Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/08/2023

Trung Quốc và cuộc cách mạng thứ ba

Fareed Zakaria

Sự biến mất bí ẩn của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương là một lời nhắc nhở kịp thời rằng tương lai của quan hệ Mỹ-Trung sẽ được quyết định không chỉ bởi chính sách của Mỹ và những gì đang xảy ra trong nước Mỹ, chẳng hạn như vận động bầu cử tổng thống, nó cũng sẽ được định hình bởi những diễn biến ở Trung Quốc, hiện không rõ ràng nhưng đáng lo ngại.

fareed1

Nhà bình luận Fareed Zakaria

Từ những gì người bên ngoài có thể nói, Trung Quốc hiện đang quay trở lại phong cách chính trị thời kỳ Mao mà chúng ta tưởng đã biến mất sau nhiều thập niên. Quan trọng hơn chuyện loại bỏ bí ẩn Tần Cương khỏi quyền lực, sau khi chính quyền cho rằng sự vắng mặt của ông ta là vì lý do sức khỏe, là chính sách xóa bỏ sự tham gia và thành tựu của ông ta trong quá khứ ra khỏi các trang web và thông cáo báo chí.

"Ai kiểm soát quá khứ kiểm soát tương lai", George Orwell viết trong cuốn "1984", câu nói đáng ngại đó dường như là kim chỉ nam cho lãnh đạo chính trị của Trung Quốc ngày nay.

Điều này khác xa với chính quyền kỹ trị mà Đặng Tiểu Bình đã mở ra khi ông cải cách Trung Quốc vào những năm 1980. Trong những ngày đó, hệ thống chính trị Trung Quốc dường như là một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ, một chế độ độc tài có giới hạn độ tuổi hoặc giới hạn nhiệm kỳ cho các chức vụ cao. Có nơi nào mà người ta thấy chế độ độc tài lại có giới hạn ?

Ngày nay, một lần nữa, không có giới hạn nào đối với quyền lực của các nhà cai trị Trung Quốc. Điều mà học giả Elizabeth Economy gọi là cuộc cách mạng thứ ba của Trung Quốc – cuộc cách mạng đầu tiên với Mao là trung tâm, cuộc cách mạng thứ hai với Đặng và bây giờ với Tập – vẫn đang tiếp diễn một cách mạnh mẽ.

Cuộc cách mạng thứ ba đó không chỉ liên quan chính trị trong nước. Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của chính mình và đưa Đảng cộng sản trở lại vai trò xã hội trung tâm, nhưng cũng tìm cách giới thiệu với thế giới một Trung Quốc mạnh mẽ và quyết đoán hơn.

Và những quyết định đó đã có tác động lan tỏa trên toàn cầu, đặc biệt là ở Châu Á, nơi các nước láng giềng của Trung Quốc đang lao xao do thái độ và chính sách hung hăng hơn của họ Tập.

Hoa Kỳ đã không tiến hành mối quan hệ với Trung Quốc một cách hoàn hảo. Chính quyền Biden đã có thái độ đối đầu không cần thiết ngay từ đầu, công khai trên đe dưới búa với Bắc Kinh ngay trong cuộc họp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao.

Hoa Kỳ cũng duy trì chính sách thuế quan của Donald Trump đối với Trung Quốc, bất chấp thực tế đã gặp những thất bại đắt giá. Hãy nhớ rằng, chính người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cho những mức thuế đó, chứ không phải Trung Quốc. Trump đã phải trợ cấp hàng chục tỷ cho nông dân để bù đắp cho những tổn thất mà họ phải chịu vì những chính sách này. Và trong một thời gian, dường như chính sách của Mỹ đối với Bắc Kinh đã được công bố mà không chú ý đến việc duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc, mặc dù nước này là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một cường quốc vũ khí hạt nhân có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc.

Nhưng Tổng thống Biden đã điều chỉnh hướng đi. Một số quan chức cấp cao của ông, bao gồm các bộ trưởng ngoại giao, thương mại và tài chính đã gặp các đối tác Trung Quốc và cố gắng ngăn chặn sự suy giảm quan hệ giữa hai nước.

Ngoại trưởng Anthony Blinken nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn rằng các nhà lãnh đạo thế giới đã nói với ông rằng họ mong đợi Mỹ và Trung Quốc xây dựng một mối quan hệ làm ăn tốt đẹp. Chính quyền Biden đã coi trọng ý kiến đó, bằng chứng là họ đã bớt lại số lượng công nghệ cao được phép chia sẻ với Trung Quốc, theo kiểu nói ẩn dụ là một cái sân nhỏ có hàng rào cao.

Ngay cả một số chính sách của Mỹ có thể khiến Trung Quốc phản đối, chẳng hạn như các quy định mới sắp áp dụng cho các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, cũng được thông báo trước cho Trung Quốc, trong trường hợp này, do Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Vẫn còn những lĩnh vực mà Mỹ có thể nỗ lực hơn một chút nếu chính quyền Biden muốn có cuộc đối thoại quân sự mang lại hiệu quả. Duy trì các biện pháp trừng phạt thời Trump đối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dường như đi ngược lại nỗ lực đó. Tốt hơn hết là nên từ bỏ các biện pháp trừng phạt để hai bên có thể nói chuyện và tránh gặp hiểu lầm về các vấn đề như Đài Loan.

Nhưng thực ra, quả bóng đang nằm trong phía sân của Trung Quốc. 

Đáng tiếc, chính sách của Trung Quốc được đánh dấu bằng sự quyết đoán và thậm chí mang tính hiếu chiến, hoàn toàn khác với ba thập niên qua.

Tập đã đưa ra các yêu sách tốn kém đối với Trung Quốc và Biển Đông, tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, đụng độ với Ấn Độ ở dãy Himalaya, yêu cầu Úc chấm dứt mọi chỉ trích đối với nước ông, cam kết hỗ trợ chắc chắn cho Moscow ngay cả khi cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine leo thang. Và Tập cũng leo thang chỉ trích Hoa Kỳ.

Không có chính sách nào của Tập trong số này có vẻ thành công. Các quốc gia xung quanh Trung Quốc tích cực hơn nhiều để tìm cách chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh và tìm kiếm sự hỗ trợ ở những nơi khác, đặc biệt là với Mỹ. Từ Nhật Bản cho đến Philippines qua Ấn Độ, quốc gia nào cũng muốn đẩy Bắc Kinh ra.

Liệu Bắc Kinh có nhận ra điều này và thay đổi ?

Trung Quốc đang là một cơ chế ra quyết định ngày càng độc đoán, khép kín, có khả năng học hỏi và thích nghi. Nhưng việc loại bỏ Tần Cương một cách bí ẩn không cho thấy có câu trả lời tích cực.

Fareed Zakaria

Nguyên tác : Fareed’s Tak e: China’s ‘third revolution’ has sent ripple effects across the world, CNN, 31/07/2023

Nguồn : Đàn Chim Việt, 31/07/2023

Fareed Zakaria là bình luận gia CNN bàn về lãnh đạo chính trị của Trung Quốc và hiệu ứng lan tỏa của nó trên toàn thế giới.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Fareed Zakaria
Read 318 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)