"Kỳ thị sắc tộc" lại một hiện thực mà Hà Nội cần nhìn nhận
Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân sự việc ở Đắk Lắk có "yếu tố sắc tộc"
Có thể khủng bố ở Đắk Lắk không đến từ nguyên do "kỳ thị sắc tộc" như khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, nhưng "kỳ thị sắc tộc" lại một hiện thực mà Hà Nội cần nhìn nhận.
Khủng bố Đắk Lắk không đến từ "kỳ thị sắc tộc" như nội dung bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, và cũng như nhận định của bài viết khác cũng trên trang Việt Nam Thời Báo, đó là Có thể khẳng định Việt Nam vẫn còn kỳ thị sắc tộc, cho thấy nói sao cũng trúng ( : ?).
Cơ cấu ‘ghế’ ở nghị trường có yếu tố sắc tộc
Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 4/2021, ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết "Hiện nay còn 4 dân tộc Lực, Ơ đu, Brâu và Ngái chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội và đây cũng là mục tiêu cần phấn đấu để các dân tộc đều có đại biểu Quốc hội".
Vẫn theo ông Giàng A Chu, theo Nghị quyết số 1135/NQ-UBTVQH13/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, dự kiến khi lập danh sách chính thức những người ứng cử là người dân tộc thiểu số ít nhất 165 người, bằng 18% tổng số người trong danh sách ứng cử và phấn đấu dự kiến trúng cử ít nhất là 90 đại biểu, bằng 18% tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV.
"Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 tiếp tục quy định số lượng, cơ cấu, thành phần Đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó đại biểu là người dân tộc thiểu số đảm bảo tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, 14 nhiệm kỳ qua, chưa nhiệm kỳ nào số đại biểu người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 18% so với tổng số đại biểu Quốc hội, nhiệm kỳ khóa XII đạt cao nhất là 17,7%. Khóa XIV, trong tổng số 496 đại biểu Quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số thuộc 32 dân tộc khác nhau (chiếm tỷ lệ 17,3%), thấp hơn 4 người so với dự kiến" – trích báo cáo công khai của ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Cách hiểu và đặt vấn đề ở báo cáo trên cho thấy rất rõ một điều là định hướng chính trị về vấn đề sắc tộc với sự phân biệt nhất định về quyền bầu cử của cử tri. Bởi tại sao lại cần phải đặt các con số mang tính chỉ tiêu thành tích của trò chơi quyền lực sắp đặt các ghế ông bà nghị Quốc hội về "thành phần dân tộc thiểu số" ?
Định hướng chính trị để làm đẹp chính sách nhân quyền
Có lẽ cần nói thêm về yếu tố định hướng chính trị ở đây.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, ông Bế Minh Đức khi đã giới thiệu người dân tộc thiểu số, mà để họ gánh quá nhiều cơ cấu như vừa là nữ, lại vừa trẻ tuổi, vừa ngoài đảng, vừa là người dân tộc thiểu số thì chắc chắn với cơ cấu kết hợp như vậy rất khó để chọn người có chức vụ hay vị trí công tác, kinh nghiệm thực tiễn.
"Chỉ riêng tiêu chí vừa trẻ, lại vừa ngoài đảng, tìm được người đáp ứng yêu cầu này đã là rất khó khăn rồi" – Ông Đức nhấn mạnh như vậy, đồng thời khẳng định "việc sắp xếp, cơ cấu kết hợp, nghĩa là "gánh" nhiều tiêu chí như thế, là một hạn chế cho người dân tộc thiểu số ứng cử đại biểu Quốc hội".
Bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, cho rằng, thực tế ấy đã tồn tại ở nhiều nhiệm kỳ. "Khi tìm và giao các cơ cấu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là người dân tộc thiểu số, thường giao là nữ, trẻ tuổi, ngoài đảng. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau đã hiếm lại phải gánh nhiều cơ cấu như thế rất khó kiếm", bà Luyến diễn giải.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, thực tế điều kiện để học hành, tham gia các hoạt động xã hội đối với người dân tộc thiểu số, để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra là rất khó. "Chúng tôi mong muốn đối với ứng cử viên là nữ, là người dân tộc thiểu số thì nên để họ "gánh" ít cơ cấu thôi", bà Luyến đề nghị.
Bộ luật hình sự cũng dành hẳn điều luật 116 về "Tội phá hoại chính sách đoàn kết". Mặt khách quan của tội phạm này được diễn giải là "gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam".
Theo đó, hành vi phá hoại còn được hiểu là ai đó lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong việc chấp hành chính sách pháp luật để phá hoại đoàn kết dân tộc hoặc hành vi phân biệt đối xử giữa các dân tộc tạo nên sự không bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
54 dân tộc, vậy từng có bao nhiêu Tổng bí thư là "người dân tộc" ?
Như vậy xét về cách diễn đạt tiếng Việt, những người soạn điều luật hình sự 116 hiểu rằng thật sự vẫn chưa có được sự bình đẳng trong các cộng đồng dân tộc Việt Nam, khi mà ngay cả trong lịch sử phát triển của đảng cộng sản Việt Nam tính từ năm 1930 đến nay, chỉ có một đảng viên là người dân tộc thiểu số được tín nhiệm vào vị trí Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh, một chính khách dân tộc Tày ; và được đồn đoán là có một nửa dòng máu của người dân tộc Kinh, khi ông được cho là có mối quan hệ huyết thống với người khai sinh ra đảng cộng sản Việt Nam.
Lưu ý khác nữa là điều luật hình sự 116 còn được diễn giải theo hướng "quan điểm chuyên chính cách mạng", là, "Kế thừa và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước hiện nay đã ban hành chính sách Đại đoàn kết dân tộc, là sự đoàn kết của 54 dân tộc anh em trên lãnh thổ đất nước"…
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 08/07/2023