Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/07/2023

Sau Nga, Trung Quốc là điểm nhắm sắp tới của NATO

Thanh Hà - Quốc Phương

NATO "chĩa mũi dùi" vào Trung Quốc

Thanh Hà, RFI, 13/07/2023

Ngoài Ukraine, Trung Quốc cũng là một hồ sơ nổi bật tại thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva, trong hai ngày 11-12/07/2023. Thông cáo chung của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trong ngày họp đầu tiên nêu đích danh Trung Quốc tổng cộng 14 lần, thẳng thừng lên án Bắc Kinh "thách thức trật tự thế giới" và xem Trung Quốc là một "mối đe dọa đối với an ninh" chung của khối này.

chinanato1

Từ trái sang phải : Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đều tham dự hội nghị thượng đỉnh, được tổ chức vào ngày 11-12 tháng 7 tại Vilnius, Litva.

Cách nay một năm, tại thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, 31 nước thành viên trong thông cáo chung đã đề cập đến "thách thức Trung Quốc", nhưng chỉ nêu đích danh quốc gia Châu Á này có 1 lần. Điều gì đã thay đổi từ đó tới nay ? Ngoài những lời lẽ cứng rắn nhắm vào Bắc Kinh, liệu các thành viên trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương có đủ đoàn kết và có được một chính sách chung đối phó với Trung Quốc hay không ?

Thông cáo chung của NATO hôm 11/7 ghi nhận "những tham vọng và chính sách hù dọa" của Bắc Kinh là một thách thức. Trung Quốc sử dụng các "công cụ chính trị, quân sự và kinh tế để tăng cường sự hiện diện trên toàn cầu, phô trương sức mạnh". Đồng thời, Bắc Kinh đã liên tục "tăng cường khả năng quân sự, tiến hành các chiến dịch không thân thiện, tung tin sai lệch" nhắm vào các thành viên trong Liên minh, và qua đó làm "phương hại đến an ninh" của toàn khối.

Trong cuộc họp với thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm 12/07, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắc lại kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Tokyo, văn phòng đầu tiên của Liên minh tại Châu Á, "vẫn còn tính thời sự", bởi NATO quan ngại trước việc Trung Quốc "tăng cường sức mạnh quân sự và mở rộng khả năng hạt nhân (...) Các diễn tiến tình hình tại Ấn Độ -Thái Bình Dương tác động đến Châu Âu, đến NATO (...) Cần phải nhìn nhận rằng khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức toàn diện" và một phần trong số những thách thức đó "xuất phát từ Trung Quốc".

Nhiều yếu tố giải thích lập trường cứng rắn của lãnh đạo Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Đầu tiên là thái độ càng lúc càng quyết đoán và hung hăng của Bắc Kinh ở vùng eo biển Đài Loan và vùng Biển Đông. Thông cáo của NATO còn xem Trung Quốc là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh mạng, an ninh trên biển và trên không. Riêng về kinh tế, việc Trung Quốc thâu tóm tài nguyên, thao túng kim loại hiếm, nguyên liệu thiết yếu của những công nghệ tương lai, cũng là một hình thức đe dọa trực tiếp đến an ninh của NATO. Đó là lý do thứ nhì khiến Liên minh đặc biệt "chĩa mũi dùi" vào Trung Quốc.

Lý do thứ ba, như giải thích của Shannon Tiezzi, tổng biên tập báo The Diplomat của Nhật, là mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với Nga trong bối cảnh chiến tranh Ukraine. Do đó, mục tiêu kềm tỏa tham vọng của Bắc Kinh càng thêm cấp bách.

Theo bà Tiezzi, việc NATO mời bốn nước Châu Á Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đến Vilnius lần này đủ cho thấy quan tâm của Liên minh đối với khu vực để làm đối trọng với Bắc Kinh.

Có điều trong số bốn vị khách mời của tổng thư ký Stoltenberg, dường như chỉ có Tokyo là "hăng hái" và "thẳng thắn" hơn cả về "yếu tố" Trung Quốc. Ba quốc gia còn lại đang lấn cấn trong quan hệ về kinh tế thương mại với Bắc Kinh. Do vậy, nếu hỏi là liệu NATO có đồng lòng và có chiến lược nào để đối phó với mối "thách thức Trung Quốc" hay chưa, thì câu trả lời là chưa. Bằng chứng rõ rệt nhất là dự án mở văn phòng đại diện của Liên minh tại Nhật Bản đã vấp phải chống đối từ Pháp, một trong những thành viên quan trọng nhất của NATO.

Tổng thống Macron đánh giá đây không là một sáng kiến hay và ông đã lập lại điều đó tại thượng đỉnh Vilnius. Paris giải thích vai trò của NATO là ở "khu vực Bắc Đại Tây Dương". Báo chí Nhật Bản lưu ý đây cũng là "quan điểm của Bắc Kinh". Thậm chí một số tờ báo tại Tokyo còn đưa ra giả thuyết là Paris đã "phối hợp" với bộ Ngoại Giao Trung Quốc về điểm này. Một số báo khác nhìn nhận "không chỉ có Pháp, mà nhiều nước Châu Âu tránh khiêu khích một đối tác thương mại lớn như Trung Quốc".

Hơn thế nữa, như chính tổng thống Emmanuel Macron từng vụng về nhìn nhận, nếu như Hoa Kỳ chú trọng vào khu vực eo biển Đài Loan, thì trái lại, đấy không là một ưu tiên của Pháp. Kế hoạch mở văn phòng đại diện NATO tại Nhật Bản theo hãng tin Jiji là một sáng kiến mà "chính quyền Biden kín đáo yểm trợ", nhưng trước mắt Washignton chưa lên tiếng về những tuyên bố của Jens Stoltenberg liên quan đến dự án này, một phần là cũng để thăm dò phản ứng của Trung Quốc.

Thanh Hà

**************************

Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối NATO xem Trung Quốc là một "thách thức" an ninh

Thanh Hà, RFI, 12/07/2023

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO "cố tình bóp méo quan điểm và chính sách của Trung Quốc". Bắc Kinh cảnh báo NATO trước mọi ý đồ mở rộng hoạt động sang Châu Á -Thái Bình Dương. Hôm qua 11/07/2023 Bắc Kinh đã bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc của NATO cho rằng Trung Quốc đang thách thức những "lợi ích, an ninh và giá trị" của Liên Minh.

Trong ngày họp đầu tiên tại Vilnius, NATO ra thông cáo với lời lẽ cứng rắn nhắm vào Trung Quốc khi cho rằng "tham vọng và chính sách hù dọa" của Bắc Kinh là một thách thức. "Cộng hòa nhân dân Trung Quốc sử dụng hàng loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện trên toàn cầu, phô trương sức mạnh đồng thời vẫn che giấu chiến lược và những ý đồ cũng như tăng cường khả năng quân sự (…). Những chiến dịch không thân thiện của Trung Quốc, lời lẽ hung hăng và chiến dịch thông tin sai lệch" nhắm vào các thành viên NATO làm "phương hại đến an ninh" của Liên Minh.

chinanato2

Toàn bộ những nhà lãnh đạo NATO tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius 2023. (NATO)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuy không xem Trung Quốc là một "đối thủ" của liên minh quân sự, song theo ông, việc Trung Quốc từ chối lên án Nga xâm chiếm Ukraine và những hành vi hù dọa Đài Loan hay tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cho thấy quốc gia này "thách thức trật tự thế giới".

Lập tức đại diện của Trung Quốc bên cạnh Liên Âu ra thông cáo đáp trả. Theo Reuters, Bắc Kinh đánh giá thông cáo của NATO liên quan đến Trung Quốc "cố tình bóp méo quan điểm và chính sách" của nước này, NATO thậm chí đã tìm cách "bôi nhọ" Bắc Kinh. Do vậy, Trung Quốc "mạnh mẽ bác bỏ cũng như phản đối" hành vi đó. Ngoài ra, Trung Quốc cực lực "chống đối việc NATO mở rộng hoạt động tại Châu Á-Thái Bình Dương" và sẽ "đáp trả đích đáng mọi hành vi đe dọa quyền và quyền lợi chính đáng" của Bắc Kinh. 

NATO tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hoan nghênh việc NATO và Tokyo đồng thuận về một chương trình đối tác mới. Thỏa thuận được thông qua hôm nay. Hai bên đồng ý mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực, như an ninh mạng. Cùng ngày, thủ tướng Nhật và tổng thống Hàn Quốc họp song phương bên lề thượng đỉnh NATO. Những hoạt động ngoại giao nói trên càng khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Tại thượng đỉnh Vilnius, tổng thống Hàn Quốc cam kết đẩy mạnh hợp tác "chia sẻ thông tin quân sự với NATO" đồng thời Seoul hứa giúp Ukraine tăng cường khả năng đối phó với chiến tranh.

Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với Úc, New Zealand là bốn quốc gia đại diện cho Châu Á-Thái Bình Dương được mời dự thượng đỉnh NATO tại Vilnius 2023. 

Thanh Hà

**************************

Trung Quốc đã làm gì khiến NATO, Mỹ, đồng minh chú ý tới Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam có thể tranh thủ ra sao

Nguyễn Khắc Giang, Quốc Phương, RFA, 12/07/2023

NATO, Hoa Kỳ và các láng giềng Châu Á của Trung Quốc đang quan ngại và cảnh giác với Bắc Kinh do nước này không tôn trọng luật pháp quốc tế.

chinanato3

Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (phải) bị cáo buộc chặn tàu tuần tra Malabrigo của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, khi nó hộ tống một tàu tái tiếp tế của Hải quân Philippines nhiệm vụ gần Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông đang tranh chấp. AFP Photo / Philippine Coát Guard (PCG)

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối lo của các nước

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak, Singapore) nói với RFA Tiếng Việt hôm 12/7/2023 liên quan phản ứng mới đây của Trung Quốc khi Bắc Kinh lên tiếng ‘phản đối NATO đông tiến’.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra mối lo của các nước, bởi vì việc này không dựa nhiều vào những quan điểm mang tính pháp quyền, hiện đại, mặc dù diễn ngôn của Trung Quốc luôn luôn là ‘cộng đồng cùng chung vận mệnh’, ‘cùng thắng’ v.v…, nhưng trong thực hành của sự ‘trỗi dậy hòa bình’ của Trung Quốc, Trung Quốc tạo ra những mối lo ngại về an ninh với những đối tác với họ.

"Chúng ta thấy với hầu hết những nước láng giềng của họ, Trung Quốc đều có những mâu thuẫn về chủ quyền, biển đảo, từ Ấn Độ cho tới Việt Nam, Hàn Quốc, cho tới Đài Loan", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang nhấn mạnh.

Do đó, vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, với mối lo ngại như thế, các nước có đủ lý do để lo ngại rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc nếu không đi theo một khuôn khổ nhất định, nó có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến an ninh, chủ quyền của họ và làm cho các nước lo lắng hơn về Trung Quốc…

"Trung Quốc chỉ muốn dựa vào những diễn ngôn và sức mạnh của mình để cố gắng đẩy những chính sách làm sao cho có lợi nhất cho họ, như vậy với các nước xung quanh, khi đối diện với một cường quốc trỗi dậy với sức mạnh quân sự, kinh tế lớn mạnh như thế, họ có đủ lý do để lo ngại và đó là chuyện tương đối đương nhiên. Một vấn đề khác mà chúng ta thấy là với những nước như Mỹ, Mỹ có rất nhiều đồng minh, nhưng đối với Trung Quốc, chúng ta khó có thể tìm được một quốc gia khác mà được gọi là đồng minh trong những vấn đề liên quan chính trị, liên quan kinh tế, an ninh.."., Tiến sĩ Giang phân tích thêm.

Hôm 11/7/2023, hãng Reuters, trong một bản tin phát đi từ Bắc Kinh, cho hay Bắc Kinh đã phản ứng trước điều được cho là cáo buộc của NATO cho rằng Trung Quốc ‘thách thức lợi ích và an ninh của khối này’, đồng thời Bắc Kinh phản đối bất kỳ nỗ lực nào của khối liên minh quân sự nhằm ‘mở rộng dấu ấn’ của NATO vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Hãng tin Anh dẫn nội dung từ một thông cáo được cho là có ngôn từ mạnh mẽ được đưa ra giữa hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thủ đô Vilnius của Lithuania hôm thứ Ba, theo đó NATO phát biểu rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã ‘thách thức các lợi ích, an ninh và giá trị’ của tổ chức này bằng các ‘tham vọng và chính sách cưỡng chế’.

"Trung Quốc sử dụng một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường dấu ấn toàn cầu và sức mạnh, trong khi vẫn không tường minh về chiến lược, ý định và xây dựng quân đội của mình", các nguyên thủ quốc gia khối NATO, được Reuters dẫn lời, cho biết trong một thông cáo.

Vẫn theo hãng tin Anh hôm 11/7, phái bộ Trung Quốc tại Châu Âu đã ra phát biểu trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng nội dung liên quan Trung Quốc của thông cáo bởi NATO đã "coi thường các sự thật cơ bản, bóp méo quan điểm và chính sách của Trung Quốc, đồng thời cố tình làm mất uy tín của Trung Quốc".

"Chúng tôi kiên quyết phản đối và từ chối điều này", phái bộ Trung Quốc tại Châu Âu, được Reuters dẫn lời, nói.

Trung Quốc không hài lòng, còn Việt Nam thì sao ?

Bình luận thêm về phản ứng này của Bắc Kinh, TS. Nguyễn Khắc Giang nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Có thể coi đây là một chuyện Trung Quốc có thái độ không mấy thân thiện với NATO, thứ hai là đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy rất mạnh và có những tham vọng lớn về địa chính trị ở khu vực Châu Á, từ đó họ cho rằng bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, can thiệp về mặt hữu hình như là gửi quân vào, hay can thiệp về mặt phát ngôn, ví dụ các tàu chiến các nước có quyền tự do hàng hải di chuyển trên khu vực Biển Đông v.v…, với Trung Quốc đều là những hành động mang tính can thiệp từ bên ngoài vào hòa bình Châu Á, theo quan điểm Trung Quốc.

Vì thế, TS. Giang cho rằng khi chúng ta nhìn vào những diễn biến mới đây của hội nghị NATO ở Vilnius, thì Trung Quốc không mấy hài lòng, khi NATO có những động thái xích lại gần hơn nữa giữa những đối tác, đặc biệt với những đồng minh của Mỹ ở trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, như là Hàn Quốc và Nhật Bản. Với Trung Quốc, thái độ của họ tương đối dễ hiểu vì họ cho rằng bất cứ động thái nào của NATO, mà tên gọi là Khối Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương, thì việc khối này mở rộng bất kỳ tầm ảnh hưởng nào ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đều bị coi là hành động gây hấn và Trung Quốc tất nhiên không hài lòng với câu chuyện đó".

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu này, sự hiện diện của một số khối hay ‘liên minh’ về chính trị hay an ninh với quy mô khác do Hoa Kỳ làm hạt nhân ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng đang làm Trung Quốc quan ngại, ông Nguyễn Khắc Giang nói tiếp :

"Theo tôi nghĩ, sự hiện diện của những khối hay liên minh mang tính quân sự như là QUAD hay AUKUS đều là những diễn biến mà Trung Quốc không hề mong muốn và họ luôn luôn phản đối những diễn biến như vậy, họ cho rằng những động thái đó ‘gây căng thẳng thêm’ về chính trị ở trong khu vực và ‘không có tác động tốt’ tới nền hòa bình ở trong khu vực. Tôi nghĩ tất nhiên Mỹ sẽ cố gắng thúc đẩy thêm những khối liên minh như vậy ở trong khu vực…

Trong bối cảnh như vậy, đối với Việt Nam mà nói, sự hiện diện của những khối liên minh liên kết vùng mang tính nhỏ như là QUAD hay là AUKUS, trước hết, nếu chúng vẫn ở trong trạng thái hiện tại mà chưa lên mức như là khối NATO, hay lên khối liên minh quân sự (tương tự), với Việt Nam vẫn sẽ tương đối tích cực.

Bởi vì càng thêm nhiều khối liên minh mang tính đa phương như thế, càng thêm nhiều khả năng cho Việt Nam có thêm những tiếng nói, có thêm tác động, thậm chí ngay cả khi Việt Nam không phải là thành viên của những nhóm, tổ chức ấy…"

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 12/07/2023

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang là Nghiên cứu viên khách mời tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore, ông nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Chính trị tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand. Ông cũng từng là trưởng nhóm nghiên cứu chính trị tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Quốc Phương, Nguyễn Khác Giang
Read 236 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)