Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/09/2023

Tại sao Tổng thống Biden thăm Việt Nam ?

Phạm Trần

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Joe Biden từ ngày 10 đến 11 tháng 9 nhằm nâng quan hệ ngoại giao hai nước lên cấp "chiến lược" là hành động chinh trị giúp các nước Châu Á và Thái Bình Dương an tâm, nhưng sẽ khiến Trung Quốc nhăn mặt.

tre1

Việt Nam đang theo đuổi đường lối ngoại giao được gọi là "cây tre"

Nhưng "ngoại giao chiến lược" là gì ?

Theo ngôn ngữ ngoại giao thì : "Đối tác chiến lược là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi với nhau (quan hệ cùng thắng) có thể có cả lĩnh vực an ninh quân sự.

Về hình thức, đối tác chiến lược có thể diễn ra linh hoạt (chính thức hoặc không chính thức, song phương hoặc đa phương diện và mức độ tham gia rộng hoặc hẹp, nhiều hoặc ít…) và có tính mở vì không hướng tới một kết cục cụ thể".

Sau cấp "chiến lược" sẽ là cấp "chiến lược toàn diện".

Bách khoa Toàn thư mở định nghĩa : "Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Tới nay, chỉ có 4 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là : Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022)".

Hiện nay Việt Nam có 13 nước là "đối tác chiến lược" trong đó có 5 đối tác là các quốc gia chủ chốt trong ASEAN, gồm : Nhật Bản, Tây Ban Nha (2009) ; Anh (2010) ; Đức (2011) ; Italy (1/2013), Thái Lan (6/2013), Indonesia (6/2013), Singapore (9/2013) và Pháp (9/2013) ; Malaysia và Philippines (2015) ; Úc (2018) ; New Zealand (2020).

Cam kết chiến lược

Đối tác "chiến lược" phải bao gồm những cam kết : không tấn công lẫn nhau ; không liên minh chống lại các nước khác ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau ; phải có lòng tin lẫn nhau. Đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh và thịnh vượng chung.

Trong lĩnh vực an ninh, quan hệ đối tác chiến lược sẽ giúp cho Việt Nam củng cố nền tảng ngoại giao và quốc phòng, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc giữ gìn an ninh, bảo toàn chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Về "thịnh vượng", đây là : "Mối quan hệ kinh tế với đối tác đó phải góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nó thể hiện trên các lĩnh vực : quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển (ODA) và chuyển giao công nghệ".

Việt Nam đang theo đuổi đường lối ngoại giao được gọi là "cây tre Việt Nam" dựa trên bản sắc "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Bộ trường ngoại giao Bùi Thanh Sơn giải nghĩa : "Gốc vững chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia – dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. Thân chắc chính là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn, là những cốt lõi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế" (Phỏng vấn nhân dịp Tết Quý Mão 2023).

Trong khi đó, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng lý giải rằng : "Chính sách ngoại giao của Việt Nam" mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam".

Ông nói : "Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt ; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương ; biết thời, biết thế ; biết mình, biết người ; biết tiến, biết thoái, "tùy cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt" (Tuyên bố tại Hội nghị dối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021).

Nói cách khác, Đảng cộng sản Việt Nam muốn "đi dây" giữa Mỹ và Trung Quốc trong chính sách ngoại giao.

Quốc phòng 4 không

Bên cạnh nền ngoại giao "cây tre", Việt Nam cũng đang theo đuổi chính sách quốc phòng gọi là "4 không", như quy định trong Sách trắng Quốc phòng" công bố ngày 25/07/2019.

tre2

Việt Nam cũng đang theo đuổi chính sách quốc phòng gọi là "4 không"

Theo đó : Việt Nam chủ trương :

- Không tham gia liên minh quân sự

- Không liên kết với nước này để chống nước kia

- Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác

- Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trường Quốc phòng thời bấy giờ thì : "Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung".

Ông Vịnh nói thêm : "Tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Lời nói "dự phòng này" của tướng Vịnh đã khiến nhiều chuyên gia dự đoán Việt Nam sẽ nhờ nước ngoài giúp đỡ nếu bị Trung Quốc tấn công quân sự.

Nhưng ngoài cường quốc quân sự đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ, không nước nào có thể giúp Việt Nam được.

Do đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden để nâng cấp ngoại giao còn gửi một thông điệp cho Trung Quốc về "thái độ quân sự mới" của Hoa Kỳ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, đứng đầu là Liên minh Mỹ-Nhật-Ấn Độ và Úc (QUAD). Thông điệp thứ hai mà ông Biden muốn cho cử tri người Mỹ thấy là ông không phải là một Tổng thống "thiếu cương quyết" với Trung Quốc ở Biển Đông.

Về phần mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng muốn chứng minh Việt Nam theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập khi tiếp Tổng thống Biden.

Mỹ - Việt nói gì ?

Ngày 28/8/2023, Tòa Bạch Ốc thống báo chuyến đi Hà Nội của ông Biden như sau (tạm dịch) :

"Tổng thống Biden sẽ du hành đến Hà Nội ngày 10 tháng 9 năm 2023. Trong thời gian ở Hà Nội, Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các viên chức then chốt khác để thảo luận về cách làm sâu sắc hơn sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Các nhà lãnh đạo hai nước sẽ tìm kiếm cơ hội để cổ võ sự lớn mạnh của kỹ thuật hóa nền kinh tế của Việt Nam, tăng cường hợp tác nhân dân với nhân dân qua trao đổi về giáo dục, chống thay đổi khí hậu và gia tăng hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực" (1).

Về phía Việt Nam, Ngày 29/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng thông báo : "Dự kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chúng tôi tin rằng các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Mỹ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới".

Về phương diên kinh tế, tính đến năm 2022, Mỹ nhập cảng hàng hóa từ Việt Nam trị giá hơn 127 tỷ dollars trong khi Việt Nam nhập hàng của Mỹ hơn 14 tỷ dollars.

5 Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam

Ông Biden sẽ là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 5 thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/7/1995.

tre3

4 đời Tổng thống Mỹ đã ghé thăm Việt Nam sau 1995

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh của Tổng thống Bill Clinton diễn ra tháng 11/2000. Sau đó đến phiên các tổng thống : George Bush thăm Hà Nội tháng 11/2006, Barack Obama vào tháng 5/2016 để bỏ lệnh cấm bán vũ khí chấn thương cho Việt Nam. Cuối cùng, vào tháng 2/2019, Tổng thống Cộng hòa Donald Trump đến Việt Nam để họp thượng đỉnh với Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un.

Theo Bách Khoa Toàn thư mở thì : "Từ năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ "Đối tác toàn diện" dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đã tạo ra khuôn khổ mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, môi trường và y tế, hợp tác nhân đạo - giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng-an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, và văn hóa-thể thao-du lịch…".

Nhân quyền – Tù chính trị

Thông thường, khi các nhà lãnh đạo Mỹ thăm Việt Nam thì vấn đề vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam lại được đặt ra. Tuy nhiên, vì lý do tế nhị ngoại giao, Hoa Kỳ thường nêu vấn đề này một cách kín đáo.

tre4

Ở Việt Nam, hiện có hơn 150 tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình (Human Rights Watch 2020).

Việt Nam thường phủ nhận có giam giữ "tù chính trị". Hà Nội nhiều lần nói rằng những người bị bắt giam vì vi phạm pháp luật. Nhưng trong tuyên bố ngày 05/07/2023, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cho biết :

"Ở Việt Nam, hiện có hơn 150 tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình. Các blogger và nhà hoạt động nhân quyền hàng ngày phải đối mặt với nạn sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an. Trong một chế độ độc đảng công an trị không chấp nhận bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động bị tạm giam trong thời gian dài mà không được tiếp xúc với luật sư hay gia đình.

Các nhà tài trợ và đối tác quốc tế cần gây sức ép để chấm dứt tình trạng đàn áp một cách có hệ thống nhằm vào những người lên tiếng phê phán ôn hòa. Hãy sát cánh cùng chúng tôi kêu gọi phóng thích ngay lập tức tất cả những người đang bị giam, giữ vì thực thi các quyền con người của mình một cách ôn hòa".

Cũng vì những vi phạm nhân quyền mà Ha Kỳ đã liệt Việt Nam vào danh sách các nước "đáng quan tâm".

Như vậy, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden lần này tuy ngắn ngủi, nhưng tin rằng ông sẽ không quên nêu vấn đề nhân quyền, một lập trường đã dính liền với cuộc đời chính trị của ông.

Phạm Trần

(04/09/2023)

(1) President Joseph R. Biden, Jr. will travel to Hanoi, Vietnam on September 10, 2023. While in Hanoi, President Biden will meet with General Secretary Nguyen Phu Trong and other key leaders to discuss ways to further deepen cooperation between the United States and Vietnam. The leaders will explore opportunities to promote the growth of a technology-focused and innovation-driven Vietnamese economy, expand our people-to-people ties through education exchanges and workforce development programs, combat climate change, and increase peace, prosperity, and stability in the region.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 17664 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)