Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/09/2023

Tại sao Nguyễn Phú Trọng lại vừa phải giở trò cũ ?

Âu Dương Thệ

- "Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" trong dịp đón Tổng thống Biden ?

- Bước đường cùng cả trong Đảng lẫn nhân dân

- Từ bế tắc kinh tế tới lại kẹt với hai "bạn vàng" nên phải chạy sang giả thân với Tư bản

- Ngoại giao cây tre : Cứ tưởng cùng độc tài với nhau nên Nguyễn Phú Trọng ngả sang Đông nhưng lại bị gió độc, nay phải vội vã mặc áo cà sa hướng sang phương Tây giả vờ sám hối

- Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vừa qua : Mở đầu thời kì bang giao mới giữa hai nước, nhưng hoàn toàn chưa có cơ sở vững vàng. Tương lai thực sự tùy thuộc vào người cầm đầu toàn trị Đảng cộng sản Việt Nam có bản lĩnh không và ý thức tranh đấu của nhân dân và các tổ chức xã hội dân sự của hai nước

- Phải đặt thực chất : Hòa bình, độc lập, dân chủ tự do, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam phải là ưu tiên hàng đầu

vn1

Quân đội và công an từng được coi là thanh gươm và lá chắn của chế độ toàn trị, hiện đang ghen tị nhau, trâu buộc ghét trâu ăn ! Ảnh minh họa

Đúng vào dịp kỉ niệm 78 năm Cách mạng Tháng 8 hậu duệ của Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng trong dịp tiếp Tổng thống Hoa kì Biden lại vừa đóng trò "Đi với Phật mặc mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy", trước sau vẫn áp dụng thủ thuật của Hồ Chí Minh "Dĩ bất biến, ứng vạn biến !" (Khi tình hình bên ngoài bất lợi thì thay đổi, nhưng trước sau phải giữ độc quyền tiếp tục cho Đảng). Tuy nhiên cần phải hiểu rõ ý đồ ở đây là, ông Trọng chỉ đóng trò mượn danh nghĩa cứu Đảng nhưng thực sự đang tìm cách tự cứu mình. Vì sau hơn 13 năm độc quyền làm Tổng bí thư và thả cửa tung hoành nhưng hiện nay chế độ độc tài toàn trị đang như sợi chỉ treo ngàn cân từ nội trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục tới quốc phòng, ngoại giao. Oái oăm và nguy hiểm nữa là, không chỉ tuổi cao và sức khỏe ngày càng suy yếu mà cả quyền lực của Nguyễn Phú Trọng cũng đang bị lung lay ! Vì ngay cả "tứ trụ" – những người mà chính Nguyễn Phú Trọng đã áp dụng chọn lựa theo công thức của ông là không "cứ tưởng đỏ là chín"- cũng đang hầm hè nhau. Quân đội và công an từng được coi là thanh gươm và lá chắn của chế độ toàn trị, hiện đang ghen tị nhau, trâu buộc ghét trâu ăn !

Để nắm vững các tính toán và thủ đoạn của Nguyễn Phú Trọng đã và đang thi thố tìm cách phớt lờ tam trụ, qua mặt Bộ chính trị, vứt bỏ Điều lệ Đảng, đạp lên Hiến pháp , đánh lừa cả Đảng lẫn nhân dân, cần phải biết rõ con người thực của Nguyễn Phú Trọng, tại sao ông ta phải ra tay động thủ như thế vào lúc này và kết quả thực tiễn sẽ ra sao ?

Bước đường cùng cả trong Đảng lẫn nhân dân

Trong khi đại dịch Covid-19 bùng nổ từ đầu 2020 đã không bảo vệ sức khỏe của nhân dân, lại chỉ tập trung thời gian, tiền bạc và sức lực toàn đảng để giữ cho được ghế Tổng bí thư lần thứ ba trong Đại hội 13 (26/1- 1/2/2021). Đến khi bọn quan đỏ các cấp các ngành lợi dụng đại dịch để tung hoành tham nhũng có hệ thống từ vụ Việt Á tới "các chuyến bay giải cứu", kiếm chác chia nhau làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng. Khiến mấy chục ngàn người bị chết và hàng triệu người lao động phải lũ lượt đói khát rời bỏ các trung tâm công nghiệp, các thành phố lớn, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh để lánh nạn.

Trong khi cực kì vô trách nhiệm với cuộc sống lầm than của nhân dân, Nguyễn Phú Trọng -khi ấy còn kiêm Chủ tịch nước - lại nhắm mắt kí Quyết định số 264/QĐ-Chủ tịch nước (10/3/2021) "Tặng Huân chương lao động hạng ba cho công ti Việt Á có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch Covid-19" (1).

Sự bất bình của nhân dân nhiều giới từ Bắc chí Nam trước sự tham nhũng trắng trợn có hệ thống của bọn quan đỏ các cấp và sự bất lực không biết bảo vệ sinh mạng của nhân dân ngay của Tứ trụ khi đó, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, đã dội cực kì mạnh cả vào Trung ương đảng và Bộ chính trị.

Khiến Nguyễn Phú Trọng đã phải dùng các thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng đề tìm cách cứu thân. Chính vì thế từ cuối 2022 Nguyễn Phú Trọng đã phải dồn dập liên tiếp mở 4 Hội nghị Trung ương bất thường và họp Quốc hội gật bất thường 4 lần để cách chức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai Phó Thủ tướng và nhiều cán bộ cao cấp, đồng thời để Bộ Công an dưới trướng của mình đưa vụ Việt Á và "các chuyến bay giải cứu" ra xử để chạy tội và tránh trách nhiệm cho mình (2).

vn2

Từ cuối 2022 Nguyễn Phú Trọng đã phải dồn dập liên tiếp mở 4 Hội nghị Trung ương bất thường và họp Quốc hội gật bất thường 4 lần để cách chức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc… Ảnh minh họa

Từ bế tắc kinh tế tới lại kẹt vơi hai "bạn vàng" nên phải chạy sang giả thân với Tư bản

Đại dịch Covid-19 làm kinh tế toàn cầu điêu linh, trong đó Việt Nam còn bị khốn đốn hơn nữa. Vì chế độ toàn trị Đảng cộng sản Việt Nam thay vì phát huy nội lực, phát huy tài năng và sáng kiến của người dân, nâng đỡ doanh nghiệp nội địa, lại dùng doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo, lấy xuất khẩu làm trọng tâm kinh tế và dành nhiều ưu đãi tối đa cho các công ti nước ngoài, kí kết 16 Hiệp định tự do thương mại (FTA) với nhiều nước và nhiều khu vực. Vì thế khi kinh tế thế giới đang khủng hoảng trầm trọng thì Việt Nam là một trong những nước bị hậu quả trực tiếp tàn tệ nhất. Thất nghiệp gia tăng, lạm phát gia tăng, đời sống của hàng chục chục triệu công nhân và những người ăn lương đã cực khổ, càng đói rách thêm ! Mặc dù chỉ thích tô hồng, nhưng ngay tờ báo "Chính phủ" và nhiều báo Đảng cũng phải nhìn nhận về những nguy cơ suy yếu (3) !

Sau gần 40 năm gọi là "Đổi mới" theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó, trước sau vẫn cột chặt nhân dân và đất nước trong chế độ độc đảng theo mô hình Marx-Lenin vừa sai lầm vừa tàn bạo, vì vậy lợi tức đầu người/năm của Việt Nam hiện nay mới là 3.700 USD chỉ xấp xỉ bằng 1/9 của Nam Hàn và Đài loan (4).

Nguyên nhân chênh lệch rất cao so sánh với Việt Nam là vì các nước này thực hành Dân chủ đa nguyên, Kinh tế Thị trường, còn Việt Nam trước sau bị kìm kẹp của chế độ độc tài toàn trị và lấy doanh nghiệp nhà nước với Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm chủ đạo ! Mặc dầu mô hình phát triển theo ý thức hệ cộng sản Marx-Lenin đã đẩy đất nước tụt hậu, nhân dân đói khổ. Nhưng vì cực kì giáo điều và ngoan cố nên trong Đại hội 13 vừa qua Nguyễn Phú Trọng đã tìm cách ru ngủ để đánh lừa đảng viên và nhân dân để nắm độc quyền tiếp, giương lên ngọn cờ giả "thực hiện khát vọng dân tộc", nên đã đưa ra mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2045 -100 năm thực hành chủ nghĩa Marx-Lenin- Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp tiên tiến lợi tức đầu người ở mức cao (5).

Không chỉ tụt hậu trong kinh tế, người dân bị tước đoạt nhân quyền, Việt Nam còn ngày càng bị đe dọa bị xâm chiếm các hải đảo, tài nguyên trên biển Đông từ khi Trung Quốc dưới quyền của Tập Cận Bình, người được Nguyễn Phú Trọng trân trọng gọi là "Bạn". Mới đây Tập Cận Bình còn cho công khai công bố "bản đồ mới" bổ túc cho "đường lưỡi bò trên biển Đông", vẫn phủ nhận phán quyết năm 12/7/2016 của Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye (Den Haag).

Cuối tháng 10/2022 nhân dịp nắm ghế Tổng bí thư lần thứ ba tại Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã ưu tiên mời Nguyễn Phú Trọng làm thượng khách đầu tiên sang chúc mừng (30/10-2/11/2022). Dịp này ông Trọng đã lại tâng bốc họ Tập là "hạt nhân lãnh đạo" và rất hớn hở như được người lớn xoa đầu cho kẹo, khi Tập Cận Bình trao "Huân chương Hữu nghị". Nhưng liền đấy Tập Cận Bình đã lên giọng khuyên bảo và ra lệnh cho Nguyễn Phú Trọng phải cùng nhau thẳng tay đàn áp đối lập ở trong nước và đừng nghe dụ dỗ của Tư bản để bảo vệ chế độ độc đảng, không để diễn ra "Cách mạng mầu và diễn biến hòa bình" : "Không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của chúng ta hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển của chúng ta" (6).

Bề ngoài Tập Cận Bình làm như thân thiết vừa là đồng chí vừa là anh em, răng hở môi lạnh với Nguyễn Phú Trọng. Nhưng từ khi thấy nhà độc tài Putin bị kẹt cứng trong cuộc chiến xâm lược ở Ukraine với mục tiêu chiến tranh chớp nhoáng nuốt chửng Ukraine nhưng bất thành. Ngược lại còn bị Hoa Kì, EU và NATO tẩy chay kinh tế, thương mại, cấm vận tài chính, cô lập ngoại giao và thế giới kết án. Tập Cận Bình đã vội vã nhẩy vào để lợi dụng thế cò hến tranh nhau ngư ông biển lợi. Tập Cận Bình mua dầu và khí đốt của Nga với giá thấp nhất. Không những thế còn đang ép Putin phải rút lui khỏi các hợp đồng với Việt Nam khai thác đầu khí ở biển Đông, để Bắc Kinh gia tăng áp lực quân sự và kinh tế lên Hà Nội. Chính vì thế từ đầu năm nay Bắc Kinh cho các tầu hải quân Trung Quốc gia tăng các hoạt động tuần tra trên biển Đông ngay trên thềm lục địa của Việt Nam (7).

Ngoại giao cây tre : Cứ tưởng cùng độc tài với nhau nên Nguyễn Phú Trọng ngả sang Đông nhưng lại bị gió độc, nay phải vội vã mặc áo cà sa hướng sang phương Tây giả vờ sám hối

Trước những áp lực thương mại và đe dọa quân sự gia tăng của Bắc Kinh, Hà Nội cần phải tăng cường võ trang, nhưng nay không thể mua võ khỉ tối tân của Nga được nữa. Vì Putin hiện cũng còn thiếu vũ khí cho chiến trường ở Ukraine. Chính trong hoàn cảnh cực kì khó khăn éo le cả trong quốc phòng, kinh tế và nội trị như vậy, nên Nguyễn Phú Trọng đã phải tìm cách lẩy Kiều mời Biden thăm Việt Nam. Chiến thuật này đã được Nguyễn Phú Trọng thực hiện ngay từ cuối tháng 3/2023, ngay sau khi ra tay thanh trừng nhau ở cấp cao nhất, loại Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng và đưa ra xét xử vụ án Việt Á và "Chuyến bay giải cứu" để rửa mặt và chạy tội cho chính mình (8). Có như vậy Nguyễn Phú Trọng mới bảo vệ được tư thế trong Trung ương đảng tại Hội nghi trung ương 7 (15-17/5/2023) với việc bỏ phiếu tín nhiệm trong Tứ trụ và Bộ chính trị, để từ đó chuẩn bị cơ cấu nhân sự trong Trung ương đảng và tứ trụ trong Đại hội 14 đầu năm 2026 (9). Chính vì thế trong các tuần vừa qua nhiều đảng bộ quan trọng đã tổ chức các hội nghị đưa người vây cánh vào ứng cử làm Ủy viên Trung ương trong Đại hội 14 và Hội nghi trung ương 8 dự tính vào tháng 10/2023 để lập đề án nhân sự cao cấp trong Trung ương đảng, Bộ chính trị và Tứ trụ (10). Thời gian cực kì gấp rút cho ông Trọng.

Trước thế kẹt nguy hiểm cả trong Đảng, trong nhân dân và cả với các "bạn vàng" bên ngoài, nhưng Đại hội 14 không còn xa, làm sao dựng lên một phương án nhân sự cấp cao nhất được lòng các phe trong đảng, quân đội, công an để bảo vệ cho phe bảo thủ giáo điều của mình trụ được trước cơn phong ba chính trị chưa thể lường hết được - Còn nguy hiểm hơn những năm trước Đại hội 12 tìm cách hạ "Đống chí X", nhất là giữ được ngai vàng tiếp nếu sức khỏe còn cho phép, nếu không thì ít nhất xuống ngựa an toàn để "trở về làm người tử tế" như Nguyễn Tấn Dũng.

Vì thế ngay sau khi tạm ổn trong "tứ trụ" Nguyễn Phú Trọng đã vội vã tìm cách điện đàm trực tiếp với Tổng thống Biden từ cuối tháng 3/2023 (11). Bởi vậy Nguyễn Phú Trọng đã vứt bỏ nguyên tắc "Tập trung dân chủ", mà nhiều lần ông đã khẳng định đó là nguyên tắc tổ chức quan trọng nhất trong Đảng Marx-Lenin để phân biệt với các đảng tư bản (12) :

"Trong lúc có khuynh hướng muốn hạ thấp ý nghĩa hoặc xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ta đã khẳng định dứt khoát giữ vững và thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ… Đảng ta cho rằng, thực hiện tập trung dân chủ là vấn đề có tính nguyên tắc của một đảng mác-xít, là một tiêu chí quan trọng để xem đảng có phải là đảng Mác-Lê-nin chân chính hay không. Phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là phủ nhận Đảng từ bản chất ; xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ là phá hoại sức mạnh của Đảng từ gốc" (13).

Vì thế ông Trọng phớt lờ cả tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng do chính ông dựng lên, đồng thời qua mặt Bộ ngoại giao, âm thầm cho thân tín -Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung- vội vã sang Washington gặp Ngoại trưởng Blinken và các cố vấn của ông Biden vào cuối tháng 6 vừa qua để chuẩn bị các bước mời Tổng thống Mĩ thăm. Khi đó báo chí trong nước hầu như không được phép tường thuật, vì chưa biết ngã ngũ thế nào (14). Ngày 3/7, Quân dội nhân dân mới đưa tin. Mãi tới gần đây từ cuối tháng 7/2023 chính Tổng thống Biden đã mấy lần công khai, một cử chỉ ngoại giao bất thường, nói là "lãnh đạo cao nhất Việt Nam muốn gặp" (15). Chẳng những vứt bỏ nguyên tắc "Tập trung dân chủ" đã ghi rõ trong Điều lệ Đảng, Nguyễn Phú Trọng còn tự đứng tên mời Tổng thống Biden. Như vậy ông Trọng cũng đạp lên Hiến pháp mới do ông lập ra. Vì theo Điều 86 Hiến pháp thì trường hợp này phải là Chủ tịch nước (16).

Như thế cho thấy, bản chất độc tài và tham lam quyền lực vô giới hạn của Nguyễn Phú Trọng. Cho nên các năm trước khi cần nhẩy lên nắm ghế cao thì Nguyễn Phú Trọng không từ thủ đoạn nào hùng hổ lên tiếng bảo vệ các nguyên tắc "thiêng liêng" của Đảng, hay dựng lên "trường hợp đặc biệt" cho cá nhân mình, thẳng tay đàn áp đồng liêu và ép buộc các thành viên trong Bộ chính trị. Nhưng khi thấy nó trở thành chướng ngại vật cản trở cho tham vọng kéo dài độc tài thì Nguyễn Phú Trọng không nề hà đạp bỏ tất cả ! Nhưng sau khi vứt Điều lệ Đảng vào thùng rác để giành cho mình được xếp vào "trường hợp đặc biệt" để nắm ghế Tổng bí thư tiếp tại Đại hội 12 thì nay để bảo vệ ngai vàng nên Nguyễn Phú Trọng cũng vứt cả Hiến pháp vào thùng rác cũng không gặp trở ngại nào. Chính Võ Văn Thưởng trước khi được cất nhắc vào ghế Chủ tịch nước cũng đã tâng bốc Nguyễn Phú Trọng là "hạt nhân lãnh đạo". Những sự kiện trên cho thấy, sau trên 13 năm nắm quyền, Nguyễn Phú Trọng đang tự trở thành vua phong kiến dưới chế độ độc tài tàn bạo, Đảng chỉ còn là bung xung !

vn3

Sau trên 13 năm nắm quyền, Nguyễn Phú Trọng đang tự trở thành vua phong kiến dưới chế độ độc tài

Chẳng như thế phải tính tới phản ứng của Tập Cận Bình, có để yên cho Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Biden không ? Vì hiện nay do hậu quả của chính sách Zero-Covid suốt mấy năm kìm kẹp nhân dân rất tàn bạo và sự rút lui từng bước và tẩy chay kinh tế của Mĩ và nhiều nước EU khiến kinh tế, giao thương của Trung Quốc với các thị trường quan trọng đang bị suy giảm rất nghiêm trọng. Trước tình thế cực kì khó khăn này nhà độc tài họ Tập theo đuổi chủ nghĩa thực dân bá quyền có thể bắt bước Putin mở các cuộc chiến tranh ở Đài loan hay với Việt Nam để tìm cách lấy lại hậu thuẫn trong đảng và nhân dân Trung Quốc. Mới đây Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bị cách chức hay bị sa thải rất bí mật (17).

Vì thế nhiều phái đoàn cao cấp của Hà Nội đã được cử sang Bắc Kinh : Phạm Minh Chính cuối tháng 6 đã phải sang Bắc Kinh bàn về mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Vì "Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong hơn 10 năm liền, Việt Nam đã vượt Malaysia, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu trong năm 2022" (18). "Trong phái đoàn của Phạm Minh Chính còn có Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Giang, phía Bắc Kinh đã đòi "tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước (19). Dịp này Tập Cận Bình đã nói : "Hai nước Trung Việt thường xuyên qua lại lẫn nhau như đi thăm họ hàng là truyền thống tốt đẹp" (20). Cuối tháng 8 Nguyễn Phú Trọng mời Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cùng lên thăm Cửa khẩu Hữu nghị ở Lạng sơn hết lời khen ngợi tình hữu nghị Việt-Trung "vừa là đồng chí, vừa là anh em" (21).

Chỉ ngày hôm sau (28/892023) Nguyễn Phú Trọng chính thức đưa tin đứng ra mời Tổng thống Biden thăm Việt Nam vào 10-11/9/2023. Các bước đi này cũng đã được Nguyễn Phú Trọng thực hiện vào tháng 4/2015 sang gặp Tập Cận Bình trước khi sang Hoa Kì (7/2015) gặp Tổng thống Obama và lẩy Kiều với Phó tổng thống Biden khi ấy. Ý đồ lúc đó của Nguyễn Phú Trọng là nhằm gia tăng uy thế trong Đảng để loại đối thủ Nguyễn Tấn Dũng trong Đại hội 12 (1/2016). Khi đó Nguyễn Phú Trọng đã tự khen cho biết, đây là "những tính toán chiến lược toàn diện", "các chuyến thăm "đều không phải ngẫu nhiên hay hứng lên, mà được tính toán trong chiến lược tổng thể" (22).

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vừa qua : Mở đầu thời kì bang giao mới giữa hai nước, nhưng hoàn toàn chưa có cơ sở vững vàng ! Tương lai thực sự tùy thuộc vào người cầm đầu toàn trị Đảng cộng sản Việt Nam có bản lĩnh không và ý thức tranh đấu của nhân dân và các tổ chức xã hội dân sự của hai nước

Từ khi Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, lại có võ khí nguyên tử nên Bắc Kinh đã từ bỏ chính sách "tọa sơn quan hổ đấu", muốn tái lập chủ nghĩa đế quốc Đại Hán. Vì thế Tập Cận Bình đã đưa ra mục tiêu đến giữa thế kỉ này, dịp Đảng cộng sản Trung Quốc kỉ niệm 100 cướp chính quyền, sẽ đưa Trung Quốc thành siêu cường, không chỉ vượt qua Hoa Kì mà còn nuôi tham vọng biến mô hình chế độ độc tài cộng sản của Trung Quốc trở thành mẫu mực của thế giới. Biến Biển Đông thành cái ao của Trung Quốc, các hải đảo thành các pháo đài, hàng không mẫu hạm không thể chìm để khai thác tài nguyên, đe dọa trực tiếp Việt Nam và kiểm soát đường hàng hải quan trọng nhất thế giới, xuyên suốt từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương và thiết lập các đường tơ lụa trực tiếp với Châu Âu và Phi Châu để chiếm thị trường và khai thác tài nguyên.

Trước tham vọng đế quốc của cộng sản Trung Quốc nên từ thời Tổng thống Obama đã chủ trương quay trục an ninh quốc phòng từ Châu Âu sang Châu Á-Thái Bình Dương (23). Mục tiêu này đang được chính quyền Biden mở rộng và triển khai rất bài bản trong các năm gần đây với tên gọi mới kế hoạch gìn giữ hòa bình giữa Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương. Liên minh tứ giác (QUAD) ra đời gồm Hoa Kì, Nhật, Úc và Ấn. Liên minh này không chỉ hoạch định ngăn chặn ý đồ đế quốc của cộng sản Trung Quốc mà còn chủ trương liên minh với các nước Đông Á, Đông Nam Á và khuyến khích EU cùng NATO tham gia tích cực. Giống như chiến lược bao vây Liên Xô của Tổng thống Mĩ Truman rất thành công sau Thế chiến Thứ hai.

Tình hình an ninh, quốc phòng và kinh tế, thương mại ở Châu Á đang trở thành khu vực cực nóng trên thế giới. Trong đó Việt Nam tình cờ giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Một số lí do chính : Địa lí chính trị của Việt Nam trở thành trung tâm tranh chấp giữa cộng sản Trung Quốc với liên minh Quad và các nước đồng minh của Hoa Kì. Vì Việt Nam có trên 3000 km bờ biển trải dọc từ biên giới Trung Quốc xuống Nam Thái Bình Dương, phần chính trong khu vực 9 đoạn mà cộng sản Trung Quốc nhận vơ là thuộc chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. Về yếu tố lịch sử và chính trị, Việt Nam không chỉ là nước láng giềng lớn của Trung Quốc mà còn có kinh nghiệm đấu tranh hào hùng và rất hiệu quả ngăn cản các cuộc xâm lăng của Trung Quốc suốt cả ngàn năm. Cho nên nhân dân Việt Nam trước kia cũng như hiện nay có ý thức rất cao trước hiểm họa Bắc thuộc.

Đấy là những lí do chính tại sao chính quyền của Tổng thống Biden đã coi Việt Nam là một bản lề cực kì quan trọng trong chiến lược ngân chặn tham vọng đế quốc bá quyền của cộng sản Trung Quốc. Ngoài ra Hoa Kì cũng là nước có giao thương rất lớn với Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mĩ đang đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Nghĩa là trong tình thế khủng hoảng kinh tế lớn và nếu Trung Quốc gây áp lực thương mại thì Việt Nam lại càng phải làm thân với Hoa Kì. Vì thế, mặc dầu Việt Nam đang bị cai trị của chế độ độc tài toàn trị, nhưng Tổng thống Biden vẫn sang thăm Việt Nam từ 10-11/9/2023 vừa qua và thỏa thuận nâng cao quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất là "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững", như Thông cáo chung của hai bên công bố ngày 10/9 .Tổng thống Biden còn nhấn mạnh quan điểm của Hoa Kì là, "Biển Đông có vị trí quan trọng đối với thịnh vượng, ổn định quốc tế" (24). Ông còn nêu rõ, "chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với quan hệ hai nước, mà còn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới, nêu quan điểm của Hoa Kỳ về ủng hộ một khu vực mở, ổn định, an toàn, liên kết và thịnh vượng" (25). Trong dịp này Hoa Kì tuyên bố giúp Việt Nam trong những vực kinh tế công nghiệp quan trọng để nâng cao đời sống nhân dân và giảm lệ thuộc kinh tế thương mại vào Trung Quốc.

Dịp này Nguyễn Phú Trọng đã tìm cách mượn lời của Hồ Chí Minh trong một số thư gởi chính quyền Mĩ vào giữa thập niên 40 của thế kỉ trước để tìm cách hợp thức hóa giả hiệu cuộc gặp Biden nhằm thuyết phục phe giáo điều và giải thích tại sao trong tuyên truyền thì vẫn chống Mĩ. Nhưng cùng lúc đó Nguyễn Phú Trọng lại cấm báo chí của chế độ toàn trị đăng nguyên văn lời của Tổng thống Biden nhấn mạnh chủ trương bảo vệ nhân quyền của Hoa Kì : "Tôi cũng đã nêu tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và của người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về lĩnh vực này" (26).

Khi nói thẳng như vậy trong cuộc họp tay đôi với Nguyễn Phú Trọng chiều 10/9 có nghĩa là, Tổng thống Biden ủng hộ các cuộc tranh đấu bảo vệ nhân quyền và đấu tranh không bạo lực của những người dân chủ Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự ở trong và ngoài nước, cũng như của các đảng viên cộng sản tiến bộ. Trong khi ấy Nguyễn Phú Trọng lại chỉ tìm cách nhấn mạnh là Hoa Kì nhìn nhận chế độ Đảng cộng sản Việt Nam để nói rằng, chế độ toàn trị với người đứng đầu hiện nay là Nguyễn Phú Trọng, được Hoa Kì công nhận (27). Ở đây lại thấy Nguyễn Phú Trọng cố tình bỏ qua thông lệ ngoại giao quốc tế, là những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước để giải quyết các vấn đề thời sự song phương và quốc tế chỉ có giá trị tạm thời tôn trọng chế độ chính trị giữa các đối tác. Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là chia sẻ hay ủng hộ chính sách độc tài và đàn áp nhân quyền của Đảng cộng sản Việt Nam !

Hoa Kì là nước có chế độ Dân chủ đa nguyên lâu đời, lại có chủ trương và truyền thống chống thực dân và chống độc tài cá nhân cũng như đảng trị. Ngay cả cựu Tổng thống cũng bị đưa ra tòa xét xử công khai như trường hợp của Trump hiện nay. Yếu tố quan trọng khác là, Hoa Kì và Việt Nam đã trải qua sai lầm lịch sử trong chiến tranh Việt Nam tàn khốc từ thập niên 60 tới giữa thập niên 70 của thế kỉ trước (28). Nhưng nay đại đa số nhân dân Việt Nam và Hoa Kì đã hiểu rõ nguyên nhân sai lầm và từ mấy thập kỉ qua hai bên đã tỏ thái độ "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" Từ thời các Tổng thống Clinton, Bush (con) và Obama đã theo duổi kiên trì các chính sách này với Việt Nam (29). Ở Việt Nam hiện nay chỉ còn một thành phần cộng sản giáo điều sùng bái chủ nghĩa Marx-Lenin đã sai lầm và phá sản vẫn còn nuôi tâm lí thù hận.

Lẩy kiều, hay trích vài thư của Hồ Chí Minh chỉ là những cử chỉ, ngôn ngữ ngoại giao, câu chuyện vui chóng qua đi, không phải là nững ràng buộc pháp lí, không có giá tri pháp lí và ràng buộc giữa hai nước. Ông Trọng thừa biết rằng, tại sao chính quyền Hoa Kì khi đó đã không để ý tới một số thư của Hồ Chí Minh, vì chính ông Hồ khi còn là thanh niên chưa có kiến thức và kinh nghiệm về Marx-Lenin, nhưng sau khi được nhận làm cán bộ của Đệ tam Quốc tế cộng sản dưới quyền của nhà độc tài khát máu Stalin đã vội vã hớn hở coi chủ nghĩa Marx-Lenin là "đũa thần" giải quyết tốt dẹp mọi thứ ! Khi ấy Hoa Kì tuy phải hợp tác có điều kiện và giai đoạn với Stalin để chống chế độ Quốc-xã Đức của nhà độc tải Hitler, nhưng sau khi chế độ Hitler sụp đổ thì Tổng thống Hoa Kì Truman khi đó đã ban bố ngay chiến lược bao vây Liên Xô của Stalin. Như vậy làm sao có thể quan tâm tới những lời bề ngoài của Hồ Chí Minh được !

Điều này làm nhớ lại biến cố quốc tế gần đây. Đó là những lời hồ hởi hứa hẹn cao ngất trời của Trump và Kim Jong Un khi gặp nhau tài Singapur và Hà nội vài năm trước đã từng làm say đắm trong dư luận ở nhiều nước, tưởng như các vị thánh xuất hiện ban phước lành như : hai bên đi đến phi hạt nhân hóa Triều tiên. Trump khen Kim là "nhà lãnh đạo tuyệt vời…" ! Chẳng thế Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng tổ chức tiếp đãi trọng thể vào cuối tháng 2.2019 tại Phủ Chủ tịch. Khi đó ông Trọng còn kiêm nhiệm Chủ tịch nước ! Sự thật giả dối đã được phơi bày. Nay chẳng ai nhắc tới nữa (30).

Nay cũng vậy, những quen biết cá nhân, quan hệ cá nhân không thể nào thay thế cho những văn kiện pháp lí có giá trị lâu dài giữa hai nước. Những phù phép của Nguyễn Phú Trọng chỉ là những chuyện thoảng qua giúp lợi ích nhất thời cho cá nhân Nguyễn Phú Trọng để cứu ghế Tổng bí thư và thế đang suy yếu của phe bảo thủ giáo điều trong Đảng cộng sản. Những giá trị quan trọng tương đồng giữa hai nước mới là cơ sở và điều kiện cần thiết để hợp tác, tin cậy lâu dài.

Gìn giữ hòa bình, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và hạnh phúc của nhân dân là những ưu tiên hàng đầu của gần 100 triệu đồng bào ta. Nhưng muốn Hoa Kì trở thành đồng minh thực sự để Trung Quốc không dám động tới chân lông Việt Nam, như Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay không dám động tới các thành viên của NATO thì Việt Nam và Hoa Kì phải có những giá trị tương đồng quan trọng trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Khi đó Hoa Kì mới có thể kí kết với Việt Nam những hiệp ước an ninh hổ tương như với các nước Tây Âu, Nhật, Nam Hàn, Phi luật tân. Vì phải nắm bắt thực chất là Quốc hội, chính phủ Hoa Kì, các tổ chức xã hội dân sự độc lập và nền tự bo báo chí ở Hoa Kì không thể nào ủng hộ việc đem quân bảo vệ chế độ độc tài toàn trị đi ngược lại những giá trị căn bản của Hoa Kì ! Trong khi đó chế độ độc đảng của Nguyễn Phú Trọng đang là một trong những nước đàn áp nhân quyền chà đạp tự do báo chí nhất trên thế giới ; chỉ dùng thủ thuật nhân quyền nhỏ giọt, khi nào có những chuyến thăm cấp cao giữa Hoa Kì-Việt Nam thì mới thả một tù nhân chính trị để đánh lừa dư luận Hoa Kì và thế giới !

Phải đặt thực chất : Hòa bình, độc lập, dân chủ tự do, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam phải là ưu tiên hàng đầu

Nguyễn Phú Trọng và những đảng viên bảo thủ giáo điều phải hiểu và ý thức là : Nguyễn Phú Trọng chỉ là Tiến sĩ Lịch sử Đảng, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam mới chỉ gần 100 năm. Còn Việt Nam đã có lịch sử mấy ngàn năm. Từ khi hai Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ với nhau thì trước sau Bắc Kinh từ thời Mao tới Tập Cận Bình đều coi Hồ Chí Minh-Nguyễn Phú Trọng là đàn em, không phải là đồng chí bình đẳng. Nếu thấy thời cơ thuận lợi cần khai thác hoặc bảo vệ thì Bắc Kinh sẵn sàng cho "đồng chí" Đảng cộng sản Việt Nam những bài học : 1974 chiếm Hoàng sa, 1979 mở chiến tranh biên giới, đánh Gạc-ma 1988, kéo cổ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng sang khách sạn Kim Ngưu ở Thành đô 1990 cột Việt Nam làm thân phận "trâu vàng" kéo cày trả nợ cho Trung Quốc, 2014 cho giàn khoan khổng lồ HD 981 tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam !

Trong khi ấy Trung Quốc luôn luôn tìm cách xâm chiếm, cai trị Việt Nam suốt cả gần 1000 năm. Chính vì vậy ý thức và quan ngại của tổ tiên ta và nhân dân ta hiện nay trước ý đồ đe dọa và xâm lấn thực dân của Trung Quốc luôn luôn là mối lo lớn nhất. Đảng phái nào, chính trị gia nào không hiểu mối lo chính đáng này của dân tộc ta, lại vẫn o bế Bắc Kinh thì chắc chắn không có tương lai !

Đối với những người dân chủ và các tổ chức xã hội dân sự ở trong và ngoài nước, xuyên qua cách xử thế và những lời tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng trong dịp gặp Tổng thống Biden, càng thấy rõ hơn những khó khăn nan giải của chế độ độc tài toàn trị vẫn nhắm mắt tuân theo mô hình văn hóa cai trị chủ nghĩa Marx-Lenin đã phá sản đang đi vào ngõ cụt, vì nó hoàn toàn sai lầm đi ngược với lòng nhân bản và tinh thần khoa học (31).

Cho nên Nguyễn Phú Trọng càng phải chạy sang Đông sang Tây cầu cứu bên ngoài, đồng thời vừa đe dọa, ru ngủ để đánh lừa đảng viên và nhân dân. Nhưng trước sau Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn không có thực tâm muốn thay đổi thực sự toàn diện và triệt để, trước sau chỉ muốn mượn sức bên ngoài để cứu ngai vàng và chế độ độc tài theo mô hình Marx-Lenin đang tham nhũng, thối nát. Nó đi ngược lại hoàn toàn với trào lưu dân chủ của thế giới trong Thế kỉ 21.

Từ đó lại càng thấy rằng, cuộc tranh đấu chống bạo quyền và độc tài đảng trị của các tổ chức xã hội dân sự, các người dân chủ ở trong và ngoài nước, kể cả những đảng viên cộng sản tiến bộ, xuyên qua nhiều phương thức đấu tranh bất bạo động qua các báo điện tử, đình công, biểu tình vận động nhân dân ở trong nước và kiều bào hải ngoại ; đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của các chính quyền dân chủ và các tổ chức tiến bộ trên thế giới đang nở hoa kết trái. Kỉ nguyên mới dân chủ, nhân quyền và phát triển cho dân tộc ta đang hiện ngày càng rõ rệt. Hãy đoàn kết nắm tay nhau tận dụng thời cơ, phá bỏ rào cản độc tài của chế độ toàn trị theo Marx-Lenin !

Liệu Nguyễn Phú Trọng có đủ bản lĩnh, đạo đức và lòng tự trọng dám có những quyết định công khai đặt quyền lợi chung của đất nước và hạnh phúc của nhân dân, thay vì chỉ lươn lẹo tìm cách lừa đảo để lợi cho cá nhân ích kỉ. Trong việc này không ai có thể thay thế ông, vì vị thế hiện nay của ông vừa là cơ hội vừa là thách đố cho chính ông và chế độ toàn trị vẫn nhắm mắt theo Marx-Lenin và cúi đầu trước Bắc Kinh (32).

Trong các thập kỉ qua ở nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt từ khi chiếm được ghế Tổng bí thư từ trên 13 năm, ông Trọng đã dùng nhiều trò ảo thuật, thủ đoạn tàn bạo không chỉ với nhân dân các giới, mà cả với đồng liêu, đồng chí. Trong đó ông cũng đã hô lớn bao nhiêu khẩu hiệu khuyên bảo đạo dức, chính trị, văn hóa…Mặc dù ông đã cố tình che dấu, nhưng so sánh những gì ông nói và những gì ông làm thì thấy thật là oái ăm chỉ nói một đằng làm một nẻo rõ ràng như trắng với đen. Mọi người càng thấy rõ mưu dồ, thái độ, đạo đức và khả năng của ông Trọng như thế nào !!!

Cho nên ngày càng nhiều nhân sĩ, trí thức, thanh niên và các đảng viên cộng sản tiến bộ quí lòng tự trọng đã nói thẳng thành thực với ông là, những gì ông giao giảng đạo đức, văn hóa, chính trị… với đảng viên và nhân dân thì trước hết chính ông phải thực hiện ngay cho ông đi, đừng nên dạy dỗ ai nữa. Vì mọi người đang thấy ở chính con người của Nguyễn Phú Trọng tồi tệ như thế nào, nên đang phải thốt lên với ông : Biết rồi, khổ lắm nói mãi !

Tất cả những gì ông vừa từng hùng hổ hứa hẹn trong cuộc gặp Tổng thống Biden cũng vẫn chỉ là vải the không che được mắt thánh. Vì nó phản ảnh trung thực tâm địa của một người "đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy", trước sau vẫn chỉ đóng trò anh hát dạo bên lề đường để hi vọng bán được hàng rởm, đồ giả cho những ai nhẹ dạ qua đường !

Âu Dương Thệ

(19/09/2023)

Ghi chú :

1. Phân tích các Diễn tiến và nhận định các chính sách chống dịch Covid-19 xem các bài của cùng tác giả trong năm 2022 : "Hội nghị Trung ương 5 : Nguyễn Phú Trọng lại trương cờ mới giả và giữ cờ cũ đã rách nát !" (vietnamthoibao.org) ; "Trong vụ Việt Á những người có trách nhiệm cao nhất đã phá hủy tính CHÍNH DANH của chính mình và cả chế độ toàn trị" (danlambaovn.blogspot.com) ; "Bao giờ Nguyễn Phú Trọng biết rút lui để trở lại học 'Làm người tử tế' ?" (baoquocdan.org) ; "Kết quả Hội nghị Trung ương 6" (thongluan-rdp.org)

2. Âu Dương Thệ : Thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng - doithoaionline ; Tình hình Việt Nam sau gần 40 năm gọi là "Đổi mới" (thongluan-rdp.org)

3. Đầu tư cho khoa học mỗi năm chỉ bằng tiền làm 'một dặm đường' (thanhnien.vn) ; Nghĩ về con đường trường tồn và phồn vinh (baochinhphu.vn) . Tự lực-tự cường Việt Nam : Không phải phép lạ… Đó là thực tế mới (baochinhphu.vn); Kinh tế Việt Nam phục hồi theo kịch bản nào?-Kỳ I (qdnd.vn) ; Nông dân trồng lúa vẫn nghèo và điều ‘ám ảnh tâm trí’ Bộ trưởng Lê Minh Hoan (vietnamnet.vn)

4. Idem2

5. Toàn văn bài phát biểu của Tổng bí thư tại lễ khai mạc Đại hội XIII (thanhnien.vn)

6. Tập Cận Bình nói ‘Không để bất kỳ ai can thiệp’ giữa Trung Quốc và Việt Nam - BBC News Tiếng Việt ; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình (baochinhphu.vn) . Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc (baochinhphu.vn)

7. Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Việt Nam có thể thoát Trung và thoát cả chế độ độc tài toàn trị ! — Tiếng Việt (rfa.org)

8. Thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng (thongluan-rdp.org ; Văn hóa Marx-Lenin độc tài và lừa đảo còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa ? – Việt Nam Thời Báo (vietnamthoibao.org)

9. Thông báo Hội nghị Trung ương 7 (chinhphu.vn)

10. Coi trọng ý kiến của dân trong lựa chọn cán bộ (vietnamnet.vn)

11. 2/3/2023 cử bù nhìn Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước thay Nguyễn Xuân Phúc, BBC 1/9/2023

12. Âu Dương Thệ, Thực hư trong việc tổ chức "Lễ kỉ niệm Cấp quốc gia 100 năm sinh nhật cố thế Thủ tướng Võ Văn Kiệt" - doithoaionline (wordpress.com)

13. Tạp chí Cộng sản số 2, tháng 1/1996, tr.26

14. Ngoại trưởng Mỹ và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, VOA 2/7/2023

15. Biden : muốn gặp lãnh đạo cao nhất Việt Nam, BBC 1/9/2023

16. "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại" - Điều 86

17. Bất ổn trong giới lãnh đạo cấp cao 'gây quan ngại' về nền ngoại, BBC 17/9/2023

18. Idem 7

19. Thông cáo chung, Chính phủ, 29/6/2023 ; Quân đội hai nước Trung-Việt triển khai tuần tra liên hợp trên vịnh Bắc Bộ lần thứ 34, Đài Bắc kinh 28/6/2023, VOA 30/6/2023

20. Đài Bắc kinh 27/6/2023

21. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lao động 25/8/2023. Trong chuyến đi hôm 25/8 này, ông Trọng nhấn mạnh rằng đây là khu vực biên giới duy nhất trên thế giới mà cả hai quốc gia liên quan cùng thống nhất chọn tên gọi chung - với phía Trung Quốc gọi là Hữu Nghị Quan. Ông Trọng cũng ca ngợi sự gắn bó "vừa là đồng chí, vừa là anh em" của hai nước, truyền thông nhà nước Việt Nam nói - BBC 3/9/2023

22. Nguyễn Phú Trọng khoe với cử tri quận Hoàn kiếm 18/7/2015

23. Âu Dương Thệ, Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó! Tập I (lulu.com) và Tập II trên 700 trang, Chương 8, Tập II, tr. 122-155

24. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện (nhandan.vn)

25. JOINT LEADERS’ STATEMENT: ELEVATING UNITED STATES-VIETNAM RELATIONS TO A COMPREHENSIVE STRATEGIC PARTNERSHIP (whitehouse.gov) ; Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện (nhandan.vn) ++

26. Nguyên văn tiếng Anh : "I also raised the importance of respect for human rights as a priority for both my administration and the American people. And we’ll continue to — our candid dialogue on that regard"), không có phần nhân quyền - BBC 11/9/2023

27. Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư và Tổng thống Mỹ tại họp báo

28. Âu Dương Thệ : Luận án : Die Vietnampolitik der USA -von der Johnson- zur Nixon-Kissinger Doktrin. Oder : die Neuorientierung der amerikanischen Außenpolitik, 541 trang (Chính sách Việt Nam của Hoa Kỳ - từ Johnson tới học thuyết Nixon-Kissinger. Hay : Sự đổi hướng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ), Peter Lang Verlag, Frankfurt/M, 1979

29. Idem 23

30. Trump - Kim ăn tối sau khi ca ngợi nhau trong lần gặp thứ hai tại Hà Nội - VnExpress , 27/2/19 Bing-Videos

3[1] . Âu Dương Thệ, Văn hóa Marx-Lenin còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa ? (thongluan-rdp.org)

32. Chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Biden tới Việt Nam, Tập Cận Bình đã vội vã để Trưởng ban Đối ngoại Đảng cộng sảnTrung Quốc sang gặp trực tiếp Nguyễn Phú Trọng: Tổng bí thư Việt Nam tiếp đón quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc trước chuyến thăm của tổng thống Mỹ (voatiengviet.com)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Âu Dương Thệ
Read 994 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)