Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/10/2023

Sách giáo khoa với văn chương, chuyện khó nói !

Viết từ Sài Gòn

Mấy ngày nay trên các trang mạng xã hội lùm xùm chuyện bài thơ Bắt Nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách Ngữ văn lớp 6. Toàn bộ nội dung bài thơ tôi sẽ trích ở phần phụ lục bài viết này, chỉ xin bàn về nội dung cũng như tinh thần văn học của bài thơ nói riêng và cái nhìn về văn chương khoa giáo nói chung. Và có thể, cũng để giải thích tại sao học trò lại chán ngán môn Ngữ Văn và cũng để xem thử văn chương đang đứng ở vị trí nào trên diễn đàn văn chương thế giới.

batnat01

Bài thơ Bắt Nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách Ngữ văn lớp 6.

Nói diễn đàn văn chương thế giới thì nghe rộng quá, bởi ngay trong khu vực, nói tới văn học Việt, người ta không ngại miệng nhắc tới Nguyễn Du, sau Nguyễn Du gần ba trăm năm, có một số cái tên gắn liền với văn học miền Nam như Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tuệ Sĩ, Tô Thùy Yên, Mai Thảo... Và gần đây, nghĩa là sau gần nửa thế kỉ thống nhất hai miền Nam - Bắc, có thêm vài cái tên như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, đương nhiên họ là đại diện của văn học miền Bắc.

Nhưng, nghiệt nỗi, những cái tên của văn học miền Bắc ấy có may mắn lắm thì cũng được đưa vào chương trình giảng văn, khoa giáo, chứ nếu nói đi xa ra khỏi khu vực Châu Á là một chuyện rất khó khăn, nếu không nói là bất khả, vì sao ? Vì các nhà văn ấy thực thụ tài năng, nhưng họ mắc kẹt trong cơ chế, bất kì tác phẩm văn học nào vướng trong cơ chế thì rất khó để vượt xa khỏi tầm vói của cơ chế đó cho dù nó hay, đặc biệt hay, đặc biệt "cách mạng" trong cái cơ chế ấy. Đòi hỏi một tác phẩm văn học trong cơ chế vươn ra ngoài chẳng khác nào đòi hỏi một ông cụ thất thập cổ lai hi uống rượu Minh Mạng để có phong độ như một thanh niên mà thỏa sức tung hành với các em tì nữ chân dài. Chuyện ấy là bất khả thể.

Bởi văn chương, có một thứ tam giác bất khả xâm phạm, nó là tam giác đều gồm ba cạnh : Tự Do, Trí Tuệ và Dũng Cảm. Văn chương trong cơ chế thì mãi mãi không bao giờ hàm chứa yếu tính tự do, cho dù nhà văn đã cách mạng đến độ tan xác cũng cam lòng. Bởi muốn thực sự tự do, nhà văn phải bước ra khỏi cơ chế để sáng tác. Anh một nửa muốn ly hôn mà một nửa muốn ở lại khoắng thêm tài sản thì chẳng bao giờ có tự do trong lúc hôn nhân, và cũng chẳng có đứa con nào cho nên hình nên dáng trong cái tâm thế hôn nhân quái gở ấy.

Tình trạng nhà văn một nửa muốn cách mạng, nửa kia muốn cách mạng triệt để cũng na ná vậy, sẽ chẳng bao giờ có cách mạng triệt để trong viết lách, vì nếu triệt để thì anh bị tống cổ, bị vứt ra ngoài cơ chế và bị bỏ rơi, bỏ đói, trù dập, thậm chí tan cửa nát nhà.

Chính vì vậy, tất cả những nhà văn mặc dù văn tài của họ rất sâu, rất uyên áo, nhưng họ chấp nhận cơ chế và sống ăn ngon ngủ yên trong cơ chế ấy với vị trí ngôi sao của mình thì rất khó để nói rằng tác phẩm của họ bay xa ra khỏi tầm quán chiếu của cơ chế ấy được. Bởi đơn giản, dân tộc tính, sắc thái lịch sử và tình yêu con người trong tác phẩm chính là sắc thái, tình yêu cơ chế và cơ chế tính được khoác chiếc vỏ dân tộc tính. Người trong cơ chế thấy nó cách mạng, nhưng người ngoài cơ chế thấy nó không thật, thiếu cái gì đó khó nói.

Điều này cũng giải thích tại sao các nhà văn gốc Việt luôn đạt được thành tựu cao, hoặc những nhà văn gốc cộng sản một khi li khai cộng sản và đào thoát, tị nạn chính trị ở một xứ sở tự do nào đó lại có thành tựu văn học khá là cao, Dương Thu Hương là một ví dụ. Bởi xét cho cùng, tác phẩm văn chương của các nhà văn trên không bị vướng cơ chế, nó không còn ở mức buồn buồn, đèm đẹp, đau đau, rờn rợn, quai quái mà nó có thể là một cơn đau tuyệt đối, thốt lên từ cái bào thai cơ chế - cụ thể, ở đây là cơ chế cộng sản xã hội chủ nghĩa.

Điều này cũng lý giải thêm tại sao các trào lưu văn học mới như Hậu Hiện Đại, Tân Hình Thức lại nhanh chóng tạo hiệu ứng, một nhóm thơ nhỏ, gồm bốn thành viên như Mở Miệng, họ tuyên bố không làm thơ và thậm chí thích nói nhảm, chứng minh cái nhảm của họ cũng là một phần của văn chương nhân loại... Điều ấy nhanh chóng tạo thiện cảm với bạn đọc trong và ngoài nước, thậm chí mang lại cho họ những thành tựu nhất định trong văn đàn khu vực cũng như văn đàn quốc tế. Bởi họ đã phát triển được tự do sáng tác bằng hành động khước từ đại tự sự, hay nói khác đi là họ khước từ cơ chế để có được tự do sáng tác.

Chính những sáng tác được khai sinh từ tự do của họ đã nhanh chóng tìm đến với độc giả bên ngoài lãnh thổ Việt Nam chứ không phải thế giới internet. Bởi internet cũng mang cả văn chương chính thống ra ngoài lãnh thổ và được PR hết sức kĩ càng nhưng chẳng tạo được thiện cảm, bởi nó là văn chương cơ chế, điều ấy người ta không muốn phải lặp đi lặp lại trong việc tốn thì giờ để đọc một loại tuyên truyền tương tự văn chương hoặc một loại chống tuyên truyền sinh ra từ cái nôi tuyên truyền và mang dáng dấp tổ phụ của nó.

Từ vấn đề sáng tác, câu chuyện văn chương xứ Việt để đi đến câu chuyện môn Ngữ Văn trong giáo dục, có lẽ, câu chuyện ngữ văn là một câu chuyện dài lê thê và nó mang tính văn chương rất ít. Bởi phía sau câu chuyện ngữ văn, giảng văn là câu chuyện lợi ích nhóm, ai đang làm sách, làm sách mục đích gì, ai có lợi cho việc làm sách, nhà văn là bạn của ai, ai là bạn nhà văn, ai từng uống rượu với người làm sách, ai là người yêu của giám đốc xuất bản, ai là người tình (trai) của giám đốc xuất bản... ? Có hàng trăm câu hỏi xuất hiện sau một cuốn sách ngữ văn và rất tiếc những câu hỏi này chẳng liên quan gì đến chất lượng tác phẩm hay chẳng có chút văn chương tính nào, đó là những câu hỏi ngớ ngẩn, những câu hỏi vô bổ và nó được đặc trong bối cảnh thiểu năng trí tuệ. Rất tiếc, nói đến ngữ văn của giáo dục Việt Nam, người ta lại chỉ có thể đặt câu hỏi như vậy.

Và tính tuyên truyền trong ngữ văn, trong tác phẩm dạy học là bắt buộc. Một khi yêu cầu về tính đảng, tính tuyên truyền còn hiện hữu thì làm sao thoát khỏi cái ách cơ chế và làm sao có một tác phẩm văn học thực thụ. Điều đó lý giải tại sao ngày xưa, tức những năm đầu thống nhất đất nước, thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên lai chiếm hầu hết trong sách giảng văn. May sao còn vài bài của Xuân Quỳnh, Hàn Mặc Tử, nhưng những bài thơ này nằm trong "phần đọc thêm", tham khảo thôi.

Đến lúc này, các trào lưu văn học mới trong nước đã tiến rất xa và tạo ra tiếng vang trong văn đàn quốc tế, thế nhưng các giáo trình giảng văn thì lại lẹt đẹt trong những tác phẩm văn học kháng chiến, những tác giả quen thuộc mấy mươi năm nay, lặp đi lặp lại, không có gì thay đổi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giảng dạy những tác phẩm, tác giả đã cũ mèm, và có dấu hiệu lạc hậu bởi lối quan niệm qua câu hỏi "nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh ?".

Một số tác phẩm thơ mới, giọng mới, cách nhìn mới, tác giả mới và đương nhiên quan niệm thi ca mới được đưa vào sách giáo khoa như Mai Văn Phấn, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Thế Hoàng Linh... là cần thiết. Thế nhưng vấn đề chọn tác phẩm nào để đưa vào sách giảng văn là một cậu chuyện thuộc về khả năng cảm thụ văn học cũng như trình độ tiếp cận các trào lưu, các dòng và các tác giả của người làm sách.

Trường hợp đưa bài thơ của một tác giả có cách phát biểu đầy vẻ ngông cuồng, rằng "Tôi làm thơ hơn ba mươi năm nay, toàn thơ có chất lượng, ai chê bài Bắt Nạt là đang xúc phạm tôi !" hay "Những ai chê bài Bắt Nạt là dở thì họ xứng tầm nhận giải Nô Bên (Nobel) văn chương !". Trong khi đó, nói một cách nghiêm túc, trình độ cảm thụ văn chương của tuổi trẻ thời @ hết sức tinh tế, nhạy và đòi hỏi một sức hút hết sức lớn từ tác phẩm. Học sinh có thể không biết tác giả trong các sách giảng văn đã viết những gì nhưng lại biết tác giả nhận giải Nobel của năm, biết Hoàng Tử Bé, biết Saint-Exupéry, biết Dan Brown... Đương nhiên việc biết này không qua kênh giáo dục mà qua những kênh khác từ xã hội. Điều đó cho thấy giáo dục đã quá chậm so với phát triển của xã hội, và đâu đó, môn giảng văn nói riêng trong giáo dục đang kéo tư duy học sinh chậm lại so với thực tiễn sinh động của độ tuổi và hiểu biết.

Cũng trong cuốn Ngữ văn lớp 6, học sinh rất thích thơ của Tagor, một số em còn đọc một dãy dài tên của nhà văn là Rabindranath Tagore một cách trân trọng, thế nhưng bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh lại cho cảm giác chán, mệt, có em còn cho rằng đó là loại thơ ngáo đá, bất ổn về tâm lý...

Đó cũng là tín hiệu đáng mừng về tư duy thế hệ trẻ, đặc biệt là tư duy mỹ học của các thế hệ thời @. Và nó cũng cho thấy rằng vấn đề giáo dục tại Việt Nam đang vướng phải cái ách cơ chế. Và bao giờ cái ách này còn nằm trên cổ, thì nền giáo dục này sẽ chẳng giống bất kì một nền giáo dục nào bởi vẻ quái dị của nó.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 14/10/2023

Phụ lục :

Bài thơ Bắt Nạt, tác giả : Nguyễn Thế Hoàng Linh

"Bắt nạt là xấu lắm

Đừng bắt nạt, bạn ơi

Bất cứ ai trên đời

Đều không cần bắt nạt

Tại sao không học hát

Nhảy hip hop cho hay

Thời gian trong một ngày

Đâu để dành bắt nạt

Sao không ăn mù tạt

Đối diện thử thách đi ?

Thử kẻ yếu làm gì

Sao không trêu mù tạt ?

Những bạn nào nhút nhát

Thì là giống thỏ non

Trông đáng yêu đấy chứ

Sao không yêu, lại còn… ?

Đừng bắt nạt người lớn

Đừng bắt nạt trẻ con

Đừng bắt nạt nước khác

Trên khắp trái đất tròn

Đừng bắt nạt mèo, chó

Đừng bắt nạt cái cây

Đừng bắt nạt ai cả

Vì bắt nạt dễ lây

Bạn nào bắt nạt bạn

Cứ đưa bài thơ này

Bảo nếu thích bắt nạt

Thì đến gặp tớ ngay

Cứ đến bắt nạt tớ

Bị bắt nạt quen rồi

Vẫn không thích bắt nạt

Vì bắt nạt rất hôi !"

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn
Read 376 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)