Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/09/2023

Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn

Phạm Chi Lan, Thanh Phương

Nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam hai ngày 10 và 11/09, Washington và Hà Nội đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành "Đối tác chiến lược toàn diện". Đặc biệt, trong bản tuyên bố về nâng cấp quan hệ, hai nước đã thiết lập "Quan hệ đối tác mới về bán dẫn nhằm hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn bền vững, linh hoạt cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động Hoa Kỳ".

bandan1

Tổng thống Joe Biden nghe thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về Đổi mới sáng tạo và Đầu tư, Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/09/2023. AP - Evan Vucci

Theo bản tuyên bố, Hoa Kỳ công nhận "tiềm năng của Việt Nam với vai trò quan trọng trong việc thiết lập chuỗi cung ứng bán dẫn". Trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh Công nghệ Quốc tế (Quỹ ITSI), Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam "để phát triển hơn nữa hệ sinh thái bán dẫn, khung pháp lý, cũng như lực lượng lao động và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay của Việt Nam".

Nói chung, Mỹ có kế hoạch biến Việt Nam thành cường quốc về chip bán dẫn và giúp Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Nhưng vấn đề là Việt Nam phải cấp tốc đào tạo một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư để đáp ứng nhu về nhân lực của ngành này.

RFI tiếng Việt phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.

RFI : Thưa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn quan trọng đến mức đã được lãnh đạo hai nước nêu lên ngay trong phần đầu tiên của bản tuyên bố về nâng cấp quan hệ lên thành "đối tác chiến lược toàn diện". Vậy theo bà, vì sao Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam là một quốc gia "có tiềm năng lớn" để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn cho ngành công nghiệp Mỹ ?

Phạm Chi Lan : Chắc phía Mỹ cũng đã căn cứ vào việc theo dõi sự phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi tập đoàn Intel vào Việt Nam năm 2003 để đầu tư vào dự án đầu tiên về công nghệ cao ở Việt Nam. Vào thời gian đó, Intel đã bỏ ra mấy năm trời để đàm phán với Việt Nam, tham khảo rất kỹ thị trường Việt Nam về các mặt, làm việc với chính phủ trung ương, với chính quyền các cấp, các bộ ngành liên quan, kể cả với các trường, là những nơi đào tạo nguồn nhân lực, rồi mới đi đến quyết định đó.

Lúc đó tôi có được thủ tướng Phan Văn Khải đưa vào tổ công tác đặc biệt để làm việc với Intel, đứng đầu là ông Nguyễn Mại, từng là phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về đầu tư, rất thông thạo về đầu tư nước ngoài. 

Chúng tôi đàm phán với Intel trên cơ sở là xem xét tất cả các yêu cầu của Intel, đối chiếu với khả năng của Việt Nam, xem có thể đáp ứng được gì. Bất cứ những gì mà trong phạm vi quyền hạn của chính phủ có thể tạo điều kiện được, thì theo chỉ đạo của thủ tướng Phan Văn Khải, chúng tôi cố gắng làm tối đa. Thậm chí có những gì luật chưa quy định rõ thì chính phủ có thể đề nghị thêm với Quốc Hội để làm rõ về pháp luật, để từ đó Intel có thể đầu tư vào Việt Nam. Còn về những mặt mà Việt Nam còn thiếu hụt, như nguồn nhân lực, thì thúc đẩy các trường cố gắng đáp ứng được cho Intel.

Chính vì thấy năng lực và thiện chí của phía Việt Nam tích cực giải quyết các vấn đề như vậy, cho nên Intel đã quyết định chọn Việt Nam trong, khi họ có 3 sự lựa chọn khác đang cân nhắc trong khu vực : Hàng Châu (Trung Quốc), Thái Lan và Ấn Độ. Cả ba đều có ưu thế so với Việt Nam, nhưng cuối cùng Intel chọn Việt Nam. 

Sau Intel, các tập đoàn công nghệ của các nước, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, đã vào Việt Nam khá nhiều. Các công ty Hoa Kỳ trong những năm gần đây cũng đã quan tâm và có nhiều cuộc trao đổi với Việt Nam. Như vậy, càng ngày càng thấy rõ hơn khả năng của Việt Nam trong ngành công nghiệp như điện tử, mà điển hình là thành công của Samsung ở Việt Nam, có thể cho thấy Việt Nam có năng lực về lĩnh vực này. 

Trong những năm gần đây, lực lượng lao động của Việt Nam, với những người trẻ, đi học ở các nước rất nhiều, kể cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, các nước Châu Âu, tức là những nước có nền tảng công nghệ cao. Từ đó, Việt Nam có cả một lực lượng những người trẻ là một nguồn nhân lực bổ sung rất tốt cho Việt Nam.

Trong nước cũng vậy, ở các trường, nhiều em học sinh trẻ tham gia vào các ngành công nghệ thông tin cũng như công nghiệp điện tử đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao. 

RFI : Thưa bà Phạm Chi Lan, có một vấn đề mà nhiều chuyên gia đã nêu lên đó là tình trạng thiếu nhân lực cho các ngành công nghệ cao như bán dẫn. Chủ tịch của tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình đã cho biết là Việt Nam cần phải đào tạo gấp từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu của ngành này. Theo bà thì liệu Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực đó ?

Phạm Chi Lan : Các tập đoàn về công nghệ cũng thường hay nói như vậy. Nhưng trên thực tế, một khi đã có hướng rõ ràng, có nhà đầu tư vào làm, cần nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, thì nguồn nhân lực đó ở Việt Nam có thể xuất hiện nhanh chóng trong vòng vài năm. Trong thời gian xây dựng nhà máy, chuẩn bị các cơ sở vật chất, những người muốn tham gia gia vào ngành đó sẽ tự chuẩn bị cho họ, ráo riết đi học cho kịp thời gian. Đó cũng là cơ hội công việc với tương lai tốt mà họ đã khát khao chờ đợi từ lâu. Họ sẽ không bỏ lỡ thời cơ. Các doanh nghiệp có thể yên tâm là Việt Nam sẽ nhanh chóng đáp ứng được.

Những con số như ông Trương Gia Bình đưa ra thì cũng có cơ sở thôi, nhưng đó là bởi vì lâu nay ở Việt Nam đã có doanh nghiệp nào thật sự làm trong lĩnh vực này đâu ! Chưa có ai đặt ra nhu cầu về nhân lực với một tiến độ rõ ràng : bao giờ cần, cần một nguồn nhân lực như thế nào. Nếu có nhà đầu tư nào đưa ra như vậy thì cái sự sẵn sàng đó sẽ cao hơn.

Tôi nghĩ là thật ra các trường cũng đã học được bài học đầu tiên từ việc Intel vào Việt Nam. Tôi nhớ mãi lúc ấy Intel đã gặp 7 trường ở Sài Gòn để tìm khoảng 2.000 người làm việc cho Intel, nhưng trong đợt đầu tiên chỉ tuyển chọn được 90 người, số còn lại thiếu về mặt này hay mặt khác, hoặc về tiếng Anh, hoặc là về kỹ năng chuyên môn, cần thời gian đào tạo thêm. Nhưng đó là khi họ vừa bước chân vào, đang chuẩn bị nhà máy, nhưng sau đó, khi hình thành nhà máy thì dần dần Intel có đủ nguồn nhân lực cần thiết.

Samsung sau này cũng vậy : Khi chính phủ khuyến khích Samsung lập cơ sở R&D (Nghiên cứu và Phát triển) ở Việt Nam, ban đầu họ cũng có chút ngần ngại, không biết có đủ nguồn nhân lực không. Nhưng bây giờ khi cơ sở đó hình thành thì nguồn nhân lực đó ở Việt Nam đã có đầy đủ, sẵn sàng làm việc cho Samsung. 

RFI : Thưa bà Phạm Chi Lan, ý định của Hoa Kỳ rõ ràng biến Việt Nam thành một nơi cung ứng sản phẩm bán dẫn cho thị trường Mỹ, nhằm bớt phụ thuộc vào nguồn cung ứng của Trung Quốc. Nhưng phải làm sao để Việt Nam không tiếp tục chỉ là một nơi sản xuất hàng hóa cho nước khác, tức là phải làm sao bảo đảm việc chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác với Mỹ, để Việt Nam có thể dần dần nâng cao giá trị của nền kinh tế trong chuỗi cung ứng quốc tế ?

Phạm Chi Lan : Tôi nghĩ là phía Việt Nam đã thấm bài học của việc thu hút đầu tư nước ngoài trong mấy chục năm qua. Rất nhiều dự án đầu tư ban đầu đều cam kết chuyển giao công nghệ, nhưng trên thực tế không làm được bao nhiêu. Tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, hay nghị quyết về FDI của Bộ Chính trị của khóa 12 cũng đã nêu lên khá rõ điều đó và đã yêu cầu có những chỉnh sửa để làm sao thu hút được chuyển giao công nghệ, đòi hỏi được các nhà đầu tư đã cam kết chuyển giao công nghệ phải thực hiện cam kết của họ thì mới được nhận ưu đãi. 

Đây không chỉ là yêu cầu lớn của các lãnh đạo mà còn của người dân Việt Nam, nhất là những người trẻ. Họ sẽ không chấp nhận Việt Nam chỉ là nơi cung cấp lao động giá rẻ, chuyên làm thuê cho bên ngoài. Bây giờ gia đình những người trẻ ở Việt Nam rất chịu khó cho con em đi học ở các nơi để tiếp nhận các nguồn công nghệ, các kỹ năng tốt hơn, cũng với mục tiêu là sau này về các em sẽ làm những vị trí khác so với trước và có thể tham gia vào quá trình đổi mới, sáng tạo của chính người Việt Nam. 

Chẳng hạn như bạn Lương Việt Quốc đã về lập công ty RealTime Robotics, chế tạo những drone rất thành công ở Việt Nam, với những kỹ sư trè hoàn toàn được đào tạo ở Việt Nam, tạo những tấm gương rất tốt cho những người trẻ ở Việt Nam, chứng minh Việt Nam có thể tự mình nghiên cứu làm chủ được các sáng tạo công nghệ.

Trong giai đoạn hiện nay của sự phát triển, rõ ràng Việt Nam vẫn cần tham gia tiếp vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và với một vị trí tốt hơn, cao hơn so với trước đây là chỉ làm trên cơ sở lao động giá rẻ, kỹ năng rất thấp và giá trị gia tăng không bao nhiêu, rồi tiến dần đến việc người Việt Nam làm chủ được một số lĩnh vực.

RFI : Như vậy, theo bà, Việt Nam có thể tận dụng được những thế mạnh của Hoa Kỳ để xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn trình độ cao ?

Phạm Chi Lan : Hoa Kỳ có thế mạnh rất lớn, kỹ năng rất lớn và cách thức chuyển gao công nghệ của Hoa Kỳ cũng có những cái cởi mở và rõ ràng hơn so với một số quốc gia khác, cho nên tôi tin là sẽ làm được. Tôi nghĩ là các công ty Hoa Kỳ đến Việt Nam với một tinh thần hợp tác tốt và nhất là hiệp định mới có cam kết nhất cả ở cấp nhà nước với nhau, chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho các công ty, các doanh nghiệp và cá nhân những người lao động, những người trẻ tham gia vào quá trình cũng sẽ biết cách làm việc với nhau để tạo được lợi ích cao nhất cho cả hai bên. 

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 25/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Chi Lan, Thanh Phương
Read 226 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)