Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/08/2023

Trống khai trường : ai nên đánh ?

Diễm Thi

Từ nhiều năm qua, hiện tượng chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội hay một số lãnh đạo cấp cao dự và đánh trống khai giảng năm học mới tại một số trường không còn là chuyện lạ với nhiều người. Nhưng năm nay, sự việc này lại gây nhiều ý kiến phản đối trong công luận, bởi nhiều lãnh đạo từng đánh những hồi trống khai trường lại lâm vào vòng lao lý với những tội danh như tham nhũng, hối lộ, lạm quyền…

trong1

Lễ khánh thành trường tiểu học ở làng Na Lia, tỉnh Lạng Sơn tháng 10 năm 2007 - AFP

Trong thực tế, học sinh, thầy cô giáo và Ban Giám hiệu là đối tượng chính của buổi lễ khai giảng. Lãnh đạo dù cao cấp đến đâu cũng chỉ là khách mời. Có ý kiến nêu rằng, việc để lãnh đạo đánh trống mang tính hình thức, thậm chí lố bịch.

Giáo sư Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, từng giữ chức hiệu trưởng vào những năm 1960, nói với RFA quan điểm của ông :

"Các ông quan chức thì muốn thể hiện mình, muốn quảng cáo mình cho nên cứ nhân dịp ở đâu có hội hè, có họp hành, có tập trung đông người thì họ muốn xuất hiện để được phát biểu. Mà những người cấp dưới thì hiểu ý cấp trên, đón ý cấp trên nên mời họ đến trường để đánh trống. Có một ông làm như thế thì tất cả các ông khác cũng làm.

Theo tôi, đúng đắn nhất vẫn là hiệu trưởng đánh hồi trống khai trường sau khi phát biểu bài chào mừng học sinh một cách nhẹ nhàng vui vẻ. Nhưng ở chế độ toàn trị này thì nó buồn cười ở chỗ, cái gì các ông lãnh đạo cũng phải tham gia vào, cũng phải xuất hiện rồi răn dạy, chỉ đạo. Đó là cái phô trương, hình thức và nó trở thành những cái dối trá, kệch cỡm.

Chính quyền là phải có trách nhiệm với giáo dục, với nhà trường. Nếu thật sự các ông quan tâm thì trước khi khai giảng năm học mới nửa tháng hay một tháng thì hãy đến kiểm tra xem cơ sở vật chất nhà trường có đầy đủ không ; có nước sạch, có nhà vệ sinh sạch sẽ không ; chỗ ăn, chỗ nghỉ thế nào, trường có dột nát không ; có thiếu giáo viên không, đời sống giáo viên thế nào ; nhà trường có kiến nghị gì không ; có khó khăn gì thì chính quyền giúp đỡ.

Cái đó mới là quan trọng, chứ không phải có mặt vào ngày khai giảng để đánh trống khai trường".

Hàng năm, báo chí Nhà nước đưa hình ảnh và tin tức các vị lãnh đạo đến dự buổi lễ khai giảng và ca ngợi như một vinh dự cho ngành giáo dục. Một số nhà giáo nhận định, chính vì những bài báo như thế khiến các hiệu trưởng "đua nhau" mời cho được lãnh đạo đến trường mình, như nhận định của thầy giáo Đỗ Việt Khoa :

"Không phải tự nhiên các lãnh đạo đến trường ngày khai giảng để đánh hồi trống khai trường, mà do các hiệu trưởng mời. Nhất là một số hiệu trưởng thích mời để khoe khoang, thích có ảnh hưởng, thích tỏ vẻ thân cận với lãnh đạo nên họ làm như thế.

Còn nhiều hiệu trưởng thì họ cũng ngại, bởi nếu những trường xung quanh đều mời lãnh đạo mà trường mình không mời thì cũng khó. Tuy nhiên, như trường THPT Thường Tín nơi tôi đang dạy thì hiệu trưởng không bao giờ mời lãnh đạo nào cả mà chúng tôi vẫn sống tốt, chả ai trách. Mà các lãnh đạo cũng chả ai chê trách hay phê phán gì nhà trường về ‘tội’ không mời họ cả.

Xét về tất cả các mặt thì vị hiệu trưởng nên là người đánh hồi trống khai trường vì đó là người chủ trường, đó là truyền thống từ xưa đến nay. Nó vào cả thơ văn rồi. Những năm qua có những lãnh đạo ngoài ngành giáo dục đến đánh trống khai trường, trong khi ngày khai trường là ngày của thầy, của trò chứ không ngày để tiếp các vị lãnh đạo.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi các đồng chí lãnh đạo từ nay trở đi đừng bao giờ đến trường vào ngày khai giảng nữa. Họ có những dịp khác để đến trường chứ không phải vào ngày khai giảng".

trong2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học 2021. Bộ Giáo dục - Đào tạo

Theo thầy Đỗ Việt Khoa, chính các vị lãnh đạo nên từ chối việc đánh trống khai trường và nhường vinh dự đó cho vị hiệu trưởng.

Ngày khai giảng bao giờ cũng là một ngày thiêng liêng và trang trọng với học sinh. Với tư cách là một phụ huynh có con đang độ tuổi đến trường, ông Liêu Thái nêu quan điểm của mình với RFA :

"Nếu xét ngược lại lịch sử thì từ năm 1945 đã có thư của chủ tịch nước lúc đó là ông Hồ Chí Minh gửi đến toàn thể học sinh. Cho đến bây giờ vẫn có thư của Chủ tịch, của Tổng bí thư, mà cái không khí ngày khai trường từ hồi đó đến giờ nó vẫn rất là thiêng liêng. Rồi hồi trống khai trường sẽ do cô/thầy hiệu trưởng đánh. Nhưng dần dần lại có những ông lãnh đạo đến đánh. Thực ra, nếu mà nói một cách nghiêm túc thì học sinh vẫn rất thích cái không khí đó, bởi vì nó thể hiện sự trang trọng. Nhưng trong sự trang trọng đó lại có bài toán rất mâu thuẫn. Bởi vì tâm lý học sinh muốn buổi khai giảng của mình phải được tổ chức một cách trang nghiêm. Rồi có một ông lãnh đạo đến đánh trống thì thấy rất oai, rất hay. Nhưng đùng một cái, vài tháng sau thì chính ông lãnh đạo đó bị bắt, bị ở tù thì nó có sự đổ vỡ trong lòng học sinh. Thà không có việc đánh trống, thà đừng để học sinh trong tâm thế trang nghiêm hôm khai giảng đó. Theo tôi, nên để hiệu trưởng đánh trống khai trường là hay hơn cả".

Tại Việt Nam, ngày lễ khai giảng năm học mới được tổ chức vào ngày 5 tháng 9 hàng năm cho tất cả các cấp học. Ngày này cũng được gọi là ‘ngày hội toàn dân đưa trẻ tới trường’ bởi vào ngày 5 tháng 9 năm 1945, ba ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các em học sinh nhân khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập mới.

Ngày nay, hiện trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên là một thực tế cần sự quan tâm của nhà nước. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố này dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường. Đồng thời, cải tạo, sửa chữa 631 trường.

Còn ở TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu phòng học, Sở đã trình đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt, phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 29/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 189 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)