Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/06/2017

Làm báo nhà nước

Nguyễn Tường Thụy

Tôi có thời kỳ khoảng 4 năm làm báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng không phải nhà báo, phóng viên mà là làm hợp đồng. Nói làm hợp đồng cũng không đúng mà là làm thuê. Các phòng thuê tôi vào để làm đỡ việc chứ chẳng có hợp đồng gì vì cơ quan không có chế độ hợp đồng, kiểu như ta ra chợ lao động gọi người vào thuê chăm sóc, tỉa cây thôi. Tiền công được trích từ tiền khoán chương trình. Tiền khoán ngoài tiền lương phóng viên nhà báo, có chương trình 12 triệu, có chương trình 18 triệu/tháng. Tiền công tôi có khi 500 nghìn đồng, cũng có lần 1 triệu, đưa bao nhiêu tôi cầm bấy nhiêu. Nói chung đủ tiền xăng xe, ăn trưa và thỉnh thoảng rủ bạn uống bia, còn ăn vẹm vào vợ con bữa tối. Đó là vào nửa cuối thập niên 90 thế kỷ trước.

bao1

Một ngày 21/6 ở ban Kinh tế - Khoa học - Công nghệ. Tác giả đứng, đầu bên phải, Chủ nhiệm Chương trình Kinh tế Nguyễn Quang Huy, ngồi, hàng trước, bên phải. (Chụp lại).

Đầu tiên tôi làm cho phòng kinh tế (tên phòng gọi theo tên chương trình phát thanh) mà anh trai tôi Nguyễn Quang Huy làm chủ nhiệm chương trình. Không hiểu tại sao người phụ trách có phòng gọi là trưởng phòng nhưng phòng này gọi là chủ nhiệm. Chức năng thì như nhau nhưng có lẽ không bổ nhiệm được trưởng phòng vì thiếu điều kiện nào đó như không phải đảng viên chẳng hạn nên gọi là chủ nhiệm chăng. Sau tôi sang làm cho Chương trình Thị trường - Giá cả. Hai phòng đều thuộc Ban Kinh tế - Khoa học - Công nghệ. Tôi học kinh tế quốc dân nên làm việc cho hai phòng này cũng thuận.

Việc của tôi là biên tập chương trình gồm chọn bài, biên tập, đánh máy, trình duyệt cuối cùng mang đi thu thanh. Thu thanh là khâu cuối cùng, có thể về, còn phát sóng là việc của bộ phận kỹ thuật. Với các nhà báo, phóng viên thì nhàn thôi nhưng công việc của tôi liên tục từ 8 giờ sáng cho đến 7,8 giờ tối.

Nguồn bài vở hầu hết chọn từ các báo in. Không biết các chương trình khác thế nào chứ 2 chương trình tôi đã làm thấy thư bài của bạn đọc gửi về rất ít. Phóng viên có tháng có bài, có tháng không. Tôi hỏi thì trưởng phòng bảo đúng ra mức giao cho phóng viên mỗi tháng 2 bài nhưng chẳng ai thực hiện được. Tôi cũng tham gia viết bài, viết được bài nào thì đưa vào chương trình. Cũng có khi tôi xin đi cơ sở để viết. Bài được sử dụng tuy không có nhuận bút nhưng là cách để rèn luyện tay viết.

Sáng nào các phòng cũng nhận được vài chục tờ báo đủ loại. Mỗi phòng chọn lấy những bài phù hợp với chương trình của mình, lấy kéo cắt ra rồi xếp vào thành chương trình từng ngày. Việc này gọi là "khai thác". Đầu tiên là trưởng phòng trực tiếp chọn bài, sau giao luôn cho tôi để anh rảnh tay. Mỗi chương trình thời lượng phát sóng 15 hoặc 10 phút gồm 3 bài, 1 bài chính, 1 bài vừa vừa và 1 bài ngắn. Vì vậy khi biên tập phải cắt đi sao cho phù hợp với thời lượng phát sóng, xong sửa chữa câu cú rồi đánh máy hoặc vừa đánh máy vừa sửa. Riêng bài thứ 3 thì không cần đánh máy, có thể dán vào một tờ giấy khổ A4, để nguyên hoặc sửa trực tiếp trên bài báo, vì vậy còn gọi là báo dán. Kéo văn phòng và hồ dán là những thứ không thể thiếu được khi hành nghề. Máy chữ thì dùng loại máy cổ, in bằng giấy than, mỗi lần có thể được 3 bản, kiểu như máy chữ của ông Hồ Chí Minh ở Việt Bắc.

bao2

Làm chương trình Thị trường - Giá cả . Ảnh nhà báo Nguyễn Thu Thùy. (Chụp lại).

Tôi vào việc khá nhanh, chỉ cần 3, 4 ngày là có thể đảm nhận được toàn bộ công việc được giao, tất nhiên lúc cần thiết vẫn có sự hỗ trợ của các phóng viên khác. Chủ nhật, ngoài chương trình thường, thêm một chương trình 30 phút nữa do các phóng viên, nhà báo thực hiện. Tôi làm cần cù, cẩn thận, có trách nhiệm, câu cú được nên mấy anh trong ban rất quý. Các anh bảo tính mày khác hẳn anh mày. Anh tôi là người ngang tàng, chưa bao giờ vào đảng nhưng chuyên môn thì không kém ai. Anh bảo chú cứ thế, cứ thể hiện như là âm bản của tôi. Tôi bảo em thế nào thì thể hiện ra vậy thôi.

Thông thường chương trình được chuẩn bị trước từ 4, 5 ngày đến 1 tuần. Về nội dung, cũng như các báo khác đều phải theo định hướng. Mỗi tuần trưởng phòng đi giao ban về phổ biến cho cả phòng chương trình tới tuyên truyền vấn đề gì, không được đưa tin về vấn đề gì, sự việc gì. Ví dụ như không được đưa tin về biểu tình ở Thái Bình, không được phát bài hát này nọ… Ở Đài Tiếng Nói Việt Nam cũng được chống tiêu cực, tất nhiên giới hạn ở cấp nào đó, phạm vi nào đó chứ không phải thích gì viết đó như báo tự do trên mạng bây giờ. Nhưng việc chống tiêu cực nhiều nhà báo cũng ngại, một là nguy hiểm, hai là mất thu nhập. Nếu đi các cơ sở (các địa phương, doanh nghiệp) viết bài ca ngợi, quan hệ vui vẻ thì phong bao cũng khá hơn. 

Vì vậy, không nói đến khác chính kiến, nhà báo nào dám chống tiêu cực đã là dũng cảm lắm. Cả cơ quan báo chí to như Đài Tiếng Nói Việt Nam cũng chỉ lốm đốm vài nhà báo chống tiêu cực chừng mực. Xin nêu một trường hợp đặc biệt về hậu quả chống tiêu cực là Nhà báo Trần Quang Thành. Thời kỳ 1986 ông làm ở Viện nghiên cứu Phát thanh - Truyền hình. Ông rất hăng hái chống tiêu cực, cả chống tiêu cực ngay ở cơ quan ông làm việc. Sau đó, ông, rồi con ông bị mất việc. Ngày 4/7/1991 ông bị tạt acid. Mặt ông bị biến dạng, mất cả môi và mũi, một mắt bị mù và một mắt thị lực còn 1/10, mất 81% sức khỏe. Năm 2008, ông sang Slovakia đoàn tụ gia đình. Hiện nay ông là cây bút có tiếng trong làng báo mạng với những bài viết, bài trả lời phỏng vấn cổ vũ cho phong trào dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

bao3

Nhà báo Trần Quang Thành. Ảnh VOA

Trong thời gian làm ở Đài Tiếng Nói Việt Nam, tôi cũng 3 lần có mặt vào ngày 21/6 gọi là ngày báo chí cách mạng. Ngày ấy hầu như cả cơ quan chẳng ai làm gì, chỉ tiếp khách và đi chơi. Bàn ghế được kê lại, bày lọ hoa, ấm chén và chờ khách. Khách đến tặng hoa, nói lời chúc mừng và kèm theo phong bì. Tôi biết phận, cứ ngồi phòng trong làm việc, thỉnh thoảng có người kéo ra chụp ảnh. Mỗi lần họp ban (ban là cấp trên phòng) tôi cũng chỉ ngồi làm việc. Các em các cháu về gọi, tôi cũng không sang vì thấy có cả bia bọt, bánh trái.

Hàng năm, Đài Tiếng Nói Việt Nam cũng thông báo tuyển người. Có nhiều cháu mới ra trường yêu thích nghề báo thấy thông báo cũng hồ hởi làm hồ sơ dự thi công chức. Tuy nhiên, trúng tuyển chỉ thấy con em cán bộ hay nhà báo lâu năm.

Nói đến những kỷ niệm ở Đài Tiếng Nói Việt Nam, không thể không nhắc đến nhà báo Phạm Chí Thành (Phạm Thành). Tôi biết anh trước khi vào làm việc ở đấy vì có thời kỳ anh cùng phòng Kinh tế với anh tôi. Tôi gặp Thành vào khoảng 1991, 1992 khi anh vừa xuất bản tập truyện ngắn Hậu Chí Phèo, thể hiện rõ nét hơn chất gai góc trong ngòi bút của anh. Năm ấy, Phòng Kinh tế, tuy là cơ quan báo chí nhưng lại được mùa về truyện ngắn : Phạm Thành xuất bản "Hậu Chí Phèo", Trần Nam Bình xuất bản "Người sống với vật thể tròn" còn Nguyễn Quang Huy xuất bản tập truyện ngắn "Người đàn bà nói dối".

Phạm Thành nói chuyện tự nhiên, vui vẻ, thoải mái. Kể cả khi khi tôi vào cơ quan làm việc, anh vẫn có thái độ thân tình ấy chứ không có sự phân biệt tôi là kẻ "ngoại đạo", "làm thuê". Gai góc trong ngòi bút và hồn nhiên trong giao tiếp là hai điều tôi nhận thấy ở con người anh.

Phạm Thành day dứt và chưa bao giờ bằng lòng với nghề làm báo nhà nước. Kỷ niệm này 21/6 năm nay, anh tâm sự "suốt 36 năm làm báo trong hệ thống báo chí nhà nước, tôi chưa bao giờ thấy mình được thoải mái và tự do thật sự, dù có lúc tôi cũng đứng ở vai trò sếp để kiểm duyệt và cho xuất bản báo". Nhưng lý do chính mà tôi nhắc đến anh trong bài viết này là anh là người duy nhất có nguồn gốc từ Đài Tiếng Nói Việt Nam và là một trong những nhà báo cộng sản hiếm hoi đứng hẳn về phía giới cần lao đau khổ, mạnh mẽ lên tiếng cổ vũ cho dân chủ nhân quyền. Cư dân mạng biết đến anh qua blog Bà Đầm Xòe, sau đó là facebook Thành Phạm. 

Sau khi xác định dứt khoát hướng viết mới , anh "như hổ về lại rừng hay như đại bàng được dang rộng đôi cánh với ý chí dứt khoát bằng một tuyên ngôn trên blog :

Hãy xòe cho rông, mở cho hết

Trắng bụng, lấm lung với tự do’".

Sau không làm ở Đài Tiếng Nói Việt Nam nữa thì tôi hay viết bài cho các báo in. Viết những bài con con thôi theo kiểu nêu ý kiến góp ý xây dựng này nọ, phản ảnh ba chuyện vặt như hố ga mất nắp gây chết người, ông chủ tịch xã quát dân, gương người tốt việc tốt… Viết cho báo nào, tôi phải đặt mua báo ấy để theo dõi, vì chẳng bao giờ có hồi âm. Những bài gửi đến hầu như đều được đăng cả. Cứ được 3, 4 bài thì tôi đến hỏi nhuận bút. Có những lần đến hỏi thấy biên tập viên đã "lĩnh hộ". Người chi trả gọi người ký nhận đến thì các cháu đưa lại cho 1/3, 1/4 gọi là công cung cấp tài liệu (có nghĩa phần còn lại là công biên tập). Thì ra bài viết của tôi được coi là tài liệu. Vậy họ biên tập những gì ? Họ sửa đi vài chữ, mà thường là sửa theo hướng chữ thay vào kém đi, tôi đọc bài in ra, rất tiếc. Thậm chí có khi còn tự ý thêm cả ý bịa ra. Tôi ngạc nhiên vì cách làm ăn này, vừa cẩu thả, vừa coi thường tác giả. Gặp mấy cháu như thế, tôi đoán các cháu mới vào nghề.

Sở dĩ tôi viết được như sau này là cũng nhờ vào thời gian làm ở Đài Tiếng Nói Việt Nam. Khi anh tôi bảo tôi vào làm, tôi tỏ ý lo ngại mình không đủ khả năng. Tôi nghĩ làm báo phải giỏi giang lắm vì tôi nhìn từ anh tôi mà ra. Tôi coi nghề báo là một lãnh địa mà tôi không thể mon men vào được. Anh bảo, chú viết lách được thì làm báo được, tính chú lại cẩn thận. Nhiều đứa chẳng có trình độ gì mà nó vẫn là nhà báo. Tôi chỉ sợ làm một thời gian chú lại khinh nghề báo thôi. Sau này tôi thấy anh nói thế là có cơ sở.

Anh tôi trái tính, nhiều lúc vô lý rất khó chịu nhưng là người tâm huyết với nghề. Anh làm việc nghiêm túc, sửa bài từng dấu phảy, từng từ không chính xác, bỏ từng chữ thừa. Đầu tiên anh soi bài tôi biên tập rất kỹ, sau yên tâm về tôi rồi thì chỉ đọc lướt qua là ký. Anh rất ghét những nhà báo coi thường nghề của mình. Có người thấy tôi suốt ngày ngồi tỉa tót câu chữ, bảo mày kỳ công vậy làm gì, xong nó phát lên giời, ai để ý. Lại có anh gọi Đài Tiếng Nói Việt Nam là báo dán. Tôi thấy các anh ấy nói đúng nhưng anh tôi thì rất ghét nói ra những điều ấy.

Trước đó, thời kỳ tôi đi nhận thầu công trình, có lần tôi với anh tranh cãi về nghề nghiệp. Anh bảo : "Thế sản phẩm của chú là gì ?" Tôi bảo sản phẩm của em là con đường, là các công trình như hồ, đập, rồi hỏi lại : "Thế còn sản phẩm của anh ?". Anh nói sản phẩm của tôi là các bài báo. Tôi lại vặn, vậy nó có giá trị sử dụng như thế nào ? Anh bảo nó tuyên truyền cho đường lối, chính sách của đảng và nhà nước. Tôi chộp được, nói, anh tuyên truyền cho đảng, coi chừng chỉ có lợi cho đảng chứ không những không có lợi cho dân cho nước mà còn làm hại. Đấy là những sản phẩm lỗi, sản phẩm hỏng.

Tôi tưởng bị anh chửi cho một trận, không ngờ anh ngẩn người ra, nói rất hiền : "Ừ nhỉ. Có thể như thế thật".

Xem ra công việc của tôi hồi ở Đài Tiếng Nói Việt Nam khá nhàm chán nhưng nó lại phù hợp với sở trường và sở thích của mình. Làm việc vất vả, tiền công thấp lại thấp cổ bé họng vì mình là kẻ làm thuê nhưng mục đích của tôi là học việc, ở đây là việc viết. Ngoài ra tôi còn biết thêm những điều mà nó tác động đến quan điểm làm báo của tôi sau này như thấy những cơ quan báo chí khổng lồ chẳng có ích lợi gì mà còn có hại. Chính anh tôi, nhà báo của nhà nước là người dẫn dắt tôi vào nghề báo nhưng lại là viết báo độc lập.

Anh tôi mất khi còn 1 năm nữa thì về hưu. Anh đã in mấy tập thơ và truyện, viết dở 1 cuốn tiểu thuyết. Anh ôm ấp nhiều dự định viết sau khi về hưu nhưng không thực hiện được. Cuộc đời ngắn ngủi của anh toàn đau khổ và bi kịch. Tôi nhắc lại những kỷ niệm ở Đài Tiếng Nói Việt Nam còn là để tưởng nhớ đến anh nhân ngày báo chí Việt Nam.

21/6/2017

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 23/06/2017 (nguyentuongthuy's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Tường Thụy
Read 1111 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)