Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/09/2023

Đã trả trống, nên trả cả ngày khai giảng !

Gió Bấc

Tín hiệu vui nhỏ nhoi trong mùa khai giảng năm học mới 2023-2024 là quan chức một số nơi đã "buông dùi" không đánh trống khai trường. Dư luận biếm nhẻ chuyện quan chức buông trống là sợ xui do cái huông (dớp, tiền lệ) nhiều quan chức cấp cao từ Đinh La Thăng, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… lần lượt vào lò chăn kiến khi tiếng trống khai giảng kiêu hãnh của họ đang ngân nga. Báo chí lề phải rụt rè lý luận lãnh đạo không cần phải đánh trống khai giảng vì đó là công việc của nhà trường. Lãnh đạo giành dùi hay bỏ trống học trò cũng chẳng quan tâm. Cái các em cần là trả lại vẻ trắng trong tinh khôi chân thành của ngày khai giảng.

1111111111111111111111111111

Các quan còn giành phần đánh trống khai trường, phát biểu chỉ đạo, noi theo gương ai đó từng làm.

Đã lâu rồi, chẳng biết từ bao giờ nhưng chắc chắn từ sau cái "chiều nay" lịch sử ấy, "cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc", lòng cha mẹ học sinh lại bối rối hoang mang những khoản phí, phải chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền cho con trước buổi tựu trường.

Quan chức trung ương đến phường xã cũng nháo nhào tranh nhau tham dự lễ khai trường. Quan càng to, trường càng lớn, càng quan trọng. Không chỉ có mặt để thể hiện sự quan tâm, tăng thêm danh giá cho trường, các quan còn giành phần đánh trống khai trường, phát biểu chỉ đạo, noi theo gương ai đó từng làm.

Mỗi bài diễn văn đều lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu những ngôn từ tốt đẹp, nhiệm vụ cao cả, tương lai sáng lạng, đỉnh cao tri thức,… Văn chương hàm súc, khái quát đến độ đọc ở trường miền núi, miền biển, đồng bằng, nông thôn, thành thị đều phù hợp. Cấp học mầm non, tiêu học, trung học đều có thể được ban phát vô tư. Thầy cô mãi lo giữ trật tự, sợ mất điểm thi đua. Học trò mãi canh cô lơ là để đúa nghịch nên chẳng ai phiền hà về các bài ca vô tận ấy. Cuối cùng bài diễn văn cũng được tán thưởng bởi tràng vỗ tay nhiệt liệt vì ai cũng mừng là nó đã hết rồi. Tiếng vỗ tay nhiệt thành như tướng chim vỗ cánh sổ lồng.

Ấy vậy mà mùa khai giảng năm nay đã xuất hiện tín hiệu mới lạ. Ngay trước ngày khai giảng báo chí đã thông tin một tư duy mới : "Nhiều lãnh đạo không đánh trống, phát biểu ở lễ khai giảng"

Ngày 4/9, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết lãnh đạo tỉnh sẽ đi thăm 16 trường học, từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa trong ngày khai giảng, nhưng không phát biểu và đánh trống.

"Chủ tịch nước đã có thư chúc mừng nhân ngày khai giảng, nên tinh thần của lãnh đạo tỉnh là đi thăm, động viên thầy cô và học sinh, để buổi lễ khai giảng ngắn gọn và ý nghĩa", ông Tuấn nói.

Theo ông, phần đánh trống và phát biểu sẽ do thầy cô đảm nhận. Lãnh đạo tỉnh tặng hoa, quà cho giáo viên hoặc trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó (1)

Báo Người Lao Động có bài "Lễ khai giảng ấn tượng tại ngôi trường 110 tuổi của Thành phố Hồ Chí Minh". Theo tường thuật của bài báo thì mọi sinh hoạt khai giảng đều bình thường, có lẽ ấn tượng mạnh nhất là "Tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đến tham dự và trao hoa mừng khai giảng năm học. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Chương đánh trống khai giảng năm học 2023- 2024 (2).

Mạng xã hội rộ lên ý kiến lý giải sự đổi mới bất ngờ này là do nhiều lãnh đạo từng đánh trống khai trường đã thành củi trong lò. Các quan đương chức sợ xui theo cái dớp này nên không ham đánh trống nửa.

Luật sư Trần Đình Triển đăng lại mẫu chuyện vui "AI ĐÁNH TRỐNG KHAI GIẢNG ?" trên fb. Do không lãnh đạo nào nhận lời mời nên lãnh đạo một trường học nổi tiếng phải họp bàn chọn người vinh dự đánh trống khai giảng. Hiệu phó, Hiệu trưởng, đùn đẩy vinh dự cho nhau nhưng người nào cũng giãy nảy như đỉa phải vôi vì sợ đi tù. "Cuối cùng, tất cả các giáo viên đều biểu quyết đồng ý để ông bảo vệ trường đánh trống khai giảng cho năm học mới" (3).

Nhà thơ Đỗ Trung Quân còn hóm hỉnh hơn với stt ngắn "Sự cần thiết & quan trọng của sách". Anh ghép ảnh ông Trần Sỹ Thanh tân chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đánh trống khai giảng ở trường trung học Amsterdam bên cạnh bức tranh biếm bìa quyển sách "HƯỚNG DẪN CÁCH ĐÁNH TRỐNG KHAI GIẢNG KHÔNG BỊ ĐI TÙ" với lời nhắn nhủ "Tiến lên anh Sĩ Thanh !" (4).

Đó là do những kẻ xấu xuyên tạc nói xấu chế độ tốt đẹp của xứ thiên đường ! Cán bộ đảng nhà nước ta 100% được đào tạo chủ nghĩa Mác Lê, học tập gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn làm ơn cho dân và được dân cảm ơn. Những đồng chí bị lộ phải vào lò chẳng qua là "vận đen" phải đi an dưỡng một thời gian. Đâu ai sợ ở tù !

Chuyện lãnh đạo bỏ dùi, buông trống là có chủ ý, có ní luận hẳn hoi, mục tiêu vì đàn em thân yêu. Báo lề đảng đã đăng nhiều bài bình luận sâu sắc về sự đổi mới này. Báo Lao Động ngày 2.9 đăng bài "Thầy hiệu trưởng đánh trống khai trường là ý nghĩa nhất" (5).

Bài báo phân tích, đối với lãnh đạo cao cấp, đại diện cho quốc gia, thì sự tham gia đánh trống khai trường mang ý nghĩa "tuyên bố" chính thức mở đầu năm học mới trên phạm vi toàn quốc.

Nhưng đừng vì ý nghĩa đó mà trường nào cũng học nhau, từ tỉnh, huyện đến xã, trường nào cũng mời lãnh đạo đánh trống khai trường, việc đó nên để thầy hiệu trưởng thực hiện, khách mời chứng kiến là đủ

Tiếp theo, ngày 4/9 Lao động lại có bài bình luận "Lãnh đạo không đánh trống khai trường, không đọc diễn văn và không đi trễ". Bài báo đề nghị, "Lãnh đạo đến dự lễ khai giảng, không đánh trống khai trường, không phát biểu chỉ đạo, và có một điều rất quan trọng, đó là không nên đến trễ.

Trường nào cũng có cách tổ chức, học sinh đến sớm, xếp hàng đầy sân trường, chờ đợi lãnh đạo xuất hiện. Lãnh đạo đến trễ, nhà trường phải chờ, học sinh mỏi mệt, thầy cô cũng vất vả theo. Lãnh đạo phải biết được điều này, để đến đúng giờ, không làm ảnh hưởng đến chương trình khai giảng của nhà trường. 

Lãnh đạo đến đúng giờ cũng là bài giáo dục công dân đầu năm học cho học sinh. Các em sẽ học được gì nếu như người lớn không giữ đúng lời hứa, không đến dự lễ đúng giờ ?" (6).

Những đề xuất của bài báo đều đúng nhưng chưa đủ, và chưa giải quyết rốt ráo chuyện trống, dùi của ngày khai giảng.

Điều căn bản ở đây là ngày khai giảng là ngày của thầy trò. Quan chức, lãnh đạo đã có quá nhiều sân chơi để diễn tuồng quan tâm chăm sóc mà thực chất là khoe mẽ danh hiệu, chức vụ, quyền lực của mình. Xin tha cho các em, cho các thầy cô. Xin giữ cho sân trường không gian hồn nhiên trong sáng. Trong khoảng không gian ấy, trò cần hình ảnh thầy, bạn, người yêu, cha mẹ, văn hóa giao tiếp thân ai tự nhiên mà không bị gò bó trong các khuôn phép kệch cỡm của chính trị, chính em.

Hãy quay lai với đoản văn "Tôi đi học" đã hơn 80 năm tuổi vẫn đắm đuối lòng người xuyên thấu bao thế hệ. Sức sống lay động lòng người, sức lan tỏa của bài văn ấy không có sự trao chuốt, hoa mỹ mà những lời rất thật, sự kiện thật, hình ảnh thật, con người thật. Thế giới yêu thương của ngày khai giảng bao gồm : "mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân", "những người học trò cũ biết lớp, biết thầy", "Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động" "tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen"… Ấy mà ấm cúng lạ lùng đến mức "Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin có thật" (8).

Thế giới ấy không có ông lãnh đạo, không có bài diễn văn nào cả. May mắn là nhà văn Thanh Tịnh lớn lên ở Huế, trước "chiều nay" lịch sử. Nếu phải đi học vào buổi có ông lãnh đạo đánh trống và đọc diễn văn lê thê trong ngày khai giảng thì không biết nhà văn sẽ tả ra sao ?

Thật sự quan tâm đến giáo dục xin hảy thôi ngay trò diễn tuồng xưa cũ làm chai sạn tâm hồn non nớt của các em. Quan chức không nên có mặt trong ngày khai giảng.

Thật sự quan tâm giáo dục xin hãy tháo dỡ cho thầy và trò áp lực thi đua danh hiệu, tỷ lệ phần trăm giả dối. Hãy thay đổi não trạng xem học sinh là nguồn tài nguyên tận thu phí, vẻ với các môn học, sách giáo khoa vô bổ.

Hãy thôi nhồi nhét, gò ép các em trong khung tín điều không có thật, khai phóng cho các em tập làm người yêu chuộng tự do, biết quý trọng giá trị nhân bản, nhân văn.

Gió Bấc

Nguồn : RFA,08/09/2023

1. https://vnexpress.net/nhieu-lanh-dao-khong-danh-trong-phat-bieu-o-le-kha...

2. https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/le-khai-giang-an-tuong-tai-ngoi-tru...

3. https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/pfbid09ie9LTTRXS61ouUUqGbq1...

4. https://www.facebook.com/profile.php?id=100028482253682

5. https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/thay-hieu-truong-danh-trong-khai-truong-la-y-nghia-nhat-1236309.ldo

6. https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/lanh-dao-khong-danh-trong-khai-truong-khong-doc-dien-van-va-khong-di-tre-1237118.ldo

7. https://viethocjournal.com/2019/11/toi-di-hoc-thanh-tinh/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc
Read 285 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)