Đại Quang Minh tài trợ ý tưởng quy hoạch : Phủ kín đất xây dựng Khu đô thị phía Đông Đà Lạt
Hữu Tiến – Hoàng Khải, Người Đô Thị online, 08/08/2023
Đề xuất công trình điểm nhấn thuộc Khu đô thị phía Đông cao hơn 7 tầng. Điều chỉnh một phần đất rừng sang đất ở và một phần đất nông nghiệp sang đất ở nhằm phù hợp với hiện trạng và nhu cầu thực tế…
Hồ Than thở nhìn từ trên cao và Sơ đồ khu vực Đại Quang Minh đề xuất điều chỉnh mởrộng ranh khảo sát lên quy mô 530 ha. Ảnh : Mai Vinh
Liên quan đến thông tin Người Đô Thị đã đăng "Đại Quang Minh lập ý tưởng quy hoạch Khu đô thị mới phía Đông Đà Lạt 530 ha, gần khu vực hồ Than Thở - Đồi thông hai mộ", ngày 4/8, UBND thành phố Đà Lạt có tờ trình gửi Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thẩm định, thông qua Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh trước khi trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Đông (phường 9, phường 11, phường 12, thành phố Đà Lạt) – tỷ lệ 1/2.000.
Tờ trình cho biết, về ý tưởng quy hoạch do doanh nghiệp tài trợ được xem như hồ sơ góp ý của chuyên gia trong quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu phía Đông thành phố Đà Lạt để phủ kín diện tích đất xây dựng đô thị theo định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt.
Sơ đồ khu vực Đại Quang Minh đề xuất điều chỉnh mở rộng ranh khảo sát lên quy mô 530 ha
Ý tưởng đã được xem xét, thông qua tại UBND thành phố, UBND tỉnh và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tại Kết luận số 451 ngày 30/9/2022 và Kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 35 và đơn vị tài trợ đã hoàn thiện, bàn giao cho địa phương.
Qua đó, UBND tỉnh thống nhất chủ trương tổ chức lập quy hoạch phân khu Khu đô thị mới phía Đông, thành phố Đà Lạt tại văn bản số 9623 ngày 15/12/2022 và đưa vào Kế hoạch số 4111 ngày 11/5/2023 về việc triển khai lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2025.
Diện tích lập quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Đông là 273,85 ha, với phạm vi ranh giới : Bắc giáp quy hoạch phân khu A10 và đất rừng phòng hộ ; Nam giáp đường ray xe lửa, quy hoạch phân khu A9, B3, C1 ; Đông giáp đất rừng phòng hộ, hồ Quảng Thắng ; Tây giáp quy hoạch phân khu A9, A10, C6 và khu dân cư Nguyễn Hữu Cầu.
Tổng chi phí lập quy hoạch là khoảng 1.830.050.000 đồng.
Đối với phân khu chức năng, tờ trình cho biết :
Khu ở : Tổ chức lại hệ thống giao thông trong khu nhà hiện hữu, phân khu chức năng khu ở bao gồm : nhà ở biệt thự, nhà ở thấp tầng, nhà ở xã hội, phức hợp thấp tầng, căn hộ phức hợp khu trung tâm (bao gồm các chức năng khu dân cư) ;
Điều chỉnh một phần đất rừng sang đất ở và điều chỉnh một phần đất nông nghiệp sang đất ở nhằm phù hợp với hiện trạng và nhu cầu thực tế ; Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đa dạng và hợp lý (giữ lại, cải tạo và chỉnh trang nhà ở biệt thự dọc trục đường chính QL27C phù hợp với hiện trạng).
Có 2 dạng nhà chính : nhà thấp tầng (nhà biệt lập : diện tích 200-250 m2/lô, chiều rộng lô đất ≥10m) ; nhà biệt thự (diện tích > 400 m2/lô, chiều rộng lô đất ≥14m) ; nhà liên kế sân vườn (diện tích ≥ 100 m2/lô, chiều rộng lô đất ≥ 4,5m) ;
Nhà trung tầng : nhà ở xã hội (tầng cao 2-7 tầng tùy vào địa hình tự nhiên) ; căn hộ phức hợp (tầng cao 2-7 tầng tùy vào địa hình tự nhiên).
Riêng công trình điểm nhấn >7 tầng. Tạo sự đa dạng về công trình cho khu ở.
Công trình công cộng, dịch vụ thương mại : bố trí một số công trình công cộng thương mại, dịch vụ phục vụ cho khu ở theo đúng quy định.
Khu trung tâm : tạo 1 khu trung tâm kết hợp khu ở và thương mại thành không gian cộng đồng phục vụ trong khu vực.
Công trình y tế : bố trí 1 khu bệnh viện mới hiện đại phục vụ dân cư khu vực.
Công trình giáo dục : bố trí theo đúng quy mô và bán kính phục vụ bố trí trường trung học và nhà trẻ - mẫu giáo, viện nghiên cứu, trường quốc tế đảm bảo phục vụ cho người dân trong khu ở mới.
Công viên cây xanh - mặt nước : cần thiết bố trí công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí trong phạm vi quy hoạch, đảm bảo mật độ xanh cho khu vực, tạo sự kết nối với các dự án khác. Bố trí thêm các khu thể dục thể thao phục vụ khu ở trong công viên.
Khu du lịch hồ Than Thở (công viên cảnh quan) : giữ lại ranh giới thực tế của Khu du lịch hồ Than Thở (39 ha) theo nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Rừng : Giữ lại rừng theo quy hoạch 3 loại rừng - ở phía Đông khu vực.
Cũng theo Tờ trình, ý tưởng lập quy hoạch Khu đô thị mới phía Đông thành phố Đà Lạt (phường 9, phường 11, phường 12), diện tích 530 ha, được UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất phạm vi lập ý tưởng tại Văn bản số 5301 ngày 28/7/2021, thuộc đô thị phía Đông theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đã được báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tiếp nhận hồ sơ ý tưởng để nghiên cứu, chọn lọc các nội dung trong quá trình lập quy hoạch phân khu.
Trong diện tích 530 ha của ý tưởng đã tiếp nhận, có các khu vực phân khu đã được phê duyệt quy hoạch (gồm quy hoạch phân khu : A9, C1, C2, C3, C6, B3 và một phần A10), phần diện tích còn lại khoảng 273,85 ha (theo quy hoạch chung 704 thuộc đất du lịch hỗn hợp, đất nông nghiệp và đất rừng phòng hộ) chưa có quy hoạch phân khu.
Ngày 1/12/2022, Sở Xây dựng Lâm Đồng có Văn bản số 2666 báo cáo UBND tỉnh ; ngày 15/12/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương lập quy hoạch phân khu Khu đô thị mới phía Đông tại Văn bản số 9623 nhằm phủ kín quy hoạch phân khu tại khu vực, đồng thời là cơ sở quản lý và thu hút đầu tư phát triển khu vực phía Đông thành phố…
"Khu đô thị mới cửa ngõ phía Đông đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển đô thị trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp (nhà kính) hiện nay, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đô thị tạo ra nguồn lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững, cải tạo môi trường. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và phát triển hài hòa giữa các khu vực trong đô thị…", Tờ trình cho biết.
Hữu Tiến – Hoàng Khải
Nguồn : Người Đô Thị online, 08/08/2023
**************************
Đại Quang Minh lập ý tưởng quy hoạch đô thị 530 ha ở Khu hồ Than Thở - Đồi thông hai mộ
Hữu Tiến – Hoàng Khải, Người Đô Thị online, 12/11/2021
UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận đề xuất của Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh mở rộng ranh nghiên cứu, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch đô thị ở Khu hồ Than Thở - Đồi thông hai mộ từ 106,6 ha lên quy mô 530 ha. Khu vực này từng có hiện trạng trùng lấn với ranh giới khu vực Công ty Thùy Dương đề xuất và trong phạm vi nghiên cứu trước đây của Công ty Tân Hiệp Phát.
Hồ Than Thở nằm giữa khu rừng thông hoang sơ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6 km, theo trục đường Quang Trung - Hồ Xuân Hương. Hồ Than Thở đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa – thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1999. Ảnh : CTV
Ngày 12/11, nguồn tin của Người Đô Thị cho biết UBND thành phố Đà Lạt đã có văn bản 6771 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, có ý kiến về một số nội dung liên quan đến Công ty trách nhiệm hữu hạn Thùy Dương đề nghị điều chỉnh dự án Khu du lịch hồ Than Thở.
Văn bản cho biết, Khu du lịch hồ Than Thở là một trong những danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt.
Do đó, để đảm bảo giữ gìn thương hiệu danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hồ Than Thở - Đồi thông hai mộ (đồi Tùng Dương), tạo nên những sản phẩm du lịch thu hút, hấp dẫn cho du khách ; khai thác được những tiềm năng thế mạnh sẵn có của khu du lịch, đồng thời góp phần tôn tạo cảnh quan, khắc phục tình trạng ô nhiễm, bồi lắng tại khu vực hồ Than Thở, thì việc đầu tư thực hiện dự án nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở là cần thiết. Qua đó, điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh dự án đầu tư trong phạm vi 39 ha là phù hợp với định hướng của thành phố.
Theo ý kiến của UBND thành phố Đà Lạt, khu vực gốc thắng cảnh hồ Than Thở và đồi Tùng Nguyên (diện tích 39 ha, đã đầu tư một phần) có tính chất là khu du lịch, vui chơi giải trí và công viên chủ đề, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Thùy Dương thực hiện nâng cấp, phục hồi cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở và thỏa thuận chi tiết xây dựng ngày 30/7/2012 với tổng diện tích 393.817 m2.
Theo bản đồ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi 39 ha được xác định là đất cây xanh cảnh quan và mặt nước hồ Than Thở. Còn theo bản đồ quy hoạch phân khu đính kèm Quyết định số 1435 ngày 2/7/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng, phạm vi 39 ha nằm ngoài ranh đồ án quy hoạch phân khu.
Theo Quyết định số 503 ngày 8/3/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng, thì trong 39 ha có khoảng 23 ha thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp (rừng phòng hộ) và khoảng 16 ha nằm ngoài ranh giới đất lâm nghiệp.
Công ty Thùy Dương đề nghị lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu vực mở rộng gắn liền với thắng cảnh hồ Than Thở, với tính chất là khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp hồ Sương Mai trên diện tích đất du lịch hỗn hợp theo định hướng quy hoạch chung là phù hợp. Tuy nhiên, phần diện tích trên lại thuộc phạm vi khu vực có diện tích 80 ha đất du lịch hỗn hợp đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND thành phố Đà Lạt lập quy hoạch phân khu, trình thẩm định, phê duyệt làm cơ sở quản lý đất đai, xây dựng tại khu vực.
Đồi thông hai mộ - là một địa điểm tham quan nằm trên đồi thông bên bờ hồ Than Thở. Nơi này được nhiều người biết đến vì gợi nhớ một câu chuyện tình buồn của một đôi trai gái trẻ. Ảnh : Nguyễn Hàng Tình
Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh nghiên cứu, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch khu đô thị phía Đông, thành phố Đà Lạt với phạm vi nghiên cứu ý tưởng quy hoạch (theo văn bản số 5310 ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng) gồm : Khu vực đô thị phía Đông thành phố (một phần phường 9), phường 11, phường 12 (khu vực hồ Than Thở) thành phố Đà Lạt.
Quy mô Đại Quang Minh khảo sát khoảng 530 ha, bao gồm cả diện tích đã giao cho Công ty Thùy Dương thực hiện dự án và 80 ha đất du lịch hỗn hợp giao cho UBND thành phố Đà Lạt lập quy hoạch phân khu. Hiện nay, UBND thành phố Đà Lạt đang phối hợp để thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản trên.
"Đề nghị Công ty Thùy Dương triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với phạm vi 39 ha theo quy định. Trong đó, lưu ý do phạm vi dự án thuộc khu di tích thắng cảnh quốc gia nên hồ sơ quy hoạch phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Riêng đối với phạm vi khoảng 79 ha đất du lịch hỗn hợp theo quy hoạch chung đã có chỉ đạo lập quy hoạch của UBND tỉnh. Do đó, việc Công ty Thùy Dương đề nghị lập quy hoạch là có sự trùng lắp", văn bản cho biết.
Trong diễn biến liên quan, ngày 7/10/2021, Sở Xây dựng Lâm Đồng cũng có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến về việc điều chỉnh dự án Khu du lịch hồ Than Thở của Công ty Thùy Dương.
Theo đó, Sở cho biết Công ty Thùy Dương đề nghị lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực 39 ha với tính chất khu du lịch, vui chơi giải trí và công viên chủ đề là phù hợp với định hướng quy hoạch chung được duyệt.
Đối với đề xuất lập quy hoạch khu vực còn lại (quy mô diện tích 79 ha, bao gồm 20 ha đất trồng rừng cảnh quan và 59 ha đất chưa bàn giao cho nhà đầu tư), Sở Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh tạm thời chưa xem xét đề xuất lập quy hoạch chi tiết phạm vi 79 ha như đề nghị của Công ty Thùy Dương (vì khu đất đang có hiện trạng pháp lý như đã đề cập trong văn bản của UBND thành phố Đà Lạt – PV)
Trước kia, vùng này có một cái ao gọi là Tơ Nô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập, xây dựng hồ chứa nước rộng 8,5 ha, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt, tạo thành hồ như hiện nay. Ban đầu, hồ có tên "Lac des Soupirs", trong đó "lac" là hồ, còn "soupirs" là tiếng gió thổi trong rừng. Năm 1956, hồ đổi tên thành Than Thở. Sau năm 1975, hồ lại đổi tên thành Sương Mai, nhưng người dân Đà Lạt mỗi khi nhắc đến nơi đây đều gọi là hồ Than Thở. Nên sau đó hồ được khôi phục tên cũ vào năm 1990. Ảnh : Tuy Phong
Trước đó, ngày 4/6/2021, Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất điều chỉnh ranh nghiên cứu đồ án quy hoạch phân khu đô thị sinh thái hồ Than Thở.
Văn bản cho biết ngày 11/7/2020 Đại Quang Minh đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc lập đồ án quy hoạch phân khu Khu đô thị sinh thái hồ Than Thở, trong đó Đại Quang Minh đề xuất được tài trợ công tác nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch một phần trong phân khu đô thị phía Đông của Đô thị trung tâm thành phố Đà Lạt (Khu đô thị sinh thái hồ Than Thở, quy mô dự kiến khoảng 106,6 ha), bao gồm : Khu đô thị mới 91,5 ha ; Khu công viên cây xanh đường Nam Hồ 15,1 ha.
Đề xuất trên cũng bao gồm nghiên cứu chỉnh trang đồng bộ quy hoạch khu đồi Tùng Nguyên và hồ Than Thở (khoảng 47,5 ha), đồng thời kết nối giao thông chỉnh trang các khu dân cư lân cận.
Ngàv 6/8/2020, Sở Xây dựng đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan xem xét đề nghị lập quy hoạch phân khu Khu đô thị sinh thái hồ Than Thở của Đại Quang Minh. Các đơn vị thống nhất đề xuất, báo cáo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Đại Quang Minh nghiên cứu, khảo sát và tài trợ quy hoạch (tài trợ sản phẩm quy hoạch) Khu đô thị sinh thái hồ Than Thở theo quy mô đề xuất.
Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát quy hoạch và tham vấn ý kiến chuyên gia quy hoạch về phát triển đô thị, Đại Quang Minh nhận thấy khu đô thị này có vai trò quan trọng trong kiến tạo động lực phát triển đô thị vùng phía Đông Đà Lạt.
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội, kết nối đồng bộ các khu chức năng đô thị và vùng phụ cận phía Đông thành phố Đà Lạt, Đại Quang Minh đề xuất mở rộng ranh nghiên cứu, lập quy hoạch phân khu Khu đô thị sinh thái hồ Than Thở với quy mô diện tích khoảng 530 ha.
Định hướng nghiên cứu thiết kế quy hoạch do Đại Quang Minh đưa ra : kiến tạo khu đô thị có quy mô đủ lớn để tổ chức các phân khu chức năng phù hợp. Tổ chức hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối liền mạch từ khu vực nghiên cứu về trung tâm thành phố Đà Lạt ;
Bổ sung các chức năng dịch vụ công cộng mà khu đô thị hiện hữu còn hạn chế và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ công cộng nhằm giảm bớt áp lực cho khu trung tâm thành phố hiện hữu ;
Quy hoạch các khu ở mới phù hợp với tính chất, chức năng khu vực ; cải tạo chỉnh trang các khu ở hiện hữu nhằm tạo sự đồng bộ trong quy hoạch tổng thể ; góp phần giãn mật độ dân số tại trung tâm thành phố hiện hữu ;
Bảo tồn và phát triển các không gian cảnh quan đặc thù địa phương để kiến tạo một khu đô thị cửa ngõ có tính chất sinh thái, văn hóa, phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, Đại Quang Minh kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng sớm xem xét chấp thuận đề xuất điều chỉnh mở rộng ranh nghiên cứu lập quy hoạch phân khu cho Khu đô thị sinh thái hồ Than Thở với quy mô diện tích khoảng 530 ha.
Chấp thuận chủ trương cho Đại Quang Minh tổ chức nghiên cứu, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch ở khu vực nghiên cứu. Ý tưởng thiết kế quy hoạch sẽ là một trong những phương án tham khảo để các cơ quan có liên quan tổ chức lập quy hoạch phân khu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
"Công ty Đại Quang Minh cam kết sản phẩm thiết kế ý tưởng quy hoạch sẽ có chất lượng cao và được thực hiện bởi đơn vị tư vấn quốc tế có uy tín trong nước và khu vực", văn bản cho biết.
Do vị trí nằm cạnh khu vực sản xuất nông nghiệp, thường xuyên bị ô nhiễm, bồi lắng nên diện tích hồ Than Thở hiện đang bị thu hẹp dần. Ảnh : CTV
Theo tìm hiểu của Người Đô Thị, trước khi Đại Quang Minh đề xuất mở rộng ranh nghiên cứu, lập quy hoạch từ 106,6 ha lên quy mô khoảng 530 ha, Sở Xây dựng Lâm Đồng từng có văn bản ngày 10/9/2020, cho biết phạm vi nghiên cứu, khảo sát để lập quy hoạch của Đại Quang Minh có một phần diện tích trùng với phạm vi, ranh giới đất UBND tỉnh đã cấp phép đầu tư dự án phục hồi, tôn tạo, trồng rừng và khai thác cảnh quan Khu du lịch hồ Than Thở cho Công ty Thùy Dương theo Quyết định số 1216 ngày 20/8/1997 và Giấy chứng nhận đầu tư ngày 27/8/2010 với quy mô thực hiện dự án 118 ha.
Khu vực 106,6 ha Đại Quang Minh đề xuất nghiên cứu, khảo sát cũng nằm trong phạm vi nghiên cứu trước đây của Công ty trách nhiệm hữu hạn TMDV Tân Hiệp Phát (tháng 8/2019), có đề nghị chấp thuận chủ trương lập quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Đông (quy mô khoảng 286,7 ha). Sở Xây dựng đã có văn bản ngày 14/11/2019 báo cáo đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Hiệp Phát lập quy hoạch, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trên cơ sở hiện trạng pháp lý, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh chưa xem xét đề xuất của Đại Quang Minh về nghiên cứu, khảo sát và tài trợ sản phẩm quy hoạch tại khu vực trên. Lý do hiện nay khu vực đã có Công ty Tân Hiệp Phát đề nghị chấp thuận chủ trương lập quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Đông (quy mô khoảng 286,7 ha).
Đồng thời, do phạm vi, ranh giới Đại Quang Minh đề xuất nghiên cứu có một phần diện tích trùng lấn với diện tích đất được giao để thực hiện dự án của Công ty Thùy Dương.
Do đó, Sở kiến nghị UBND tỉnh giao UBND thành phố Đà Lạt phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát và làm rõ phạm vi, ranh giới thực hiện dự án của Công ty Thùy Dương, tránh trùng lấn với khu vực Đại Quang Minh đề xuất nghiên cứu và phạm vi 80 ha đất giao UBND thành phố Đà Lạt lập quy hoạch phân khu.
Trong văn bản của UBND thành phố Đà Lạt chúng tôi dẫn ra ở trên, đã cho biết ngày 28/7/2021 UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương cho Đại Quang Minh nghiên cứu, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch khu đô thị phía Đông, thành phố Đà Lạt với quy mô khảo sát 530 ha.
Hữu Tiến – Anh Tân
Nguồn : Người Đô Thị online, 24/03/2019