Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2023

Bài học cho Việt Nam từ sự kiện Bãi Cỏ Mây vừa qua

Lê Đông Hải

Biển Đông lại nóng

Trung Quốc lại tiếp tục "quậy phá" tại Biển Đông. Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) và Cảnh sát biển Philippines (PCG) ngày 6/8 đã đồng thời ra tuyên bố lên án việc tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu tuần duyên và tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 5/8 trước đó (1) .

comay1

Hình ảnh tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của Philippines ở Biển Đông được Bộ Ngoại giao Philippines công bố tại một họp báo ở Manila hôm 7/8/2023 - Reuters

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết :

"Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG), Hải quân Trung Quốc (PLAN) và các tàu dân quân biển Trung Quốc đã ngăn chặn và thực hiện các hành động gây hấn, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng, chống lại các tàu tiếp tế và tàu Cảnh sát biển của Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế luân phiên đến con tàu cũ BRP Sierra Madre vào ngày 5/8, trong khu vực cách bãi Cỏ Mây khoảng 2,9 hải lý.

Philippines yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp trong vùng biển của chúng tôi".

Bộ Ngoại giao (DFA) hợp tác với AFP và PCG trong việc theo đuổi sứ mệnh chung là bảo vệ và duy trì các quyền lợi hợp pháp trên biển của chúng ta. DFA đang tận dụng tối đa các quy trình ngoại giao của chúng tôi và đang thực hiện tất cả các hành động có thể có đối với chúng tôi, bao gồm cả việc triệu tập Đại sứ Trung Quốc về vụ việc này.

Nhiệm vụ luân chuyển, tiếp tế và bảo trì con tàu cũ BRP Sierra Madre là các hoạt động hợp pháp của Chính phủ Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước chúng tôi, tất cả đều phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Là một thực thể lúc chìm lúc nổi, bãi Cỏ Mây không thể là đối tượng của yêu sách chủ quyền cũng như không có khả năng chiếm đoạt theo luật pháp quốc tế – một thực tế đã được Phán quyết trọng tài năm 2016 khẳng định. Do đó, Trung Quốc không thể thực thi chủ quyền hợp pháp đối với thực thể này.

Việc Trung Quốc thực thi trái phép các quyền thực thi pháp luật trên biển ; can thiệp vào một nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế hợp pháp của Philippines, bao gồm cả việc nước này sử dụng vòi rồng một cách hung hăng đối với các tàu của chúng tôi ; và bất kỳ hoạt động nào khác xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi đối với Bãi Cỏ Mây đều là vi phạm luật pháp quốc tế" (2 ).

Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) nói rõ thêm : "Những chiếc tàu này đang vận chuyển thực phẩm, nước, nhiên liệu và các nguồn cung cấp khác cho quân đội của chúng tôi đóng quân trên tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.

Những hành động như vậy của CCG (Hải cảnh Trung Quốc) không chỉ coi thường sự an toàn của thủy thủ đoàn PCG (Cảnh sát biển Philippines) và các tàu tiếp tế mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Công ước năm 1972 về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGS) và Phán quyết Trọng tài năm 2016" (3 ).

AFP còn kêu gọi : "Hải cảnh Trung Quốc và Quân ủy Trung ương hành động thận trọng và có trách nhiệm trong hành động của mình để ngăn chặn những tính toán sai lầm và tai nạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con người" (4 ).

Nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ Philippines

Chỉ 2 tiếng đồng hồ sau khi phía Philippines ra tuyên bố về sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc. Tuyên bố cũng nhấn mạnh "một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines - bao gồm cả tàu Hải cảnh của nước này ở Biển Đông - sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines năm 1951" (5 ).

Chính phủ Australia, Nhật Bản, Canada và Vương quốc Anh (UK) cũng như Liên minh Châu Âu (EU) cũng đưa ra các tuyên bố chỉ trích các hành động "không thể chấp nhận được" và "gây mất ổn định" của Trung Quốc trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines (6) .

Nước Đức cũng ra tuyên bố ngay ngày 6/8 : "Đại sứ quán Đức lo ngại về các thao tác nguy hiểm và việc sử dụng vòi rồng của các tàu "Hải cảnh Trung Quốc chống lại sứ mệnh tiếp tế hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và Công ước về Quy định Quốc tế về Ngăn ngừa Va chạm trên Biển), lấy Phán quyết Trọng tài năm 2016 làm trọng tâm.

Trước sự kiện gần đây, Đức nhấn mạnh rằng tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình chứ không phải bằng vũ lực hoặc ép buộc" (7) .

Canada ngày 6/8 cũng ra tuyên bố : "Canada lên án mạnh mẽ các hành động nguy hiểm và khiêu khích của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đối với các tàu Philippines vào ngày 5 tháng 8, ở khu vực lân cận bãi Cỏ Mây bên trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Các hành động không an toàn và sử dụng vòi rồng để cản trở hoạt động hợp pháp của các tàu Philippines là không thể chấp nhận được và không phù hợp với các nghĩa vụ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa theo luật pháp quốc tế.

Các hành động đe dọa và ép buộc liên tục của Trung Quốc đối với các nước láng giềng làm suy yếu an toàn, an ninh và ổn định trên toàn khu vực, đồng thời làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm nghiêm trọng.

Canada nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với luật pháp quốc tế, bao gồm phán quyết trọng tài năm 2016 về Biển Đông, là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc, đồng thời kêu gọi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.

Chỉ bằng cách đảm bảo tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, chúng ta mới có thể cùng nhau đặt ra các điều kiện để quản lý hợp tác và hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, duy trì an toàn và an ninh hàng hải, bảo tồn đa dạng sinh học biển và tôn trọng ranh giới biển, đồng thời đảm bảo quyền của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế được bảo vệ" (8 ).

Trung Quốc biện luận

Phía Trung Quốc cũng đưa ra cách biện luận của mình :

Bãi Nhân Ái (Bãi Cỏ Mây) luôn là một phần của Nam sa quần đảo của Trung Quốc. Bối cảnh lịch sử của vấn đề Bãi Nhân Ái rất rõ ràng. Năm 1999, Philippines cử tàu chiến "đổ bộ" trái phép lên Bãi Nhân Ái, nhằm thay đổi hiện trạng của Bãi Nhân Ái một cách bất hợp pháp. Ngay lập tức, Trung Quốc đã có những hành động nghiêm túc đối với Philippines, yêu cầu trục xuất con tàu này. Philippines nhiều lần hứa sẽ kéo nó đi, nhưng vẫn chưa hành động. Không dừng lại ở đó, Philippines tìm cách sửa chữa, gia cố tàu chiến nhằm chiếm đóng lâu dài Bãi Nhân Ái. Ngày 5/8, bất chấp sự can ngăn và cảnh báo nhiều lần của Trung Quốc, Philippines đã cử hai tàu xâm phạm vùng biển lân cận của Bãi Nhân Ái và cố gắng vận chuyển vật liệu xây dựng để sửa chữa và gia cố tàu chiến "bị mắc cạn". Những hành động như vậy đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Các tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) đã ngăn chặn họ theo luật và cảnh cáo họ bằng các biện pháp thực thi pháp luật thích hợp. Các thao tác của họ rất chuyên nghiệp, có kiềm chế và không thể chê vào đâu được.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, bất chấp sự thật, đã tấn công các hành động chính đáng và hợp pháp của Trung Quốc trên biển nhằm bảo vệ các quyền của mình và thực thi luật pháp. Tuyên bố cũng lên tiếng ủng hộ hành vi khiêu khích, phi pháp của Philippines. Trung Quốc kiên quyết phản đối tuyên bố này. Trong một thời gian, Mỹ đã kích động và ủng hộ nỗ lực của Philippines trong việc sửa chữa và củng cố tàu chiến của họ đã cố tình "đổ bộ" vào Bãi Nhân Ái. Thậm chí, Mỹ đã cử máy bay và tàu quân sự đến hỗ trợ, hỗ trợ Philippines, đồng thời nhiều lần tìm cách đe dọa Trung Quốc bằng cách viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ với Philippines. Hoa Kỳ đã ủng hộ Philippines một cách trắng trợn khi nước này xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, nhưng những động thái đó sẽ không thành công.

Vụ trọng tài Biển Đông là một vở kịch chính trị thuần túy được dàn dựng dưới danh nghĩa luật pháp với việc Mỹ giật dây đằng sau hậu trường. Cái gọi là phán quyết trái với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, và là bất hợp pháp, vô hiệu. Việc Hoa Kỳ cố gắng đưa ra phán quyết bất hợp pháp sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm kiên quyết của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của mình theo luật pháp. Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ ngừng lợi dụng vấn đề Biển Đông để gây hoang mang và bất hòa, đồng thời kêu gọi Mỹ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông" (9) .

comay2

Hình ảnh do Tuần duyên Philippines cung cấp cho thấy tàu hải cảnh của Trung Quốc chặn tàu tuần duyên Philippines ở gần Bãi Cỏ Mây. AFP

Trung Quốc hoàn toàn đuối lý

Với lập luận của các bên như vậy, rõ ràng là Trung Quốc hoàn toàn đuối lý. Về mặt luật pháp quốc tế, không thể có chuyện Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với bãi lúc chìm lúc nổi được. Theo luật pháp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể yêu sách chủ quyền trên một thực thể luôn nổi trên mặt nước. Chưa kể, Trung Quốc là thành viên của UNCLOS nhưng lại chối bỏ Phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài năm 2016 là không thể chấp nhận được. Trung Quốc chỉ có thể dùng chiêu bài "ném bùn sang ao" khi đổ thừa Phán quyết Biển Đông có bàn tay của Mỹ ủng hộ. Trong khi đây hoàn hoàn là hành động tự vệ pháp lý hợp pháp của Philippines.

Chiến thuật cải bắp được lặp lại

Năm 2012, Trung Quốc đã sử dụng "chiến thuật cải bắp" để chiếm đoạt Bãi Scarborough từ tay của quân đội Philippines. "Chiến thuật cải bắp"được một viên tướng Trung Quốc mô tả là "Khi có tranh chấp biển, đầu tiên Trung Quốc đưa tàu cá đến khu vực, tiếp theo là tàu hải giám và cuối cùng là tàu chiến. Mỗi lúc thích hợp lại sử dụng một lớp, xiết chặt dần hơn để khẳng định yêu sách của Bắc Kinh" (10) . Trong lần này, Trung Quốc đã áp dụng "chiến thuật cải bắp" thông qua việc triển khai ba lớp, gồm tàu hải cảnh, tàu dân binh và tàu hải quân ở vòng ngoài trong hoạt động gây hấn này. Tuy nhiên, họ vẫn giữ cho hoạt động của họ nằm ở ngưỡng "vùng xám", tức là chưa đến mức "một cuộc tấn công vũ trang" để có thể kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.

Việc Trung Quốc lần này triển khai sáu tàu hải cảnh, ba tàu hải quân và các tàu dân quân biển, cho thấy đây là một chiến dịch được lên kế hoạch và chuẩn bị trước của Trung Quốc. Điều này phù hợp với tuyên bố của Hải cảnh Trung Quốc rằng họ đã nắm được thông tin về kế hoạch tiếp tế của Philippines. Ngược lại, phía Philippines, thông qua các lần phản đối của Trung Quốc, nhiều khả năng cũng đã lường trước sự phản ứng hung hăng trên thực địa của tàu Trung Quốc. Phía Philippines cũng có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt trận truyền thông, khi liên tiếp cung cấp thông tin, hình ảnh và tổ chức họp báo để lên án hành vi hung hăng của Trung Quốc, thông qua đó thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế.

Việt Nam cần làm gì ?

Sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8 diễn ra chỉ cách bốn ngày khi một cuộc biểu tình do khoảng 50 người Philippines tụ tập phản đối Việt Nam ngay trước cửa Đại sứ quán của nước này tại Manila vào ngày 1/8. Ngày đó cũng là ngay Ngoại trưởng Philippines thăm Việt Nam, tiền trạm cho chuyến thăm Việt Nam đầu năm tới của Tổng thống Marcos. Cuộc biểu tình này theo nhiều chuyên gia Philippines, là một sự dàn dựng vụng về của Bắc Kinh, nhằm tìm cách cô lập Philippines, chia rẽ ASEAN khi Philippines càng ngày càng ngả theo Mỹ để tránh một Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn giữ im lặng đối với sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8. Tuy nhiên, Việt Nam không thể mãi im lặng trước sự kiện này. Mặc dù, Việt Nam và Philippines cùng yêu sách Bãi Cỏ Mây, vì thế, một mặt Việt Nam cần lên tiếng để bảo vệ chủ quyền của mình, nhưng quan trọng hơn, Việt Nam cần phải thể hiện quan điểm của mình trước một hành vi hung hăng, hiếu chiến, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Việt Nam phản đối hành động này của Trung Quốc đối với Philippines cũng có nghĩa là bảo vệ chính mình, vì Trung Quốc đã sử dụng hành động tương tự với Việt Nam nhiều lần, và có thể sẽ tiếp tục lặp lại các hành động này với Việt Nam trong tương lai. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải tỏ rõ tinh thần đoàn kết đối với Philippines. Nên nhớ, Philippines là quốc gia luôn ủng hộ các lập trường, quan điểm của Việt Nam chống lại Trung Quốc trên Biển Đông. Giữ được sự đoàn kết của các quốc gia ASEAN tại Biển Đông là một điều kiện quan trọng để chống lại tham vọng của Trung Quốc. Ngoài ra, việc Philippines lần này rất mạnh mẽ và hiệu quả trong việc sử dụng truyền thông và dư luận quốc tế lên án Trung Quốc cũng là một bài học tốt cho Việt Nam tham khảo.

Lê Đông Hải

Nguồn : RFA, 10/08/2023

Tham khảo :

1. https://www.pna.gov.ph/articles/1207218

2. https://dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/33091-statement-on-the-05-august-2023-incident-on-the-ayungin-shoal?utm_source=substack&utm_medium=email

3. https://www.facebook.com/photo?fbid=656778036484610&set=a.219815943514157

4. https://www.bworldonline.com/the-nation/2023/08/06/538024/philippines-accuses-china-of-blocking-firing-water-cannon-at-resupply-ship/

5. https://www.state.gov/u-s-support-for-the-philippines-in-the-south-china-sea-5/

6. https://globalnation.inquirer.net/217352/us-allies-slam-china-for-firing-water-cannons-on-ph-vessels

7. https://twitter.com/germanyinphl/status/1688219576549658624 ?s=20

8. https://twitter.com/CanEmbPH/status/1688084194302308352?s=20

9. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/202308/t20230807_11123370.html

10. https://vnexpress.net/trung-quoc-va-chien-luoc-cai-bap-o-bien-dong-3033190.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Đông Hải
Read 468 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)