Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/08/2023

Cái nhìn của Philippines về Việt Nam và Biển Đông

Hoàng Việt

Thái độ của giới tinh hoa chính trị và công chúng Philippines đối với Việt Nam về vấn đề Biển Đông

Hôm 1/8/2023, ở Manila xảy ra một vụ biểu tình của một nhóm nhỏ người Philippines phản đối Việt Nam "quân sự hóa" Biển Đông. Nhân dịp này, RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh thái độ của các giới Philippines đối với Trung Quốc và Việt Nam. 

phiviet1

Hình ảnh tàu Kiểm Ngư 472 tiếp cận tàu cá QNg 97079 TS để tiếp nhận 4 ngư dân Philippines gặp nạn mà tàu cá Việt Nam đã cứu năm 2021 (ảnh minh họa) - Hải Quân Việt Nam

RFA : Xin ông cho biết đối với vấn đề Biển Đông, công chúng Philippines có thái độ như thế nào đối với Trung Quốc ?

Hoàng Việt. Theo một số nghiên cứu thăm dò của Pew Research Center, thì phần đông người dân Philippines không có thái độ thân Trung Quốc. Nhóm có thái độ thân Trung Quốc thường nằm trong giới tài phiệt. Nhiều nhóm tài phiệt ở Philippines là gốc Hoa, cho nên họ có tình cảm tự nhiên là thân Trung Quốc. Còn các nhóm thuộc xã hội dân sự của Philippines thì không như vậy. 

RFA : Như ông đã nói, người dân Philippines không có thái độ thân Trung Quốc nhưng một số nhóm thuộc giới tinh hoa thì có thái độ này. Xin ông cho biết cách nhìn đối với Trung Quốc của các nhóm khác nhau thuộc giới tinh hoa Philippines như giới học giả, chính khách, quân đội, doanh nhân… có gì khác nhau không ?

Hoàng Việt : Lịch sử của Philippines rất đặc biệt. Đất nước này có nhiều yếu tố pha trộn với nhau trong đời sống chính trị. Người ta tổng kết là Philippines có khoảng 164 gia đình chính trị, nắm các nguồn lực kinh tế chủ chốt của đất nước. Và các chính khách chủ chốt của Philippines đều xuất thân từ 164 gia đình chính trị này chứ tự thân thì khó mà lên được. 

Ví dụ như câu chuyện Tổng thống Marcos, bản thân gia đình ông đầy quyền lực. Cha của ông từng là tổng thống rồi. Chị gái hiện là chủ tịch ủy bản đối ngoại Thượng viện. Giới tinh hoa Philippines cho biết có 4 gia đình lớn trong chính trường Philippines ủng cho Marcos. Một là bản thân gia đình Marcos. Hai là gia đình cựu Tổng thống Duterte, và con gái ông Duterte hiện cũng là Phó tổng thống cho ông Marcos. Gia đình thứ 3 cũng là một cựu tổng thống Macapagal Arroyo. Gia đình này khá thân Trung Quốc. Và thứ 4 là gia đình cựu tổng thống Joseph Estrada. Ông từng là một diễn viên điện ảnh. Cả 4 gia đình này ủng hộ ông Marcos lên tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2022. 

Những gia đình nói trên có xu hướng thân Trung Quốc. Nhưng ngay trong giới tinh hoa chính trị Philippines cũng có rất nhiều nhóm chống lại Trung Quốc bành trướng và thân với Mỹ nhiều hơn. 

Ngoài ra, Philippines cũng giống như nhiều nước Đông Nam Á khác, quân đội đóng vai trò quan trọng trên chính trường, do nắm trong tay sức mạnh bạo lực. Lực lượng Vũ trang Philippines (Armed Forces of the Philippines, viết tắt : AFP) trong nội bộ dĩ nhiên có nhiều tiếng nói khác nhau, nhưng họ nhìn chung thì có mối mối quan hệ khăng khít với Mỹ. AFP từng là đồng minh chiến đấu bên cạnh Quân đội Mỹ chống Nhật trong thế chiến thứ 2. Kể từ đó về sau Philippines luôn là đồng minh quan trọng của Mỹ. Hai bên có mối quan hệ khăng khít do có lịch sử lâu đời như vậy. Các Hiệp định giữa hai nước như MDT (Mutual Defense Treaty - Hiệp ước Phòng thủ chung) năm 1951, VFA (tức là Philippines–United States Visiting Forces Agreement, hay "Thỏa thuận lực lượng thăm viếng Philippines-Hoa Kỳ") năm 1998, rồi EDCA (Enhanced Defense Cooperation Agreement, hay "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường") năm 2014 thì hầu hết đều tập trung giúp đỡ quân đội. Đó là lí do vì sao AFP rất thân với Mỹ. 

Thời ông Duterte, ông ấy là người thân Trung Quốc. Trong vụ đá Ba Đầu, thông tin về sự xâm nhập của Trung Quốc là do trong Quân đội Philippines đưa ra, chứ không phải từ Chính phủ Philippines hay từ Bộ Quốc phòng nước này. (RFA chú thích : Bộ Quốc phòng Philippines, tức Department of National Defense, là cơ quan chủ quản của AFP và một số lực lượng vũ trang khác của Philippines.

Kể cả sau này thì áp lực của quân đội cũng khiến Tổng thống Marcos phải nhân nhượng chủ trương chống bành trướng của Trung Quốc. Chúng ta còn nhớ là đầu năm 2023, Tổng thống Marcos đi thăm Trung Quốc (từ ngày 3-5 tháng 1, 2023) và hai bên có đưa ra tuyên bố chung, nhắc đến việc sẽ khai thác chung trên biển Tây Philippines (tức biển Đông), và có tin đồn là có một số tướng lĩnh quân đội muốn đảo chính. Và ông Marcos khi về nước đã phải thay ngay Tổng tham mưu trưởng quân đội (ngày 7 tháng 1, 2023). Điều đó cho thấy giới quân đội không hài lòng với chủ trương thân Trung Quốc và ông Marcos phải nhân nhượng nhóm này về chính sách chung.

Các giới tinh hoa thì đa phần có quan hệ thân tình với Mỹ, và đặc biệt các nhóm xã hội dân sự cũng thân thiết với Mỹ. Theo nghiên cứu của Pew Research Center thì hầu hết công chúng các nước Đông Nam Á thì đều lo lắng trước sự bành trướng của Trung Quốc nên không có thiện cảm với nước này. 

RFA : Xin ông cho biết thái độ của các giới tinh hoa Philippines đối với Việt Nam cũng như các bên tranh chấp khác đối với quần đảo Trường Sa thì như thế nào ?

Hoàng Việt : Chúng ta còn nhớ là năm 2019 (hay là 2018 gì đó), có một sự kiện là một tàu cá của Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm và mười mấy ngư dân của họ bị lênh đênh trên biển. May mắn là có một tàu cá Việt Nam đã phát hiện ra họ, cứu họ và cung cấp lương thực nước uống. Vì sự kiện này mà hầu hết công chúng Philippines đều rất thiện cảm với Việt Nam. 

Chúng ta còn nhớ một sự kiện khác là năm 2020, khi một tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc tông chìm ở vùng biển Hoàng Sa thì Philippines đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam ngay lập tức. Đây không phải là hiện tượng cá biệt. Có nhiều câu chuyện tương tự, khi tàu cá của ngư dân Việt Nam hay Philippines bị Trung Quốc đâm chìm thì hai bên thường hỗ trợ nhau. 

Hầu hết giới tinh hoa Philippines đều hiểu là mặc dù hai nước có những yêu sách chồng lấn nhưng hai bên vẫn nói chuyện được với nhau. Quan hệ hai nước rất là tốt đẹp dù là dưới bất kì đời tổng thống nào. 

Thái độ của công chúng Philippines nói chung đối với Việt Nam không phải khắt khe như là với Trung Quốc, bởi vì ai cũng biết khu vực Biển Đông nóng lên là do Trung Quốc chứ không phải do ai khác. 

RFA : Như ông đã biết mới đây có một nhóm nhỏ người Philippines đã biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Manila, với những hành động quá khích như xé cờ, đốt cờ, để phản đối Việt Nam "xâm lấn" đảo của họ, "quân sự hóa" Trường Sa. Ngày 16/7/2023, tờ Manila Times có một bài đưa "kế hoạch quân sự hóa" Trường Sa của Việt Nam, rồi đến ngày 27/7, tờ báo này bồi thêm một bài nữa với nội dung chi tiết hơn. Sau đó đến ngày 1/8/2023 xuất hiện một cuộc biểu tình như trên. Theo ông, ở đây có mối liên hệ nào giữa hai bài báo nêu trên và sự kiện biểu tình không ? Nhà quan sát Đặng Sơn Duân nói đây có thể là một "âm mưu được tính toán kĩ lưỡng". Ông đánh giá thế nào về sự kiện này ?

Hoàng Việt : Tôi cũng có nghe tin về một cuộc biểu tình của một nhóm nhỏ trước Đại sứ quán Việt Nam tại Manila. Nhưng phải nói thêm là báo chí Philippines đưa tin về sự kiện này rất ít. Thông thường, với thái độ chung của người dân Philippines về những vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước, người dân Philippines sẽ lên tiếng rất mạnh mẽ. Nó sẽ tạo thành một làn sóng chứ không phải chỉ có vài bản tin như vậy. Nhưng tôi theo dõi thì thấy rất ít tin tức về chuyện này. 

Điều đó cho thấy giới truyền thông và công chúng Philippines rất dè dặt trước câu chuyện này. Nhưng một khi đã xảy ra hành động như vậy thì rõ ràng là có những vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, dù hiện nay tôi chưa dám nói chắc chắn. 

Thứ nhất, tờ Manila Buletin, Manila Times có nêu tên nhóm biểu tình là nhóm Makabansa. Tôi trao đổi với một số nhà nghiên cứu Philippines thì họ nói họ chưa từng nghe đến nhóm này bao giờ. Vì vậy có khả năng đây là một nhóm mới thành lập. Đó là điều là rất đáng lưu ý.

Thứ hai, những cuộc tập hợp đông người như vậy chắc chắc phải có sự tổ chức, có kế hoạch. Tất nhiên, Philippines là nước dân chủ nên người dân có quyền làm như vậy. Nhưng chúng ta nên lưu ý là những cuộc tập hợp như vậy phải có kế hoạch. Còn tổ chức như vậy với mục đích gì thì chúng ta phải xem xét trong bối cảnh rộng hơn. 

Ngày 1/8/2023, tức là ngày xảy ra cuộc biểu tình nhỏ nêu trên, thì báo chí Philippines cho biết Thượng viện Philippines đã chính thức thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc xâm lấn vùng biển thuộc biển Tây Philippines (Biển Đông) của họ. 

Liệu phải chăng đây là một hành động nhằm đánh lạc hướng chú ý của công chúng đối với nghị quyết của thượng viện Philippines ? Chúng ta biết là trong thể chế dân chủ của Philippines thì Thượng viện có một vai trò rất quan trọng. Thượng viện có thượng nghị sĩ đại diện cho tất cả cả giới của Philipines. Cho nên một khi Thượng viện đã ra một nghị quyết như vậy thì chứng tỏ nó phản ánh mối quan tâm chủ yếu của các giới Philippines tới vấn đề Trung Quốc. Chúng ta biết là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hiện nay là bà Imee Marcos là chị gái của Tổng thống Marcos. Điều đó cho thấy thái độ thực sự của giới tinh hoa chính trị của Philippines đối với vấn đề Biển Đông là như thế nào. 

Trong lúc này, chúng ta không có bằng chứng để khẳng định được ai là người đứng đằng sau hành động biểu tình chống Việt Nam đúng vào ngày Thượng viện Philippines chính thức thông qua Nghị quyết lên án Trung Quốc xâm lấn vùng biển thuộc biển Tây Philippines (biển Đông). 

Tuy nhiên, có lẽ trong bối cảnh như trên, chúng ta cũng có thể hiểu được vấn đề. Ngoài ra, chúng ta có thể xem xét ai là bên có lợi nhất khi xảy ra những hành động như vậy. Ở Việt Nam, nhà quan sát Đặng Sơn Duân cũng đưa ra một số lý giải riêng của anh ấy. 

RFA : Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

Nguồn : RFA, 04/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Việt
Read 405 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)