Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/10/2023

Sao lại hợp thức hóa việc xuyên tạc lịch sử Đảng ?

Hoài Nguyễn

"Phản Thanh phục Minh" nếu đặt trong bối cảnh Việt Minh thập niên 30 thế kỷ trước, và liên tưởng đến hiện tình đời sống ở những năm cuối của khóa 13 Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại, cho thấy dường như đang mượn tích xưa đề bàn chuyện nay.

Bài viết này chỉ thuần đề cập về vấn đề tư tưởng chính trị, không luận bàn yếu tố nghệ thuật điện ảnh của phim "Đất rừng phương Nam" do công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê (Hoa Kỳ Film), công ty cổ phần phim Thiên Ngân, công ty cổ phần Galaxy Play và công ty trách nhiệm hữu hạn Trấn Thành Town sản xuất năm 2023.

lichsudang1

Hoạ sĩ Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành - Ảnh : Minh Ước

Cục trưởng Cục Điện ảnh đang… ‘tự diễn biến’

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nêu góc đánh giá về chủ đề tư tưởng và chuyển tải ngôn ngữ điện ảnh của ông về phim "Đất rừng phương Nam" với báo chí như sau : Phim kể về hành trình phiêu lưu của An, cậu bé chẳng may mất mẹ, trên đường đi tìm cha. Cùng với An, khán giả sẽ trải nghiệm sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất bám rừng và tinh thần yêu nước, kháng Pháp.

Phim có biên tập tương đồng với phim truyền hình "Đất phương Nam", lấy bối cảnh phim từ những năm 1920-1930, trong khi tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945. Lý do thay đổi vì bộ phim muốn mô tả ở phần một này bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, nhiều bang hội cũng như nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau.

Thông qua đó người xem thấy được miền Nam là nơi có nhiều văn hóa của người bản địa Việt Nam và người Khmer, người Hoa. Một vùng đất hòa hợp có những dân tộc, văn hóa khác nhau cùng khai hoang và gìn giữ, đấu tranh cho vùng đất này.

Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim. Bộ phim không đề cao, ca ngợi một hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer...

Giai đoạn 1920-1930, trước khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước còn tổ chức rời rạc. Sau khi Đảng ra đời, các tổ chức được tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu cụ thể. Định hướng câu chuyện là xây dựng nhân vật Hai Thành - cha của An - cùng hội của ông sẽ là những thành viên gia nhập Việt Minh về sau.

Trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến "Nghĩa Hòa Đoàn" và "Thiên Địa Hội" là hội nhóm tập hợp bởi một số người dân lao động sinh sống chủ yếu ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên - hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng lãnh đạo ở Trung Quốc. "Thiên Địa Hội" cũng như "Nghĩa Hòa Đoàn" chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam…

Chiến tranh tâm lý đã được châm ngòi ?

Với những lập luận trên cho thấy về tư tưởng, đảng viên Vi Kiến Thành khi phát biểu với báo chí trên cương vị Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông đã có dấu hiệu của hành vi đồng phạm trong vi phạm vào điều luật hình sự số 117.1.c : "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý".

Và nếu một khi đã xét xử những nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cũng từ áp đặt điều luật hình sự 117, thì tại sao lại không thể vận dụng tương tự, vì với những tranh luận khá gay gắt trên báo chí nhà nước cho đến mạng xã hội quanh việc "Thiên Địa Hội" – "Nghĩa Hòa Đoàn" ở phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam", rõ ràng là một "chiến tranh tâm lý" đang bắt đầu lan rộng.

Các bài báo bị quy chụp vi phạm pháp luật hình sự của ba nhà báo tự do kể tên như trên, nếu mang so với nội dung đề cập về "Nghĩa Hòa Đoàn" thì chỉ là… muỗi so với voi theo đúng hình tượng, cho đến mức độ ám chỉ mà người ta có thể suy diễn ở bộ phim điện ảnh bán vé công khai với vô số chiêu thức tiếp thị, chào mời cho hành vi "phát tán".

Sử liệu ghi rằng phong trào "Nghĩa Hòa Đoàn" hay còn gọi là "Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn", hoặc bị miệt thị gọi là giặc "quyền phỉ" là một phong trào bạo lực ở tại Bắc Bộ Trung Quốc diễn ra từ tháng 11 thuộc 1899 đến 7 tháng 9 năm 1901 do Nghĩa Hòa Đoàn khởi xướng, chống lại sự ảnh hưởng của thế lực nước ngoài trong các lĩnh vực giao thương, chính trị, văn hóa, công nghệ và bài Kitô giáo.

Trong bối cảnh hạn hán khắc nghiệt và kinh tế suy sụp, nhiều cuộc nổi dạy xảy ra tại Trung Quốc trong suốt những năm cuối của triều đại Mãn Thanh. Các thành viên Nghĩa Hòa Đoàn gieo rắc lòng căm thù đối với những thương nhân nước ngoài và các vị cố đạo truyền giáo và kêu gọi mọi người thanh toán những nhóm người này. Sự thù hận này có nguồn gốc từ cuộc Chiến tranh Nha phiến và sự xâm nhập kinh tế của người nước ngoài, cùng với chính sách truyền đạo mà chính quyền nhà Thanh bất lực không ngăn cản được.

Tháng 6 năm 1900, quân Nghĩa Hòa chiếm đóng Bắc Kinh và giết 230 người ngoại quốc. Hàng chục ngàn tín đồ Cơ Đốc giáo Trung Quốc, gồm Công giáo và Tin Lành đều bị giết phần lớn tại hai tỉnh Sơn Đông và Sơn Tây như là một phần của cuộc nổi dạy.

Chính quyền của Từ Hy Thái Hậu tỏ ra bất lực khi các nhà ngoại giao và binh sĩ cũng như thường dân nước ngoài và một vài tín đồ Cơ Đốc giáo người Hoa phải rút lui tới các tòa công sứ và cầm cự 55 ngày cho đến khi liên quân tám nước (Bát Quốc liên quân) gửi 2 vạn quân tới giải cứu…

Thay lời tạm kết

Như vậy, nếu nói như trần tình của đảng viên – Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, nếu như "Nghĩa Hòa Đoàn" chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam, và sau đó đều quy về dưới trướng của Đảng cộng sản Việt Nam, thì đúng như dự cảm của tác giả Nguyễn Ngọc Tâm trong bài viết "Quà cho Tập Cận Bình" đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 16/10/2023 (*), đó là việc sách giáo khoa trung học cơ sở của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gọi Nghĩa Hòa Đoàn là những "người yêu nước" (**).

Tuy nhiên khi liên tưởng đến hiện tình kinh tế - chính trị trong bối cảnh Đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị ban bệ cho gầy dựng một Bộ Chính trị cho khóa 14, thì "Nghĩa Hòa Đoàn" lại là những đe dọa của một thứ chiến tranh tâm lý rất đáng ngại của vết dầu loang "thanh trừng nội bộ" nhân danh hành vi "trong sạch bộ máy" đảng cầm quyền.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 20/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn
Read 308 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)