Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2023

Chiến tranh Ukraine và nguy cơ gia tăng xung đột cáp quang ngầm dưới biển

Thùy Dương

Mạng cáp biển là tuyến đường truyền ngầm kết nối thông tin giữa các châu lục, truyền tải tới 98% luồng thông tin trên khắp hành tinh. Mạng lưới cáp ngầm dưới biển càng dày đặc thì càng có nhiều nguy cơ trở thành nguồn gây căng thẳng thương mại và ngoại giao giữa các quốc gia, nhất là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và chiến tranh Ukraine. 

capquang1

(Ảnh chụp màn hình) - Bản đồ cáp quang biển trên thế giới ngày 09/03/2022 © 

Les Echos ngày 04/08/2023 gọi những tuyến cáp quang ngầm là "những đại lộ lặng yên dưới biển", với chiều dài tổng cộng 1,3 triệu km, dài gấp 32 lần chu vi Trái Đất. Báo kinh tế Pháp trích dẫn ông Paul Gabla, giám đốc bán hàng và marketing của Alcatel Submarine Networks, chuyên về chế tạo, lắp đặt và bảo trì cáp quang biển, công ty con của tập đoàn Phần Lan Nokia, giải thích : "Không có cáp quang biển, chẳng có gì của thế giới ngày nay có thể vận hành". Thư điện tử, các cuộc gọi điện thoại, hội nghị trực tuyến, tin nhắn, lệnh giao dịch chứng khoán… đều được truyền qua con đường dưới dáy biển. Chẳng hạn, gần 10.000 tỉ đô la giao dịch, cao gấp 4 lần GDP hàng năm của Pháp, được truyền hàng ngày qua các tuyến cáp biển, kể cả hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT. 

Những "đại lộ yên tĩnh" xuyên biển và mối đe dọa tiềm ẩn 

Chỉ 3 tuần sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Challenges hôm 15/03/2022 cho biết giả thuyết Putin cho phá hoại các tuyến cáp quang biển, cắt các đường truyền internet của Châu Âu đã được Tổng cục An ninh Đối ngoại (DGSE) và Bộ Tổng tham mưu Pháp xem là có khả năng xảy ra. Kịch bản này đã được phân tích sâu. 

Không phải vô cớ có giả thuyết như vậy. Challenges nhắc lại là hồi năm 2014, trong quá trình sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraine, Nga bị xem là gây ra các vụ cắt cáp ngầm. Vào tháng 08/2021, ngoài khơi Ireland, tàu do thám Yantar của Nga đã đi theo tuyến cáp ngầm Celtic Norse và AEConnect-1 nối Ireland với Mỹ. Tàu lặn nhỏ AS-37 của tàu Yantar đã cho thấy nó có thể lặn sâu tới 6.000m. Đến ngày 13/09/2021, cũng con tàu này, mà hải quân Nga nói là đang thực hiện các hoạt động "hải dương học" cũng đã đi qua vùng biển Manche, ngoài khơi Cotentin, khiến Hải quân Pháp phải điều một tàu tuần tra đi theo dõi, giám sát các hoạt động của tàu Nga. 

Challenges trích dẫn phân tích một cựu lãnh đạo của Alcatel Submarine Networks, theo đó nếu xẩy ra các xung đột bất đối xứng thì việc làm gián đoạn hoặc hư hại mạng lưới liên lạc dưới biển chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả tệ hại, chẳng hạn như các giao dịch tài chính và thị trường chứng khoán bị đình trệ kéo dài, có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản.

Tuy nhiên, Bernard Barbier, một cựu giám đốc kỹ thuật của Tổng cục An ninh Đối ngoại (DGSE), nhận định : "Một vụ cắt mạng internet quy mô XXL dĩ nhiên là có thể xảy ra, nhưng để làm được điều đó, Matxcơva sẽ phải cắt ít nhất 10 tuyến cáp quang". Một nhà ngoại giao khác cho rằng "nếu chuyện này xảy ra, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO sẽ xem đó là một hành động chiến tranh. Điều này chỉ là do sự điên rồ thuần túy của Putin gây ra". Tuy nhiên, không loại trừ khả năng gây hấn nói trên của Nga, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được chủ nhân của Space X, Elon Musk, hỗ trợ thông qua việc triển khai khẩn cấp mạng vệ tinh internet Starlink trên lãnh thổ Ukraine. 

Trong khi đó, theo báo Tribune ngày 28/07, thời gian qua, vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2, cùng với những tuyên bố hiếu chiến của phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, Dmitry Medvedev, hồi tháng 06/2023 lại làm dấy lên mối lo ngại về việc Nga phá hoại các tuyến cáp ngầm dưới biển của phương Tây. Trên mạng Telegram, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết : "Do sự đồng lõa của các nước phương Tây trong việc phá hoại các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, chúng tôi không còn bất kỳ rào cản nào (cả về đạo đức) đối với việc phá hủy các tuyến cáp thông tin liên lạc dưới đáy biển của kẻ thù". Ngay trước tuyên bố của Phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, Dmitry Medvedev, bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Ben Wallace, đã khẳng định rằng Nga có "khả năng và ý định" phá hủy cơ sở hạ tầng viễn thông ngầm dưới biển của phương Tây. 

Quốc tế càng có thêm cơ sở lo ngại sau một báo cáo gần đây của Recorded Future, một công ty an ninh mạng của Mỹ sử dụng trí thông minh nhân tạo để thu thập và phân tích một lượng lớn dữ liệu nhằm phát hiện các mối đe dọa tiềm ẩn. Báo cáo có tiêu đề "Môi trường thế giới ngày càng nhiều nguy cơ đối với các tuyến cáp ngầm" đã nhấn mạnh mối quan hệ đang xuống cấp, giữa một bên là phương Tây và bên kia là Nga và Trung Quốc, có hệ quả là các nguy cơ ngày càng gia tăng : các tuyến cáp ngầm dưới biển đang bị nhắm đến trong các vụ phá hoại ngầm phục vụ cho một cuộc chiến tranh kinh tế. 

Matt Mooney, nhà phân tích chỉ đạo nghiên cứu nói trên khẳng định : "Chúng ta đang chứng kiến ​​các ri ro địa chính tr tp trung và đe da h thng cáp bin, c các hot động gián điệp mạng và phá hoại cáp. Theo nghiên cứu của chúng tôi, Nga gần như chắc chắn là mối đe dọa chính đối với mạng lưới cáp ngầm của thế giới. Điều này được thể hiện qua các nỗ lực của họ trong việc lập bản đồ với độ chính xác về nhiều tuyến cáp nhằm phục vụ cho các hoạt động phá hoại tiềm ẩn, theo phát hiện của các cơ quan tình báo Hà Lan cũng như dựa vào những lời đe dọa gần đây của Dmitry Medvedev. Việc Nga muốn gây thiệt hại cho Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ vì đã hậu thuẫn Ukraine cũng có thể khiến họ (ý nói đến nước Nga) nhắm mục tiêu vào các tuyến cáp ngầm dưới biển". 

Còn phải kể đến việc Nga gần đây đã tìm cách trang bị các drone ngầm tân tiến có khả năng hoạt động ở rất sâu dưới nước. Camille Morel, nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế, hợp tác với Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (IESD), Đại học Jean Moulin Lyon III, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Cáp ngầm dưới biển" /Les cables sous-marins (NXB Trung tâm Nghiên cứu Khoa Học Quốc gia của Pháp, 2023) cho biết : "Năm 2019, Anh Quốc đã phản ứng bằng cách điều chỉnh luật để cấm xuất khẩu sang Nga các loại hàng hóa và thiết bị có thể gây hại cho cáp ngầm". 

La Tribune nhắc lại một ví dụ liên quan đến Việt Nam, minh họa cho những hậu quả khi cáp viễn thông dưới biển bị phá hoại. Năm 2007, một số ngư dân Việt Nam đã cắt cáp quang biển để bán phế liệu composite kiếm lời. Việt Nam sau đó mất gần 90% khả năng kết nối mạng với quốc tế trong khoảng 3 tuần lễ. Gần đây hơn, theo trang mạng Challenges, là trường hợp của quần đảo nhỏ Tonga, thuộc quần đảo Polynesia, đã mất kết nối với thế giới trong vài tuần đầu năm 2019. Điều này cho thấy nhiều quốc gia phải lệ thuộc vào các tuyến cáp quang biển để liên lạc với phần còn lại của thế giới. 

Sự thức tỉnh của Liên Âu và các dự án mang màu sắc địa chính trị 

Tuy nhiên, theo La Tribune, các nước phương Tây, vốn được kết nối tốt hơn nhiều, ít bị tác động hơn. Chuyên gia Camille Morel cho biết "ở một đất nước như Pháp, việc cắt một hoặc hai dây cáp sẽ không gây ảnh hưởng lớn. Trong trường hợp tệ nhất, hoạt động kinh tế sẽ bị chậm lại, nhưng Pháp vẫn còn các tuyến cáp biển, đường truyền trên đất liền, hay vệ tinh để tiếp tục truyền dữ liệu qua các kênh khác". Vì thế, việc cắt cáp sẽ là "một hành động mang ý nghĩa biểu tượng" nhiều hơn là các tác động thực tế : "Việc phá hoại một tuyến cáp không phải là một mục đích, mà là một công cụ của các quốc gia trong bối cảnh xung đột khái quát hơn". 

Gần đây, không có vụ một phá hoại cáp quang nào được chứng minh, bởi vì theo Félix Blanc, đồng sáng lập tổ chức Danaïdes và tiến sĩ khoa học chính trị chuyên về quản lý cáp quang biển, "rất khó để xác định liệu một dây cáp đã bị phá hoại hay vô tình bị làm hỏng, chẳng hạn do tàu cá, và cũng không một cường quốc nào được lợi khi thừa nhận rằng cáp quang biển của họ đã bị một cường quốc đối thủ phá hoại". Chẳng hạn, vào mùa thu năm 2022, một tuyến cáp của Pháp đã bị hỏng và một tuyến cáp khác thậm chí đã biến mất ở Na Uy. Trong cả hai trường hợp, các tàu đánh cá của Nga đều hiện diện gần đó, nhưng các nước đều không chứng minh được trách nhiệm hay chủ ý phá hoại của Nga. 

Nhưng dẫu sao thì vụ phá hoại Nord Stream cũng bộc lộ sự dễ tổn thương của cơ sở hạ tầng ngầm dưới biển của phương Tây. Stéphane Lelux, chuyên gia viễn thông quốc tế của Liên Âu, phó chủ tịch phụ trách cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Liên Hiệp cho biết "các nhà lãnh đạo đột nhiên đã hiểu là không phải vì nằm ở đáy biển mà cáp quang không dễ bị tác động, mà chúng ta đang bước vào một thế giới nơi các quốc gia không ngần ngại sử dụng những loại vũ khí phi truyền thống vào mục đích gây bất ổn. Điều đó đã dẫn đến sự thức tỉnh chính trị của các nhà lãnh đạo Liên Âu, những người cho đến nay hầu như ít nhận thức được về các nguy cơ" liên quan đến việc phá hoại cáp quang biển.

La Tribune nhận định sự thức tỉnh của Liên Âu đã dẫn đến nhiều dự án mới mang màu sắc địa chính trị về cáp quang biển. Chẳng hạn, hồi cuối năm 2022, Liên Âu thông báo đầu tư 45 triệu euro lắp đặt một tuyến cáp ngầm mới nối Georgia với Đông Âu qua ngả Hắc Hải, nhằm giảm lệ thuộc vào tuyến cáp quang đi qua Nga. Nhìn rộng hơn, đó còn là tham vọng kết nối Châu Âu với Trung Quốc và Đông Nam Á qua ngả Trung Á, tránh Nga. 

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 10/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 460 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)