Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/09/2023

Mỹ giúp các quốc gia Đông Á mài gươm đối phó với Trung Quốc

Nhiều tác giả

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị một ngân sách cao kỷ lục

Thùy Dương, RFI, 31/08/2023

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên không ngừng gia tăng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 31/08/2023, đề nghị được cấp ngân sách ở mức cao kỷ lục cho năm tài chính 2024-2025, với 7,74 ngàn tỷ yen, tương đương 53 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,8% so với ngân sách 2023-2024. Nếu được thông qua, đây sẽ là ngân sách quốc phòng cao gần bằng của Pháp và Đức.

donga1

Một hệ thống tên lửa địa đối không PAC-3 Patriot của Nhật, Tokyo, ngày 21/06/2016. AP - Shizuo Kambayashi

Bộ Quốc phòng Nhật Bản lưu ý : "Nhật Bản phải trang bị khả năng cần thiết và đầy đủ về đánh chặn và tiêu diệt các tàu và lực lượng đổ bộ" bất kể cuộc xâm lược do thế lực nào gây ra. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết cần 380 tỷ yen để đóng 2 tàu chiến mới được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis do Mỹ phát triển. Khoảng 755 tỷ yên sẽ được dùng để tăng cường năng lực phòng thủ, nhất là để mua thêm tên lửa. Tokyo cũng có kế hoạch chi 75 tỷ yên để cùng phát triển các loại tên lửa đánh chặn hỏa tiễn siêu thanh.

Nhật Bản cũng đang tìm cách mua thêm đạn dược để đối phó với khả năng xảy ra các trận chiến kéo dài, cố gắng cải thiện hoạt động phòng thủ mạng và không gian, đồng thời hướng tới việc sử dụng nhiều hơn nữa các drone và các thiết bị sử dụng công nghệ không người lái. Bộ Quốc phòng Nhật cũng cam kết chi tiêu nhiều hơn cho việc bảo trì các trang thiết bị hiện có.

Yêu cầu nói trên của Bộ Quốc phòng sẽ chuyển đến bộ Tài Chính để chuẩn bị ngân sách cho tài khóa 2024-2025 và sẽ được trình lên Nghị Viện vào tháng 01/2024.

AFP nhắc lại thủ tướng Nhật Fumio Kishida hồi năm 2022 đã công bố một cải tổ an ninh lớn, cam kết đến năm 2027 tăng chi tiêu quốc phòng lên thành 2% GDP. Tokyo đang cảnh giác trước các tham vọng quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc, trong đó có nguy cơ Bắc Kinh dùng vũ lực để đánh chiếm Đài Loan, mà Bắc Kinh luôn coi là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên và khả năng Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân trong tương lai cũng đã thúc đẩy Nhật Bản tăng cường chi tiêu quốc phòng. Thêm vào đó, Tokyo lo ngại khi thấy Nga xâm lược Ukraine.

Thùy Dương

**************************

Lần đầu tiên Mỹ cấp vũ khí cho Đài Loan theo chương trình viện trợ quân sự

Anh Vũ, RFI, 31/08/2023

AFP dẫn thông báo của các quan chức Hoa Kỳ cho hay, ngày 30/08/2023, chính quyền của tổng thống Joe Biden lần đầu tiên thông qua quyết định hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Đài Loan trong khuôn khổ chương trình viện trợ nước ngoài.

donga2

Số lượng đạn trang bị cho một máy bay chiến đấu F-16V do Mỹ sản xuất trong cuộc tập trận quân sự ở Đài Loan vào ngày 15/1/2020. (Chiang Ying-ying/AP)

Bộ Quốc phòng Đài Loan bày tỏ sự biết ơn đối với Hoa Kỳ trong một thông cáo ngắn gọn rằng "sự giúp đỡ này sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định trong vùng". Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết chi tiết, nhưng một nguồn thạo tin tại Mỹ cho AFP biết khoản viện trợ này nhằm giúp tăng cường khả năng trinh sát trên biển của Đài Loan.

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho Quốc hội dự định chi 80 triệu đô la để hỗ trợ quân sự cho Đài Loan. Đây là số tiền rất nhỏ so với các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan gần đây, nhưng viện trợ trực tiếp này được chi từ quỹ của chương trình tài trợ quân sự cho nước ngoài (FMF) của Washington, thường được dành để hỗ trợ cho các quốc gia có chủ quyền.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố : "Theo luật về quan hệ với Đài Loan và chính sách một nước Trung Quốc vẫn không thay đổi, Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan các khí tài và dịch vụ phòng thủ cần thiết để giúp Đài Loan duy trì đủ khả năng tự vệ". Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh quyết định lần này nằm trong chương trình viện trợ quân sự cho nước ngoài, nhưng điều này không hề có nghĩa là Mỹ thừa nhận chủ quyền lãnh thổ Đài Loan.

Từ năm 1979, Washington chỉ công nhận một nước Trung Quốc, tuy nhiên Quốc hội Mỹ vẫn thông qua các chương trình cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Các chính quyền của Hoa Kỳ cho tới nay vẫn cung cấp vũ khí cho Đài Loan dưới hình thức mua bán trực tiếp, không phải trong khuôn khổ viện trợ.

Quyết định của chính quyền Biden còn phải chờ Quốc hội thông qua, nhưng chắc chắn sẽ không có gì trở ngại, vì cả hai phe Dân chủ cũng như Cộng hòa đều ủng hộ Đài Loan đối phó với Trung Quốc. Mike McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, thuộc đảng Cộng hòa, người vẫn chỉ trích chính sách đối ngoại của Joe Biden, đã hoan nghênh biện pháp này. Ông nói : "Những vũ khí này sẽ không chỉ giúp Đài Loan và bảo vệ các nền dân chủ khác trong khu vực, mà còn củng cố khả năng răn đe của Hoa Kỳ và đảm bảo an ninh quốc gia của chúng ta trước một Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng hung hăng".

Những tháng gần đây, Bắc Kinh và Washingon đã có những nỗ lực nhằm nối lại đối thoại qua hàng loạt chuyến công du của quan chức cao cấp Mỹ tới Bắc Kinh, trong đó đặc biệt có chuyến đi của ngoại trưởng Antony Blinken. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn luôn là cản trở lớn trong quan hệ Mỹ-Trung. Bắc Kinh đã có những phản ứng ngoại giao gay gắt hoặc tiến hành các cuộc diễn tập quân sự thị uy sau mỗi hành động của Mỹ ủng hộ Đài Loan.

Anh Vũ

*************************

Indonesia và Mỹ bắt đầu diễn tập quân sự chung

Thanh Hiếu, RFI, 31/08/2023

heo hãng tin AFP, hôm nay 31/08/2023, hàng nghìn binh sĩ Indonesia và Mỹ đã bắt đầu cuộc diễn tập chung mang tên "Super Garuda Shield" kéo dài hai tuần, từ ngày 31/8 đến 13/9. Năm quốc gia đồng minh cũng sẽ tham gia cuộc diễn tập ''nhằm đảm bảo sự ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương''.

donga3

Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ dự lễ khai mạc diễn tập "Super Garuda Shield 2023" tại Baluran, Đông Java, Indonesia, ngày 31/08/ 2023. AP

Diễn ra tại một số địa điểm ở miền đông đảo Java, cuộc diễn tập năm nay huy động hơn 2.000 binh sĩ Mỹ và 2.800 binh sĩ Indonesia, cùng với các quân nhân đến từ Úc, Nhật Bản, Singapore, Pháp và Anh.

Ngoài ra, nhiều quốc gia được mời đến quan sát cuộc diễn tập, gồm Brazil, Canada, Đức, Ấn Độ, Malaysia, Hà Lan, Philippines, Hàn Quốc, New Zealand, Đông Timor, Brunei và Papua New Guinea.

Cuộc diễn tập "Super Garuda Shield" bao gồm trao đổi học thuật giữa các chuyên gia và hội thảo phát triển chuyên môn, mô phỏng chỉ huy và kiểm soát, diễn tập đổ bộ, các chiến dịch không vận và diễn tập chiếm sân bay. Trong một thông cáo, đại sứ quán Mỹ cho biết cũng sẽ có các cuộc tập luyện chung trên thực địa, trong đó có cả bắn đạn thật.

Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Á quan ngại trước thái độ ngày quyết đoán của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, nhưng Washington cho biết cuộc diễn tập chung Mỹ-Indonesia không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.

Thanh Hiếu

**********************

Tuần duyên Mỹ sẽ thực thi các quy định hàng hải tại vùng biển Palau

Thanh Phương, RFI, 30/08/2023

Hoa Kỳ vừa ký một thỏa thuận mới với Palau, cho phép các tàu Mỹ đơn phương thực thi các quy định hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo quốc nhỏ bé Thái Bình Dương này, theo thông báo của lực lượng tuần duyên Mỹ hôm qua, 29/08/2023.

donga4

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ đã cử máy bay tìm kiếm Barbers Point HC-130 Hercules của Air Station và Myrtle Hazard từ đảo Guam đến hỗ trợ Chính phủ Palau bảo vệ chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên của quốc gia này.

Theo hãng tin AFP, thỏa thuận được ký trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cũng đáp ứng yêu cầu của tổng thống Palau muốn được Washington giúp đỡ nhằm ngăn chặn "các hoạt động không mong muốn" của Bắc Kinh ở vùng biển của Palau. 

Trong thỏa thuận được ký kết cách đây một tuần, các tàu tuần duyên Hoa Kỳ có thể thay mặt Palau thực thi các quy định bên trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo quốc này mà không cần có sự hiện diện của sĩ quan Palau. 

Trong một thông cáo, tổng thống Palau, Surangel S. Whipps Jr. tuyên bố : "Thỏa thuận này giúp Palau giám sát vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, bảo vệ chống lại hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không theo quy định, đồng thời ngăn chặn các tàu không được mời thực hiện những hoạt động đáng ngờ trong vùng biển của chúng tôi". 

Bản thông cáo không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng vào tháng 6, tổng thống Palau tiết lộ với các phóng viên ở Tokyo rằng ba tàu Trung Quốc đã xâm nhập "mà không được mời" vào vùng biển của Palau kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2021. 

Palau là một trong số ít quốc gia vẫn công nhận Đài Loan và duy trì quan hệ ngoại giao với hòn đảo này. 

Căng thẳng đang gia tăng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Trung Quốc muốn áp đặt các yêu sách chủ quyền trong khu vực, buộc Mỹ và các đồng minh phải có các hành động đáp trả. 

Vào tuần trước, hai tàu Philippines, với sự điều khiển của máy bay giám sát của Hải quân Hoa Kỳ, đã vượt qua vòng phong tỏa của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông để tiếp tế cho lực lượng Philippines bảo vệ một bãi đá đang có tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh.

Thanh Phương

*************************

Hải quân Mỹ - Nhật - Hàn tập trận chung phòng thủ tên lửa ngoài khơi bán đảo Triều Tiên

Thùy Dương, RFI, 29/08/2023

Trong khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc vẫn đang tiến hành các cuộc tập trận thường kỳ Lá chắn Tự do (Ulchi Freedom), hôm nay 29/08/2023, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức tập trận Hải quân chung phòng thủ tên lửa ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

donga5

Binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận Ulchi Freedom Shield (UFS) tại Yangyang, phía bắc Hàn Quốc, ngày 28/08/2023. © AP - Kim Hong-ji

Theo Reuters, cuộc tập trận chung của Hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra ở vùng biển quốc tế ngoài khơi đảo Jeju, phía nam Hàn Quốc để cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu và chia sẻ thông tin trong trường hợp có hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng.

Hải quân Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận có sự tham gia của 3 tàu khu trục Aegis là Yulgok Yi I của Hàn Quốc, USS Benfold của Mỹ và JS Haguro của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản.

Theo Yonhap, cuộc tập trận chung của Hải quân ba nước được tổ chức nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng từ Bắc Triều Tiên, trong đó có cả vụ phóng tên lửa nhằm đưa vệ tinh lên quỹ đạo vào tuần trước. Hành động này vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên tiến hành các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Kim Jong-un thúc đẩy Hải quân chuẩn bị cho chiến tranh

Cuộc tập trận chung của Hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi hiện đại hóa "triệt để" vũ khí và trang thiết bị của lực lượng Hải quân nước này.

Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA, hôm nay, 29/08/2023, cho biết, nhân ngày Hải quân Bắc Triều Tiên (28/08), lãnh đạo Kim Jong-un đã lên án Hoa Kỳ và "các thế lực thù địch khác", đã biến vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên thành nơi "tập trung nhiều tầu chiến nhất thế giới", "vùng biển bất ổn nhất với mối đe dọa chiến tranh hạt nhân".

Kim Jong-un nhấn mạnh là các đơn vị thuộc Hải quân sẽ được trang bị vũ khí mới theo chính sách mở rộng vũ khí hạt nhân chiến thuật và Hải quân sẽ trở thành "một bộ phận của lực lượng răn đe hạt nhân" của Bắc Triều Tiên.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Anh Vũ, Thanh Hiếu, Thanh Phương
Read 8530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)