Đối tác chiến lược toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam mang lại lợi ích to lớn
Phú Nhuận, VNTB, 11/09/2023
Hà Nội mong muốn phát triển quan hệ vững mạnh và cân bằng với tất cả các nước lớn.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/09/2023
Liệu dân chủ ở Việt Nam sắp tới đây cũng sẽ được ‘toàn diện’ về nhân quyền như Hoa Kỳ?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Việt Nam – Mỹ thống nhất nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
"Tôi và ngài Tổng thống đã thay mặt lãnh đạo hai nước quyết định ra tuyên bố chung là nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Như vậy đây có thể gọi là một sự kiện chưa có tiền lệ của Hà Nội, khi vốn hiện đang ở mức "đối tác toàn diện", đã bỏ qua cấp độ "đối tác chiến lược" để chuyển thẳng lên cấp độ "đối tác chiến lược toàn diện" kể từ chiều tối ngày 10-9-2023.
Theo đánh giá của giới quan sát, nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ phù hợp với việc Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa. Hà Nội cũng mong muốn phát triển quan hệ vững mạnh và cân bằng với tất cả các nước lớn.
Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới, là mục tiêu lý tưởng cho chính sách ngoại giao nước lớn của Việt Nam. Ngoài Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đang mong muốn nâng cấp quan hệ với Nhật Bản và Australia lên mức đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.
Quan hệ đối tác chiến lược là một dạng thức quan hệ có tầm quan trọng lớn và có tính chiến lược, dài hạn giữa các quốc gia với nhau; hoặc giữa quốc gia với tổ chức quốc tế xuất hiện sau khi chiến tranh lạnh kết thúc nhằm xây dựng các cơ chế, kế hoạch, công cụ để đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà các bên ưu tiên.
Mối quan hệ này không phải luôn luôn cố định mà có thể được tăng cường, chuyển biến với các nội hàm hợp tác khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh quốc tế cũng như tình hình của mỗi nước, lợi ích và quyết tâm, ý chí chính trị của mỗi bên trong từng giai đoạn.
Lý luận tuyên giáo Đảng, có thể diễn giải vấn đề thế này: Trước đó, Đại hội IX của Đảng (năm 2001) ghi nhận bước chuyển quan trọng trong tư duy đối ngoại, thể hiện tinh thần trách nhiệm và uy tín của Việt Nam khi khẳng định: "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".
Đến Đại hội X của Đảng (năm 2006) tiếp tục nhấn mạnh "Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế"; đồng thời đặt mục tiêu "Đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững".
Như vậy, tại Đại hội X của Đảng, khái niệm "quan hệ đối tác" được đề cập ở "mức độ cao hơn, sâu sắc hơn, chất lượng hơn và toàn diện hơn". Đại hội XIII của Đảng đưa ra định hướng hoạt động đối ngoại, đó là: "Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác".
Với chủ trương được xác định nhất quán và mạnh mẽ như vậy, việc xây dựng nội hàm của dạng thức quan hệ đối tác chiến lược là vô cùng quan trọng. Quan hệ đối tác chiến lược là một dạng thức quan hệ đối ngoại, các bên tham gia đều có nhu cầu tăng cường hợp tác, coi trọng và chú ý hơn tới lợi ích chiến lược của nhau, có hợp tác sâu rộng, gắn kết về lợi ích và hướng tới lòng tin chiến lược.
Tính đến lúc này thì người ta đang chờ đợi những phản ứng từ Trung Quốc. Đây là một mối lo ngại lớn đối với giới lãnh đạo Việt Nam, và cũng là cái giá tiềm tàng đối với quyết định nâng cấp quan hệ song phương, có thể là một phản ứng mang tính trừng phạt từ Trung Quốc.
Rất có thể Việt Nam sẽ sớm đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội sau chuyến thăm của Tổng thống Biden.
Phú Nhuận
Nguồn : VNTB, 11/09/2023
****************************
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp, chủ trì chiêu đãi Tổng thống Mỹ Joe Biden
Thanh Hà, Lao Động online, 11/09/2023
Ngày 11/9, tại Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp và chủ trì chiêu đãi Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/9. Ảnh : Hải Nguyễn
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden trưa 11/9. Tiếp sau cuộc tiếp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì chiêu đãi cấp nhà nước Tổng thống Joe Biden.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 - 11/9 của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dự lễ đón, hội đàm và gặp gỡ báo giới chung với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 10/9. Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Trong tuyên bố chung, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh vai trò chủ nhà APEC của Mỹ trong năm nay. Tổng thống Joe Biden mong được đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới San Francisco dự Tuần lễ Thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2023.
Trước cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, trưa 11/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sau đó hai nhà lãnh đạo cùng dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo.
Thanh Hà
Nguồn : Lao Động online, 11/09/2023
****************************
Truyền thông nhà nước Việt Nam kiểm duyệt phát biểu của Tổng thống Biden về nhân quyền
Các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát của Việt Nam cắt cụt phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề nhân quyền của nước này trong những phiên bản được gọi là "toàn văn phát biểu" của ông sau cuộc hội đàm với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng về việc nâng cấp quan hệ hôm 10 tháng 9.
tại trụ sở Đảng cộng sản Việt Nam,
Khảo sát những video thời sự có phần dịch lồng tiếng, được phát sóng trên các đài truyền hình nhà nước, cùng bài đăng trên một số website báo mạng khác cho thấy phát biểu vốn đã ngắn ngủi của tổng thống Mỹ, được đưa ra sau cuộc họp với nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, đã bị cắt bỏ chỉ chừa lại một vế.
Phát biểu của ông Biden về nhân quyền, theo bản ghi do Nhà Trắng công bố và theo video thu trực tiếp tại hiện trường, nói:
"Tôi cũng đã nêu lên tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về vấn đề đó".
Trong khi đó, phiên bản được sử dụng trên truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ nói: "Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người".
Nhân quyền là một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ giữa hai nước và Việt Nam luôn tỏ ra nhạy cảm về những chỉ trích mà họ cho là thiếu khách quan.
Các tổ chức theo dõi nhân quyền nhận định nhà chức trách Việt Nam trong những năm qua đã tăng cường trấn áp xã hội dân sự, nhắm mục tiêu không chỉ vào những người bất đồng chính kiến mà còn mở rộng sang những người vận động vì môi trường.
Nhiều cá nhân và tổ chức trước đó đã hối thúc ông Biden mạnh mẽ lên tiếng về thành tích nhân quyền của Hà Nội khi ông hội đàm với các nhà lãnh đạo nước này. Một số nhà lập pháp Mỹ nói với VOA sẽ là một sai lầm nếu nâng cấp quan hệ mà không có sự cải thiện về nhân quyền.
Việt Nam luôn bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng họ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật Việt Nam. Các quan chức Mỹ thì nói rằng họ có nêu lên những quan ngại với phía Việt Nam nhưng làm điều đó một cách kín đáo và tế nhị.
Trong cuộc họp báo vào cuối ngày 10 tháng 9, ông Biden khẳng định ông không đặt "bất cứ thứ gì" lên trước nhân quyền.
Thông cáo của Nhà Trắng về việc Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có tầm quan trọng của nhân quyền.
Thông cáo nói rằng Tổng thống Biden "nhấn mạnh tính phổ quát của nhân quyền và tầm quan trọng của sự hợp tác song phương nhằm thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, tôn giáo hay tín ngưỡng, trong và ngoài nước".
Nguồn : VOA, 11/09/2023
****************************
Nhà Trắng : Tổng thống Biden nêu tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền
VOA, 10/09/2023
Nhà Trắng hôm 10/9 ra tuyên bố về việc Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có tầm quan trọng của nhân quyền.
Tổng thống Biden trong cuộc họp báo ở Hà Nội.
Tuyên bố viết rằng Tổng thống Biden "nhấn mạnh tính phổ quát của nhân quyền và tầm quan trọng của sự hợp tác song phương nhằm thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, tôn giáo hay tín ngưỡng, trong và ngoài nước".
Ngoài ra, văn bản này còn nói rằng Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam "là một cơ chế quan trọng để thảo luận về một loạt các vấn đề liên quan đến nhân quyền và quyền lao động, bao gồm : quyền tự do ngôn luận và lập hộ i; tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ; pháp quyền và cải cách pháp luật ; và quyền của các thành viên thuộc nhóm dân số bị đặt ngoài lề, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, các nhóm dân tộc thiểu số, người LGBTQI+ và người khuyết tật, cũng như các trường hợp cá nhân cần quan tâm".
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, trước chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam, nhiều cá nhân và tổ chức trong nước lẫn quốc tế đã lên tiếng thúc giục nhà lãnh đạo Mỹ nêu bật vấn đề nhân quyền cũng như việc các nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù. Hà Nội lâu nay vẫn bác bỏ không bỏ tù những người bất đồng quan điểm mà chỉ tống giam những người vi phạm pháp luật.
Ngoài nhân quyền, tuyên bố của Nhà Trắng còn đề cập tới các vấn đề khác như đầu tư vào nền kinh tế đổi mới, hợp tác khoa học công nghệ, trong đó có quan hệ đối tác về chất bán dẫn ; củng cố ngoại giao nhân dân, nhất là về giáo dục và đào tạo ; tăng cường hợp tác thúc đẩy khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế cũng như kinh tế ; xử lý hệ quả của chiến tranh và tăng cường an ninh thông qua thúc đẩy hợp tác.
"Sự nâng cao quan hệ chưa từng có và quan trọng giữa hai nước, chuyển từ Đối tác toàn diện được thiết lập năm 2013 sang Đối tác chiến lược toàn diện, là kết quả của những nỗ lực mạnh mẽ của cả hai chính phủ nhằm thiết lập và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau cũng như vạch ra con đường hướng tới tương lai với những cơ hội và thách thức trong một thế giới đang phát triển nhanh chóng", tuyên bố có đoạn.
Trước khi ra tuyên bố này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ngắn gọn tại trụ sở Đảng cộng sản Việt Nam, ca ngợi việc nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện.
Ông Trọng nói rằng quan hệ đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển "nhảy vọt" và hiện đã được "nâng lên một tầm cao mới".
Ông Trọng nói : "Việt Nam là người bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".
Trong khi đó, Tổng thống Biden cũng đề cập đến sự phát triển của mối quan hệ kể từ sau chiến tranh cũng như giá trị của việc vượt qua "nỗi đau của quá khứ".
Nguồn : VOA, 10/09/2023
****************************
Người Sài Gòn dửng dưng với tin tức… ngài Biden đến Hà Nội ?
Nguyễn Nam, VNTB, 11/09/2023
So với hai ông tổng thống trước, giờ dường như không nhiều người bày tỏ quan tâm chuyện ngài tổng thống Hoa Kỳ công du đến Việt Nam lần này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chào quốc kỳ và quốc trên bục danh dự
Có thể lý do chính là chuyến công du diễn ra quá ngắn ngủi, khi ông tổng thống vào ngày 10, và rời cũng ngày 10 nếu tính theo chuyện chênh lệch múi giờ giữa hai quốc gia.
Trước đó, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được cho là đã tạo ra một ‘cơn sốt’ ở Việt Nam khi ông tới thăm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23 đến 25/5/2016. Giới xã hội dân sự ở Việt Nam lúc đó cũng bị "ăn bánh canh" đến mức thô bạo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Hà Nội lúc gần 21g ngày 26/2/2019, đây là lần thứ hai ông đến Việt Nam. Trước đó, tháng 11/2017, ông Trump đã thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. Cả hai lần này đều thu hút những hoạt động của giới xã hội dân sự tại Sài Gòn.
Tuy nhiên có lẽ với hàng loạt bắt bớ với khá nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự bất đồng chính kiến đã vướng lao lý nên giờ đây người ta không còn thấy "tạo sóng" từ các chuyến công du của người đứng đầu nước Mỹ đến Việt Nam. Những lên tiếng về vấn đề đấu tranh cho nhân quyền, chủ yếu qua các yểm trợ từ cộng đồng người Việt và những hội đoàn dân sự ở nước ngoài.
Ngay cả vụ việc tù nhân tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển được trả tự do và phải rời khỏi đất nước, người ta cũng thấy việc loan tin qua mạng xã hội chỉ dừng lại ở chừng mực, ít có bình luận như trước đó với những tù nhân chính trị khác.
Phải chăng bề mặt phẳng lặng cho những cơn sóng ngầm tiềm ẩn?
Trong một ghi nhận "micro vỉa hè" của VOA tại Sài Gòn, người ta cũng thấy cách trả lời của người dân cũng rất chi là… ngoại giao. Nhân quyền vẫn là nhạy cảm đến mức không thấy đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề này không chỉ với người Sài Gòn, mà cả với người Hà Nội.
Chuyện ngại đề cập nhân quyền ở nơi công cộng đã mang đến cảm giác như người dân chẳng mấy ai quan tâm đến các đối thoại nhân quyền mà giới xã hội dân sự Việt Nam từng rất sôi động bàn luận và tranh đấu.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh – ông cũng là nhà báo từng tham gia công tác quản lý, đã trả lời nhanh về cái ngại nhất của ông ở chuyến công du này của ngài tổng thống, đó là "những cái đầu bảo thủ" từ phía Hà Nội.
"Việt Nam lâu nay vẫn hay rào trước, đón sau. Lẩy Kiều để mượn tích xưa nói nay đang là một ‘trend’ của mấy vị chính khách. Người Mỹ hiểu rõ điều đó và họ chìu lòng Việt Nam khi cũng lẫy Kiều thay cho những bày tỏ tình cảm màu sắc Á Đông.
8 năm trước, trong chuyến thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự tiệc chiêu đãi do ông Joe Biden- khi ấy trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ chủ trì. Tại đây, bất ngờ, ông Joe Biden đã đọc hai câu Kiều để nói về mối quan hệ của hai nước Việt – Mỹ :
"Trời còn có để hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".
Ngần ấy năm, liệu giờ đây thật sự sương đã tan chưa, điều ấy có lẽ phải chờ đợi thêm thời gian nữa, kiểu của cung cách rất quen thuộc ở xứ Việt về "độ trễ chính sách".
Chưa biết có câu Kiều nào sẽ được lẩy trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam lần này, và liệu nước sông Tiền Đường có gội rửa được những cái đầu bảo thủ ở Hà Nội hay không, đó là "độ trễ" mà có lẽ người Việt chờ đợi ngay từ sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã dùng hai câu Kiều để nói về cơ hội khép lại quá khứ, hướng tới tương lai trong quan hệ hai nước ở chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2000:
"Sen tàn Cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân".
Khi ấy, người đứng đầu nước Mỹ chắc cũng không quá rảnh rỗi đi nửa vòng trái đất đến Việt Nam chỉ để lẩy Kiều cho vui…".
Hình ảnh quay chậm đoàn xe hộ tống Tổng thống Joe Biden trên đường phố Hà Nội
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 11/09/2023
*****************************
Nhiều nhà hoạt động bị an ninh giám sát trong dịp Tổng thống Biden đến Hà Nội
RFA, 11/09/2023
"Cháu tôi - đứa bé bốn tuổi mà sáng qua nó ra nó bảo ‘Bà ơi có công an canh bà !’. Sáng nay nó lại bảo ‘Bà ơi hôm nay lại có chú ngồi canh bà !’"
Cô Nguyễn Thanh Mai bị một số người lạ mặt theo dõi vào trưa 11/9/2023 - FB Nguyen Thanh Mai
Đó là lời kể của bà Phạm Thị Lân với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào trưa ngày 11/9. Bà là vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Tường Thụy, một trong bốn cộng tác viên - blogger của Đài Á Châu Tự Do hiện đang bị cầm tù vì chỉ trích chế độ.
Tình trạng bị an ninh theo dõi và giám sát như trường hợp trên cũng xảy ra với nhiều nhà hoạt động và thân nhân của tù nhân lương tâm ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở Hà Nội, trong thời gian Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam.
Ông Biden đến Hà Nội từ chiều ngày 10/9 và sau khi hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hai bên tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trước và trong khi ông Biden và đoàn tùy tùng tới, nhiều nhà hoạt động cho biết các viên an ninh mặc thường phục đến canh gần nhà và đi theo sát nếu họ ra ngoài.
Bà Phạm Thị Lân, người đang sống ở một khu chung cư của quận Đống Đa (Hà Nội), nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào trưa ngày 11/9 :
"Từ sáng hôm qua (10/9- PV) là đã có người ngồi canh ở cửa mà tôi biết rõ đấy là công an. Buổi chiều hôm qua là tôi đi về nhà cũ, cách đấy khoảng hơn chục cây thì trời mưa to gió lớn nhưng mà công an vẫn đi theo.
Sáng nay thì tôi cũng lại đi có việc thì công an vẫn theo tôi suốt, tôi đi đến đâu họ theo đến đó. Khi tôi mắng họ thì họ nói ‘việc gì của cô thì cô cứ làm, còn việc bọn cháu thì bọn cháu cũng cứ làm’".
Ông Lê Anh Hùng, người mới mãn hạn tù năm năm về tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ" vì viết bài tố cáo nhiều quan chức của chế độ, cho RFA biết ông cũng bị giám sát chặt chẽ trong hai ngày qua.
"Hai ngày vừa qua trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Joe Biden thì bản thân tôi cũng như là nhiều người đấu tranh khác ở Hà Nội đều bị theo dõi và giám sát khi đi ra ngoài.
Ngày hôm qua, khi đi ra ngoài tôi phát hiện có mấy nhân viên an ninh bám theo. Chính vì thế mà tôi quyết định quay lại nhà vì biết rằng nếu đi thì có thể gặp rắc rối".
Cựu giáo chức Trần Thị Thảo ở phường Bách Khoa, người thường xuyên chỉ trích chế độ trên mạng xã hội, cho RFA biết qua tin nhắn :
"Hai hôm nay không thấy công an phường và dân phòng canh ở cầu thang như mọi khi nhưng một vài an ninh mặc thường phục có đi lại lảng vảng. Thỉnh thoảng lại có số lạ gọi điện thoại hỏi xem bà Thảo có nhà không. Khi tôi cầm máy nghe, họ hỏi tôi có nhà không rồi cúp máy rất nhanh".
Cô Nguyễn Thanh Mai, con gái của tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Tâm cho biết cô bị nhân viên an ninh bám theo suốt hai ngày qua.
Phóng viên có gọi điện đến Công an thành phố Hà Nội để kiểm chứng thông tin nhận được, tuy nhiên không có ai nghe máy.
Trong hai ngày ở Việt Nam, ông Biden và đoàn tuỳ tùng chỉ ở Hà Nội để gặp gỡ với ban lãnh đạo của Việt Nam.
Lịch trình của Tòa Bạch Ốc công bố về chuyến đi cho thấy ông Biden không có kế hoạch gặp gỡ với giới hoạt động hay đại diện của xã hội dân sự.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động ở địa phương khác cũng không tránh khỏi việc bị giám sát chặt chẽ.
Tuy đã tuyên bố không rời khỏi địa phương hoặc có hành động gì đặc biệt, nhưng cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Huệ (Huệ Như) vẫn bị an ninh tỉnh Thái Bình "chiếu cố" cho dù theo hình thức tế nhị hơn. Bà nói với RFA ngày 11/9 :
"Họ dùng những cái biện pháp khôn khéo hơn ở những cái địa phương khác bằng những hình thức sử dụng người thân quen để tác động đến tình cảm và lôi kéo để Huệ Như không đi khỏi địa phương".
Không chỉ mong muốn bà ở nhà, an ninh Thái Bình còn muốn bà không thể hiện chính kiến trên mạng xã hội về sự kiện ông Biden tới Việt Nam.
"Mục tiêu của họ chỉ mong muốn rằng tôi không bày tỏ quan điểm ở trên cộng đồng mạng, (nói rằng -PV) cái việc đấy là của Đảng và Nhà nước đã lo thì chúng ta không cần phải bày tỏ quan điểm".
Một nhà hoạt động về tự do tôn giáo ở Đắk Lắk, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho RFA biết công an canh gác và giám sát ông trong mấy ngày qua, không cho ông đi đâu xa. Sáng 11/9, hai sĩ quan công an thành phố Buôn Ma Thuột tới nhà nói là để thăm ông chứ không có việc gì khác.
Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết tuy nhân viên an ninh không lộ mặt khi giám sát nhưng bà biết họ đang lởn vởn quanh đó, và sẽ xuất hiện khi bà đi ra ngoài.
Nguồn : RFA, 11/09/2023