Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/08/2023

Sự nổi lên của các siêu cường hàng hóa cơ bản mới

Leslie Hook, Harry Dempsey, và Ciara Nugent

Phần đầu tiên của loạt bài này sẽ trình bày về các quốc gia sản xuất kim loại quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, những nước đang muốn viết lại các quy tắc khai thác khoáng sản.

hanghoa1

Khu mỏ nhuộm màu nâu đỏ ở Tenke-Fungurume, một trong những mỏ đồng và cobalt lớn nhất thế giới ở Cộng hòa Dân chủ Congo, đang bị che phủ bởi hàng chục nghìn bao tải bụi bặm.

Những bao tải này – được xếp chồng lên nhau bên lề đường và chất đống bên cạnh các tòa nhà – chứa một lượng bột cobalt hydroxide tương đương với gần 1/10 lượng tiêu thụ hàng năm của thế giới và trị giá khoảng nửa tỷ đô la.

Khối lượng loại bột màu xanh lá sáng này, một thành phần quan trọng trong pin xe hơi điện, cho thấy Congo, nhà sản xuất cobalt lớn nhất thế giới, đang bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình khi nói đến các kim loại cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

CMOC, công ty Trung Quốc điều hành mỏ Tenke-Fungurume, hồi tháng 4 đã đồng ý trả 800 triệu USD cho chính phủ Congo để giải quyết một tranh chấp về thuế đã khiến công ty này phải chịu lệnh cấm xuất khẩu trong 10 tháng trước đó.

Giờ đây, chính phủ Congo đang tiến hành xem xét sâu rộng tất cả các liên doanh khai thác mỏ với các nhà đầu tư nước ngoài. Guy Robert Lukama, người đứng đầu công ty khai thác mỏ quốc doanh Gécamines của Congo, nói "Chúng tôi không hài lòng. Không có hợp đồng nào trong số này tạo ra giá trị cho chúng tôi". Ông mong muốn Congo có thêm việc làm, doanh thu, và các hoạt động khoáng sản mang lại giá trị cao hơn.

Ở lối vào văn phòng của ông, một chiếc tủ trưng bày các loại đá có độ khoáng hóa cao thể hiện quan điểm của ông về nguồn tài nguyên giàu có. Lukama cũng ủng hộ sự can thiệp của chính phủ nhằm giữ giá cobalt ở mức cao, "Nguồn cung dư thừa cần phải được tổ chức hợp lý. Sẽ có ích hơn nếu có một vài hạn ngạch xuất khẩu", ông nói.

Congo không hề đơn độc. Khi thế giới chuyển từ hệ thống năng lượng được xây dựng dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang hệ thống sử dụng điện và năng lượng tái tạo, nhu cầu toàn cầu về các vật liệu như đồng, cobalt, nickel, và lithium đang làm thay đổi vận mệnh của các quốc gia khai thác chúng.

hanghoa2

Đồng và cobalt được lưu trữ ở Mỏ Tenke Fungurume phía đông nam Congo. Những bao tải đầy bụi chất bên lề đường và bên cạnh các tòa nhà chứa lượng cobalt hydroxide tương đương 1/10 lượng tiêu thụ hàng năm trên toàn cầu © Emmet Livingstone/AFP/Getty Images

Việc khai thác một số kim loại nhất định hiện đang tập trung cao độ ở một số quốc gia. Đối với cobalt, Congo chiếm 70% sản lượng khai thác toàn cầu. Đối với nickel, ba nhà sản xuất hàng đầu (Indonesia, Philippines, và Nga) chiếm 2/3 thị trường. Còn với lithium, ba nhà sản xuất hàng đầu (Australia, Chile, và Trung Quốc) chiếm hơn 90%.

Cầu sẽ chỉ tăng thêm trong những năm tới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, với tốc độ hiện tại, tính đến năm 2030, không có mặt hàng kim loại chủ chốt nào có đủ mỏ khai thác để đáp ứng về cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đến cuối thập niên này, thị trường lithium non trẻ cần tăng gấp ba lần quy mô, trong khi nguồn cung đồng sẽ thiếu 2,4 triệu tấn, cơ quan này cho biết.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với những mặt hàng này đang bắt đầu làm rung chuyển cả nền kinh tế và địa chính trị của thế giới năng lượng.

Chuỗi cung ứng của một số kim loại đang bị vướng vào căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc, quốc gia hàng đầu về năng lực chế biến lithium, cobalt, và đất hiếm, đồng thời đang xem xét hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu. Các chính phủ từ Washington, Brussels, đến Tokyo đang đánh giá xem họ có thể tìm nguồn cung khoáng sản quan trọng một cách đáng tin cậy ở những nơi nào, mà không cần đi qua quỹ đạo của Bắc Kinh.

Sự chuyển dịch này cũng đang biến một số quốc gia nhỏ và kém phát triển trở thành các siêu cường hàng hóa. Và chính phủ của họ hiện đang có ý định viết lại các quy định về khai thác khoáng sản.

Nhiều nước đang cố gắng tận dụng lợi thế khoáng sản bằng cách thực hiện nhiều hoạt động chế biến và sản xuất giá trị gia tăng ngay trong nước. Một số quốc gia cũng đang cố gắng kiểm soát nguồn cung bằng cách quốc hữu hóa tài nguyên khoáng sản, đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, và thậm chí đề xuất thành lập các cartel.

hanghoa3

Nước muối chứa lithium carbonate và các sản phẩm phụ từ muối tại mỏ lithium ở Salar de Atacama, Chile. Nước này cùng với Australia và Trung Quốc là một trong ba nhà sản xuất lithium hàng đầu © John Moore/Getty Images

Một số quốc gia giàu tài nguyên từng là nạn nhân bị bóc lột trong thời thuộc địa, và giờ đây họ đang giành lại quyền kiểm soát số phận của mình.

Chỉ trong 12 tháng qua, Zimbabwe và Namibia đã cấm xuất khẩu lithium thô; Chile tăng cường kiểm soát nhà nước đối với khai thác lithium; trong khi Mexico khiến ngành công nghiệp lithium non trẻ của mình rơi vào tình cảnh bất định sau khi công bố một đánh giá mới về nhượng quyền khai thác mỏ. Trong khi đó, Indonesia đã bổ sung các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bauxite (thành phần chính trong nhôm) vào lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel thô trước đây.

Jakob Stausholm, giám đốc điều hành Rio Tinto, tập đoàn gần đây đã tham gia đàm phán khai thác ở Chile và Mông Cổ, nói: "Mọi chính phủ đều tìm kiếm một thỏa thuận công bằng với ngành khai thác mỏ, mang lại lợi ích cho cả đôi bên".

Dù bác bỏ ý kiến cho rằng "chủ nghĩa dân tộc" đang trỗi dậy là nguyên nhân đứng sau xu hướng này, ông thừa nhận đã có sự thay đổi. "Có lẽ việc khai thác, chiết xuất, và xuất khẩu khoáng sản sẽ ngày càng khó khăn hơn; các quốc gia thường muốn có một số cơ sở chế biến gắn liền với việc khai thác mỏ".

Sự chuyển dịch quyền lực sang các nhà sản xuất kim loại dùng cho chế tạo pin cũng tương tự như những chuyển dịch hàng hóa khác trong quá khứ, tương tự như sự trỗi dậy của than đá trong thế kỷ 19 hoặc sự trỗi dậy của thiếc trong thế kỷ 20. Nhưng các nhà sản xuất sẽ đi bao xa để tận dụng thời điểm này? Và họ có thể làm được điều đó trong bao lâu?

Cơ hội của Indonesia

Ví dụ tiêu biểu cho việc khai thác giá trị khoáng sản là Indonesia, quốc gia chiếm gần một nửa sản lượng toàn cầu về nickel, nguyên liệu chính trong pin xe hơi điện.

Nhiều năm kiểm soát xuất khẩu nickel thô đã giúp nước này thành công trong việc xây dựng một ngành công nghiệp luyện kim nội địa rộng lớn, cũng như các nhà máy sản xuất pin và một số nhà máy sản xuất xe điện.

Sau khi Indonesia cấm xuất khẩu nickel thô vào năm 2014, nước này đã thu hút hơn 15 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào chế biến nickel, chủ yếu từ Trung Quốc. Ngày nay, Indonesia đã cấm xuất khẩu mọi thứ từ quặng nickel đến bauxite, và lệnh cấm xuất khẩu tinh quặng đồng sẽ có hiệu lực vào năm tới.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với những chính sách này: EU đã phản đối chúng tại Tổ chức Thương mại Thế giới và giành chiến thắng trong phiên điều trần đầu tiên. Indonesia đang tiến hành kháng cáo.

Các quan chức chính phủ Indonesia cho biết những nỗ lực của đất nước họ – xây dựng ngành công nghiệp trong nước và khuyến khích sản xuất – đều xuất phát từ những chính sách mà chính các nước phương Tây đã áp dụng cách đây một thế kỷ.

"Đây không phải là điều chúng tôi tự mình nghĩ ra", Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia phát biểu. "Chúng tôi đã học hỏi từ các đối tác là các nước phát triển, những người trước đây đã áp dụng những chính sách không chính thống này".

hanghoa4

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và CEO Tesla Elon Musk tại một bãi phóng của SpaceX ở Boca Chica, Texas, vào tháng 5/2022. Giá nickel tăng lên đã giúp Indonesia nâng cao vị thế © Laily Rachev /Dinh tổng thống Indonesia/Reuters

Ông đề cập đến việc Vương quốc Anh cấm xuất khẩu len thô trong thế kỷ 16 để kích thích ngành dệt may trong nước, hay việc Mỹ đã sử dụng thuế nhập khẩu cao trong thế kỷ 19 và 20 để khuyến khích sản xuất nội địa nhiều hơn.

Lahadalia muốn tiến thêm một bước nữa, bằng cách tạo ra một cartel kiểu OPEC để giữ giá nickel và các vật liệu pin khác ở mức cao. Ông nói, "Indonesia đang nghiên cứu khả năng hình thành một cơ cấu quản trị tương tự như OPEC đối với các khoáng sản mà chúng tôi có".

Dù cơ cấu đó có thành hiện thực hay không, thì giá nickel tăng chắc chắn đã mang lại cho Indonesia vị thế cao hơn. Khi Tổng thống Joko Widodo, hay "Jokowi" như ông thường được biết đến, đến thăm Mỹ vào năm ngoái, ông đã gặp cả Tổng thống Joe Biden ở Washington và CEO Tesla Elon Musk trong một điểm dừng chân xa xôi ở Boca Chica, Texas.

Jokowi sau đó tiết lộ mình đã khuyến khích Musk xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng của Tesla tại Indonesia, "từ thượng nguồn đến hạ nguồn".

Cửa sổ cơ hội

Tuy nhiên, không phải mọi quốc gia đều đi theo quỹ đạo giống như Indonesia.

Một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế cho thấy các nhà sản xuất kim loại sẽ có thể tạo ra ảnh hưởng trong thời gian ngắn, khi mà sản xuất còn tập trung và cầu tiếp tục tăng, nhưng họ khó có thể có được sức mạnh địa chính trị lâu dài như các nhà sản xuất dầu khí.

Thách thức ở đây là các kim loại dùng làm pin như lithium được phân bổ rộng rãi trên toàn cầu – chí ít là về mặt trữ lượng địa chất, chứ không nói đến thực tế khai thác mỏ. Giá lithium cao đang giúp phát triển các mỏ mà trước đây bị cho là quá đắt để khai thác, đồng thời thúc đẩy việc mở rộng khai thác lithium đá cứng ở những nơi như Trung Quốc và Australia.

Một ví dụ về sự dịch chuyển trong sản xuất khoáng sản là hoạt động khai thác lithium ở Nam Mỹ. Ngày nay, Chile đang là nhà sản xuất chiếm ưu thế trong khu vực, nhưng nước láng giềng Argentina, nơi có chính sách khai thác thân thiện với doanh nghiệp hơn, cuối cùng có thể vượt qua Chile.

hanghoa5

Một nhà máy chế biến nickel do PT Vale Indonesia vận hành ở Sorowako. Mùa hè này, Hyundai đã động thổ xây dựng một nhà máy pin, cơ sở sản xuất thứ hai của hãng tại nước này © Hariandi Hafid / Sipa / Reuters

23 tỉnh của Argentina đang kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của mình và nhiệt tình mời chào hoạt động kinh doanh khai thác mỏ. Với khoảng 9,6 tỷ USD đầu tư vào lithium được công bố trong 3 năm qua và 38 dự án đang được triển khai, các quan chức cho biết sản lượng của Argentina sẽ tăng gấp 6 lần trong 5 năm tới.

Fernanda Ávila, Bộ trưởng Khai thác của Argentina, nhận định "Đầu tư vào lithium chưa bao giờ dừng lại, và tôi nghĩ điều đó liên quan đến thực tế là chúng tôi mở cửa cho đầu tư tư nhân, cũng như sự không chắc chắn trong chính sách được triển khai ở các quốc gia khác".

Cách tiếp cận bất thường của Argentina trong số các quốc gia sở hữu lithium ở Nam Mỹ đã giúp nước này thu hút đầu tư, ngay cả khi các lĩnh vực khác của nền kinh tế đang thiếu vốn trong bối cảnh lạm phát ba con số.

Trong khi một số chính trị gia ở "tam giác lithium" Nam Mỹ – Chile, Argentina, và Bolivia – đưa ra ý tưởng về một cartel lithium kiểu OPEC, Ávila lại tỏ ra không hào hứng với ý tưởng này. Bà nói, dù "chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với các nước láng giềng, nhưng đó không phải là một chủ đề trong chương trình nghị sự".

Đây là một lý do khác khiến việc sản xuất kim loại dùng làm pin khác với sản xuất dầu: rất khó để hình thành một cartel thành công.

Trong thế kỷ 20, một số mặt hàng chủ chốt nằm dưới quyền kiểm soát của các cartel. Thiếc được quản lý thông qua Hội đồng Thiếc Quốc tế từ thập niên 1950 đến thập niên 1980 – trong đó Indonesia, Bolivia, và Congo thuộc Bỉ đều là thành viên sản xuất. Tương tự, các nhà sản xuất cà phê đã liên kết với nhau thành một cartel trong những năm 1960 và 1970; còn các nhà sản xuất cao su tự nhiên duy trì cartel đến tận những năm 1990.

John Baffes, Trưởng Ban Hàng hóa tại Ngân hàng Thế giới, người đã nghiên cứu các cartel này, cho biết các cartel thành công có ba đặc điểm : chỉ có một số ít nhà sản xuất, những người có chung mục tiêu được xác định rõ ràng, trong một thời gian ngắn.

Baffes cho rằng các nhà sản xuất kim loại pin sẽ gặp khó khăn trong việc hình thành cartel. Ông nhận xét "một số quốc gia có thể hợp tác với nhau để tạo ra một môi trường có lợi cho họ, chẳng hạn như giữ giá cả ở mức cao. Nhưng đó sẽ là mầm mống của sự thất bại, bởi vì sẽ có thêm nhiều thực thể từ bên ngoài gia nhập".

hanghoa6

Sản xuất khoáng sản quan trọng tập trung cao độ ở một số ít các công ty đa quốc gia và doanh nghiệp nhà nước lớn. Hình ảnh Thị phần của một số kim loại năm 2021 (%) Nguồn : Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế

Tốc độ phát triển của công nghệ pin và sự thay đổi thành phần của chúng cũng có thể làm suy giảm nỗ lực thành lập cartel.

Khác với dầu, vốn là nguồn nhiên liệu rất khó thay thế, kim loại trong pin có nguy cơ bị thay thế cao hơn nhiều. Các phòng thí nghiệm chuyên phát triển pin đang không ngừng phát triển các công thức của họ để sử dụng ít kim loại đắt tiền hoặc khó mua hơn.

Điều này đã bắt đầu xảy ra với cobalt, chất mà các nhà sản xuất xe hơi đang cố gắng giảm bớt trong pin do giá thành cao, bên cạnh những lo ngại về nhân quyền ở Congo.

Theo công ty tư vấn về xe điện Rho Motion, một cảnh báo cho việc triển vọng về cầu có thể thay đổi nhanh chóng là việc sử dụng pin không chứa cobalt ở Trung Quốc đã tăng từ 18% thị trường xe điện năm 2020 lên 60% trong năm nay. Các loại pin giàu manganese cũng sắp ra mắt, theo đó làm làm giảm việc sử dụng cobalt hơn nữa.

Andries Gerbens, chuyên gia tại Darton Commodities, cho biết "Một trong những hậu quả của việc gia tăng pin không cobalt là tình trạng thiếu hụt cobalt được dự đoán vào khoảng năm 2024 và 2025 có thể không trở thành hiện thực. Điều đó nghĩa là giá cobalt có thể thấp hơn".

Sự sụt giá cobalt, nickel, và lithium gần đây có thể làm suy yếu nỗ lực của các nước sản xuất nhằm thu thêm tiền thuê mỏ và xây dựng ngành sản xuất nội địa. Sau khi cobalt và lithium trải qua đợt tăng giá lớn vào năm 2021 và 2022, chủ yếu do nhu cầu từ pin xe điện, thị trường năm nay đã bình lặng hơn nhiều.

Theo Benchmark Mineral Intelligence, việc sản xuất xe điện chậm lại ở Trung Quốc, kết hợp với sự gia tăng sản xuất cobalt hydroxide và lithium carbonate, đã khiến giá các kim loại này giảm lần lượt 30% và 40% trong sáu tháng đầu năm.

Những thợ mỏ kỳ cựu cho biết chu kỳ này đã diễn ra nhiều lần trước đây. Mick Davis, nhà sáng lập Vision Blue Resources và cựu giám đốc điều hành của Xstrata, cho biết chủ nghĩa dân tộc về tài nguyên có xu hướng gia tăng khi giá hàng hóa lên cao hoặc khi bầu cử đến gần.

Trong những dịp đó, "các chính trị gia chắc chắn sẽ cố gắng thu được nhiều tiền thuê mỏ hơn những gì họ đã hình dung và đồng ý ban đầu", Davis nói. "Kết quả luôn kết thúc trong nước mắt. Điều đó có nghĩa là việc phát triển tài nguyên khoáng sản sẽ ngày càng xa vời".

Nắm bắt thời cơ

Tuy nhiên, trong lúc chu kỳ vẫn cho phép các nước sản xuất tận dụng lợi thế của mình, họ đang cố nắm bắt thời cơ bằng mọi giá.

Đầu năm nay, Chile, nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới, đã công bố kế hoạch quốc hữu hóa một phần ngành công nghiệp này, theo đó họ sẽ trao phần lớn quyền kiểm soát hai mỏ lithium khổng lồ ở sa mạc Atacama cho một công ty khai thác nhà nước khi các hợp đồng hiện tại kết thúc vào năm 2030 và 2043, và hai dự án đó cùng tất cả những dự án khác trong tương lai đều sẽ trở thành liên doanh công-tư.

Tổng thống Chile Gabriel Boric nói rằng kế hoạch tăng cường kiểm soát nhà nước đối với lithium là cơ hội tốt nhất để Chile trở thành một "nền kinh tế phát triển" và phân phối của cải một cách công bằng hơn. "Sẽ không còn ‘khai thác cho số ít’ nữa. Chúng ta phải tìm cách chia sẻ lợi ích của đất nước mình cho tất cả người dân Chile", ông nói thêm.

Nhiều nhà sản xuất đang thành công trong việc thực hiện các bước để nâng cao giá trị sản phẩm, nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững. Tại Congo, nhà máy luyện đồng thứ hai của nước này đang được xây dựng gần mỏ đồng Kamoa-Kakula.

Trong khi đó, Chile đang đưa ra mức giá lithium carbonate ưu đãi cho các công ty phát triển các dự án lithium có giá trị gia tăng ngay tại nước này. Đơn vị đầu tiên tham gia là BYD của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Công ty này đã công bố vào tháng 4 rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất cực âm lithium ở miền bắc Chile, dự kiến mang lại 500 việc làm trong giai đoạn đầu tư.

Argentina cũng đang chuẩn bị mở một nhà máy sản xuất pin lithium-ion nhỏ – nhà máy đầu tiên ở Mỹ Latinh – vào tháng 9, sau đó sẽ là một nhà máy lớn hơn vào năm tới.

Những nỗ lực của Indonesia nhằm xây dựng ngành công nghiệp xe điện đang mang lại kết quả ở quy mô lớn hơn. Đầu năm nay, Ford đã công bố đầu tư vào một cơ sở chế biến nickel trị giá hàng tỷ USD. Mùa hè này, Hyundai đã động thổ xây dựng một nhà máy sản xuất pin, cơ sở sản xuất thứ hai của hãng tại nước này.

Khi quá trình chuyển đổi năng lượng dần làm thay đổi hệ thống quyền lực và của cải đã thống trị thế kỷ 20, các nhà sản xuất kim loại pin mới đã bắt đầu hành động. Nhiều người coi sự dịch chuyển quyền lực này là một thay đổi đáng hoan nghênh.

Elizabeth Press, giám đốc kế hoạch tại Irena, đồng thời là tác giả của báo cáo về các khoáng sản quan trọng, nhận xét: "Điều hết sức cần thiết là chúng ta phải viết lại di sản của ngành khai thác mỏ để các nước giàu khoáng sản có thể thu được nhiều giá trị kinh tế hơn. Chúng tôi nhận thấy cả hai bên đều nhận thức rõ rằng mọi thứ không thể tiếp tục như cũ".

Leslie Hook, Harry Dempsey, Ciara Nugent

Nguyên tác : "The new commodity superpowers", Financial Times, 08/08/2023.

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Leslie Hook, Harry Dempsey, Ciara Nugent, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 251 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)