Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/08/2023

Thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng : gia đình kêu oan vô vọng

Tuấn Khanh-Gió Bấc-RFA

Nguyễn Văn Chưởng đã từng nhận tội, có oan không ?

Tuấn Khanh, RFA, 05/08/2023

Ngày 27/01/2008, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Thành phố Hải Phòng ra kết luận, khẳng định Chưởng đã khai nhận cùng Trung và Hoàng chém chết Thiếu tá công an Sinh với mục đích cướp của để lấy tiền mua heroin. Đến ngày 12/6/2008 : Tòa ở Thành phố Hải Phòng xử vụ giết người, và lại thêm kết luận Chưởng là chủ mưu giết người và cướp tài sản. Dĩ nhiên, là có lời khai, ký nhận của các nghi can nên án cuối cùng của Nguyễn Văn Chưởng là tử hình.

chuong1

Gia đình Nguyễn Văn Chưởng kêu oan cho con - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo đơn kêu oan của cả năm người liên quan trong vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc thẩm tra lại hồ sơ và nhận ra những tình tiết không giải thích được, chẳng hạn trong nhóm người đó, có người không hề gặp mặt như Hoàng, còn Chưởng thì được làm chứng là đang ở Hải Dương, cách nơi gây án 40 cây số. Còn Đoàn là người làm chứng ngoại phạm cho Chưởng thì khi đến công an trình báo, bị bắt và bị tra tấn, sau đó bị ghép tội che giấu tội phạm. Còn rất nhiểu chi tiết khác mơ hồ, không được làm rõ trong cuộc điều tra "điểm" này.

Ngoài ra, câu hỏi lơ lửng là 5 năm thanh niên bị gom chung vào tội sát hại công an Sinh, sao lại biết vào đúng ngày tháng và địa điểm đó, công an Sinh có mang tiền trong người để họ đến đúng nơi, giết người cho việc mua heroin (mục đích mua heroin là theo suy luận của công an Hải Phòng).

Ngày 18/4/2011 : Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra "Kháng nghị giám đốc thẩm số 09/KN-VKSTC-V3", đề nghị Tòa xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự đối với Chưởng, để xét xử phúc thẩm lại theo hướng giảm hình phạt cho Chưởng xuống tù chung thân. Lý do là có nhiều chi tiết mà ngay cả Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng lắc đầu không hiểu, nhưng rõ là không thể là bẽ mặt Tòa án nhân dân tối cao, nên chọn là giảm án, chứ không thể hủy án.

Ngày 07/12/2011 : Tòa án nhân dân tối cao (gồm 11 thành viên) do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa, mở phiên tòa giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Và như vậy, Nguyễn Văn Chưởng bị chính thức bị kết án tử hình, và chỉ còn đợi ngày thi hành án. Sự việc kéo dài đến nay, bởi áp lực dư luận xã hội chất vấn, chỉ ra những sai lầm của công an điều tra, mà đến nay cả 2 nhân vật cấp cao có liên quan là Phó Giám Đốc Công an Dương Tự Trọng và Giám Đốc Công an Đỗ Hữu Ca đều đã bị bắt, ngồi tù vì nhũng lạm.

Hầu hết các vụ án oan ngất trời của Việt Nam, đều dựa chính vào lời khai của nạn nhân và chữ ký. Thế nhưng con đường đến những bản khai nhận tội đó, ít ai biết là máu và nước mắt đã được lau sạch, chỉ còn lại lấp lánh chiến công và sự ngạo nghễ của công an điều tra. Các trường hợp tử tù khi may mắn được minh oan, đã kể lại những nhục hình kinh hoàng, nếu không nói là thú vật từ công an điều tra.

Ông Nguyễn Thanh Chấn bị công an Bắc Giang truy hỏi về cái chết của một phụ nữ, vì có người tả ai đó giống ông. Nhưng thay vì có khả năng làm rõ, ông Chấn bị tra tấn đến tưởng chừng chết đi sống lại để ép nhận tội. Ông kể có khoảng 6 cán bộ thay nhau canh ông suốt đêm này sang đêm khác không cho về và không cho ngủ, dọa nạt, ép buộc ông. Sau cùng thấy ông không biết gì, họ ép ông phải cầm dao tập, diễn đúng như kịch bản điều tra rồi quay phim và kết tội. Đơn giản, vì công an đã bắt thì phải có tội.

Còn ông Hàn Đức Long, dù có nhiều bằng chứng ngoại phạm nhưng công an điều tra tuyên bố qua kết quả "đấu tranh", đã khiến thủ phạm nhận tội. về sau khi được minh oan, ông Long mô tả những trận tra tấn triền miên khiến ông chỉ muốn chết quách cho xong, và đồng ý viết thư về nhà thú tội với gia đình, để hoàn chỉnh hồ sơ vụ án theo ý điều tra viên.

Còn Nguyễn Văn Chưởng thì sao ? Từ trại giam Trần Phú ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng lén gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định Chưởng đã bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.

"Thế là họ đánh con tới tấp, không để cho con nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu ? Và họ nói "Không làm gì thì tao mới đánh chứ làm gì thì đã không bị đánh" và họ lại tiếp tục đánh con tiếp và dùng còng số 8 treo… chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất…".

"Khi ở trên trại Kế – Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức "Chưởng vô tội". Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…".

Trăm triệu dân đen Việt Nam, cứ chiếu theo những gì đã xảy ra, thì ai rồi cũng có thể là những người phạm tội hợp pháp, một khi bị đưa vào đồn công an để điều tra "đấu tranh" tội phạm. Một khi có điềm chỉ và nghi ngờ mơ hồ, việc tiến đến định danh, định hình câu chuyện phạm tội là sự sáng tạo bằng vũ lực của người điều tra, mà chính báo chí nhà nước đã từng khẳng định. Ông Nguyễn Hòa Bình, hiện là Chánh án Tối cao của nhà nước, đã từng trơ trẽn khẳng định với báo chí rằng vụ án Hồ Duy Hải, là thớt và dao thì mua ở chợ để góp vào, chứ không có tang vật hiện trường, nhưng vẫn xác định là án giết người hoàn chỉnh, thì liệu đó có phải là tấm gương điên loạn cho bất kỳ cơ quan điều tra nào đang hành sự hay không ?

Tháng 3/2023, ông Nguyễn Hòa Bình nói trước Quốc hội, tự ca ngợi là các tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được hơn 2,3 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6%. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Nghe mà não lòng, số phận con người Việt đặt dưới cửa công quyền, lại chỉ được nhìn lại theo chỉ tiêu như một mặt hàng sản xuất lập công. Như vậy đó, ngày nào, nền tư pháp Việt Nam vẫn còn coi con người như vật tế thần cho quyền lực nhà nước và danh dự hảo của kẻ cầm quyền, thì chừng đó, sẽ mãi còn những án oan ngút ngất trời cao.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 05/08/2023

**************************

Thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng : Nhà nước vấy máu dân oan

Gió Bấc, RFA, 04/08/2023

Sau 15 năm kêu oan cho con, cha mẹ Nguyễn Văn Chưởng từ một thầy lang khá giả phải bán nhà cửa, tài sản trở thành người vô gia cư, ăn ngủ vật vạ gầm cầu, lề đường. Ngày 4/8 gia đình "tử tù" được Tòa án thông báo lựa chọn hình thức nhận thi hài con. Thủ tục thi hành án đã khởi động. Điều đáng nói bản án này, không chỉ bị án, gia đình, luật sư kêu oan mà chính Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng thấy oan nhưng nó vẫn được thi hành. Nhân danh nhà nước giết oan người vô tội, nền tư pháp và cả bộ máy nhà nước đang vấy máu dân oan.

chuong2

"Tử tù" Nguyễn Văn Chưởng trả lời qua điện thoại trong một buổi thăm của cha mẹ

Đêm 4/8, dư luận mạng xã hội bùng vở sự căm phẫn với thông tin sét đánh từ nhà báo Nguyễn Đức : "Tử tù" Nguyễn Văn Chưởng sắp bị thi hành án". Kèm theo đó là hình ảnh văn bản lạnh lùng "Thông báo về việc làm đơn xin nhận thi hài tro cốt của người đã bị thi hành án tử hình"

Nhà báo nhắn tin cho Chủ tịch nước !

Không chỉ thông tin đơn thuần, phần cuối stt, Nguyễn Đức đã kiến nghị "Tôi kiến nghị Chủ tịch nước cần xem xét hoãn thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét lại vụ án này. Mong các đại biểu quốc hội quan tâm vụ án Nguyễn Văn Chưởng có kiến nghị khẩn cấp tạm hoãn thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng" (1).

Năm tiếng đồng hồ sau, khoảng 10 giờ đêm Nguyễn Đức đã đăng thêm một stt mới với nội dung nóng hổi làm lòng người phấn chấn, hy vọng "Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa nhắn tin trả lời tôi về thông tin tôi nhắn Chủ tịch nước chuyện tử tù Nguyễn Văn Chưởng sắp bị thi hành án.

"Tôi đã nhận được tin nhắn của Anh !" (Chủ tịch nước trả lời lúc 21g9p tối 4/8/2023). Thật cảm kích, dù bận trăm công ngàn việc, Chủ tịch nước vẫn dành chút thời gian xem tin nhắn về số phận ngàn cân treo sợi tóc của Nguyễn Văn Chưởng".

Nguyễn Đức cũng đăng kèm nội dung tin nhắn gửi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lúc 17g15 ngày 4/8/2023.

"Kính gửi Chủ tịch nước, tôi là Nhà báo Nguyễn Đức - Biên tập viên Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Hôm nay tôi nhận thông tin Tòa án nhân dân Thành phố Hải Phòng gửi thông báo cho gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng là sắp thi hành án tử đối với Chưởng. Đây là vụ án báo chí viết nhiều, đại biểu quốc hội lên tiếng nhiều. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từng kháng nghị giám đốc thẩm hủy án vì nhiều tình tiết cần làm rõ. Mong Chủ tịch nước xem xét cho tạm hoãn thi hành án tử Nguyễn Văn Chưởng và yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại vụ án còn nhiều oan khuất này. Kính chúc Chủ tịch nước và gia đình mạnh khỏe".

Không chỉ vậy, Nguyễn Đức còn cho biết "Trong ngày hôm nay tôi đã nhắn tin cho các đại biểu quốc hội thực hiện chức trách của đại biểu về trường hợp tử tù Nguyễn Văn Chưởng".

Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ vào khoảng o giờ ngày 5/8, stt này đã có 1300 lượt bày tỏ cảm xúc, 119 bình luận và 322 lượt chia sẻ (2).

Trong nhà nước tập quyền cộng sản, mọi cán bộ viên chức đều được ràng trong nội quy là không được viết, bày tỏ những ý kiến phản biện trên mạng xã hội thì việc làm của Nguyễn Đức quả là dũng cảm. Càng dũng cảm hơn nữa vì Nguyễn Đức từng lên bờ xuống ruộng, từng cận kề với cái vòng thòng lọng điều 331 qua những bài viết những clip thông tin, kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải.

Việc một nhà báo địa phương nhắn tin kiến nghị với chủ tịch nước và các đại biểu Quốc hội cũng là điều chưa từng có tiền lệ ở xứ sở có quá nhiều quyền dân chủ để người ta lợi dụng mà thành tội phạm.

Cảm động và khâm phục nhà báo Nguyễn Đức nhưng cũng không thể không ghi nhận thái độ cầu thị hạ cố quan tâm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhắn tin trả lời. Dù nội dung tin nhắn của ông rất trung tính đến vô cảm nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng gieo hy vọng cho nhiều người.

Ít nhất tin nhắn ấy cũng thể hiện trách nhiệm của ông Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp về một sự kiện quan trọng có ảnh hưởng đến nền tư pháp và cả uy tín danh dự, nhân phẩm của ông.

Vấn đề là tại sao Nguyễn Đức nhiệt huyết kiến nghị đến lãnh đạo quốc gia và đại biểu quốc hội can thiệp việc thi hành án tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã mang án tử từ 15 năm qua.

Bị bức cung, xóa hồ sơ, nhân chứng bị trấn áp

Đây là vụ án oan mà không chỉ Nguyễn Văn Chưởng phải tẩn mỉ rút từng sợi chỉ áo để viết thành thơ kêu oan, cha anh hai lần cắn tay lấy máu viết thơ kêu oan, luật sư kêu oan mà cả Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trưởng đoàn giám sát cũng công nhận là oan.

Năm 2014, báo Tuổi Trẻ và nhiều tờ báo từng đăng ý kiến Luật sư Hoàng Văn Quánh (Ðoàn luật sư Thành phố Hà Nội), người bào chữa cho Nguyễn Văn Chưởng ở phiên phúc thẩm, cho biết tại tòa cả hai anh em Chưởng khai bị đánh đập nên phải nhận tội. Các bản cung phía dưới chữ ký Chưởng đều viết chữ "EC" (tức bị ép cung).

Hồ Sơ vụ án có một số tài liệu bị mất, biên bản xác định thương tích trên người bị cáo Chưởng khi Chưởng về trại tạm giam Trần Phú do giám thị trại giam lập, có y sĩ trại giam chứng kiến nhưng không có trong hồ sơ.

Khi bị bắt, Chưởng bị tịch thu điện thoại. Bị cáo và luật sư đề nghị cơ quan điều tra khôi phục cuộc gọi và xác định xem Chưởng có mặt tại Hải Phòng vào tối 14/7 hay không nhưng yêu cầu này cũng không được thực hiện.

Ðôi dép, khẩu trang màu xanh và thanh đoản kiếm thu giữ tại hiện trường thì cơ quan điều tra không làm rõ của ai. Quần dài và áo lót của nạn nhân là tang vật thu giữ, sau đó bị hủy mà không hiểu vì lý do gì.

Quá trình tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra, các luật sư bị Công an Thành phố Hải Phòng gây khó dễ, kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận bào chữa, không cho tiếp xúc với bị can. Họ phải gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và phó thủ tướng Chính phủ.

Luật sư cũng nêu ra các bằng chứng ngoại phạm là vụ án xảy ra ở Hải Phòng đêm 14/7 nhưng nhiều nhân chứng đã xác nhận Chưởng có mặt ở Hải Dương vào thời điểm đó. Khi bị triệu tập đến cơ quan điều tra, họ bị đánh đập nên mới phải khai không nhớ rõ ngày. Sau đó về suy nghĩ lại thấy áy náy, họ làm đơn khẳng định tối 14/7 có gặp Chưởng tại Hải Dương (3).

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp cũng thấy oan

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Giám đốc thẩm bản án vì chưa đủ căn cứ vững chắc buộc tội nhưng Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã giám đốc thẩm và y án tử hình. Năm 2014, vụ án được đưa và diện giám sát trong chương trình giám sát án oan sai của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trình bày trước Đoàn giám sát, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong một lần nữa bảo lưu quan điểm của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

"Qua xem xét hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người" -

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng căn cứ vào hồ sơ thì Chưởng cũng không phải là người có vai trò chính gây ra cái chết (gây ra vết thương trên trán của nạn nhân - NV).

Hồ sơ không chứng minh được Chưởng chủ mưu bàn bạc đi giết người thì không thể kết tội giết người và tuyên án tử hình Chưởng được.

Theo ông Hiện, vụ Nguyễn Văn Chưởng đã qua xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm với cấp xét xử cao nhất là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng" - ông Nguyễn Văn Hiện nói (4).

"Pháp luật" không qua "thế lực"

Có lẽ từ những bế tắc pháp lý mà ông Hiện nêu, Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi năm 2015 đã đưa ra điều luật mới. "Điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

2. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó" (5).

Như vậy đến thời điểm hiện nay thì bản án Nguyễn Văn Chưởng không còn bị vướng vào ngõ cụt là hết luật, hết cấp xử lại như thời điểm năm 2014.

Vấn đề là nền tư pháp, thể chế chính trị, đảng có thiện chí để khai thông cái bế tắc ấy, bảo đảm tòa án xét xử công minh giải oan cho người vô tội hay không ? Vướng mắc thật sự không phải là "pháp luật" mà là "thế lực". Điều 404 đặt ra để làm sang cho nên tư pháp nhưng chưa hề được thi hành.

Tương tự như trường hợp Nguyễn Văn Chưởng, vị án Hồ Duy Hải cũng được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Giám đốc thẩm và bị hội đồng dao thớt y án. Sau giám đốc thẩm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã họp với đa số ý kiến thành viên đồng tình kiến nghị xem xét lại bản án giám đốc thẩm "Đa số ý kiến phát biểu đều đề nghị xem xét lại "tính đúng đắn" của quyết định giám đốc thẩm" (6).

Nhưng đến nay vụ án vẫn chìm trong im lặng. Điều 404 vẫn không được thực thi. Biết đâu, sau Nguyễn Văn Chưởng, lại đến lượt gia đình Hồ Duy Hải nhận thông báo !

Tại sao "pháp luật" chịu thua "thế lực". Pháp luật thực hiện qua tổ chức, con người mà trong thể chế cộng sản hiện nay, các ông bà Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đều chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, trong khi Chánh Án Nguyễn Hòa Bình là thành viên Ban Bí thư hai khóa, hiện lại leo thêm nấc mới là Ủy viên Bộ Chính trị. Chức vụ đảng, quyền lực chính trị của Nguyễn Hòa Bình cao hơn Lê Minh Trí, Lê thị Nga đến hai bậc, áo mặc sao qua khỏi đầu.

Nếu thừa nhận hai bản án của Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải sai, hóa ra những tuyên bố của chánh án Nguyễn Hòa Bình trước nay là láo khoét sao ?

Đây là thách thức với những nhà lãnh đạo tối cao, với ông Thưởng cũng như các vị đại biểu Quốc hội. Những tin nhắn của nhà báo Nguyễn Đức là sợi dây xích trách nhiệm mà các ông không thể né tránh. Hoặc ngăn chặn tội ác để tay không vấy máu hoặc im lặng thỏa hiệp giết người vô tội. Để tội ác nhân danh công lý diễn ra công khai trước dư luận không chỉ cá nhân ông Thưởng mà cả thể chế này đang vấy máu dân oan

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 04/08/2023

1. https://www.facebook.com/nguyenducplo99/posts/pfbid0vEEqSWDCdmb5rdiWU7znE6LuVu2hd6dNdAoUw4L1qTc5CYBecnrKyiwxebWzpuuhl

2. https://www.facebook.com/nguyenducplo99/posts/pfbid06RWBQyFCFvr8MELCiJepGotvQLuz6aGLdbFWXX5oipUc7vBKfAtKF4C5fJxRe33xl?comment_id=1041214770575881¬if_id=1691167650887560¬if_t=feed_comment_reply&ref=notif

3. "https://tuoitre.vn/them-mot-tu-tu-keu-oan-689115.htm?fbclid=IwAR0VUDVi1W...

4. https://tuoitre.vn/vu-tu-tu-nguyen-van-chuong-da-het-duong-khang-nghi-723209.htm?fbclid=IwAR1a8DfGkCJLN1D5pSRtqqzEsPc9ijfClgDO39SG_4JWmfqqy5afLd3lqxk

5. https://hethongphapluat.com/bo-luat-to-tung-hinh-su-2015/dieu-404#:~:text=%C4%90i%E1%BB%81u%20404%20B%E1%BB%99%20lu%E1%BA%ADt%20t%E1%BB%91%20t%E1%BB%A5ng%20h%C3%ACnh%20s%E1%BB%B1,Th%E1%BA%A9m%20ph%C3%A1n%20T%C3%B2a%20%C3%A1n%20nh%C3%A2n%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%91i%20cao

6. https://vnexpress.net/thanh-vien-uy-ban-tu-phap-de-nghi-xet-lai-vu-an-ho...

**************************

Cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng được thông báo nhận xác con nhưng không có giấy báo thi hành án

RFA, 04/08/2023

Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng bị buộc làm thủ tục nhận xác, tro cốt... dù không nhận được giấy báo thi hành án.

chuong3

Vợ chồng ông Nguyễn Trường Chinh, cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng, và cháu nội. (Hình: Tuổi Trẻ)

"Hôm nay họ mời tôi ra Ủy ban Nhân dân xã nơi tôi cư trú ở Hải Dương, để thông báo là gia đình làm thủ tục nhận tro cốt hay là nhận thi hài của Nguyễn Văn Chưởng, thì phải làm đơn trong vòng ba ngày nộp cho Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng để họ sắp xếp. Tôi có nói và ghi vào biên bản là con tôi không có tội mà có cố tình thi hành án tử hình... thì tôi sẽ nhận xác và đem xác đấy lên cơ quan Trung ương đảng, nhà nước Việt Nam để kêu oan cho con".

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trường Chinh, cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, với RFA vào tối 4/8/2023. Ông Chinh nói tiếp :

"Tôi cũng hỏi họ là có quyết định thi hành án không, mà có thông báo nhận tro cốt hay xác... thì họ nói có quyết định thi hành án rồi. Nhưng tại sao họ lại không cho tôi biết là thi hành án ngày nào và tôi không nhận được quyết định thi hành án. Họ nói rằng chỉ việc nhận thông báo về tro cốt, nếu không nhận cũng không sao, nhưng thân nhân có quyền yêu cầu nhận tro cốt, xác... Họ chỉ thông báo như vậy, còn họ không nói ngày nào thi hành án, nhưng họ chắc chắn là có quyết định thi hành án rồi".

Thông báo vừa nêu được Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng gởi cho Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng hôm 4/8/2023, trong đó yêu cầu trong 3 ngày phải làm thủ tục nhận xác, tro cốt gởi đến cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng... mặc dù ông Nguyễn Trường Chinh cho biết không hề nhận được giấy báo thi hành án, hiện gia đình ông cũng không rõ chính quyền đã thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng hay chưa ?

Luật sư Lê Văn Hòa, người tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh - bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nói với RFA hôm 4/8/2023 từ Hà Nội :

"Căn cứ vào thông báo này tôi cũng chưa hiểu là họ đã thi hành án hay chưa ? Nhưng tôi nghĩ nhiều khả năng có thể là người ta đã thi hành án rồi, chủ quan của tôi nghĩ như thế. Tôi cho rằng nếu như người ta không có giấy thi hành án báo cho gia đình biết, thì không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay. Tức là trước khi thi hành án đối với bất cứ một tử tù nào, thì Chánh án Tòa án địa phương đó phải có thông báo để cho gia đình biết, và thông báo đến các cơ quan chức năng của thành phố. Nếu không có cái đó, chỉ thông báo nhận tro cốt hay thi hài là sai hoàn toàn".

chuong4

Thông báo của Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng gởi cho Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng hôm 4/8/2023. Hình do ông Chinh cung cấp.

Vụ án thiếu tá Nguyễn Văn Sinh- Công an phường Đông Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng bị giết chết khi đang đi tuần tra đã xảy ra hơn 16 năm, Nguyễn Văn Chưởng và bốn người khác bị cáo buộc tội giết người (trong đó, Chưởng bị đề nghị tử hình còn bốn người khác bị án từ 12 tháng đến chung thân). Tử tù Nguyễn Văn Chưởng (nay 40 tuổi) và gia đình đã có nhiều đơn kêu oan, đề nghị các cấp xem xét lại bản án, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.

Luật sư Lê Văn Hòa cho biết nhận định của ông về vụ án này :

"Về vụ án Nguyễn Văn Chưởng, từ năm 2013, lúc tôi còn công tác ở Ban Nội chính Trung ương, tôi được Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh lúc đó phân tôi làm Tổ trưởng Tổ kiểm tra án oan, để kiểm tra một số vụ án có đơn kêu oan, trong đó có vụ án Nguyễn Văn Chưởng. Sau khi tổ của tôi làm việc với các cơ quan chức năng từ Tòa án Nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng của thành phố Hải Phòng... chúng tôi đã có báo cáo khẳng định việc cấp sơ thẩm và phúc thẩm, lúc đó chưa có giám đốc thẩm, đã tuyên án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng là oan".

Theo Luật sư Lê Văn Hòa, oan bởi vì căn cứ vào quá trình điều tra, đặc biệt trong thu thập hiện trường, cơ quan cảnh sát điều tra của công an Hải Phòng đã vi phạm rất nhiều tố tụng như : ‘khám nghiệm hiện trường còn để sót các chứng cứ dấu hiệu không được làm rõ’. Ông Hòa nói tiếp :

"Ngay viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cuộc họp liên ngành của các cơ quan tố tụng trung ương với các cơ quan tố tụng của thành phố Hải Phòng, thì bản thân người đại diện của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã băn khoăn rằng cần phải làm rõ các vi phạm tố tụng. Những nội dung không rõ tôi khẳng định là rất nhiều, sau năm 2016 nghỉ hưu tôi cũng đã tiếp tục có nhiều văn bản gửi lãnh đạo đảng, nhà nước và các cơ quan chức năng kiến nghị hãy thành lập đoàn kiểm tra làm rõ bởi vì có dấu hiệu oan sai, tủ hình đối với Nguyễn Văn Chưởng là chưa đủ cơ sở. Vấn đề này đứng trước sinh mệnh của một con người và đã có đơn kêu oan liên tục hơn 10 năm nay, mà bây giờ họ lại có văn bản để nhận xác thì tôi thấy rất đột ngột".

Luật sư Lê Văn Hòa cho biết ông cũng vừa có kiến nghị gửi lãnh đạo đảng, nhà nước và các cơ quan chức năng... cần phải có ý kiến chỉ đạo đối với chánh án Tòa án thành phố Hải Phòng, nếu chưa thi hành án tử tù Nguyễn Văn Chưởng, thì cần kiểm tra làm rõ.

Trong kiến nghị Luật sư Hòa yêu cầu "Hãy dừng thi hành án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng ! ! !" Với tư cách là luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng và với tư cách là nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, trong đó có vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Luật sư Lê Văn Hòa kêu gọi các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng, đặc biệt là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... hãy chỉ đạo Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng dừng việc thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng để kiểm tra làm rõ các kiến nghị của ông trong 10 năm qua.

Luật sư Lê Văn Hòa cho biết, ông khẳng định Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình oan, vì rất nhiều vi phạm tố tụng ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa được làm rõ !!!

Nguồn : RFA, 04/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuấn Khanh, Gió Bấc, RFA tiếng Việt
Read 302 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)