Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/09/2023

Rụp Rụp

Võ Phiến

Võ Phiến

(tùy bút, Lửa Thiêng xuất bản 1973)

Ông Bình Nguyên Lộc quả quyết rằng trong một bàn ăn mười ba người, gồm mười hai người Việt và một người Hoa, đồng vóc dáng, đồng trang phục, ngồi im không nói, ông cũng phân biệt được kẻ Việt người Hoa.

vophien1

Nhà văn Võ Phiến và những tác phẩm. (Hình : Dân Huỳnh/Người Việt)

Như vậy đã là tài, nhưng ông còn đi xa hơn : có thể nhìn hình dáng mà phân biệt được người Tàu Phúc Kiến với người Tàu Quảng Ðông, người Tàu tỉnh này với người Tàu tỉnh khác (1).

Cũng trong quán ăn, trong khi chờ đợi tô hủ tiếu, tôi có dăm ba lần theo dõi cử chỉ của người làm bếp, và chợt lấy làm ngạc nhiên về một nhận xét. Không phải ngạc nhiên về chuyện suy tưởng nhân chủng ưa liên quan với các tiệm ăn quán nhậu. Mà là vì tôi có cảm tưởng đôi khi có thể nhìn mà phân biệt một người Việt miền Nam với một người Việt miền Trung, tức một đồng bào ở miền ông Bình Nguyên Lộc với một đồng bào ở miền tôi. Nói cách khác, tôi có cảm tưởng mình cũng… tài giỏi như ông Bình Nguyên Lộc : cái mới kỳ cục !

Một buổi trưa, tại Cần Thơ, trong ngôi quán ở đầu một ngõ hẻm gần bến xe Lam, lần đầu tiên tôi chú ý đến điệu bộ có vẻ ngộ nghĩnh của người chủ quán.

Ngôi quán khá chật và tối. Giữa trưa, trong quán vẫn có ngọn điện vàng cạch thả toòng teng trên đầu người chủ. Người này mặc mai-ô quần lính, đầu đội chiếc mũ địa phương quân rộng vành, chân mang đôi giày da đen, không vớ. Tại sao phải giày và mũ trong một chỗ kín như thế ? Có thể chỉ là một thói quen, hay chỉ là một trường hợp ngẫu nhiên nào đó, tức một chi tiết không có ý nghĩa gì. Tuy vậy tôi vẫn ghi lại, vì hình ảnh ấy tưởng còn hiển hiện trước mắt tôi lúc này. Hình ảnh một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, và làm việc hào hứng.

Mỗi người có một cách biểu lộ sự hào hứng. Riêng cái cách của người chủ quán hôm ấy, trời ơi, trông mà mê. Hai tay ông ta thoăn thoắt : chặt khúc xương, xắt lát thịt, gắp mớ ớt, múc vá nước từ trong thùng đổ ra tô, xóc xóc mớ hủ tiếu vừa mới trụng qua nước sôi, rắc một tí tiêu bột v.v. Tất cả bấy nhiêu cử chỉ đều rập ràng, hơi có vẻ nhún nhẩy. Mỗi cái quơ tay, cái nhấc lên hạ xuống đều như có gì quá mức cần thiết một chút. Mỗi cử chỉ bao hàm bảy tám phần cần thiết, lại thêm vài ba phần thừa thãi, chỉ để cho đẹp mắt, để biểu diễn sự thích thú trong công việc. Ðộng tác nghề nghiệp gần chuyển thành sự múa men. Một điệu vũ ca ngợi lao động. 

Ðứng bên chủ quán là bà vợ, tôi đã tưởng bà làm công việc chạy bàn. Nhưng không : Lúc một cậu bé gầy gầy cưỡi chiếc xe đạp vụt về trước cửa, xách vào cục nước đá, thì đã rõ đây mới là người chạy bàn chính thức ; người đàn bà chỉ tạm thời thay thế cậu ta trong chốc lát.

vophien0

Khi đã đủ một vợ một con bên mình, chủ quán điều động càng hào hứng :

– Bàn trong. Một nhỏ một lớn. Rồi ! Bưng.

– Bàn ngoài, số một. Tô lớn, khô. Rồi ! Bưng, bàn số một.

– Bàn số ba tính tiền. Tám chục với ba lăm là trăm mười lăm. Trăm mười lăm với tám đồng là trăm hăm ba. Trăm rưởi trừ trăm hăm ba, còn lại…

Bà vợ nhắc :

– Hăm bảy.

– Hăm bảy. Nè !

Ông ta đưa món tiền lẻ, cậu con mang ra cho khách. Rảnh tay, ông ta chặt một miếng cánh gà, nho nhỏ, quăng gọn vào mồm, nhai. Lại nhanh nhẹn chặt luôn miếng khác, trao cho vợ. Người đàn bà thụt né vào sau cánh cửa ; ăn xong lại ló ra, sẵn sàng…

– Tô nước, tô khô. Bàn số hai. Rồi !

Cứ thế, chủ quán làm việc, cắt đặt công việc, điều khiển vợ con v.v., điệu bộ vẫn lại cứ như có gì thừa thãi một chút. Bảy tám phần cần thiết, đôi ba phần để bày tỏ sự hài lòng, để biểu diễn sự hoạt động ăn khớp của một tổ chức hoàn hảo, một bộ máy hợp khuôn rập, chạy đều ro ro.

Vừa rồi có lẽ đã có sự lạm dụng : hầu hết mỗi câu nói của người chủ quán đều có một tiếng "rồi". Nếu tôi ghi nhớ sai, ấy là vì đã quá chú ý đến tiếng đó. Nhưng hay nhất, ngộ nhất lại là cái tiếng "rồi" tưởng tượng phát ra từ mỗi cử chỉ. Mỗi cử chỉ – ngắt cọng rau, xóc mớ hủ tiếu v.v. – đến chỗ sau cùng thường được gằn mạnh. Như thể một tiếng "rồi" phát ra bằng động tác thay vì bằng âm thanh : Một tiếng câm.

Dầu sao lần ấy tôi không có một đối tượng quan sát im lặng như ông Bình Nguyên Lộc ; nhưng các lần sau này thì họ im lặng.

Sau buổi trưa ở Cần Thơ, về Sài Gòn những lần vào quán hủ tiếu, tôi sực nhớ hình ảnh nọ, và tò mò nhìn theo chủ quán : thỉnh thoảng lại gặp những điệu bộ ấy. Có khi ở một người đàn bà, có khi ở một người đàn ông đứng tuổi. Họ nhanh nhẹn, mau mắn ; nhưng cái đặc biệt là, trong cử chỉ, họ như muốn nhấn mạnh vào tính cách toàn hảo của những hoạt động rập ràng mau mắn ấy.

Những người ấy họ có cung cách làm việc giống nhau. Cung cách ấy, gọi nó ra sao ? Tôi tìm một chữ để diễn tả. Tôi loay hoay tìm kiếm… A ! Ðây rồi : "Rụp rụp" ! Họ làm việc "rụp rụp".

Chữ nghĩa sao mà thần tình. Lại chính là một tiếng địa phương ra đời ở miền Nam này. Thế mới biết sự xuất hiện của một tiếng nói mới không bao giờ là chuyện ngẫu nhiên, không lý do. Phải có một thực tại mới, đòi hỏi được mô tả sát đúng. Phải có một sự cần thiết réo gọi nó, đích danh nó.

"Rụp rụp" là một đáp ứng tài tình cho một đòi hỏi như thế. Làm rụp rụp không phải chỉ là làm mau mắn, mà còn với một vẻ hứng chí trong sự mau mắn.

– Nhưng tại sao lại bảo đó là của miền Nam ? Ðâu phải người nào trong Nam cũng làm việc rụp rụp ?

– Tất nhiên đó không phải là tác phong của toàn thể. Cũng không thể nào biết được là tác phong của một tỉ lệ người Nam lớn nhỏ ra sao. Có điều tác phong ấy không gặp thấy ở các miền ngoài. Vả lại, còn có chuyện khác…

– Nào, xem chuyện khác có gì rõ rệt hơn chăng. 

Trong một bài tục ca của Phạm Duy, có câu : "Người dân nhìn thoáng hết hồn luôn", lại có câu : "Lệch đi thì chết, cấm sờ luôn". Những tiếng "luôn" dùng kiểu đó không có trong ngôn ngữ các miền ngoài.

Cũng thế, ở ngoài Trung mỗi khi xe đò dừng lại dọc đường, hành khách lên xe xong, anh "ết" hô to cho tài xế nghe : "Chạy !" ; ở trong Nam, anh ta hô : "Chạy luôn !".

Tại sao lại luôn ? Những tiếng "luôn" ấy không có nghĩa, nhưng dĩ nhiên không phải không có công dụng. Trái lại, công dụng đó thường khi khiến nó còn được xem trọng hơn những tiếng có nghĩa rõ rệt đứng trước nó. Chẳng hạn trong trường hợp "chạy luôn" : tiếng "chạy" hô phớt qua, tiếng "luôn" được gằn mạnh. Người ta nghe "Ch… luôn !" ; có khi chỉ nghe có một tiếng "Luôn !".

Không chừng đó cũng là trường hợp đã xảy đến cho tiếng "vô". Mời nhau uống rượu, anh em hô : "Dô !" Có lẽ thoạt tiên là tiếng "nhậu vô", "uống vô" chăng ? Dần dần tiếng trước bị lướt phớt qua rồi bị bỏ rơi. Chỉ còn lại tiếng sau ; từ một tiếng trợ từ, nó tiến lên nhận lấy cái nghĩa của các tiếng nhậu, uống.

Trong "chạy luôn", nghĩa ở tiếng chạy ; trong "hết hồn luôn", nghĩa ở hết hồn ; trong "nhậu vô", nghĩa ở nhậu v.v. Còn tiếng "luôn" ? Nó thêm vào một thái độ phát biểu, không thêm gì vào cái ý nghĩa đã phát biểu. Trong "chạy luôn" chẳng hạn, "luôn" là một tiếng kêu hơn là một tiếng nói : nó phát lên để tỏ thái độ thúc giục, nó không nói gì về cái nội dung của sự thúc giục ấy. Nó có công dụng về ngữ khí, chứ không phải về ngữ ý.

Như vậy trong cách nói này cái nội dung, cái cần thiết, đôi khi bị lướt qua ; cái phụ, có phần thừa thãi, lại được nhấn mạnh.

Lại cái thừa thãi.

Trong cử chỉ, một chút gì thừa, vượt quá sự cần thiết ; trong lời nói, cũng một chút gì thừa, vượt quá sự cần thiết. Cử chỉ và lời nói đều được phóng đại lên…

– Vẫn không có gì rõ rệt.

– Không rõ, về mặt nào ?

– Một dấu hiệu để phân biệt bản sắc địa phương như vậy không mấy cụ thể.

– Thực ra ở đây vấn đề không phải là đi tìm một dấu hiệu phân biệt. Cái đó đâu cần tìm kiếm nữa ? Ðã có sự khác nhau thật rõ ràng, thật cụ thể, ấy là cái chỉ số sọ của ông Bình Nguyên Lộc : cuộc di cư của nhóm Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Ðịch làm cho đồng bào ta ở miền Nam có xương sọ hơi dài thêm (2). Kẻ Nam người Bắc tha hồ yên lặng, ông Bình Nguyên Lộc đo đạc là biết ngay. 

Vậy ở đây không có chuyện tìm một dấu hiệu phân biệt. Chẳng qua là chộp bắt một nét cá tính phản ảnh trong phong cách, ngôn ngữ. Và hình như sự phản ảnh không dừng lại ở vài tiếng trợ từ, ở mấy điệu bộ. Hình như trên sân khấu cải lương, một bộ môn nghệ thuật của miền Nam, chúng ta có cảm tưởng nhận thấy cá tính ấy xuất lộ ở phong cách diễn xuất…

– Cảm tưởng ? Không có gì rõ rệt.

– Quả nhiên.

Võ Phiến

Nguồn : Người Việt, 02/10/2015

Tham khảo :

(1) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bách Bộc xuất bản, Sài Gòn, 1971, trang 736, 737.

(2) Sđd., trang 453.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Phiến
Read 291 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)