Yêu nước là yêu nhà nước (!)
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 10/07/2023
Nhóm nhạc nữ có tên gọi BlackPink đến Hà Nội trình diễn với hai đêm liên tục, có thể phục vụ cho 40.000 khán giả. Thông tin này nhanh chóng thu hút lượng khán giả mộ điệu - Hầu hết là giới trẻ, lứa tuổi người ta đặt tên là generation Z (được sanh trưởng trong khoảng 1997 - 2010). Ở Việt Nam, đây là thế hệ hầu như không màng đến chính trị - xã hội và thời cuộc. Bởi mục tiêu của họ là kiếm tiền - vui chơi và sống theo trào lưu phương Tây, với sự tự do hóa tuyệt đối. Nói cách khác, thế hệ này được cổ súy và xiển dương cao nhứt, bằng khái niệm "tự do cá nhơn" - Hãy sống và hãy làm tất cả những gì bạn thích. Đặc biệt, thế hệ Z được hưởng gần như đầy đủ nhứt về sự bùng nổ từ công nghệ và internet, của thế kỷ 21.
Nhóm nhạc nữ có tên gọi BlackPink đến Hà Nội trình diễn với hai đêm liên tục, có thể phục vụ cho 40.000 khán giả.
Cũng vì lẽ đó - cùng với chương trình giáo dục tại Việt Nam - thế hệ Z gần như mù mờ về lịch sử - chánh trị của Việt Nam, nhứt là giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại. Cho tới khi, nhóm nhạc BlackPink với sự xuất hiện "đường lưỡi bò", trở thành sự tranh cãi kịch liệt giữa họ với thế hệ Baby Boomers (sinh trưởng trong khoảng 1946 - 1964) và thế hệ X (sanh trưởng trong khoảng 1965 - 1980), thế hệ Y (sanh trưởng trong khoảng 1981 - 1996) về tính chánh trị, được lồng ghép trong một chương trình ca nhạc.
Đài VOA, hôm 9 tháng Bảy năm 2023 có bài "Từ vụ BlackPink và đường 9 đoạn : Yêu nước hay yêu thần tượng ?" [1]. Bài báo này phản ánh sự mâu thuẫn giữa đôi bên. Thế hệ Z cho rằng không nên "cực đoan" khi đưa yếu tố "chủ nghĩa dân tộc" vào để đòi tẩy chay BlackPink. Phía ngược lại, lo sợ giới trẻ sẽ quên mất an nguy "tổ quốc - dân tộc", vì khi háo hức thưởng thức nhóm nhạc này với "đường lưỡi bò", coi như ngầm ủng hộ nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc, trong vấn đề chủ quyền quốc gia.
Bên cạnh sự tranh cãi về nhóm nhạc nữ có trên 30 tỷ lượt xem trên youtube, hình ảnh "đường lưỡi bò" cũng xuất hiện trong bộ phim "Flight to you", được Cục Điện ảnh gởi văn bản yêu cầu Netflix và FPT gỡ bỏ bộ phim này trên nền tảng của họ [2]. Trong khi, bộ phim này đã được công chiếu từ cuối năm 2022. Rõ ràng, đây là sự hời hợt của phía Cục Điện ảnh, trong chức trách do nhà nước giao phó vấn đề kiểm duyệt.
"Đường lưỡi bò" không hề mới mẻ, bởi nó được biết đến chính thức vào năm 1953, sau khi Nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc nắm quyền cai trị tại Trung Hoa Đại Lục, vào năm 1949.
Chiến tranh liên miên cùng nhiều xáo trộn kinh tế - chính trị - xã hội tại Việt Nam suốt từ 1954 cho đến 1975 và kéo dài đến 1995 (thời điểm Hoa Kỳ bỏ cấm vận Việt Nam), khiến lịch sử hiện đại, trở thành "cuốn tự truyện" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam với nhiều khuất tất và khuất lấp, khiến thế hệ Baby Boomers - thế hệ X - thế hệ Y cũng gây tranh cãi với nhiều hoài nghi âm ỉ, kéo dài nhiều năm và nhiều ý kiến của các bậc thức giả trong - ngoài nước, đòi làm rõ về giai đoạn lịch sử hiện đại Việt Nam nói chung và "đường lưỡi bò" nói riêng. Như vậy, làm sao có thể đòi hỏi thế hệ Z coi đó là "ảnh hưởng trầm trọng" an ninh quốc gia, khi mà trong tất cả sách giáo khoa, họ chưa bao giờ được giảng dạy chính thức ? Vì vậy, đổ lỗi cho thế hệ Z, chỉ thông qua một đêm nhạc là một sự vô trách nhiệm, từ phía "người lớn".
Không thể không nhắc lại cuộc biểu tình rầm rộ, có thể coi là lớn nhứt, kể từ sau 1975, xảy ra liên tục khoảng 1 tuần vào tháng Sáu năm 2018, tại nhiều địa phương : Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Khánh Hòa v.v... Nguyên nhân cũng liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, với việc Quốc hội bàn thảo việc cho thuê đất lên đến 99 năm. Hậu quả của cuộc biểu tình này, hơn 120 người bị bỏ tù. Thế hệ Z có được dạy và có quyền nhắc về nguyên nhân của nó ?
Với tư cách "Bên Thắng Cuộc" cùng "cuốn tự truyện" mang tên Lịch Sử nắm trong tay của kẻ chiến thắng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã dạy cho nhiều thế hệ, kể cả thế hệ Z về những vấn đề... gần giống... với Lịch Sử ( :). Song song đó, thế hệ cha - anh của gen Z luôn được dạy, mọi vấn đề đều phải "TIN VÀO QUYẾT ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC" - phát ngôn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân [3] với tư cách Chủ tịch Quốc hội vào ngày 11 tháng Sáu năm 2018.
Không thể trách thế hệ Z, bởi thế hệ ông bà - cha mẹ - anh chị của họ đã và vẫn đang được dạy : Yêu nước là yêu nhà nước ( :). Nhược bằng, chỉ có thể là "thế lực thù địch".
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 10/07/2023
[1] https://www.voatiengviet.com/a/tu-vu-blackpink-va-duong-9-doan-yeu-nuoc-...
[2] https://tinmoi-247.com/giai-tri/yeu-cau-netflix-fpt-play-go-phim-trung-q...
[3] https://vnexpress.net/chu-tich-quoc-hoi-keu-goi-nguoi-dan-binh-tinh-tin-...
***********************
Người trẻ ở Việt Nam thờ ơ ‘đường lưỡi bò’ ?
Ngọc Linh Lan, VNTB, 10/07/2023
Nếu Nhà nước Việt Nam tận dụng cơ hội này để mạnh tay hủy sô của BlackPink, thì ‘sẽ tạo tiếng vang đối với quốc tế’.
‘Phương án chữa cháy’ là hãy phát động ngay việc in ấn những vật dụng gì đó để khán giả mang đến dự đêm nhạc
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần phải phát động phong trào thanh niên tẩy chay mọi hoạt động văn hóa liên quan đến ‘đường lưỡi bò’.
"Những người mang cờ vào sân bóng để thể hiện lập trường tư tưởng lại không dám hé miệng về ‘đường lưỡi bò’ iME, công ty tổ chức Born Black Pink. Nếu đã sợ hay vì lợi ích nào đó mà hến miệng thì từ nay đừng diễn trò nữa" – một nhà báo đang làm việc ở tờ báo có chủ quản là Thành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra thách thức như vậy.
Mạnh miệng là thế, song vị nhà báo này lại không thấy đề xuất cơ quan chủ quản của báo phát động một chiến dịch tạo làn sóng tẩy chay tất cả các sự kiện văn hóa, phim ảnh có nội dung, dù là thấp thoáng, của ‘đường lưỡi bò’.
Cũng theo nhà báo trên, rất có thể ở đây "lệnh ngầm" nào đó, bởi "mấy vụ ‘đường lưỡi bò’ trước, báo chí hăng lắm, vụ Born Black Pink lờ đờ, chắc tạm nghỉ yêu nước cho nó hát".
Một câu hỏi đặt ra cho giới trẻ hôm nay, giới trẻ của "thế hệ Bác Hồ", đó là từ vụ BlackPink và đường 9 đoạn : Yêu nước hay yêu thần tượng ? Bởi hàng chục ngàn vé đã bán hết sạch chỉ sau vài tiếng đồng hồ mặc dù giá vé lên đến cả chục triệu đồng.
Tôi cho rằng ở đây cần phải xem xét trách nhiệm không thể nào phủ nhận từ phía nhà chức trách, thay vì đặt vấn đề lên bàn cân của "yêu nước" hay "yêu thần tượng", bởi trên thực tế, nói theo cách của nhân vật Chí Phèo trong tiểu thuyết văn chương, thì "ai cho họ quyền bày tỏ yêu nước" ?
Năm 2011, báo Sài Gòn Tiếp Thị (hiện đã bị ‘chuyển chủ quản’) tổ chức bán áo thun có in hình đường lưỡi bò cách điệu và dòng chữ "SAY NO TO U-LINE :- – SAY YES TO UNCLOS :". Sản phẩm được bày bán công khai tại tòa soạn của báo này ở số 25 Ngô Thời Nhiệm, và toàn bộ số tiền lãi thu được từ việc bán áo này sẽ góp phần ủng hộ ngư dân bị Trung Quốc bắt.
Thế nhưng rất nhanh sau đó việc bán hàng này phải kết thúc sớm, và những ai ‘dám’ mặc áo này ra đường thường sẽ được ‘mời cà phê’ miễn phí (?:).
Cũng thông cảm cho những vụ ‘mời cà phê’ này mà chính người viết đây cũng từng làm ‘khách’, đó là một thời mà đúng như dặn dò của nhà sử học lão làng Đinh Xuân Lâm trong suốt cả cuộc đời dạy học của mình, là bất cứ giảng gì, nhưng khi kết luận phải nói một câu "nói chung, Nhà Nguyễn là phản động toàn diện", dựa trên kết luận của cố Tổng bí thư Lê Duẩn về Nhà Nguyễn.
Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng nhu cầu khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà Nhà Nguyễn chính là chính quyền đầu tiên thể hiện điều đó, là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến lúc còn tại vị, Lê Duẩn rất ngại ngần.
Có một đề xuất, nếu Nhà nước Việt Nam tận dụng cơ hội này để làm mạnh tay, tức là hủy sô của BlackPink, thì ‘sẽ tạo tiếng vang đối với quốc tế’. Bởi khi ấy cả thế giới sẽ biết đến việc Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, và biết rằng Việt Nam sẽ đấu tranh trên mọi mặt trận kể cả nghệ thuật.
Những người trẻ sẽ tham gia ‘cuộc chơi sắc màu chính trị’ ấy trong sự cuồng nhiệt tương tự như "yêu thần tượng", với vai trò thủ lĩnh ở đây là cụ thể các Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh từ cấp cơ sở, địa phương đến trường học và cả doanh nghiệp.
Nếu như viện lý do "lỡ bán vé, lỡ cấp phép" kèm ẩn tình XYZ gì nữa ‘khó nói’, thì ‘phương án chữa cháy’ là hãy phát động ngay việc in ấn những vật dụng gì đó để khán giả mang đến dự đêm nhạc vừa cổ vũ, vừa mang tính cổ động chính trị chuyện Việt Nam kiên quyết phản đối ‘đường lưỡi bò’. Sức mạnh truyền thông sẽ giúp lan tỏa thông điệp này từ những fan BlackPink.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải là tiên phong trong chuyện phản đối bất kỳ sự kiện văn hóa nào có dính dáng đến ‘đường lưỡi bò’.
Ngọc Linh Lan
Nguồn : VNTB, 10/07/2023
*************************
BlackPink và chuyện đường chín đoạn
Tuấn Khanh, RFA, 09/07/2023
Câu chuyện ban nhạc Hàn Quốc được một công ty Trung Quốc đưa đến Việt Nam biểu diễn, nó mở ra những thách thức mới đối với nhà nước Việt Nam về vấn đề đối phó toàn diện với cả một hệ thống tuyên truyền rộng lớn tinh vi và kiên trì của Trung Quốc từ suốt nhiều năm nay.
BlackPink đang là nhóm nhạc nữ đắt giá nhất hiện nay. Các sản phẩm âm nhạc, buổi biểu diễn của nhóm luôn nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt từ người hâm mộ toàn cầu
Cần nhớ chính sách của Trung Quốc luôn nhất quán bảo vệ quan điểm của mình - họ đã chính thức áp dụng trên toàn thế giới và công khai - nghiêm khắc với cả người bên ngoài Trung Quốc.
Đã từng có những ngôi sao lớn của phương Tây vấp phải nguyên tắc này như Brad Pitt, Keanu Reeves, Kenny G… thậm chí có người đã phải nói lại, quy phục, thậm chí ra mặt nịnh bợ để có thể tiếp tục khai thác thị trường Trung Quốc như John Cena. Bắc Kinh rất rõ ràng : "không đi với tôi, tức là kẻ thù của tôi".
Nhưng với Việt Nam thì bối cảnh có nhiều khác biệt so với Trung Quốc. Những người trong nước ra mặt chống đường chín đoạn, và thậm chí đeo đuổi những suy nghĩ chống lại đường lưỡi bò của Trung Quốc, đòi lại phần đất của tổ quốc mình bị cưỡng chiếm như Hoàng Sa hay Gạc Ma, thì hầu hết gặp rắc rối không thể kể hết, bao gồm cả tù tội.
Nhưng những nghệ sĩ Trung Quốc công khai lên tiếng ủng hộ đường chín đoạn lại luôn được chào đón ở Việt Nam, được báo chí ca ngợi và vuốt ve, và được cố ý xóa nhòa về quan điểm chính trị chống Việt Nam.
Có ý kiến rằng hình ảnh đường chín đoạn của công ty IMe có thật sự quan trọng và đáng để lên tiếng không ? Thật khó mà trả lời bằng một cái nhìn đơn giản như vậy. Nhưng tôi chỉ tự hỏi rằng liệu một nghệ sĩ Việt Nam mặc áo chống đường chín đoạn của Trung Quốc hay công khai bày tỏ quan điểm khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, liệu họ có được tự do và dễ dàng đi vào Trung Quốc tổ chức những chương trình biểu diễn rộng lớn hay không ?
Về mặt chống tuyên truyền với đường chín đoạn của Trung Quốc, lâu nay có vẻ như nhà nước Việt Nam đã sử dụng đến 70% sức mạnh của mình để chỉ kiểm soát người dân trong nước, nhằm không cho những tổ chức hay cá nhân nào lên tiếng phản đối, và chỉ sử dụng khoảng 30% mang tính ứng xử ngoại giao đối ngoại với Trung Quốc về việc này mà thôi.
Có thể thấy rõ nhà nước Việt Nam dường như muốn khẳng định rằng tất cả những câu chuyện của đất nước như vậy, chỉ có những cơ quan chức năng mới được quyền lên tiếng, hoặc thỉnh thoảng ủy quyền cho một vài tổ chức dân sự - được chỉ định - lên tiếng.
Vấn đề của nhà nước Việt Nam, không thể là cứ đối phó lần lượt với từng câu chuyện như với cty IMe mà phải có một chính sách kiên định và rõ ràng như luật : Bất kỳ ai ủng hộ những quan điểm tổn hại đến quốc gia, dân tộc thì sẽ bị cấm triệt để, không được bước vào đất nước này. Trong trường hợp Bắc Kinh đã từng cổ xúy cho giới văn nghệ sĩ hô hào ủng hộ đường chín đoạn, Hà Nội cũng cần đáp trả bằng cách công bố công khai cấm với cả danh sách những nghệ sĩ Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ đường chín đoạn.
Trong các sự kiện ở Việt Nam từ văn hóa cho đến kinh tế, luôn có những điều chồng chéo từ luật pháp cho đến những mối làm ăn riêng lẻ của các quan chức, và những thỏa thuận ngầm. Chuyện công ty IMe bị vạch trần vào giờ cuối là một công ty ủng hộ đường chín đoạn của chính quyền Trung Quốc, cũng có thể bị coi là từ chuyện không hài lòng nhau trong hậu trường qua vụ làm ăn.
Hiện tại, chuyện ứng xử đối với công ty IMe đang kèm những rắc rối đang dắt dây với nhau, bao gồm từ bộ mặt quốc gia cho đến việc chất vấn lại trong nội bộ đã ra giấy phép, và nói bằng cách nào đó thì có thể dự đoán rằng cú làm ăn lớn này khó có thể dừng lại : Nó ắt sẽ được xoa dịu công chúng bằng cách nào đó.
Đừng quên chương trình nhóm Black Pink đến Việt Nam biểu diễn được hớn hở chào đón một cách đặc biệt, rất sớm trên trang fanpage Thông tin Chính phủ, một điều mà chưa có nhóm nhạc nào trên thế giới đến làm show ở Việt Nam, được vỗ tay hân hoan sớm như vậy.
Bộ ngoại giao Trung Quốc đã chính thức có thông tin, ra vẻ rất cao thượng, nói rằng không nên đặt những vấn đề chính trị vào các sự kiện văn hóa. Nhưng điều Bắc Kinh rúng động lên tiếng, có vẻ không phải là nhắm vào nhà nước Việt Nam mà là muốn ngụ ý đến thái độ luôn luôn quan sát, hành động chính danh và quyết liệt của người dân Việt Nam đối với tất cả mọi âm mưu và những phương thức lập lờ của Bắc Kinh. Đối phó với các quan chức và các hệ thống hành chính tại Việt Nam dường như bao giờ cũng dễ dàng hơn so với quan điểm và sức nóng của người dân.
Nói về lợi dụng văn hóa để lồng chính trị vào thì Trung Quốc là bậc thầy. Nhiều năm nay họ dùng nhiều tiền của để can thiệp vào các kịch bản của Hollywood cũng như các sản phẩm giải trí vô hại khác. Một người bạn trẻ ở Úc gửi cho tôi hình trái bóng tròn của trẻ con, in hình địa cầu cũng có kèm cả đường chín đoạn.
Những vụ cấm đoán điện ảnh phương Tây chứa hình ảnh đường chín đoạn của Việt Nam gần đây, có thể nói là đã gửi những thông điệp rất cụ thể đến với Trung Quốc, nhưng vẫn là gián tiếp. Lần này đối tượng cụ thể là một công ty Trung Quốc ủng hộ chính sách của nhà nước cầm quyền. Tôi cũng như những người dân Việt Nam khác cũng đang chờ đợi xem nhà nước Việt Nam sẽ ứng xử trực tiếp và chính danh như thế nào, với nơi đã xác nhận treo tấm bản đồ có đường chín đoạn phi pháp này, nhưng lại lý giải là "không chủ đích nhằm vào người Việt Nam".
Thưởng thức văn hóa và hâm mộ thần tượng là câu chuyện phi biên giới của các thế hệ. Câu chuyện của Black Pink ở Việt Nam hôm nay phức tạp hơn, vì họ đến Việt Nam với người dẫn đường có giắt sau lưng tấm hải đồ chà đạp chủ quyền Việt Nam.
Bản thân Black Pink là một hiện tượng văn hóa và không có gì sai khi giới trẻ Việt Nam đam mê những nghệ sĩ này. Vấn đề là sự ứng xử của ban tổ chức có đủ thông minh và ý thức về danh dự tổ quốc hay không.
Hãy tưởng tượng, chẳng hạn chương trình biểu diễn này vẫn được diễn ra, nhưng tất cả những vé bán ra cho chương trình của Black Pink đều có một mặt in hình đường chín đoạn phi lý bị gạch bỏ, với chú thích rõ là dù công ty tổ chức biểu diễn chương trình này có quan điểm không đúng, người Việt Nam không chấp nhận, nhưng hoan nghênh và chấp nhận và chào đón nhóm Black Pink.
Tôi có nhận được những thông điệp bất bình của một số bạn trẻ về việc lên tiếng "làm quá" chuyện công ty IMe. Nhưng thật ra, những người trẻ đó không có lỗi khi sân khấu chính của đất nước này vẫn đang trình diễn những điều bất cập không có lời giải chạy dài theo suốt nhiều thập niên, mà họ là những khán giả bị ám thị.
Ở miền Bắc đã từng có những giai đoạn những thanh niên tụ tập hát nhạc Beatles, bị chính quyền địa phương đến răn đe. người hát nhạc tiền chiến bị đi tù. Miền Nam có những giai đoạn sách vở băng đĩa nhạc bị lôi ra đường đốt và đấu tố.
Nhiều năm tháng, những người trẻ được khuyến khích chỉ nên thụ hưởng là chính, đừng quan tâm gì bên ngoài tầm mắt của mình, và chỉ nên nghĩ đến những điều gần gũi với họ nhất, hơn là những vấn đề chính trị lẫn khuất sau đó, và hãy tin vào phán quyết của truyền thông dòng chính. Họ tin, và họ hẫng.
Tôi đọc trên các trang mạng, đâu đó có câu hỏi rằng liệu có thể chấp nhận được giới trẻ hôm nay hay không, khi họ đặt quyền giải trí ích kỷ của họ lên cả những giá trị đất nước. Nói vậy thì thật oan và một chiều. Thật ra cũng cần phải đặt thêm một câu hỏi từ một góc độ khác là, liệu Nhà nước Việt Nam có vì tình hữu nghị cam kết với Bắc Kinh, mà nhân nhượng sự kiện hôm nay, không muốn làm lớn chuyện như việc cấm đoán các bộ phim phương Tây, bất chấp một hiện thực về giá trị chủ quyền đang bị xóa nhoà và lạm dụng tuyên truyền ?
Cuối cùng, cũng cần nhắc lại rằng việc cấm bộ phim Barbie, đã được hãng sản xuất Warner Bros chỉ ra rằng là vô lý, vì bản đồ giả tưởng trong phim không liên quan gì đến hiện thực Việt Nam. Tuy nhiên bằng sự quả quyết và kiên định, phía kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam vẫn quyết không rút lại lệnh cấm.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 09/07/2023
**************************
Từ vụ BlackPink và đường 9 đoạn : Yêu nước hay yêu thần tượng ?
VOA, 09/07/2023
Mặc dù công ty iMe Entertainment của Trung Quốc, đơn vị tổ chức chương trình, đã ‘xin lỗi chân thành’ và khẳng định rằng họ ‘tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước’, nhưng trên mạng xã hội, nhiều người vẫn kêu gọi tẩy chay hai đêm diễn ‘Born Pink’ của nhóm nhạc Hàn Quốc tại Sân Vận động Quốc gia Mỹ Đình vào ngày 29 và 30/7.
Bốn thành viên nhóm BlackPink có sức hút lớn với giới trẻ toàn cầu
Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi tẩy chay này, hàng chục ngàn vé đã bán hết sạch chỉ sau vài tiếng mặc dù giá vé lên đến cả chục triệu đồng.
‘Yêu nước cực đoan’
Theo quan sát của VOA, phía tẩy chay đã lên án nặng nề phía ủng hộ là ‘Việt gian’, ‘Hán nô’, ‘tay sai’, ‘bán nước’, ‘tiếp tay cho giặc’… trong khi các fan của BlackPink đả kích lại những người này là ‘cực đoan’, ‘tiêu chuẩn kép’, ‘yêu nước bằng mồm’, ‘yêu nước nửa mùa’ hay ‘yêu nước online’…
Trên trang BlackPink Vietnam Fan Club, một số fan của nhóm nhạc nữ này kêu gọi mọi người ‘yêu nước nhưng đừng cực đoan’ và lập luận sô diễn của BlackPink ‘đem lại nhiều lợi ích kinh tế’ vì kéo theo du khách quốc tế, nhà nước được thu tiền thuế, nhân công, cơ sở vật chất Việt Nam được thuê mướn…
Đêm nhạc đầu tiên của BlackPink ở Việt Nam, vốn rất được chờ đợi, đã bùng phát tranh cãi sau khi trang fanpage của iMe Vietnam đăng đường dẫn đưa tới trang chủ của họ ở Trung Quốc mà trên đó có đăng bản đồ đường chín đoạn vốn tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với hầu hết Biển Đông.
Một khán giả có tên ‘Tic Micro’ viết trên trang BlackPink Vietnam Fan Club như sau : "Trang web của trụ sở chính có bản đồ đường lưỡi bò là bình thường. Bạn làm ăn với họ, qua nhà họ bạn không thể đòi hỏi thứ đi ngược lại với chính phủ của họ được".
"Đừng mù quáng tẩy chay. Việt Nam và Trung Quốc về kinh tế đang hợp tác với nhau, tôi rất sợ chủ nghĩa dân tộc thái quá làm ảnh hưởng đến kinh tế nước nhà",khán giả này viết thêm.
Theo khán giả này lập luận thì những nhà nhập khẩu Việt Nam nhập hàng của đối tác Trung Quốc có đăng hình lưỡi bò ‘chả có ai ủng hộ đường lưỡi bò cả’.
"Tôi không hiểu tẩy chay kiểu gì. Bao năm qua họ treo trên trang web họ như vậy thì mọi người đâu không thấy phản đối",Tic Micro viết.
Một fan hâm mộ khác tên Nguyên Phương thì biện hộ cho iMe rằng họ không đăng bản đồ đường lưỡi bò mà chỉ là một đường dẫn đưa tới trang chủ của công ty mẹ ở Trung Quốc vì họ không có trang web riêng ở Việt Nam.
"Nếu tẩy chay thì đừng dùng mấy cái đồ của Trung Quốc nữa : Xiaomi, Huawei, Haidilao, Mixue, Tiktok… Đến cả Chanel, Dior thì trang web của họ bên Trung Quốc cũng gắn đường lưỡi bò thôi, yêu nước thì yêu cho tới chứ đừng nửa mùa",Nguyên Phương lập luận. "Chẳng lẽ tất cả các công ty Trung Quốc đều nên tẩy chay ? Rất nhiều công ty Trung Quốc đặt chi nhánh ở Việt Nam tạo công ăn việc làm cho dân mình".
Giới trẻ sẽ quên chủ quyền ?
Trao đổi với VOA từ Hải Phòng, anh Đỗ Hải Dương, cựu sinh viên Đại học Luật và Đại học Bách khoa Hà Nội, nói rằng mặc dù anh là fan hâm mộ BlackPink nhưng sô diễn của họ ‘liên quan đến chủ quyền quốc gia’ nên anh không ủng hộ.
Theo phân tích của anh thì hậu quả lớn nhất là ‘trước mắt là nó sẽ tác động vào ý thức của thanh thiếu niên Việt Nam’. "Giới trẻ Việt Nam sẽ dần quên mất cái mà họ phải bảo vệ, cụ thể là lãnh thổ trên biển của Việt Nam", anh nói.
"Nếu có một sô diễn khác lặp lại tương tự, họ sẽ biện minh rằng tại sao sô của BlackPinh được diễn mà các nghệ sĩ khác không được diễn dù vẫn liên quan đến đường lưỡi bò", anh Đỗ Hải Dương lập luận.
Về những fan đã mua vé đi xem, anh Dương nói anh ‘không đánh giá’ nhưng nhấn mạnh nhu cầu ‘phải tăng cường giáo dục và tuyên truyền’.
"Khi yêu ai đó người ta thường đặt nó trên mọi thứ. Giờ là thời bình mọi người dễ bị phân tâm vào lối sống hưởng thụ", anh lý giải.
Tuy nhiên, anh không cho rằng những bạn trẻ đi xem sô ‘Born Pink’ ‘không phải là không yêu nước’ và những lý lẽ họ đưa ra ‘chỉ ra đang cố cãi để hợp thức hóa hành động của họ thôi’.
"Khi có chuyện xảy ra [như khi đất nước bị xâm phạm chủ quyền] thì tất cả người Việt Nam sẽ cùng nhau đứng lên đấu tranh thôi",anh nói.
Khi được hỏi khi mà đông đảo giới trẻ Việt Nam vẫn đổ xô đi xem thì sự tẩy chay của một số người có tạo nên khác biệt gì không, anh trả lời ‘chắc chắn là có dù rất nhỏ, nếu tạo được hiệu ứng dây chuyền thì càng tốt.’
Trả lời câu hỏi có tẩy chay tất cả những gì của Trung Quốc có dính đến đường lưỡi bò không, anh nói bản thân anh vẫn thích xem và nghe các nghệ sĩ, diễn viên của Trung Quốc. "Nói cho cùng họ cũng đang đem làm con bài chính trị cho chính phủ Trung Quốc mà thôi. Họ có quyền yêu nước của họ",anh nói.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Hà làm việc cho một công ty quảng cáo ở Quận 3, nói với VOA rằng người con gái tuổi teen của bà hâm mộ cuồng nhiệt BlackPink và nài nỉ mẹ mua vé cho ra Hà Nội coi sô. Bà nói dù thương con nhưng bà cũng giải thích cho con hiểu về vấn đề chủ quyền biển đảo và con gái bà ‘sau khi nghe cũng đã hiểu’.
‘Phải kiên quyết trước Trung Quốc’
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng ở thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA rằng ông đã bị một số bạn trẻ gửi tin nhắn chửi bới sau khi ông lên tiếng về công ty iMe đăng bản đồ hình lưỡi bò.
"Nói về lợi dụng văn hóa để lồng chính trị vào thì Trung Quốc là bậc thầy. Nhiều năm nay họ dùng những tiền của để can thiệp vào các kịch bản của Hollywood cũng như các sản phẩm giải trí vô hại khác",ông nói và cho biết một người bạn trẻ ở Úc đã gửi cho ông xem hình trái bóng tròn in hình địa cầu cũng có kèm cả đường chín đoạn.
Ông cho rằng nhà nước Việt Nam phải có chính sách kiên định và rõ ràng chứ không thể đối phó lần lượt từng trường hợp. "Bất kỳ ai ủng hộ những quan điểm tổn hại đến quốc gia, dân tộc thì sẽ bị cấm triệt để, không được bước vào đất nước này",ông nói.
Khi được hỏi vụ việc của iMe Entertainment có nghiêm trọng không, ông Tuấn Khanh lập luận rằng nếu một nghệ sĩ Việt Nam mặc áo chống đường chín đoạn của Trung Quốc hay công khai bày tỏ quan điểm khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thì ‘liệu họ có được tự do và dễ dàng đi vào Trung Quốc tổ chức những chương trình biểu diễn rộng lớn hay không ?’
So sánh việc cấm đoán những bộ phim Hollywood có hình ảnh đường chín đoạn, mà mới đây nhất là phim Barbie của Warner Bros, ông Khanh cho rằng ‘Việt Nam đã gửi thông điệp rất cụ thể đến với Trung Quốc, nhưng vẫn là gián tiếp’.
"Lần này đối tượng cụ thể là một công ty Trung Quốc ủng hộ chính sách của nhà nước cầm quyền. Tôi cũng như những người dân Việt Nam khác cũng đang chờ đợi xem nhà nước Việt Nam sẽ ứng xử trực tiếp và chính danh như thế nào",ông bày tỏ và chỉ ra việc BlackPink được chào đón một cách đặc biệt trên trang Thông tin Chính phủ với cái tên rất Trung Quốc là nhóm ‘Hắc Hồng’.
Tận dụng cơ hội
Về sự cuồng nhiệt của giới trẻ Việt Nam nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng ‘không có gì sai’ vì BlackPink là ‘một hiện tượng văn hóa’.
Anh Đỗ Hải Dương cho rằng nếu Nhà nước Việt Nam tận dụng cơ hội này để làm mạnh tay, tức là hủy sô của BlackPink, thì ‘sẽ tạo tiếng vang đối với quốc tế’.
"Cả thế giới sẽ biết đến việc Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền của chúng ta, và biết rằng Việt Nam sẽ đấu tranh trên mọi mặt trận kể cả nghệ thuật",anh Dương phân tích.
Trên trang BlackPink Vietnam Fan Club, một người đề tên là ‘Tiếng Minh Bắp’ đề xuất các khán giả Việt Nam đi coi đêm diễn của BlackPink tất cả ‘đều mặc áo in hình lãnh thổ Việt Nam có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh đề xuất rằng ‘vé chương trình bán ra có mặt in hình chín đoạn bị gạch bỏ, với chú thích rõ là dù công ty tổ chức biểu diễn chương trình này có quan điểm không đúng, người Việt Nam không chấp nhận nhưng họ vẫn chấp nhận BlackPink’.
Cũng trên trang BlackPink Vietnam Fan Club, một người có tên là Võ Thanh Nhàn khuyên các bạn trẻ rằng ‘thần tượng có quan trọng bằng chủ quyền đất nước, lòng tự tôn dân tộc không ?’
"Thần tượng thì không có người này còn có người khác. Có chắc là vài năm nửa tụi em lớn hơn tụi em vẫn còn thần tượng nhóm này không ? Còn đất nước thì em sinh ra lớn lên ở Việt Nam này chứ đâu",Võ Thanh Nhàn ghi.
BlackPink là nhóm nhạc nữ Hàn Quốc gồm bốn thành viên là Jennie, Lisa, Jisoo, Rose vốn đã hoạt động được 7 năm nay. Nhờ có một số bản hit cùng vũ điệu lôi cuốn, phong cách trình diễn trẻ trung, sôi động, ăn mặc đẹp, nhóm nhạc này đã khuấy đảo các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Kênh YouTube của BlackPink hiện nay đã đạt hơn 30 tỷ lượt xem. Họ cũng là nhóm nhạc nữ có doanh thu cao nhất toàn cầu từ các tour lưu diễn.
Nguồn : VOA, 09/07/2023
**************************
Bất chấp sự cố đường lưỡi bò, sô diễn của BlackPink ở Việt Nam cháy vé
VOA, 07/07/2023
Chỉ vài giờ sau khi mở bán vé, đêm nhạc của BlackPink ở Hà Nội đã cháy vé khi mà giới trẻ Việt Nam đổ xô săn lùng bất chấp giá vé đắt đỏ và sự cố bản đồ đường chín đoạn trên trang web của công ty tổ chức đêm nhạc.
Nhóm nhạc nữ Hàn Quốc BlackPink có đông đảo fan hâm mộ ở Việt Nam
BlackPink sẽ trình diễn hai đêm ‘Born Pink’ tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vào ngày 29 và 30/7. Đây là lần đầu tiên nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng toàn cầu này đến Việt Nam, nơi họ có lượng fan hâm mộ đông đảo, nhất là giới trẻ.
Giới chức Việt Nam vẫn đang xác minh việc trang web của iMe Entertainment, công ty tổ chức biểu diễn có trụ sở ở Bắc Kinh và đang đứng ra tổ chức đêm diễu BlackPink ở Hà Nội, có đăng bản đồ có hình ảnh đường chín đoạn mà Bắc Kinh dùng để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Liên quan đến sự cố này, đại diện của iMe Entertainment đã đứng ra xin lỗi khán giả Việt Nam, nói rằng họ ‘tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước’. Tuy nhiên, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời câu hỏi của báo chí rằng liệu sô diễn của BlackPink có bị hủy bỏ vì sự cố này hay không.
VOA đã liên lạc Cục Nghệ thuật Biểu diễn của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch để hỏi về cách xử lý sô diễn của BlackPink sau khi xác minh xong sự cố bản đồ đường lưỡi bò nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Trước đó, giới chức kiểm duyệt Việt Nam đã cấm chiếu phim Barbie của Mỹ vì lý do tương tự.
Đúng 12g trưa ngày 7/7, đêm nhạc Born Pink đã mở bán vé qua mạng cho đêm diễn đầu tiên vào ngày 29/7. Có 8 mức giá vé, thấp nhất là 1,2 triệu đồng cho hạng phổ thông, và lên đến gần 10 triệu đồng cho một tấm vé VIP. Giá vé này cao hơn mức lương tháng của nhiều người dân lao động Việt Nam.
Báo chí trong nước tường thuật cơn sốt vé BlackPink của giới trẻ Việt Nam khi nhiều người bỏ thời gian đổ xô đi canh vé. Tờ Tuổi Trẻ cho biết để tránh nghẽn mạng, nhiều bạn trẻ đã tập trung tại các quán Internet trước nhiều tiếng đồng hồ để canh vé. Nhưng chỉ sau vài phút sau khi mở bán, hàng chục ngàn vé ở hai hạng ghế thấp nhất đều đã bán sạch, cũng theo tờ báo này.
Tuổi Trẻ cho biết mỗi khán giả vào mua vé đều được nhận số thứ tự để xếp hàng chờ đến lượt, và lượt xếp hàng có lúc sau hàng chục ngàn người.
VnExpress cho biết nhiều bạn trẻ đã bỏ việc, bỏ ăn cả buổi trưa ngày 7/7 để canh mua vé. Nhiều người mở nhiều thiết bị cùng một lúc để tăng cơ hội đến lượt, và cũng có nhiều người chờ đợi cả tiếng đồng hồ nhưng khi đến lượt mua thì hết vé, cũng theo trang mạng này.
Giới chức Việt Nam được cho là tạo mọi điều kiện để sô diễn của BlackPink diễn ra với hy vọng sẽ tạo cú hích cho du lịch khi nhiều fan của nhóm nhạc này từ các nước lân cận sang Việt Nam xem họ trình diễn. ‘Born Pink’ đã được các quan chức kiểm duyệt Hà Nội cấp phép trước khi xảy ra sự cố đường lưỡi bò.
Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội đã xuất hiện lời kêu gọi tẩy chay đêm diễn của BlackPink sau khi vụ việc bản đồ đường chín đoạn bị phát giác.
Nguồn : VOA, 07/07/2023
***************************
"Đường lưỡi bò" không chỉ gây xung đột ngoài biển mà còn cả trên đất liền
Trường Sơn, RFA, 06/07/2023
Chỉ trong vòng 3 ngày, hai sự kiện văn hóa đình đám ở Việt Nam phải đối mặt với việc bị cấm hoặc tẩy chay, vì có liên quan đến hình ảnh "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Đường "lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông. AFP
Đầu tiên là thông tin Cục Điện ảnh ra lệnh cấm chiếu đối với bộ phim Barbie của hãng Warner Bros do xuất hiện hình ảnh được cho là "đường lưỡi bò" trong một cảnh quay, còn mới đây nhất là làn sóng tẩy chay show diễn của ban nhạc Hàn Quốc, BlackPink, vì sự xuất hiện của đường chín đoạn ở trang web của đơn vị tổ chức.
Khác với hệ lụy mà nó gây ra trên khu vực Biển Đông, khi đe dọa về mặt chủ quyền đã gây ra hiệu ứng phản đối một cách đồng nhất, thì tác động của "đường lưỡi bò" đối với các sự kiện diễn ra trên đất liền lại gây ra các phản ứng hỗn hợp hơn.
Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện tại, thật khó có thể tưởng tượng nếu một ai đó ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, bởi đối với người Việt thì chủ quyền lãnh thổ và sự đe dọa từ Trung Quốc vẫn là chất xúc tác chính để khơi dậy chủ nghĩa dân tộc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa tranh chấp chủ quyền ra khỏi phạm vi địa lý, mà đã thành công trong việc lồng ghép các thông điệp phản ánh quan điểm của họ về tranh chấp Biển Đông vào các lĩnh vực khác sát với nhu cầu của người tiêu dùng hơn, bao gồm các ấn phẩm văn hóa, nhãn hiệu thời trang, và các ứng dụng tiện ích trên điện thoại di động.
Việc này đẩy người Việt Nam vào vị thế buộc phải chọn, giữa chủ quyền quốc gia và nhu cầu chính đáng của cá nhân.
Sự việc bộ phim Barbie và buổi biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink là hai ví dụ điển hình của việc người Việt Nam đối diện với thực tế trên.
Trong khi chủ quyền quốc gia vẫn là yếu tố then chốt cho sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc trong những thập niên gần đây, tạo ra những cuộc biểu tình quy mô lớn, và làn sóng bài trừ Trung Quốc. Thì sở thích cá nhân cũng mang lại hiệu ứng về mặt tình cảm mạnh mẽ không kém. Chính vì vậy, việc buộc phải chọn một trong hai đã tạo ra những màn tranh luận gay gắt trong lòng xã hội Việt Nam.
Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc và đặt sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia lên trên hết, thì phản ứng thường thấy là đả kích bất cứ hình thức lan truyền tấm bản đồ có "đường lưỡi bò" nào, một cách không khoan nhượng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, một người dùng Facebook từ Hà Nội, là một trong số đó. Ngay sau khi thông tin về việc bản đồ với đường chín đoạn xuất hiện trên trang web của công ty tổ chức đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink được loan tải, ông này đã lập tức bảy tỏ sự phản đối kịch liệt trên trang Facebook cá nhân có hơn 15 ngàn người theo dõi của mình.
Nhóm nhạc Blackpink. (Ảnh : FBNV)
Trao đổi với Đài RFA, ông Nguyễn Tuấn Anh giải thích cho hành động của mình như sau :
"Đối với bất cứ người Việt Nam nào thì chủ quyền dân tộc luôn luôn là điều thiêng liêng nhất, chính vì vậy, việc đường lưỡi bò được đăng tải bởi bất cứ công ty, hay đơn vị tổ chức sự kiện, hay bất cứ dịch vụ, sản phẩm nào liên quan đến người Việt, hoặc bán ở thị trường Việt Nam thì người Việt Nam nào cũng có quyền phản đối".
Có thể thấy quan điểm này được chia sẻ rộng rãi ở các diễn đàn trên mạng xã hội, thậm chí nhiều người còn cáo buộc những ai tiếp tục muốn tham dự buổi biểu diễn của nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc là "không yêu nước".
Việc tẩy chay những công ty, nhãn hàng, hay ấn phẩm văn hóa không tuân thủ yêu sách chủ quyền của nước sở tại thực ra không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Trên thực tế, Trung Quốc vốn là nước đi đầu và tích cực thực thi chính sách này. Chính quyền và người dân nước này trước nay vẫn tỏ ra nhất quán trong việc yêu cầu bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động ở Trung Quốc, hay bất cứ ấn phẩm văn hóa nào muốn lưu hành ở đây, đều phải tuần thủ yêu cầu phản ảnh yêu sách chủ quyền đối với các khu vực như Biển Đông hay Đài Loan. Và nếu không tuân thủ thì sẽ bị tẩy chay hoặc cấm.
Gần đây nhất thì bộ phim Top Gun do diễn viên nổi tiếng Tom Cruise thủ vai chính đã phải xóa hình ảnh lá cờ Trung Hoa Dân Quốc ra khỏi bộ phim, để được phép chiếu ở thị trường Trung Quốc. Hay người tiêu dùng của quốc gia tỉ dân cũng từng kêu gọi tẩy chay các nhãn hàng xuất xứ từ Nhật Bản do tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Hoa Đông.
Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự do, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra thực tế này, ông nói :
"Giống như bên Trung Quốc họ rất cứng rắn, trên bất cứ tấm bản đồ thế giới nào mà không có đường lưỡi bò là họ cấm doanh nghiệp đấy bán sản phẩm, dịch vụ, hoặc kinh doanh tại đất nước họ, mặc dù việc này chưa được chính quyền Việt Nam thể hiện bằng luật, nhưng mà là người dân Việt Nam thì mình tự ý thức được việc đấy bằng cách tẩy chay’.
Nhưng không phải lúc nào tẩy chay cũng là điều có thể thực hiện một cách dễ dàng, đặc biệt khi đối tượng bị tẩy chay lại là thứ mà người nào đó yêu mến.
Trong trường hợp của nhóm nhạc BlackPink, lời kêu gọi tẩy chay được bắt nguồn từ một tài khoản Tiktok có tên Phaminhiu, trong video có gần 3 triệu lượt xem chỉ sau một ngày đăng tải, tài khoản này cho biết đã phát hiện hình "đường lưỡi bò" sau khi truy cập vào trang web của công ty iME Intertainment Group Asia, đơn vị tổ chức buổi biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink tại Việt Nam.
Sau khi làn sóng tẩy chay được lan truyền trên mạng xã hội, thì nhiều fan hâm mộ của nhóm nhạc nữ này đã đăng đàn bảo vệ thần tượng của mình. Họ cho rằng việc tẩy chay buổi biểu diễn là không chính đáng, bởi bản thân các thành viên của ban nhạc BlackPink không hề liên quan đến việc bản đồ hình lưỡi bò xuất hiện trên trang web của đơn vị tổ chức. Ngoài ra, họ cũng cáo buộc những người lên tiếng tẩy chay thần tượng của mình là tiêu chuẩn kép, khi một mặt thì đòi tẩy chay thần tượng của họ nhưng mặt khác vẫn tiếp tục sử dụng các nhãn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài RFA qua ứng dụng nhắn tin, bạn Nguyễn Như Quỳnh, một người hâm mộ nhóm nhạc BlackPink phản biện lại cáo buộc "không yêu nước" mà những người đứng về phía ủng hộ tẩy chay đưa ra.
"Tại sao ủng hộ một buổi biểu diễn được tổ chức tại chính quê nhà của mình lại là không yêu nước cơ chứ ? Tình yêu thần tượng đúng là phải đi đôi với tình yêu nước, nhưng lúc này thì thần tượng của chúng tôi đâu có sai, họ đâu đăng tải, tuyên truyền, hay phát biểu bất cứ cái gì tới vấn đề này đâu :".
Cô cũng cáo buộc lại những người công kích fan hâm mộ của BlackPink là "có định kiến" với Kpop nói chung và với BlackPink nói riêng, do vậy, đã nhân cơ hội này mà tấn công người hâm mộ của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc.
Ở một góc độ trung lập hơn, nhiều người cho rằng cần phải tách bạch từng sự kiện và đánh giá dựa trên bối cảnh riêng của các sự kiện đó, thay vì áp dụng chung một cách tiếp cận, trong trường hợp này là kêu gọi tẩy chay.
Ngoài ra, nhà nước cũng đóng một vai trò quan trọng đối với sự phán ứng của dư luận trước các ấn phẩm có hình "đường lưỡi bò". Theo ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành công pháp quốc tế tại Đại học Victoria, Canada, thì phản ứng của dư luận và động thái của nhà nước là có "mối liên hệ biện chứng với nhau". Cụ thể, việc nhà nước ban hành các lệnh kiếm duyệt đã khuyến khích dư luận bày tỏ thái độ tiêu cực với các văn hóa phẩm có hình đường chín đoạn, và ngược lại, mỗi khi nhà nước thất bại trong việc kiểm duyệt thì sẽ bị dư luận chỉ trích.
Ông này cũng cho rằng nỗ lực tẩy chay của cộng đồng mạng tại Việt Nam vẫn dừng lại ở mức độ "trình diễn", tức chưa có tính hệ thống và thường diễn ra trong thời gian ngắn, dẫn đến hiệu quả thấp. Một mặt hạn chế nữa của các làn sóng tẩy chay cho đến thời điểm này, theo ông Trung, là nó đã thất bại trong việc hạn chế các sản phẩm văn hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, như phim ảnh và âm nhạc, vốn chắc chắn ủng hộ quan điểm của chính quyền Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, vị chuyên gia trong lĩnh vực công pháp quốc tế cũng cho biết, trong trường hợp của bộ phim Barbie thì hành vi kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam đã tạo ra hiệu ứng tốt cho nỗ lực bảo vệ chủ quyền. Ông cho hay :
"Trong trường hợp này, rất nhiều báo chí quốc tế đã lên tiếng thông tin về sự vụ. Điều này có thể giúp Việt Nam phần nào truyền tải thông điệp cho toàn thế giới rằng chúng tôi không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, một lần nữa củng cố vị trí pháp lý và bằng chứng từ phía Việt Nam trong lịch sử đối mặt với yêu sách Biển Đông từ Bắc Kinh".
Rõ ràng, với việc Trung Quốc tiếp tục nỗ lực lồng ghép thông điệp về yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông vào các sản phẩm thiết yếu, thì thách thức đặt ra đối với những nước như Việt Nam sẽ còn tiếp diễn. Không chỉ về mặt ngoại giao, khi chính quyền phải giải quyết mối bất đồng với các công ty quốc tế, mà còn về mặt xã hội, khi mà người Việt Nam phải đối mặt với lựa chọn hoặc chủ quyền hoặc sở thích cá nhân.
Trường Sơn
Nguồn : RFA, 06/07/2023