranh, gồm cả tàu ngầm và tàu chiến. Mới đây nhất, một chiến hạm Izumo cũng đã tới cảng Cam Ranh, và Việt Nam cũng đã có tàu đi giao lưu với Nhật Bản và Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam rất nhiều lĩnh vực".

Tuy nhiên các lĩnh vực này, kể cả đào tạo và cung cấp thông tin, so với thực tế vẫn chưa được đầy đủ như kỳ vọng, do đó học giả chuyên về quân sự tại cuộc Hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, qua trình bày tham luận và thảo luận, đã bày tỏ mong muốn phía Nhật Bản tiếp tục trợ giúp nhiều hơn cho phía Việt Nam, vẫn theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, thành viên chủ chốt của Ban Tổ chức hội thảo:

"Mong muốn đó là Nhật Bản giúp đỡ thêm cho Việt Nam về mặt công nghệ, giúp cho Việt Nam mở các xưởng để chế tạo tác máy bay không người lái (UAV hoặc các drone), đặc biệt mong muốn Nhật Bản chia sẻ với Việt Nam những tin tình báo theo thời gian thực (real time), bởi vì Nhật Bản có một hệ thống vệ tinh quan sát trên Biển Đông và Biển Hoa Đông rất mạnh…"

Một khía cạnh khác về hỗ trợ thông tin trên biển, nhưng trong lĩnh vực dân sự, theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, là học giả phía Việt Nam tại Hội thảo còn bày tỏ mong muốn "Nhật Bản cung cấp các thông tin chính xác về tọa độ cho Việt Nam, để giúp cho các ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển tránh được những vùng không an toàn, hoặc đi vào những vùng thuộc biên giới lãnh hải thuộc nước khác, vì nếu không sẽ vi phạm quy định về đánh bắt cá quốc tế IUU (nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý), một trở ngại mà Việt Nam đang bị Liên minh Châu Âu áp dụng ‘thẻ vàng’ IUU’ do bị xem như có các hoạt động đánh bắt vi phạm".

Việt Nam cần ‘tốt nghiệp’ về ODA, Nhật Bản giúp đỡ theo nhận thức

Về lĩnh vực kinh tế, cuộc hội thảo khoa học tại Đà Nẵng đã có một số báo cáo quan trọng đi sâu đánh giá lĩnh vực trao nhận vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản cho Việt Nam, với các quan điểm theo ông Trần Đức Anh Sơn là đáng lưu ý:

"Về lĩnh vực kinh tế, có các diễn giả rất xuất sắc, đó là học giả Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự của Đại học Waseda, rồi ông Tsuno Motonori, nguyên Trưởng đại diện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA tại Việt Nam, hội thảo đã có hai tham luận và báo cáo tổng quan về đầu tư ODA vào Việt Nam và đánh giá lại quá trình như thế nào.

Quan điểm của Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng Việt Nam cần ‘tốt nghiệp’ ODA, như những nước đã từng nhận vốn này của Nhật Bản trong đó có Thái Lan, Philippines; để phát triển, nếu Việt Nam dựa mãi vào nguồn vốn ODA này, sẽ có thể rơi vào tình trạng mà một số nhà nghiên cứu nói là mãi mà ‘không chịu lớn’, do đó phải có một chiến lược về ODA thích hợp và từ từ chấm dứt dần.

Đồng quan điểm, Giáo sư Tsuno Motonori cũng mong muốn như vậy, và ông cho hay chính phủ Nhật Bản cũng nhận thức được điều đó, đã có những điều chỉnh, và bây giờ Nhật Bản không cấp ODA cho Việt Nam theo hướng đề xuất của nhà nước Việt Nam, mà cấp ODA theo hướng Nhật Bản đã nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội, hạ tầng của Việt Nam; và thấy Việt Nam cần gì, Nhật Bản sẽ giao ODA và đề nghị Việt Nam làm theo hướng đó. Tức là, Nhật Bản đã nghiên cứu tổng quan, và thấy điều gì cần hơn, chứ không phải theo lối trước đây là bên được cấp đề nghị xin trợ giúp gì, thì Nhật Bản cấp cái đó.

Tóm lại, bây giờ Nhật Bản gợi ý cho Việt Nam nên xin trợ giúp lĩnh vực gì mà Việt Nam đang yếu mà Nhật Bản có thể hỗ trợ, và đó là một cách nhìn mới về ODA trong giai đoạn sắp tới, mà tôi cho đó cũng rất xác thực".

Về việc Việt Nam hiện nay và tới đây cần hỗ trợ ưu tiên cấp vốn ODA cho lĩnh vực gì, theo góc nhìn của Nhật Bản được cảm nhận, ông Trần Đức Anh Sơn nói:

"Trước hết, từ góc nhìn của Nhật Bản, họ nhận thấy Việt Nam vẫn cần nguồn vốn ODA để phát triển hạ tầng, đó là một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt là các hạ tầng liên quan cảng biển, hệ thống đường sắt và hệ thống đường cao tốc.

Hầu như với những hướng đi mới mở hiện nay, đặc biệt trong nhiệm kỳ mà ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng, Việt Nam đẩy mạnh làm đường cao tốc ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt, trong những nhiệm kỳ (Thủ tướng) trước, hệ thống đường cao tốc ở Nam Bộ rất ít, bây giờ đẩy mạnh, thì đây là chỗ cho nguồn vốn cấp của Nhật Bản.

Thứ hai, Nhật Bản cũng quan tâm những khoản vốn ODA mà Việt Nam xin giúp để phát triển công nghiệp, đặc biệt về khoa học, công nghệ về cơ khí, phát triển những ngành công nghiệp nặng, thực sự là Việt Nam vẫn bị yếu về những lĩnh vực này, vì vẫn chưa chuẩn bị sẵn nguồn lực.

Thứ ba, Nhật Bản quan tâm quá trình chuyển đổi số, vì Nhật Bản đã bắt đầu đi qua xây dựng xã hội 5.0 rồi, còn Việt Nam nói chung mới ở mức của những tuyên bố, còn hành động thực tiễn chưa được nhiều, cho nên Nhật Bản cũng quan tâm vấn đề đó. Đó là vấn đề về vốn ODA mà hội thảo đã có một phiên thảo luận rất sôi nổi về cách tiếp cận mới của Nhật Bản, và Việt Nam cần thích ứng như thế nào để khai thác nguồn vốn ODA này hiệu quả hơn".

Hợp tác về xuất khẩu lao động và xuất khẩu đất hiếm

Ngoài nội dung trên, còn một số vấn đề khác nữa liên quan hợp tác kinh tế giữa hai nước đã được cuộc Hội thảo hôm 01/7 đề cập và thảo luận, đó là hợp tác về lao động Việt – Nhật và xuất khẩu đất hiếm từ Việt Nam qua Nhật, ông Trần Đức Anh Sơn, nói tiếp với RFA tiếng Việt :

"Nhật Bản là nước cung cấp vốn đầu tư ODA lớn nhất cho Việt Nam, là nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trước đây là lớn nhất mà bây giờ Hàn Quốc vượt lên một chút, nhưng Nhật Bản là quốc gia có người lao động mà là người Việt Nam qua lao động với tỉ lệ lớn nhất ở Nhật Bản, và trong thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam, thì Nhật Bản cũng là nước có tỷ lệ thị phần lớn nhất".

Một nội dung nữa mà phía Nhật Bản cũng rất quan tâm, điều được thể hiện trong cuốn Hồi ký ‘Nhật Bản và Việt Nam là ‘đồng minh tự nhiên’’ của cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio, là vấn đề đất hiếm. Chúng ta đã biết, từ năm 2012, khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa các đảo trong nhóm đảo Senkaku, Trung Quốc có một chiến lược chống lại Nhật Bản và họ bắt đầu đưa ra chính sách là hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Mà đây là một nguồn nguyên liệu rất quan trọng giúp phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực chế tạo điện thoại thông minh (smartphones), xe hơi, hàng không v.v… của Nhật Bản. Cho nên, Nhật Bản rất quan tâm vấn đề này.

Vì vậy, đây là hướng hợp tác trong tương lai và tại một cuộc gặp năm 2015, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã hứa với Thủ tướng Nhật Bản khi ấy, ông Abe Shinzo, rằng Việt Nam sẵn sàng trở thành nhà cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản.

Như chúng ta biết, hiện nay, Việt Nam được Cục Khoáng sản, Địa chất của Hoa Kỳ đánh giá là có trữ lượng đất hiếm ở mức 22 tấn, đứng thứ nhì thế giới, bằng một nửa của Trung Quốc, Trung Quốc có 44 triệu tấn. Và Việt Nam đã có một số hợp tác với một số nước khác, mà có thể kể vài trong số đó như với Hoa Kỳ và với đây là với Hàn Quốc, nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tới Việt Nam.

Về hợp tác xuất khẩu đất hiếm, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu đất hiếm tới 4.100 tấn, gấp mười lần so với lượng xuất khẩu năm 2021, và đó là một số triển vọng mà trong cuộc Hội thảo cũng đã có bàn".

vietnhat2

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương trong điện đàm với Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản - Đại tướng Yoshihide Yoshida vào ngày 13/4/2023. Tin Tức Đối Ngoại

Liệu có nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện ?

Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, có một câu hỏi mà cũng là một nội dung được các học giả, đại biểu, cử tọa tham dự cuộc Hội thảo ‘Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: nhìn từ lịch sử, hướng về tương lai’ hôm 01/7/2023 tại Đà Nẵng dành cho sự quan tâm đặc biệt, liên quan triển vọng bang giao giữa hai nước cụ thể như sau:

"Về câu hỏi liệu Việt Nam và Nhật Bản có nâng cấp quan hệ hai nước từ Đối tác chiến lược sâu rộng lên Đối tác chiến lược toàn diện hay không, một đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam là ông Lê Huy Hoàng, Trưởng phòng Nhật Bản thuộc Vụ Đông Bắc Á, đã cho biết rằng ngày 09/02/2023, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, và nói sẽ nâng tầm quan hệ lên trên mức đã có, tức sẽ là tới một bước cao hơn.

Và sau đó, nhân chuyến thăm tham dự hội nghị G7 mở rộng ở Hiroshima vào hạ tuần tháng 5/2023, Thủ tướng Việt Nam hiện nay, ông Phạm Minh Chính cũng đã có những cam kết với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và hai bên thống nhất thúc đẩy nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới, cao hơn so với mức hiện có.

Và tôi cũng có nhận định rằng với những quan hệ đang có giữa hai bên như hiện nay, trong năm nay hoặc năm tới, hai nước sẽ bàn vấn đề nâng cấp. Vấn đề là hai nước tìm thuật ngữ như thế nào cho phù hợp và như chúng ta cũng biết, việc tìm thuật ngữ phù hợp, hay nâng cấp quan hệ giữa hai bên giữa Việt Nam không phải là việc đơn giản mà làm được, vì còn có một nước láng giềng luôn quan tâm quan sát rất sát sao mối quan hệ Việt – Nhật, và họ luôn luôn nghĩ rằng nếu Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp một mối quan hệ gì đó, có lẽ là để ‘chống lại họ’.

Do đó, hai nước phải hết sức khôn khéo trong việc tìm câu chữ và tìm thời điểm thích hợp để nâng cấp mối quan hệ đó, mặc dù hiện nay mối quan hệ đó đã rất tốt rồi", Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu lịch sử, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Đại học Đông Á từ Đà Nẵng, nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng hôm 03/7/2023.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 03/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Đức Anh Sơn, Quốc Phương
Read 35629 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)