Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/10/2023

"Trăm điều phải có thần linh pháp quyền"

Hoài Nguyễn

"Thần linh pháp quyền" của nhà nước cộng sản là ai ?

Cơ quan Tuyên giáo Đảng nói rằng, 24 năm liên tục được Đảng và nhân dân giao giữ các cương vị chủ chốt cao nhất : Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ, có thời gian kiêm cả Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh luôn là người thượng tôn pháp luật. Ngay từ năm 1922, Người đã khẳng định vai trò của pháp luật bằng hai câu thơ : "Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền" – trích "Việt Nam yêu cầu ca".

thanlinh0

Ông Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Việt Nam (1/1/1960) - Ảnh tư liệu

Năm 1919, khi gửi bản yêu sách tám điểm tới Hội nghị Versailles đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật. Sau đó, năm 1922, trong "Việt Nam yêu cầu ca", Nguyễn Ái Quốc khẳng định vai trò của pháp luật bằng hai câu thơ : "Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền".

Yêu sách trên được lý giải là mọi quan hệ xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống đều chịu sự chi phối của pháp luật. Pháp luật là cơ sở bảo đảm thực hiện các quyền tự do dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân.

"Thần linh pháp quyền" là ai, hình tượng quyền uy nào ? Theo mạch kiến giải, cá nhân người viết cho rằng có thể tìm thấy ở bản Tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chí Minh đã chắp bút soạn.

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh viết : "Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Như vậy, theo Tuyên ngôn độc lập, các quyền của con người là do tạo hóa ban cho, và những quyền đó là bất khả xâm phạm. Đây là "pháp luật của tạo hóa" – hay còn được gọi là pháp luật tự nhiên, và là pháp luật cao nhất. Các đạo luật do nhà nước ban hành chỉ là thứ phát. Chúng sẽ bị coi là vô hiệu nều trái với "pháp luật của tạo hóa".

Chính vì vậy, những quyền do tạo hóa ban cho con người bao giờ cũng là phần cấu thành quan trọng nhất của luật hiến pháp. Và các thiết chế bảo hiến được đề ra thực chất là để bảo đảm pháp quyền. Pháp quyền gắn liền với "pháp luật của tạo hóa" là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cách gọi "thần linh pháp quyền".

Ở đây, công tâm mà nói thì bản Tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chí Minh chấp bút đã mượn ý tứ của tiền nhân. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Thomas Jefferson đã đưa ra một nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho sự thành lập chính phủ dân chủ. Theo đó, các chính phủ trong thể chế dân chủ không ban phát các quyền tự do cơ bản mà Jefferson đã nêu, mà chính các chính phủ đó để bảo vệ các quyền tự do đó – các quyền mà mọi cá nhân "hiển nhiên có" do sự tồn tại của mình.

Và như vậy, có thể khái quát, quyền con người bất kể trong thể chế chính trị nào, thì đó cũng là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.

Các quyền không thể tước bỏ bao gồm quyền được sống, các quyền tự do ngôn luận và thể hiện, quyền tự do tín ngưỡng và nhận thức, quyền tự do lập hội, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Và bất kỳ chính phủ dân chủ nào cũng phải duy trì những quyền tạo hóa này.

Chính lẽ trên nên một khi Đảng đã nhìn nhận "Thần linh pháp quyền" như cách nhìn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, thì không thể áp đặt của định hướng chính trị của Đảng để ràng buộc thành khuôn phép của quyền con người mà tạo hóa đã ban cho.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 19/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn
Read 220 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)