Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/08/2023

Nếu quan tranh tra và quan tuyên giáo tham nhũng thì sao ?

RFA- Nguyễn Huyên

Trích tiền thu hồi qua thanh tra : Một hình thức chia chác tiền tham nhũng ?

RFA, 21/08/2023

Thanh tra Chính phủ mới đây đề xuất được trích "cứng" 30% tiền thu hồi qua thanh tra trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 100 tỷ đồng/năm ; được trích thêm 20% đối với số nộp từ trên 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm ; được trích thêm 10% với số nộp từ trên 200 tỷ đồng/năm.

quan01

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023 ngày 23/12/2022.

Các khoản tiền được trích, theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ, gồm các khoản tiền thuộc ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng không đúng quy định của nhà nước hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra đã được thu hồi vào ngân sách nhà nước ; các khoản tăng thu ngân sách nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật đã nộp vào ngân sách nhà nước ; các khoản chi ngân sách nhà nước sai chế độ đã nộp lại vào ngân sách nhà nước.

Kinh doanh trên công việc của mình

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập nhận định vấn đề này với RFA :

"Theo tôi, đây là điều không hợp lý. Thứ nhất tất cả những khoản tiền mà Chính phủ thu hồi được từ tham nhũng phải đưa vào ngân sách của quốc gia. Chia chác cái tiền đó là điều không đúng bởi các thanh tra họ đi làm công vụ và công vụ đó đã được trả bằng lương của họ rồi. Bây giờ lại có tiền "thưởng" như thế thì hóa ra là khuyến khích các thanh tra phanh phui rất nhiều sai phạm để các thanh tra có khoản thu nhập nhiều hơn. Điều đó có thể dẫn đến việc các thanh tra không làm đúng công tâm của mình.

Ví dụ một vụ đấu thầu từ ngân sách là 500 tỷ, họ đẩy lên 700 tỷ gây thiệt hại cho ngân sách thì khi thu hồi được phải trả hết vào ngân sách. Không thể trích cho thanh tra vì thanh tra làm công vụ chứ không phải kinh doanh trên công việc của mình.

Nó sẽ tạo ra hiệu ứng gọi là bới lông tìm vết để có thu nhập. Nó có thể đưa đến tình trạng làm sai công vụ. Như thế nó lại là tham nhũng của tham nhũng".

Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước ; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Không chống được tham nhũng

Theo đề xuất trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị số tiền trích lại trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước tăng gấp đôi (từ 50 tỷ theo quy định hiện hành tăng 100 tỷ/năm với phần trăm trích tối đa là 30%).

Việc trích tiền thu hồi như thế bị nhiều người cho là vô lý. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói với RFA suy nghĩ của ông :

"Thứ nhất, đây là những khoản tiền cần thu hồi nộp về cho ngân sách nhà nước. Nhưng dưới mắt của Thanh tra Chính phủ thì họ đang biến nó trở thành một thứ doanh thu. Đó là điều rất nguy hiểm bởi họ sẽ chỉ biết chạy theo doanh thu mà thôi vì thu được nhiều thì được trích nhiều mà. Như vậy các nơi bị thanh tra sẽ rất mệt mỏi để đối phó bởi họ có thể không cần căn cứ vào luật pháp, không cần căn cứ vào các quy định về tài chánh, kinh tế nữa. Họ chỉ cần biết doanh thu mà thôi

Đây sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu bởi không chống được thất thu ngân sách, không chống được tham nhũng.

Cái thứ hai, khi chạy theo doanh thu như vậy nó sẽ tạo ra một cái xung đột và nghịch lý giữa chế độ lương chính thức và thu nhập phụ trội. Mà ở đây, thu nhập phụ trội chắc chắn sẽ chiếm phần lớn so với chế độ lương chính thức. Anh đi thanh tra là công vụ của anh, là trách nhiệm của ngành thanh tra chứ không phải đi buôn bán, bán nhiều thì lời nhiều. Như thế nó không còn ra một cái nhà nước nữa".

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chính phủ đề xuất, Thanh tra Chính phủ được sử dụng khoản kinh phí được trích từ tiền thu hồi sau thanh tra để chi hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra ; khen thưởng, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… Lý do được đưa ra là trong thực tiễn, có nhiều khoản chi phí các cơ quan thanh tra phải trả nhưng không nằm trong dự toán ngân sách Nhà nước cấp.

Báo cáo được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/8 năm 2023 cho thấy, giai đoạn 2018/2022, các cơ quan thanh tra được trích hơn 1.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12% trên tổng số tiền thu hồi đã nộp vào ngân sách Nhà nước. Với mức trích "cứng" là 30% như đề xuất, nếu thực hiện theo chính sách mới được đề xuất thì kinh phí hàng năm trích cho các cơ quan thanh tra ước tính sẽ tăng thêm 45 tỷ đồng nữa, có nghĩa ngân sách Nhà nước mất thêm hàng chục tỷ đồng.

Tuy số tiền được trích lại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng người dân không tìm đâu ra giải trình công khai số tiền này được chi như thế nào, kể cả truyền thông chính thống cũng "im hơi, lặng tiếng" với những thông tin về con số thực "thu-chi" của ngành thanh tra nhà nước.

Trong vụ án "chuyến bay giải cứu" vừa diễn ra, nhiều người bất bình với khoản tiền thu hồi vào ngân sách Nhà nước. Khoản tiền này được cho là sử dụng không đúng quy định của nhà nước hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Thực tế đây là số tiền của các nạn nhân, tức người dân trong các chuyến bay giải cứu. Nếu Thanh tra Chính phủ được trích lại từ khoản tiền này, khác gì tiền từ túi dân chảy vào túi quan chức một cách hợp pháp qua những quy định do Chính phủ ban hành ?

Nguồn : RFA, 21/08/2023

***************************

Quan tham tuyên giáo

Nguyễn Huyền, VNTB, 21/08/2023

Những khóa bồi dưỡng nguồn cán bộ cao cấp mà Đảng ‘lót đường’ lâu nay, thật chất là một ‘ổ tham nhũng quyền lực ngầm’, nguồn cung quan tham thứ gộc.

quan2

Ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương thông báo tóm tắt kết quả cuộc họp ngày 27/04/2022. (Ảnh : Phương Hoa/TTXVN)

Các Ban Đảng ở cấp trung ương, tính đến hiện tại gồm có : Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ; Ban Tổ chức Trung ương ; Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, và Ban Đối ngoại Trung ương.

"Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ; về chủ trương, đường lối của Đảng trong các lĩnh vực : Tuyên truyền, lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa học, công nghệ, môi trường, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, thể dục, thể thao, dân số, gia đình, trẻ em… (sau đây gọi chung là lĩnh vực tuyên giáo) ; đồng thời, là cơ quan chuyên môn – nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Đảng" – trích Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 01/12/2022 của Bộ Chính trị về chức năng, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương).

Ông Nguyễn Thanh Long, một trong những "đầu vụ" của đại án kit test Việt Á, từng giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Hồ sơ lý lịch chính trị của ông Nguyễn Thanh Long rất đáng nể đến mức cỡ như ông Long mà còn bị tiền tài làm hư hỏng, vậy thì chắc chẳng có đảng viên nào dám tuyên bố "tay không từng nhúng chàm" : Ông Nguyễn Thanh Long sinh ngày 3/9/1966 tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Ông Nguyễn Thanh Long tốt nghiệp Thạc sĩ y khoa chuyên ngành truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội năm 1995 ; Tiến sĩ y khoa năm 2003 ; Phó Giáo sư y học năm 2009 ; Giáo sư y học năm 2013. Từ năm 1995 đến năm 2003, ông là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2005, ông là Trưởng phòng Kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008, ông là Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Từ tháng 3/2008 đến tháng 11/2011 là Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS. Từ tháng 12/2011 đến tháng 10/2018, ông là Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách lĩnh vực y tế dự phòng.

Ngày 30/10/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngày 31/1/2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, bắt đầu được ghi nhận tại Việt Nam, với uy tín trong lĩnh vực y học dự phòng, ông được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều động, bổ nhiệm tái giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế từ 31/1.

Việc giao Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế vào thời điểm này được đánh giá là phù hợp để ngành y tế tiếp tục phát huy thế mạnh và đảm bảo tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 và nâng cao hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời gian tới.

"Lộ trình" để tiến tới chức vụ Bộ trưởng Y tế của ông Nguyễn Thanh Long, nếu không có dịch giã thì về nguyên tắc vẫn… ‘xảy ra’ vì đây là kịch bản nhân sự chuẩn bị của Đảng, khi mà ông Nguyễn Thanh Long đã tốt nghiệp lớp bồi dưỡng dự nguồn cao cấp khóa III tháng 5/2014 lúc ông đang giữ chức Thứ trưởng Y tế. Việc điều chuyển ông sang làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương là một bước đệm thủ để ông có thể về lại Bộ Y tế giữ chức cao hơn.

Thắc mắc đặt ra : bài bản tham nhũng của ông Nguyễn Thanh Long mà báo chí đang nêu công khai từ trích dẫn tài liệu của cơ quan điều tra, là đến từ môi trường nào : Bộ Y tế hay là Ban Tuyên giáo Trung ương ?

Ngoài ra ở đây cần thiết coi lại những khóa bồi dưỡng nguồn cán bộ cao cấp mà Đảng ‘lót đường’ lâu nay, thật chất có phải là một ‘ổ tham nhũng quyền lực ngầm’ mà các phe nhóm trong Đảng đã chuẩn bị về "kế thừa" ở các nhiệm kỳ của Đảng ?

Nói thêm như một nhắn nhủ tới đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : Khi dứt khoát nhận số tiền rất lớn, với tư cách cán bộ trong diện kê khai, chắc chắn trong đầu họ đã tính toán trước việc che giấu phần tài sản dày lên đến bất thường…

Nguyễn Huyền

Nguồn : VNTB, 21/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, Nguyễn Huyên
Read 276 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)