Thượng đỉnh G20 tránh lên án Nga xâm lược Ukraine, kêu gọi hòa bình
Reuters, VOA, 10/09/2023
G20 đã thông qua tuyên bố đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Bảy, tránh lên án Nga xâm lược Ukraine nhưng kêu gọi tất cả các quốc gia không sử dụng vũ lực để chiếm lãnh thổ.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng Tuyên bố của các nhà lãnh đạo đã được thông qua vào ngày đầu của hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi.
"Nhờ sự tích cực làm việc của tất cả các nhóm, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận về Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20. Tôi tuyên bố thông qua tuyên bố này", Thủ tướng Modi nói với các nhà lãnh đạo, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người đứng đầu chính phủ và nhà nước từ các nước trên khắp thế giới.
Sự đồng thuận đạt được khá bất ngờ khi G20 bị chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến ở Ukraine, với việc các nước phương Tây trước đó thúc đẩy việc lên án mạnh mẽ Nga trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo, trong khi các nước khác yêu cầu tập trung vào các vấn đề kinh tế rộng lớn hơn.
Tuyên bố nêu rõ : "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định".
"Chúng tôi... hoan nghênh tất cả các sáng kiến có liên quan và mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine".
Tuyên bố nói thêm : "Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được".
Bộ Ngoại giao Ukraine nói rằng tuyên bố này "không có gì đáng tự hào" và nói thêm rằng sự hiện diện của Ukraine sẽ giúp các bên tham gia hiểu rõ hơn về tình hình.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng tuyên bố này thể hiện lập trường rõ ràng về việc Nga xâm lược Ukraine bằng cách nói rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia không thể giải quyết bằng bạo lực.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói tuyên bố này dùng "ngôn ngữ rất mạnh mẽ về cuộc chiến bất hợp pháp của Nga ở Ukraine".
"Tôi nghĩ đó là một kết quả tốt và mạnh mẽ".
Không có phản ứng ngay lập tức từ Nga, nước được đại diện bởi Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Ông Lavrov trước đó nói rằng ông sẽ chặn tuyên bố cuối cùng trừ khi nó phản ánh quan điểm của Moscow về Ukraine và các cuộc khủng hoảng khác.
Cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người thất tán và gieo rắc bất ổn kinh tế trên toàn thế giới. Moscow phủ nhận các hành động tàn bạo trong cuộc xung đột mà nước này gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm "phi quân sự hóa" Ukraine.
Tuyên bố cũng kêu gọi thực hiện sáng kiến Biển Đen về vận chuyển ngũ cốc, thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine và Nga. Moscow đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 7 vì điều mà họ gọi là không đáp ứng được yêu cầu nới lỏng các quy định đối với xuất khẩu phân bón và thực phẩm của Nga.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết Trung Quốc, đồng minh chính của Nga, ủng hộ kết quả này.
Tuyên bố cũng cho biết G20 đồng ý giải quyết vấn đề nợ nần cho các nước thu nhập thấp và trung bình "một cách hiệu quả, toàn diện và có hệ thống," nhưng không đưa ra bất kỳ kế hoạch hành động mới nào.
Tuyền bố cho biết các nước cam kết tăng cường và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, trong khi họ chấp nhận đề xuất về quy định chặt chẽ hơn về tiền điện tử.
G20 cũng đồng ý rằng thế giới cần tổng cộng 4 nghìn tỷ đôla tài trợ với lãi suất thấp hàng năm cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Nguồn : VOA, 10/09/2023
**************************
G20 tránh trực tiếp lên án Nga xâm lược Ukraine
Thanh Hà, RFI, 10/09/2023
Một ngày trước khi kết thúc thượng đỉnh New Delhi, ngay từ hôm 09/09/2023 khối G20 đã công bố bản tuyên bố chung. Các bên tránh trực tiếp lên án Moskva xâm lược Ukraine nhưng đã nhấn mạnh xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành động "phi pháp". Ngoại trưởng Nga xem đây là một "thành công". Trái lại Kiev thất vọng khi cho rằng về tuyên bố liên quan đến chiến tranh Ukraine, G20 "không có gì để tự hào".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo khác lắng nghe trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20, ở New Delhi, Ấn Độ, Thứ bảy 9/9/2023.
Trái ngược với thất bại của Indonesia ở thượng đỉnh G20 Bali năm ngoái, lần này Ấn Độ đã thành công trong việc thuyết phục tất cả các bên ra một bản tuyên bố chung kết thúc thượng đỉnh New Delhi. Sau nhiều vòng đàm phán gay go, G20 đồng ý về một bản tuyên bố chung, gồm 37 trang, với sự đồng thuận của ngoại trưởng, Sergei Lavrov và lãnh đạo của khối phương Tây. Trong cuộc họp báo sáng nay ông Lavrov đánh giá thượng đỉnh G20 tại New Delhi "thành công" và các bên đã có lập trường "cân bằng" về hồ sơ Ukraine cho dù Moskva vẫn quan niệm Ukraine "phải chịu trách nhiệm về chiến tranh".
Để có được bản tuyên bố chung lần này, G20 tránh sử dụng các cụm từ "lên án" Nga "xâm lược" Ukraine mà chỉ nói chung chung là "Tất cả các quốc gia cần tránh đe dọa hay sử dụng vũ lực để xâm chiếm, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ một quốc gia nào khác".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Olge Nikolenko ngay từ chiều qua đã cảm ơn các bên đã nỗ lực đưa chiến tranh Ukraine vào bản tuyên bố chung, tuy nhiên Kiev tiếc là G20 đã không dám nêu đích danh Moskva, bên "xâm lược". Theo quan chức này G20 "không có gì đáng tự hào".
Tuy nhiên đối với Ấn Độ và nhất là với cá nhân thủ tướng Narendra Modi thì thượng đỉnh G20 lần này là một thắng lợi về mặt ngoại giao, như thông tín viên Sébastien Farcis từ New Delhi giải thích :
"Đồng thuận quốc tế, Made in India. Tựa trên tờ báo Ấn Độ Times of India sáng nay tổng kết như trên về vai trò trung gian của New Delhi suốt thời gian đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên G20.
Trong tất cả các cuộc họp trù bị những tháng gần đây, chiến tranh Ukraine luôn gây chia rẽ. Nhưng vào những ngày chót, ngành ngoại giao Ấn Độ đã vận động để cho ra đời một văn bản mà các bên có thể chấp nhận được.
Nga không còn bị nêu đích danh là quốc gia xâm lược. Đồng thời để trấn an phương Tây, bản tuyên bố chung của New Delhi cũng đã ghi thêm một số đoạn với nội dung cấm thôn tính những vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của một quốc gia hay cấm mang vũ khi hạt nhân ra để đe dọa.
Ấn Độ chắc chắn là đã khai thác mối quan hệ đặc biệt của mình một mặt là với Nga là bên kia là với Mỹ và Pháp để san bằng được những chia rẽ trong khối G20. Chung cuộc, thành công ngoại giao này phục vụ lợi ích cá nhân của thủ tướng Narendra Modi đang cần chứng minh với công luận Ấn Độ ông là một bậc thầy về bang giao quốc tế. Thủ tướng Ấn Độ thích nhắc nhở điều này để gây thêm uy tín bảy tháng trước bầu cử Quốc Hội".
Brazil chủ tịch G20
Trong ngày cuối cùng thượng đỉnh G20, lãnh đạo 20 nước giàu nhất thế giới viếng thăm lăng Mahatma Gandhi trước khi thủ tướng Ấn Độ chuyển giao vai trò chủ tịch luân phiên năm 2024 cho tổng thống Brazil. Trong phát biểu đầu tiên ở cương vị chủ tịch G20, tổng thống Lula da Silva tuyên bố "G20 không nên để các vấn đề địa chính trị gây chia rẽ".
Về khả năng tổng thống Nga dự thượng đỉnh G20 lần tới, ông Luala xác nhận sẽ gửi thiệp mời nguyên thủ Nga tham dự và nhấn mạnh không có chuyện tổng thống Putin bị bắt khi công du Brazil cho dù từ tháng 3/2023 Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh truy nã nhắm vào ông Vladimir Putin vì tội ác chiến tranh tại Ukraine.
Thanh Hà
***********************
Lần đầu G20 đạt thỏa thuận tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030
Thùy Dương, RFI, 10/09/2023
Các cam kết của các nước giàu để thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là chủ đề được quan tâm tại thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ. Hôm qua 09/09/2023, các nhà lãnh đạo đã không thể ra thỏa thuận về việc chấm dứt dùng nhiên liệu hóa thạch.
Một khu pin mặt trời sản xuất điện tại Jorhat, Ấn Độ, ngày 17/08/2023. AP - Anupam Nath
Theo AFP, các nước thành viên khối G20 đặc biệt bị chia rẽ về dầu lửa dù thải ra tới 80% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Nhưng đây là lần đầu tiên khối G20 đạt thỏa thuận đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo.
Từ New Delhi, đặc phái viên Dominique Baillard cho biết thêm chi tiết :
"Các nước khối G20 đồng ý về các mục tiêu. Họ công nhận là cần phải giảm phát thải khí carbon để giới hạn mức nhiệt độ tăng thêm tối đa chỉ là 1,5°C.
Thế nhưng, các nước giàu vẫn còn rụt rè về các biện pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu nói trên. Kế hoạch loại bỏ việc sử dụng than đá được nhắc đến và điều này được xem là một tiến bộ nhưng mỗi nước sẽ có nhịp tiến riêng của họ, mà không có hạn chót.
Tuyên bố cuối cùng nêu rõ các nước cần gia tăng nỗ lực để giảm sản xuất nhiệt điện than, nhưng lại không nói tới hoạt động sản xuất điện từ khí đốt hoặc dầu diezel. Sự ngó lơ này bị các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích nặng nề. Các thành viên G20 vẫn xem việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch là quá sớm.
Trái lại, cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 được đón nhận tích cực hơn. Cam kết này có thể tạo thuận lợi cho việc đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc về chủ đề này tại thượng đỉnh khí hậu COP28 diễn ra ở Dubai trong 3 tháng nữa".
Thùy Dương
******************************
Dự thảo tuyên bố G20 bỏ trống nội dung nói về Ukraine
Reuters, VOA, 09/09/2023
Theo một dự thảo mà Reuters xem được, các nhà đàm phán G20 hôm 8/9 đã không thể giải quyết những bất đồng về cách diễn đạt trong tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh về cuộc chiến ở Ukraine.
Một người dân đi ngang qua địa điểm họp thương đỉnh G20 2023 tại New Delhi. Ảnh minh họa
Dự thảo dài 38 trang được lưu hành giữa các thành viên đã để trống đoạn "tình hình địa chính trị", trong khi đã thống nhất về 75 đoạn khác bao gồm biến đổi khí hậu, tiền điện tử và cải cách trong các ngân hàng phát triển đa phương.
Các nhà thương thương thuyết G20 đã phải vật lộn trong nhiều ngày để thống nhất về ngôn từ vì quan điểm khác biệt về cuộc chiến Ukraine, với hy vọng có được Nga cùng tham gia để đưa ra một thông cáo chung.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng một tuyên bố chung có thể đi đến một thỏa thuận nhất trí hoặc không. Tuyên bố có thể có các đoạn khác nhau nêu quan điểm của các quốc gia khác nhau. Hoặc nó có thể ghi lại sự đồng tình và bất đồng quan điểm trong một đoạn văn.
Nguồn tin thứ hai nói : "Chúng tôi có thể bỏ qua những khác biệt và đưa ra tuyên bố chung rằng chúng ta cần có hòa bình và hòa hợp trên toàn thế giới để mọi người đều đồng ý".
Theo một nguồn tin cấp cao khác của một trong các nước G20, đoạn văn nói về cuộc chiến với Ukraine đã được các nước phương Tây đồng tình và gửi sang Nga để góp ý.
Quan chức này cho biết Nga có quyền lựa chọn chấp nhận quan điểm của các nước phương Tây và đưa ra quan điểm bất đồng chính kiến của mình như một phần của tuyên bố. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, Ấn Độ sẽ phải đưa ra tuyên bố của chủ toạ, điều này có nghĩa là G20 lần đầu tiên sau 20 năm tổ chức hội nghị thượng đỉnh sẽ không có tuyên bố chung.
Một nhà ngoại giao EU cho biết Ấn Độ đang làm rất tốt vai trò chủ nhà trong việc tìm kiếm thỏa hiệp.
"Tuy nhiên, cho đến nay, Nga đang ngăn chặn một thỏa hiệp có thể được các bên khác chấp nhận".
Tài liệu cho thấy khối đã đồng ý giải quyết các khoản nợ ở các nước thu nhập thấp và trung bình "một cách hiệu quả, toàn diện và có hệ thống", nhưng không đưa ra bất kỳ kế hoạch hành động mới nào.
Dự thảo cũng cho thấy các quốc gia cam kết tăng cường và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, đồng thời chấp nhận đề nghị về các quy định chặt chẽ hơn về tiền điện tử.
Tập, Putin không có mặt
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày bắt đầu vào ngày 9/9 tại New Delhi dự kiến sẽ bị chế ngự bởi phương Tây và các đồng minh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bỏ qua cuộc họp và cử Thủ tướng Lý Cường thay thế, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ vắng mặt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thái tử Mohammed Bin Salman của Saudi Arabia và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, cùng những người khác, sẽ tham dự.
Trung Quốc ngày 8/9 nói họ sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên và thúc đẩy đạt được kết quả tích cực tại hội nghị thượng đỉnh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đưa ra nhận xét này sau khi truyền thông đưa tin Thủ tướng Anh đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã trì hoãn thỏa thuận về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả Ukraine.
Ấn Độ tránh quy trách nhiệm cho Moscow về cuộc chiến Ukraine và kêu gọi giải pháp thông qua đối thoại và ngoại giao.
Hơn 100 người tị nạn Tây Tạng đã tổ chức một cuộc biểu tình cách xa trung tâm New Delhi ngày 8/9, yêu cầu thảo luận về việc Trung Quốc "chiếm đóng" đất nước của họ tại hội nghị thượng đỉnh G20.
(Reuters)