Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2023

‘Báo đảng’ quan tâm đến sự "sụp đổ" của Chính phủ Hà Lan

Trường Sơn

Lý giải hiện tượng ‘báo đảng’ nhiệt tình đưa tin về sự "sụp đổ" của Chính phủ Hà Lan

Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, vào ngày 8/7 ra thông báo việc giải thể chính phủ do bất đồng nội bộ giữa liên minh các đảng cầm quyền, mở đường cho việc tổ chức tổng tuyển cử để bầu chính phủ mới.

halan1

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 12/4/2023 AFP

Tuy đây là sự kiện chính trị ở một nước Châu Âu, nhưng lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan truyền thông tại Việt Nam. Ngoài các báo điện tử lớn như VnExpress, các báo trực thuộc cơ quan Nhà nước và cơ quan Đảng, như báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân cũng đưa tin. Ngay ở cấp địa phương, các tờ báo của tỉnh và trang web của đảng ủy các tỉnh đều nhất loạt đưa tin về sự kiện vừa nêu.

Bên cạnh báo chí chính thống, mạng xã hội cũng được vận dụng để đưa tin về sự việc Chính phủ Hà Lan giải thế ; trong đó có các trang Facebook có vẻ thuộc về lực lượng dư luận viên, điển hình như trang ‘Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh Yêu Nước’.

Phong cách đưa tin của các cơ quan truyền thông trên cũng rất đồng nhất, khi tất thảy đều sử dụng từ "sụp đổ" đề nói về việc giải tán chính phủ ở Hà Lan, và xoáy sâu vào mâu thuẫn nội bộ do không đạt được đồng thuận về vấn đề người nhập cư.

Trong bối cảnh nền báo chí bị kiểm duyệt chặt như ở Việt Nam, nơi hàng trăm tờ báo và kênh truyền hình nằm dưới chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, thì hiện tượng báo giới đồng loạt đưa tin về một sự kiện với cùng một tông giọng, thường nhằm truyền tải một thông điệp nào đó.

halan2

Bản đồ tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không biên giới trong báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2022. AFP

Từ Hà Nội, một nhà hoạt động dân chủ cho đài RFA biết quan điểm của mình về hiện tượng này, với điều kiện giấu tên vì lý do an toàn.

"Khi sử dụng từ sụp đổ để nói về việc Chính phủ Hà Lan từ chức, chính quyền Hà Nội muốn truyền tải đi thông điệp tuyên truyền về khiếm khuyết và sự bất ổn của Chủ nghĩa Tư bản, nhằm mục đích hạ bệ nền dân chủ, và gián tiếp ca ngợi sự ổn định của chế độ cộng sản". 

Nhà hoạt động này cũng chỉ ra việc báo chí trong nước thường xuyên đưa tin về các sự kiện bất ổn ở phương Tây, như làn sóng bạo loạn vừa diễn ra ở nước Pháp, để khiến người dân Việt Nam "sợ hãi".

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Đài, chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, cho rằng chính quyền Việt Nam đang muốn tận dụng sự kiện ở Hà Lan để củng cố vị thế cầm quyền của họ :

"Từ xưa đến nay đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn sử dụng bộ máy tuyên truyền để khoe khoang với người dân rằng chế độ một đảng sẽ giữ được sự ổn định về mặt chính trị, an toàn cho người dân, không có sự xáo trộn do các đảng tranh giành quyền lực với nhau, và nước ngoài không thể lợi dụng can thiệp".

Và theo ông, việc Hà Lan, một nước theo chế độ đa đảng, gặp phải khủng hoảng chính trị sẽ trở thành cơ hội cho đảng cộng sản tiếp tục tuyên truyền về tính ưu việt của chế độ độc đảng :

"Khi mà chính phủ Hà Lan phải từ chức do bất đồng trong nội bộ của liên đảng cầm quyền, để chuẩn bị cho một cuộc bầu cử mới, thì đương nhiên nhà nước cộng sản Việt Nam phải huy động tất cả, từ tuyên giáo trung ương đến ngành tuyên giáo địa phương, kể cả tầng lớp dư luận viên nữa, để họ tuyên truyền, nói rằng một chế độ dân chủ đa đảng như vậy thì sẽ dẫn đến sụp đổ chính phủ, có thể ảnh hưởng đến đời sống của người dân và nền kinh tế.

Mục đích cuối cùng của họ là nhằm tuyên truyền rằng chế độ một đảng vẫn là tốt, cho dù nó có vấn nạn tham nhũng, hay những yếu kém khác, nhưng nó không dẫn đến cái sự sụp đổ của chính phủ".

Trên thực tế, đảng cộng sản ở Việt Nam vẫn luôn cảnh báo về nguy cơ mất chế độ do sự chống phá của các thế lực thù địch, cách gọi được áp dụng cho những người đòi hỏi cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa, và tuyên truyền về nguy cơ của việc cho phép đa nguyên, đa đảng đối với sự ổn định của đất nước.

Việc huy động số lượng lớn các cơ quan báo chí, truyền thông, ở nhiều phương diện khác nhau để đưa tin về sự "sụp đổ chính phủ" ở một nước phương tây, theo giới quan sát là nhằm đảm bảo càng nhiều người dân được định hướng càng tốt.

Sự hỗn loạn về mặt chính trị, kinh tế, và xã hội như là hậu quả của việc sụp đổ chế độ vốn vẫn được sử dụng như là con ngáo ộp để khiến người dân nhụt chí và từ bỏ ý định ủng hộ chế độ đa đảng. Thế nhưng, việc này có đáng sợ như những gì mà chế độ cầm quyền tại Việt Nam vẫn tuyên truyền hay không ?

halan3

Trả lời phỏng vấn của đài RFA, ông Hoàng Quốc Hùng, hiện đang sinh sống tại thủ đô Praha, nước Cộng hòa Czech, một quốc gia cựu cộng sản và hiện có chế độ chính trị tương tự với Hà Lan, cho biết ý kiến :

"Thật ra chuyện các chính phủ sụp đổ hay từ chức là chuyện bình thường ở trong một xã hội dân chủ, họ ví von rằng các chính trị gia cũng như các chính phủ cũng giống như chiếc quần lót, thi thoảng phải thay nó đi, cho dù ban đầu có sạch sẽ thế nào thì sau một thời gian cũng sẽ bị hôi thối, thế nên chuyện các chính phủ ở bên này như vừa rồi ở Hà Lan bị sụp đổ, là chuyện hết sức bình thường ở trong một xã hội dân chủ".

Ông Hùng cũng cho biết chính việc chính phủ phải giải thể sẽ giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, đặc biệt trong trường hợp người đứng đầu chính phủ bị cáo buộc phạm tội tham nhũng, giống như một trường hợp ở Cộng Hòa Séc trước đây. Và điều này có thể khó hiểu trong bối cảnh chính trị ở Việt Nam, vốn vẫn đang vận hành theo mô hình mà ông cho là "phong kiến". Khi người dân không được phép chỉ trích nhà nước, và chính trị gia thì hành xử như cha mẹ của dân.

Trên thực tế, thay vì rơi vào cảnh loạn lạc, bất ổn thì Cộng hòa Czech đã phát triển và dần bắt kịp với các nước Tây Âu, kể từ khi chế độ cộng sản sụp đổ.

Tuy nỗ lực tuyên truyền là vậy, nhưng các bài đăng ở các kênh truyền thông của nhà nước trên mạng xã hội về sự giải thể của Chính phủ Hà Lan, vẫn lác đác xuất hiện những bình luận vượt ra ngoài khuôn khổ quan điểm chính thống của Đảng, cho thấy không phải người dân nào cũng bị định hướng.

Bình luận về hiện tượng này, một nhà hoạt động dân chủ từ Hà Nội cho biết :

"Người dân bây giờ không còn tin bất chấp vào những gì Đảng đưa ra trên truyền thông nữa. Mà thay vào đó là sự nổi lên của thái độ hoài nghi, đặt câu hỏi, chất vấn ngược lại. Mặc dù Đảng và công an có thể kiểm soát được các kênh truyền thông lớn, nhưng không thể ngăn chặn được sự tư duy khác với cách mà Đảng muốn". 

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 10/07/2023

Quay lại trang chủ
Read 257 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)