Quan hệ Việt - Hàn đang có những chuyển biến tích cực. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mới thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/6 (1). Điều đáng chú ý là có 205 người đứng đầu các công ty hàng đầu của Hàn Quốc tháp tùng ông, nhiều hơn cả phái đoàn kinh tế gồm 122 ông trùm kinh doanh khi Yoon Suk-yeol đến thăm Mỹ hồi tháng 4, qua đó có thể thấy sự coi trọng của Hàn Quốc đối với Việt Nam.
AFP
Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên ông Yoon Suk-yeol thăm chính thức kể từ khi lên nắm quyền. Hàn Quốc và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm ngoái. Tháng 12/2022, Chủ tịch nước Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Hàn Quốc. Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Yoon Suk-yeol đã có cuộc gặp tại Hội nghị G7 mở rộng.
Kinh tế đóng vai trò quan trọng
Hàn Quốc đã tăng cường mạnh mẽ trao đổi thương mại và hợp tác với Việt Nam thông qua 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm FTA Hàn Quốc-ASEAN (tháng 1/2007), FTA Hàn Quốc-Việt Nam (tháng 12/2015) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP, tháng 2/2022). Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ký hàng loạt thỏa thuận và biên bản ghi nhớ liên quan đến trao đổi, hợp tác triển khai quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" được ký tháng 12/2022 (2).
Hàn Quốc và Việt Nam đã và đang duy trì hợp tác ở mức độ cao trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và thương mại. Việt Nam đã trở thành đối tác xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc kể từ năm 2017, chiếm 8,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022, và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Trung Quốc (22,8%) và Mỹ (16,1%) (3).
Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là hàng hóa trung gian như chất bán dẫn, linh kiện điện thoại di động và sản phẩm điện tử, nhựa tổng hợp, thép tấm. Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động như sản phẩm điện tử, quần áo và đồ dùng cá nhân được lắp ráp bằng nhân công giá rẻ. Cơ cấu thương mại có tính bổ trợ lẫn nhau này cũng góp phần rất lớn vào sự gia tăng thương mại giữa hai nước.
Hiện có khoảng 9.000 công ty Hàn Quốc đã vào Việt Nam và từ năm 2014, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư số 1 của Việt Nam (4). Vì vậy, không chỉ các FTA hiện có của Việt Nam mà cả các hiệp định thương mại tự do vừa ký kết gần đây như FTA EU-Việt Nam, CPTPP và RCEP đều giúp gia tăng đáng kể việc nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các công ty Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Trong bối cảnh việc thiết lập chuỗi cung ứng ổn định cho nguyên liệu thô cốt lõi nổi lên như một vấn đề an ninh kinh tế đối với các quốc gia, thì giá trị chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực nguyên liệu thô cốt lõi với tư cách là nguồn cung thay thế cho Trung Quốc đang thu hút chú ý của các doanh nghiệp đa quốc gia.
Việt Nam giàu tài nguyên khoáng sản, gồm nguồn đất hiếm, bauxit, titan, quặng sắt, đồng điện phân, kẽm. Đặc biệt, Việt Nam rất giàu đất hiếm, vốn cần thiết cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm tới 18,3% tổng trữ lượng của thế giới, được cho là căn cứ quan trọng cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng vốn đang phụ thuộc vào Trung Quốc (5).
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol tháng 6 vừa qua, hai nước đã nhất trí thành lập "Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi" để tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi. Trong tương lai, lấy trung tâm này làm trọng tâm, hai bên cần tăng cường hợp tác thăm dò, phát triển khoáng sản cốt lõi như đất hiếm, thúc đẩy đầu tư đảm bảo mạng lưới cung cầu ổn định để cung cấp khoáng sản cốt lõi chung toàn cầu thông qua sự kết hợp nguồn tài nguyên dồi dào của Việt Nam với công nghệ chế biến cao Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, nhà máy chế biến đất hiếm (KSM Metals) được hoàn thành tại Ochang, tỉnh Bắc Chungcheong vào tháng 5/2022, sử dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường do các công ty Hàn Quốc phát triển và 100% nguyên liệu đất hiếm của Việt Nam nhằm mục tiêu sản xuất 5.200 tấn/năm.
Báo cáo có tiêu đề "Đánh giá 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn-Việt và hướng hợp tác mới" do Viện Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc (KIEP) công bố vào tháng 12/2022 chỉ ra rằng nếu sự cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ gia tăng, thì các nước có thể buộc phải chọn bên. Hàn Quốc có thể chung tay với ASEAN, trong đó có Việt Nam, đối phó với tình huống này. Việt Nam có giá trị chiến lược rất lớn trong kế hoạch này của Hàn Quốc (6).
Xe buýt với hình ảnh Samsung Galazy Note 7 trở công nhân đến nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên hôm 13/10/2016. Samsung là tập đoàn của Hàn Quốc và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Reuters
Chung tay đối phó với Trung Quốc
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk-yeol vừa là tập trung vào hợp tác kinh tế, nhưng cũng vừa có một số hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Hàn Quốc từ nhiều năm trước đã chủ trương đa dạng hóa quan hệ thương mại của mình và giảm sự phụ thuộc thương mại với Trung Quốc. Thời cựu Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất "Chính sách phương Nam mới", tập trung vào Việt Nam, Indonesia và Philippines để mở ra các thị trường mới thay thế cho Trung Quốc (7). Dưới thời Chính quyền Yoon Suk-yeol, các hoạt động ngoại giao đối với các nước liên quan đã tăng lên và phù hợp hơn với chiến lược của Mỹ.
Với vị trí địa chính trị ở trung tâm Châu Á, có ký kết FTA với các nước láng giềng và các khối kinh tế lớn, Việt Nam có giá trị chiến lược tương đương với Trung Quốc như một trung tâm sản xuất và hậu cần trong khối kinh tế Châu Á.
Có thể thấy rằng chuyến thăm của ông Yoon Suk-yeol được coi là một chuyến thăm đáp lễ các chính trị gia Việt Nam đến Hàn Quốc. Hàn Quốc quan tâm tăng cường tiếp xúc với Việt Nam và các nước ASEAN khác như một phần của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Khi quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc xấu đi, hợp tác kinh tế với Việt Nam trở thành ưu tiên hàng đầu.
Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đang tích cực phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam. Cho đến nay, chính phủ Hàn Quốc đã khá thành công trong vấn đề này. Việt Nam là cơ sở sản xuất quan trọng để Hàn Quốc giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, đồng thời cũng là thị trường tiêu dùng dựa trên thế hệ trẻ yêu thích văn hóa Hàn Quốc. Có thể thấy chiến lược mà chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc áp dụng với Việt Nam, một trong những nền kinh tế lớn của ASEAN, đã mang lại kết quả tốt.
Robert Engle, người đoạt giải Nobel về kinh tế và là giáo sư tại Đại học New York, đã đến thăm Hàn Quốc hôm 2/7 và nhận lời phỏng vấn của tờ "The Maeil Business" (Hàn Quốc). Ông cho biết việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là cơ hội cho Hàn Quốc. Hàn Quốc đã biến họa thành phúc. Dù xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc sẽ giảm, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang các nước phương Tây sẽ tăng và điều này giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nền kinh tế Hàn Quốc đang đứng trước những thách thức chưa từng có và cần nắm bắt những cơ hội mới.
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 13 tháng liên tiếp. Có người cho rằng hiện là thời điểm tốt nhất để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, và các nước Đông Nam Á như Việt Nam là điểm đến để Hàn Quốc thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường.
Tờ "The Economist" gọi những thị trường này là "Altasia". Thuật ngữ mới được tạo ra này là sự kết hợp giữa "Asia" (nghĩa là "Châu Á") và "alternative" (nghĩa là "thay thế"), và là tên gọi chung của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á sẽ thay thế Trung Quốc bao gồm cả Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Việt Nam và Singapore. Mặc dù quy mô riêng lẻ của các thị trường thay thế này không thể sánh được với Trung Quốc, nhưng xét về tổng thể, tổng giá trị xuất khẩu của các chuỗi cung ứng thay thế Châu Á không thua kém Trung Quốc và đã bắt đầu cạnh tranh với Trung Quốc ở từng khu vực (8) .
Trong bối cảnh việc thiết lập chuỗi cung ứng ổn định cho nguyên liệu thô cốt lõi nổi lên như một vấn đề an ninh kinh tế đối với các quốc gia, thì giá trị chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực nguyên liệu thô cốt lõi với tư cách là nguồn cung thay thế cho Trung Quốc đang thu hút chú ý của các doanh nghiệp đa quốc gia.
Các quốc gia này có thể thu hút sản xuất ra khỏi Trung Quốc
Tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng
Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác là an ninh hàng hải bao gồm Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Trung Quốc thời gian qua đã đe doạ rất nhiều đến trật tự trên biển. Để đối phó, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đã tung ra các chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình. Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol đã công bố một chiến lược đối ngoại mới cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có chính sách cụ thể đối với ASEAN có tên gọi "Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN (KASI)" (9) . Trong sáng kiến này, Việt Nam là đối tác quan trọng và trong số các lĩnh vực hợp tác thì an ninh hàng hải là lĩnh vực cụ thể mà cả hai bên cùng nỗ lực hợp tác.
Ngoài ra, có một lĩnh vực trọng tâm khác mà hai bên cần tăng cường hợp tác, đó là công nghiệp quốc phòng. Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, và bị Phương Tây cô lập, cấm vận và trừng phạt. Là một khách hàng chủ yếu mua vũ khí từ Nga, Việt Nam hiện có xu hướng chủ động đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, để tránh thế bị động. Trong lĩnh vực này, Hàn Quốc là một đối tác tốt, thế mạnh của Hàn Quốc là các thiết bị quân sự hiệu quả và có chi phí hợp lý. Hàn Quốc là nhà cung cấp thiết bị quân sự số 1 cho các nước như Philippines và Malaysia (10 ).
Dương Chính Thức
Nguồn : RFA, 17/08/2023
Tham khảo :
1. https://tuoitre.vn/tong-thong-han-quoc-bat-dau-tham-chinh-thuc-viet-nam-2023062208463633.htm
3. https://thesaigontimes.vn/nhung-ket-qua-an-tuong-trong-quan-he-viet-nam-han-quoc/
4. https://accgroup.vn/top-cong-ty-han-quoc-tai-viet-nam#:~:text=Hàn Quốc là một trong ,làm cho nhiều bạn trẻ.
5. https://cafef.vn/viet-nam-dung-thu-2-the-gioi-ve-tru-luong-dat-hiem-tinh-nao-so-huu-nhieu-loai-dat-quy-nay-nhat-188230509094532995.chn#:~:text=Việt Nam có trữ lượng,giới, chỉ sau Trung Quốc.
6. https://www.kiep.go.kr/gallery.es?mid=a20301000000&bid=0007
9. https://aecvcci.vn/tin-tuc-n11034/asean-han-quoc-tang-cuong-hop-tac-thuc-chat.htm