Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/09/2023

Liên tiếp bị tấn công, Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ đi về đâu ?

Chen Yang

Đêm 24/9, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc không kích quy mô lớn vào Odessa do Ukraine kiểm soát. Quân đội Ukraine thừa nhận cuộc tấn công đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở vật chất của cảng Odessa. Sau cuộc bắn phá, bến tàu "gần như bị phá hủy" và một hầm chứa ngũ cốc cũng bị hư hại. Ngày 25, CNN đưa tin : Hành động của quân đội Nga nhằm mục đích trả đũa việc quân đội Ukraine tấn công Bộ Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga. Đối mặt với các cuộc tấn công liên hợp thường xuyên do quân đội Ukraine phát động gần đây, con đường tương lai của Hạm đội Biển Đen Nga, lực lượng từng gây tranh cãi trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã trở thành chủ đề được thế giới quan tâm.

bienden1

Quân đội Ukraine tấn công Bộ Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga ngày 22/09/2023

Hạm đội Biển Đen tổn thất nặng đến mức nào ?

Ngày 25/9, báo "Quan điểm" [Точка зрения] của Nga đưa tin hôm 24, quân đội Nga đã tiến hành không kích khu vực cảng Odessa, "rõ ràng là để ngăn chặn các cuộc tấn công mới trên biển do quân đội Ukraine tiến hành. Khu vực này có thể là một căn cứ của tàu hải quân Ukraine". Cùng lúc đó, các máy bay tiêm kích-ném bom Su-24M của Không quân Hải quân Hạm đội Biển Đen cũng sử dụng bom nổ mạnh FAB-500 để ném bom một hòn đảo nhỏ do Ukraine kiểm soát vì "quân đội Ukraine dùng đảo này làm căn cứ hậu cần cho các đội trinh sát phá hoại của họ".

Nhưng truyền thông thế giới không đánh giá cao hiệu quả của các hành động mà quân đội Nga tiến hành nhằm ngăn chặn quân đội Ukraine mở cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen. Trang mạng "Business Insider" của Mỹ phân tích : Cho tới nay Hạm đội Biển Đen của Nga vẫn là lực lượng trên biển mạnh nhất ở Biển Đen nhưng lực lượng này đang "liên tục mất máu" sau các cuộc tấn công thường xuyên của Ukraine. Bài báo nhắc lại rằng khi bắt đầu cuộc xung đột Nga – Ukraine, Hạm đội Biển Đen với nòng cốt là tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Moskva, đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đen và từng có lần chiếm đóng Đảo Rắn cách cảng Odessa chỉ 140 km. Tuy nhiên, sau vụ tàu Moskva bất ngờ bị đánh chìm, Hạm đội Biển Đen bị mất chiếc ô phòng không, buộc phải rút lui về phía đông Biển Đen, cách xa khu vực do Ukraine kiểm soát. Tệ hơn nữa, mặc dù quân đội Nga áp dụng chiến thuật bảo thủ là "bảo vệ tàu" một cách bị động, Ukraine với sự hỗ trợ tình báo của NATO, vẫn liên tục sử dụng máy bay không người lái, tàu không người lái và tên lửa hành trình để tiến hành các cuộc tấn công thường xuyên vào Hạm đội Biển Đen.

Trang mạng "Power" của Mỹ đã thống kê những tổn thất nặng nề của Hạm đội Biển Đen, bao gồm tàu ​​tun dươngMoskva, nhiều tàu đổ bộ và tàu tuần tra, cùng một tàu ngầm thông thường lớp Kilo bị chìm hoặc hư hỏng nghiêm trọng, nhiều tàu tên lửa nhỏ bị hư hại, điều đó có nghĩa là phần lớn các tàu của hạm đội có thể đã bị mất sức chiến đấu. Bài báo cũng đề cập vấn đề Sevastopol, nơi đặt trụ sở bộ Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga, là nơi có năng lực chủ chốt trong việc đóng mới và sửa chữa tàu quân sự. Cảng này đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine, điều đó phản ánh đầy đủ giá trị chiến lược của Sevastopol. Sáng sớm 29/10/2022, quân đội Ukraine lần đầu tiên điều động máy bay không người lái và tàu không người lái tiến hành cuộc tấn công liên hợp vào căn cứ Sevastopol. Phía Ukraine tuyên bố đã làm một số tàu Nga bị tổn thương. Sau đó quân đội Ukraine đã nhiều lần tổ chức dùng tàu không người lái cảm tử để tiến hành các cuộc tấn công lén lút vào Sevastopol, nhưng Nga và Ukraine có tuyên bố khác nhau về kết quả cụ thể của các vụ tấn công đó. Điều khiến Hạm đội Biển Đen trở nên tồi tệ hơn là quân đội Ukraine gần đây đã liên tục tiến hành các cuộc tấn công có chủ đích vào hạm đội này. Ngày 13/9, Ukraine tiến hành tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình quy mô lớn vào Sevastopol, gây hư hại nghiêm trọng cho một tàu đổ bộ và một tàu ngầm đang được sửa chữa trong ụ tàu. Cơ quan tình báo phương Tây cho rằng hai tàu đó về cơ bản không còn giá trị để sửa chữa. Ngày 14/9, quân đội Ukraine lại phá hủy thành công hệ thống phòng không Nga triển khai ở Crimea, qua đó làm suy yếu nghiêm trọng chiếc ô bảo vệ trên đầu Hạm đội Biển Đen. Ngày 22/9, quân đội Ukraine lại tiến hành một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn khác, sử dụng tên lửa hành trình nhằm vào tòa nhà Bộ Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, gây thương vong nghiêm trọng về người.

Khó khăn đến từ đâu ?

Trang web "Business Insider" cho rằng tình cảnh khó khăn nhất mà Hạm đội Biển Đen của Nga hiện đang gặp phải là không có khả năng nắm bắt thông tin tình báo xung quanh và về cơ bản họ chỉ có thể phòng ngự bị động trước các cuộc tập kích của quân đội Ukraine. Theo báo cáo, NATO ngày nào cũng điều động nhiều loại phương tiện trinh sát để tiến hành thu thập thông tin tình báo toàn diện ở khu vực Biển Đen và nhanh chóng chuyển những dữ liệu chiến trường quan trọng này cho quân đội Ukraine. Vì vậy, khả năng cảm nhận tình huống chiến trường của quân đội Ukraine vượt xa quân đội Nga, nhờ thế họ có thể nắm trước lộ trình của tàu tuần tra Nga và dầy công tổ chức tàu không người lái cảm tử để phát động các cuộc tập kích bất ngờ.

Ngược lại, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga triển khai ở Crimea thiếu trao đổi thông tin tình báo theo thời gian thực với Hạm đội Biển Đen, thậm chí sau khi gặp nhiều cuộc tấn công, các đơn vị quân đội khác nhau của Nga vẫn không thể thiết lập được mạng lưới phòng không chỉ huy thống nhất. Các chuyên gia quân sự Nga phê phán : nếu quân đội Ukraine muốn tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình quy mô lớn thì [họ] cần phải điều động nhiều máy bay cường kích Su-24 [là máy bay mang theo tên lửa hành trình] từ sân bay ở hậu phương. Thế nhưng đối với những mục tiêu không trung rõ như thế mà quân đội Nga vẫn không ngăn chặn được, điều đó làm lộ ra những thiếu sót nghiêm trọng của quân đội Nga.

Thứ hai, sau khi mất nhiều tàu, Hạm đội Biển Đen áp dụng chiến thuật "bảo vệ tàu" bị động, nhưng hành động này có thể khiến họ dễ bị tấn công hơn. Trang web "Dynamics" nhắc lại chuyện sau ngày Sevastopol bị tấn công (13/9), Hạm đội Biển Đen của Nga đã sơ tán các tàu còn lại, 3 trong số các tàu đổ bộ lớn đã di chuyển từ Biển Đen đến Biển Azov tương đối an toàn. Tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường mang tên Đô đốc Makarov cũng rời cảng và đi đâu không rõ. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng với sự hỗ trợ tình báo toàn diện của NATO, quân đội Ukraine không khó nắm được hành tung của các tàu ấy, ngược lại, phần lớn các tàu Nga này đều thiếu hỏa lực phòng không và sau khi rời khỏi căn cứ hải quân được phòng thủ tương đối nghiêm ngặt, nhiều khả năng các tàu đó sẽ bị tàu không người lái hoặc tên lửa chống hạm của Ukraine tấn công.

Trang web "Power" cũng cho rằng tình cảnh khó khăn lâu dài mà Hạm đội Biển Đen phải đối mặt là mất khả năng bảo trì tàu. Tin tức cho biết, dựa trên phân tích ảnh vệ tinh, vụ tấn công bằng tên lửa hành trình của Ukraine vào Sevastopol không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho 2 tàu chiến Nga nằm trong ụ tàu mà điều tồi tệ hơn nữa là bản thân ụ tàu cũng có thể bị phá hỏng. Do cơ sở hạ tầng như ụ tàu bị hư hại trong các cuộc tấn công tên lửa, "trong tương lai có thể dự kiến, năng lực của Hạm đội Biển Đen có thể sẽ bị suy yếu nghiêm trọng". Theo giới thiệu, các tàu hải quân thường yêu cầu định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa tại ụ tàu, có như vậy mới duy trì được sức chiến đấu. Nhưng sau khi ụ tàu ở Sevastopol bị hư hại, các nơi khác ở Biển Đen, kể cả Novorossisk, một căn cứ chủ yếu khác của Hạm đội Biển Đen, đều không có cơ sở đại tu tàu hải quân, điều sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngay cả khi Hạm đội Biển Đen không bị tấn công nữa, các tàu hư hỏng hiện có sẽ không được sửa chữa và sức chiến đấu của các tàu khác hiện có sẽ tiếp tục suy giảm.

Quân đội Nga cũng đang nghĩ cách

Bất chấp viễn cảnh ảm đạm, quân đội Nga vẫn không bỏ cuộc. Báo Nga "Quan điểm" đưa tin NATO đã cung cấp cho Ukraine một "hạm đội muỗi" gồm hàng chục tàu cao tốc, ẩn náu ở khu vực ven biển gần Odessa. Mục tiêu của hạm đội muỗi này là "tiêu diệt các tàu của Hạm đội Biển Đen ở Biển Đen và bờ biển Nga, phá hỏng cầu lớn Crimea và các mục tiêu chiến lược quan trọng khác". Đồng thời, tên lửa hành trình Storm Shadow được Ukraine sử dụng để tấn công Sevastopol và những nơi khác cần phải được máy bay cường kích Su-24 mang theo. Trung tướng đã nghỉ hưu của Nga, ông Yury Netkachev, cho rằng quân đội Nga gần đây thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực xung quanh Odessa và căn cứ không quân của Ukraine nơi bố trí các máy bay Su-24 là nhằm để "ra tay trước" trong việc phá hủy những vũ khí gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hạm đội Biển Đen và các vị trí chiến lược của Nga.

Trang web "Dynamics" cũng nhận thấy sau khi quân đội Ukraine bắt đầu đưa tên lửa hành trình Storm Shadow vào sử dụng, các tàu của Hạm đội Biển Đen đậu tại Sevastopol đã thay đổi cách ngụy trang chiến thuật để thay đổi hình dáng bên ngoài của con tàu, nhằm đánh lừa đầu dẫn thực hiện dẫn đường bằng cách kết hợp hình ảnh mục tiêu ở giai đoạn cuối của tên lửa hành trình. Ngoài ra, Sevastopol và các nơi khác đã triển khai bố trí lưới chặn tàu không người lái, nhờ đó đã làm giảm đáng kể hiệu quả tác chiến của các tàu cảm tử không người lái của quân đội Ukraine thời gian cuối.

Ngày 25/9, "Báo Độc lập" [Независимая газета] của Nga đưa tin : để đối phó với các cuộc tấn công thường xuyên bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình của quân đội Ukraine, ngày 22/9, Tập đoàn Công nghệ Nhà nước Rostec đã chuyển giao cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga một máy bay cảnh báo sớm tầm xa A-50U được cải tiến hiện đại hóa. Trước đây từng có phân tích cho rằng do tên lửa hành trình Storm Shadow [của Ukraine] sử dụng thiết kế radar tàng hình và áp dụng chế độ bay bám sát mặt đất nên các hệ thống phòng không tầm xa bố trí trên mặt đất như S-400 của Nga khó có thể sớm phát hiện cuộc tấn công sắp xảy ra. Ngược lại, máy bay cảnh báo sớm trên không có ưu thế hơn trong việc phát hiện tên lửa hành trình. "Báo Độc lập" cho biết A-50U có thể theo dõi tới 300 mục tiêu trên không, có thể nhìn thấy máy bay chiến đấu của đối phương ở khoảng cách 650 km và tên lửa hành trình ở khoảng cách 215 km, "thậm chí có thể phát hiện máy bay không người lái cỡ nhỏ". Anh hùng Nga, Thiếu tướng Sergei Lipovoy, cho biết, A-50U còn có thể giúp quân đội Nga biết được địa điểm bố trí các máy bay chiến đấu Su-24 của Ukraine : "Chúng tôi đang tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ không quân Ukraine. Chúng tôi biết được sự nguy hiểm của máy bay Su-24 mang theo tên lửa hành trình, vì thế chúng tôi đang tìm mọi cách tiêu diệt những chiếc máy bay này trên mặt đất trước khi chúng cất cánh".

Chen Yang

Nguyên tác : Thời báo Hoàn cầu -Trung Quốc, ngày 26/9/2023.)

Nguyễn Hải Hoành biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 28/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chen Yang, Nguyễn Hải Hoành
Read 11133 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)