Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/07/2023

Vụ án "Chuyến bay giải cứu" để lộ nhiều ung nhọt trong guồng máy nhà nước

Phạm Quý Thọ - Quốc Phương

Đại án "chuyến bay giải cứu" phơi bày điển hình tham nhũng : Quan chức tống tiền doanh nghiệp

Phạm Quý Thọ, RFA, 17/07/2023

Quan chức ‘tống tiền doanh nghiệp’ là một trong những hình thức tham nhũng điển hình phản ánh nghịch lý về tăng trưởng kinh tế và tham nhũng tràn lan trong thời kỳ đầu chuyển đổi kinh tế sang thị trường nhưng vẫn duy trì chế độ Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện.

phientoa1

Phiên tòa xét xử 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" tại Hà Nội hôm 11/7/2023 - AFP

Công luận và các nhà quan sát hết sức chú ý đến đại án "chuyến bay giải cứu" do Toà án Hà Nội xét xử kể từ ngày 11/7/2023. Có 54 bị cáo phải ra tòa theo năm tội danh : Đưa hối lộ (23 người, phần lớn là chủ doanh nghiệp du lịch, vận tải), Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (21 người gồm các công chức, chức vụ cao nhất là Thứ trưởng đến nhân viên của bốn bộ : Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải và một số địa phương như Hà Nội, Quảng Nam…).

Đây là vụ án được xác định là "đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp", xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng. 54 bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vì mục đích cá nhân. Nói cho đúng bản chất phải là các bị can ‘cựu công chức’ này đã tham nhũng bằng cách ‘tống tiền các doanh nghiệp’ để rồi họ cùng nhau ‘tống tiền’ các nạn nhân Covid-19 Việt Nam bị ‘mắc kẹt’ ở nhiều nước trên thế giới.

Xin điểm qua một số tình tiết qua điều tra của Viện Kiểm sát (VKS), lời khai của các bị can trước toà… cho thấy sự tột cùng tha hoá quyền lực công, vô liêm sỉ của công chức và ‘khát khao’, ‘mạo hiểm’ kiếm tiền của chủ doanh nghiệp.

Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát cho thấy, từ tháng 4/2020 đến 1/2022, 772 chuyến bay đưa công dân về nước đã được tổ chức, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo… Các bị can trên đã thực hiện 515 lần đưa - nhận hối lộ với tổng số tiền 165 tỷ đồng, nghĩa là trung bình 320 triệu đồng mỗi lần… Theo kết luận điều tra, các cán bộ công chức, quan chức và nhân viên, "gây khó khăn nhũng nhiễu", không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải "tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ". Một số bị can, trong đó điển hình là Phạm Trung Kiên – Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế và Vũ Anh Tuấn – Phó phòng Tham mưu Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, bị xác định "trắng trợn" chủ động liên lạc với chủ doanh nghiệp, yêu cầu đến phòng làm việc thỏa thuận giá, và "dắt mối" để đưa hối lộ cho người khác (công chức ở các bộ khác và các chủ doanh nghiệp khác trong vụ án). Các bị can ‘công chức’ ra giá tới 4-15 triệu đồng mỗi khách hoặc tới 500 triệu đồng cho mỗi chuyến bay được duyệt ! Địa điểm và cách đưa và nhận hối lộ chủ yếu là tiền mặt, chuyển khoản ở ‘bất kỳ đâu’ : phòng làm việc (132 lần), quán cà phê và hàng ăn, quán bia, trước cổng cơ quan, nhờ người thân trong gian đình như mẹ vợ, em… Các doanh nghiệp luôn phải "cám ơn" khi có được ân huệ trong khi quan chức nhận sự ‘cám ơn’ như việc đương nhiên chứ không cho là hành vi tham nhũng !

Những tình tiết trong xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’ đã gây bức xúc đối với công chúng như kiểu ‘phản ứng’ mang tính đạo đức’ của chiến binh trong trận chiến chống tham nhũng với khí thế quyết tâm đánh bại kẻ thù, tuy nhiên khi phán xét về bản chất tham nhũng thì vụ việc sẽ trở nên phức tạp.

Đại án này là một hình thức tham nhũng điển hình, phản ánh một nghịch lý rằng mặc dù tham nhũng tràn lan nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn được thúc đẩy trong điều kiện chuyển đổi kinh tế sang thị trường đồng thời duy trì chế độ Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện. Bởi vậy, với loại hình này chống tham nhũng luôn xuất phát từ mối quan hệ ‘cùng có lợi’ giữa các chủ doanh nghiệp ‘tham lam’ và các quan chức, công chức ‘suy thoái’.

Theo bà Yuen Yuen Ang, tác giả cuốn sách China’s Gilded Age : The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption. Cambridge University Press, 2021 (Thời đại hoàng kim của Trung Quốc : nghịch lý của sự bùng nổ kinh tế và tham nhũng tràn lan) tham nhũng bao gồm bốn loại hình : đó là ăn cắp vặt, ăn cắp lớn, tiền "bôi trơn" và tiền tiếp cận đặc ân. Chúng là ma tuý tác động lên cơ thể chế độ, loại thứ nhất và thứ hai huỷ hoại cả nền kinh tế và đặc biệt là gây hại cho người nghèo. Tiền "bôi trơn" thường để hối lộ những quan chức cấp thấp và cấp trung bình nhằm đổi lấy giấy phép, giống như thuốc giảm đau : nó giúp làm giảm bớt rắc rối nhưng lại làm hại cơ thể. Loại cuối cùng, tiền để có đặc ân, như chất kích thích tăng khả năng thi đấu trong thể thao, cho phép doanh nghiệp tiếp cận nhiều cơ hội kinh doanh hơn, như giành được ‘những chuyến bay’, dự án công…, và hệ quả, tăng trưởng kinh tế có thể đạt bằng cách tăng đầu tư, trong đó một phần để ‘mua’ đặc quyền từ quan chức hư hỏng, sự bất bình đẳng ngày một gia tăng khi thuế đánh vào mọi tổ chức xã hội, cá nhân và huỷ hoại các nguyên tắc thị trường…

Trong ‘vở diễn’ (đại án) chuyến bay giải cứu, tại phiên toà các ‘diễn viên’ (bị can) đã phơi bày sự xấu xa của các hành vi đưa và nhận hối lộ, khiến loại hình tham nhũng nên gọi là sự "tống tiền" trong đó các quan chức năm bộ ‘cao ngạo’, ‘vô liêm sỉ’ ra giá ‘đặc quyền’ trong khi các chủ doanh nghiệp luôn ở thế yếu, xin sỏ… đáng hổ ‘thẹn’ !’ Tất cả sắm vai ‘tồi’ để ca ngợi ‘thiên tài của chế độ Đảng CS lãnh đạo thị trường là nó đã tìm ra ‘cách sáng tạo’ để khai thác tham nhũng vì 'điều tốt đẹp hơn !'

Tác giả cuốn "China’s Gilded Age : The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption" rõ ràng cần được trân trọng vì đã chỉ ra Trung Quốc không phải là trường hợp "ngoại lệ" của nghịch lý của sự tăng trưởng kinh tế đồng thời với nạn tham nhũng tràn lan trong những giai đoạn đầu tích luỹ tư bản phát triển kinh tế từ bảy quốc gia được chọn làm đối tượng nghiên cứu. Ngoài Trung Quốc còn có Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Indonesia, từ đó các biện pháp ‘ứng xử’ với hình thức tham nhũng được đề xuất tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. Việt Nam không là lựa chọn, nhưng có thể lấy bức tranh tham nhũng ở Trung Quốc rồi thu nhỏ lại, thêm bớt các gam màu sắc, ánh sáng… để dùng cho nước nhà.

Đối với tất cả những ai "nặng lòng với nước non", những vấn đề mở vẫn luôn đeo đuổi, trong đó : Phương thức sử dụng quyền lực tuyệt đối để chống tham nhũng của Đảng cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình nên áp dụng thế nào cho Đảng cộng sản Việt Nam ? Cải cách sẽ tiếp tục ra sao nếu không thể tạo ra "lồng thể chế" để nhốt quyền lực ? Triển vọng chống tham nhũng trong thời gian tới liệu có giúp Đảng – Nhà nước trở nên trong sạch và có năng lực hơn ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 17/07/2023

****************************

Đề xuất định tội vụ ‘chuyến bay giải cứu’ đáng thất vọng’ !

Quốc Phương, RFA, 17/07/2023

Đại án "chuyến bay giải cứu" đã bước sang tuần thứ hai xét xử sơ thẩm. Nhận định phiên tòa diễn ra mấy ngày qua, nhà quan sát thời sự và chính trị Việt nam cũng là luật gia nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/7 rằng những mức định tội được đề xuất của Viện Kiểm sát tại phiên tòa xét xử vụ án là đáng ‘thất vọng’.

phientoa2

Toàn cảnh phiên tòa xử 54 người trong vụ "chuyến bay giải cứu" ở Hà Nội hôm 11/7/2023 - VietNamNet

‘Không có tính răn đe, tiền phạm pháp nộp lại chẳng khác gì chạy án’

Vị luật sư và cũng là nhà quan sát thời sự-chính trị Việt Nam vừa đưa ra bình luận như trên với RFA là Luật sư Nguyễn Văn Đài. Ông nhận định tiếp :

"Từ khi bắt đầu phiên tòa, không chỉ cá nhân tôi, mà nhiều người dân Việt Nam ở trong nước chờ đợi xem trong số 18 quan chức bị truy tố vì tội nhận hối lộ với hình phạt cao nhất là tử hình, sẽ có bao nhiêu quan chức sẽ bị rơi vào hình phạt này. Nhưng kết quả cuối cùng, chỉ có một cựu trợ lý của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên – tức là bị cáo Phạm Trung Kiên bị đề nghị hình phạt như vậy, thì đa phần người Việt Nam thất vọng với đề xuất của Viện Kiểm sát".

Mặc dù Luật sư Đài nói, cá nhân ông không ủng hộ hình phạt tử hình, nhưng qua vụ xét xử đại án "chuyến bay giải cứu", ông cho rằng "không đem lại bất kỳ một kết quả nào mang tính chất răn đe đối với các quan chức ở trong hệ thống chính trị của cộng sản Việt Nam mà (phạm tội) tham nhũng".

Luật sư từ nước Đức giải thích quan điểm của mình :

"Bởi vì thứ nhất, mức hình phạt mà Viện Kiểm sát đề nghị đối với các quan chức tham nhũng trong vụ án này rất là thấp, cao nhất là cựu Cục trưởng Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan chỉ có từ 18-19 năm tù thôi, trong khi trong quá trình điều tra thì đánh giá rằng bị cáo này ‘rất ngoan cố, chối tội quanh co, không thành khẩn khai báo’ gì cả, thế mà chị bị mức hình phạt đó. Trong khi đó, tại khoản 4 của điều 354 của Bộ Luật hình sự Việt Nam về tội nhận hối lộ, chỉ cần nhận một tỷ đồng VN trở lên thôi, đã phải đối diện với hình phạt từ 20 năm chung thân hoặc là tử hình rồi, cho nên việc đề xuất mức án thấp như vậy không có tính chất răn đe.

"Vấn đề thứ hai là vấn đề tài sản, việc Hội đồng Xét xử phải cho ngừng phiên tòa để cho các bị cáo nộp những chứng cứ chứng minh rằng gia đình của họ đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả do hành vi nhận hối lộ gây ra, với mục đích là họ muốn giảm nhẹ hình phạt, tôi cho rằng việc này không đúng. Bởi vì không thể dùng những đồng tiền họ có được bằng hành vi phạm tội rồi sau đó nộp lại để được nhận một bản án thấp hơn, một hình phạt nhẹ hơn. Như thế không khác gì chạy án cả, tức là dùng tiền phạm tội để chạy án".

Theo quan điểm riêng của vị luật sư này, tất cả những khoản tiền mà các bị cáo phạm tội có được trong quá trình vụ án này phải bị tịch thu, sung công quỹ 100%, luật sư Đài nói thêm :

"Và chúng không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của họ, mà phải coi việc họ phải nộp phạt, tức là tòa án phải ra những phán quyết, bởi vì như trong khoản 5 của điều 354 của tội nhận hối lộ (BLHS) quy định rằng người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng VN và bị tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như thế, hình phạt này mới là hình phạt mà tất cả những kỷ tham nhũng không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới cũng rất lo sợ.

Đáng lẽ ra ngoài hình phạt tù, không cần phải cao nhất là tử hình, chỉ cần từ 20 năm đến chung thân là đủ, nhưng hình phạt phụ kèm theo là phải tịch thu một phần cho đến toàn bộ tài sản mới là điểm có tính chất răn đe đối với các quan chức tham nhũng".

Truy tố tội ‘môi giới hối lộ’ đã là chuẩn xác và đầy đủ ?

Bình luận thêm về tội trạng của một bộ phận nhóm cựu quan chức công an là bị cáo tại vụ án, luật sư Đài nêu tiếp quan điểm cá nhân :

"Tổng số tiền, mà trong đó bốn bị cáo đã bị truy tố và xét xử gồm Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó TGĐ Công ty Bầu Trời Xanh), Nguyễn Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng, là 2,6 triệu đô la Mỹ, trong đó Viện Kiểm sát chỉ cáo buộc Hoàng Văn Hưng nhận 800.000 đôla thôi. Tức là toàn bộ số tiền gần hai triệu đô la, ông Nguyễn Anh Tuấn này giữ cho mình, như vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn trên cương vị Phó Giám đốc, Thiếu tướng phụ trách cơ quan An ninh điều tra của Thành phố Hà Nội, ông ta phải chịu hai tội danh, một phần với 800.000 đô la, mà đã được cơ quan điều tra xác nhận chuyển cho ông Hoàng Văn Hưng, thì ông ta chịu trách nhiệm về tội môi giới hối lộ.

Còn lại, 1,8 triệu đô la Mỹ mà ông ta giữ cho phần riêng của ông ta, thì ông ta phải chịu một trong hai tội danh : một là tội lừa đảo, vì ông ta nói với Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn rằng ông ta dùng toàn bộ số tiền đó để chạy tội cho hai người đó, nhưng mà trên thực tế, ông ta chỉ dùng hết 800.000 đô la, còn lại 1,8 triệu đô la, là ông ta phạm tội ‘lừa đảo’ ; hoặc là phạm tội ‘nhận hối lộ’, bởi vì ông ta là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng khoản tiền ấy, người ta không nhất thiết cứ phải phạm tội nhận hối lộ là có thể trực tiếp làm hoặc không làm".

Cũng theo luật sư Đài, ở trong tội ‘nhận hối lộ’ quy định tại bộ Luật Hình sự của Việt Nam, người nào nhận hối lộ để ‘làm hoặc không làm một việc, đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ’ thì phạm tội ‘nhận hối lộ’, nhưng vẫn theo ông, ở một phần khác của điều luật quy định tội ‘nhận hối lộ này’, luật Hình sự của Việt Nam đã có quy định rằng :

"Nhận tiền hối lộ để tác động đến một người mà có khả năng tác động để người đó làm hay không làm một việc đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ, thì người đó vẫn phạm tội nhận hối lộ. Vì thế cho nên với khoản 1,8 triệu đô la Mỹ đó, ông Nguyễn Anh Tuấn phải chịu thêm một trong hai tội. Thứ nhất có thể quy ông ta ‘tội lừa đảo’ cũng được, bởi vì nếu ông ta nói rõ ràng với Nguyễn Thị Thanh Hằng rằng ‘tôi nhận của chị số tiền này, và chuyển toàn bộ cho anh Hưng để giúp cho chị, chứ tôi không xơ múi đồng nào ở đây cả’, thì ông ta sẽ phạm tội ‘lừa đảo’. Bởi vì ông ta đã dùng sai mục đích, đáng lẽ ông ta phải chuyển tất cả số tiền đó, nhưng ông ta chỉ chuyển có 800.000 đô la, thì đó là tội ‘lừa đảo’. Còn lại, truy tố ông ta tội ‘nhận hối lộ’ hoàn toàn có thể được".

Có cần bảo vệ an toàn cho ‘bị cáo’ có lời khai ‘nhạy cảm’ trước tòa ?

Trước thông tin từ giới quan sát phiên tòa từ Việt Nam cho hay, lúc bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Chính trị hậu cần, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an bất ngờ có lời khai ‘có tính nhạy cảm’ trước phiên tòa hôm 17/7/2023, việc truyền trực tiếp hình ảnh và âm thanh đồng thời từ phòng xử án ra khu vực theo dõi mà các phóng viên tác nghiệp đã bị gián đoạn trong một số phút. Về việc này, luật sư Nguyễn Văn Đài bình luận :

"Chỉ khẳng định một điều là chắc chắn lời khai trong những phút đó, ông ta (ông Hưng-PV) đã đề cập tên rất nhiều quan chức cấp trên của ông ta, rồi những quan chức ở bên Viện Kiểm sát là cơ quan phối hợp với cơ quan An ninh Điều tra để giám sát vụ án này, và liên quan những khoản tiền mà ông ta nói liên quan những trường hợp bỏ lọt tội phạm. Cuối tuần trước ông ta đã nói như vậy, vậy có thể trong những phút ấy ông ta đưa ra những gì ông ta nắm được, thì diễn biến phiên tòa có thể phức tạp hơn. Chúng ta chờ đợi trong những ngày tới hay ngày mai (18/7) để xem phiên tòa có dừng lại để họ tiếp tục điều tra hay không, còn nếu phiên tòa không dừng lại, họ vẫn tiếp tục phần tranh luận, tôi cho rằng những lời khai trong vòng những phút ấy sẽ được chuyển sang giai đoạn hai của vụ án, hoặc người ta sẽ chuyển lên phiên tòa phúc thẩm, chứ không tiếp tục ở phiên tòa sơ thẩm này nữa".

Theo vị luật sư từ nước Đức, trong tất cả các quốc gia được cho là ‘độc tài’, trong một vụ án tham nhũng ‘liên quan cấp cao’ mà có những ‘lời khai bất lợi’ cho những quan chức mà ‘chưa bị lộ’, chắc chắn người khai ra những tình tiết đó ‘sẽ gặp nguy hiểm’, liên quan trường hợp lời khai của ông Hoàng Văn Hưng, mà có thể cần có thời gian để theo dõi thêm ở vụ án này.

Đề nghị điều tra trách nhiệm liên quan của Thứ trưởng Bộ Y tế đã đủ ?

Đề cập diễn biến liên quan việc bổ sung điều tra trách nhiệm một thành viên Ban lãnh đạo Bộ Y tế, được Hồi đồng xét xử vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ công bố trong phiên tòa hôm 17/7/2023, và tiếp tục liên hệ với trường hợp có thể cần xem xét ở một Bộ khác, luật sư Đài bình luận :

"Nhưng trong quá trình luận tội của Viện Kiểm sát Tối cao tại phiên tòa này, họ chỉ đề nghị xem xét đến trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế thôi thì cũng chưa đủ. Hai ông Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã bị từ chức do liên quan vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ hay vụ ‘Test-kit Việt Á’ rồi, nhưng chưa có một Thứ trưởng nào của Bộ Công an phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tôi cho rằng (nếu có) bỏ lọt ‘tội phạm’ là nó (có thể) ở ‘trường hợp’ này".

Trước câu hỏi đặt ra là liệu trong chế độ chính trị như ở Việt Nam hiện nay, khi chỉ có một đảng chính trị duy nhất là ĐCSVN được phép hoạt động và cầm quyền, thì liệu có thể chống tham nhũng hiệu quả, thành công trong bộ máy chính quyền, nhà nước được hay không, ông Đài nêu quan điểm :

"Quan điểm của tôi từ xưa đến này là muốn chống triệt để cần bốn yếu tố với thứ nhất là đa đảng, hai là tam quyền phân lập, ba là tự do báo chí, bốn là xã hội dân sự…, liệu hiện nay có thể chống tham nhũng hiệu quả thành công hay không, tôi cho rằng nếu như người đứng đầu khởi xướng chiến dịch đốt lò là ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo được các cơ quan tiến hành tố tụng từ điều tra, truy tố và xét xử thực hiện việc điều tra toàn bộ tài sản của các quan chức này có được, kể từ khi họ trở thành một quan chức của chế độ và trong quá trình truy tố và xét xử, phải xử với hình phạt nghiêm khắc, kết hợp với việc tịch thu toàn bộ tài sản (tham nhũng), tôi cho rằng nếu thực hiện được các hình phạt song song với nhau như thế, việc tham nhũng ở Việt Nam sẽ giảm ngay tức thì. Còn nếu không thực hiện điều đó, việc chống tham nhũng sẽ không bao giờ đem lại được hiệu quả". - luật sư Nguyễn Văn Đài nói với Đài Á Châu Tự Do từ thành phố Hanau, Cộng hòa liên bang Đức hôm 17/7/2023 trên quan điểm riêng.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 17/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ, Quốc Phương
Read 8301 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)