Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/07/2017

Phân cấp hay xin - cho ?

Diệp Văn Sơn

Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ Thành phố Hồ Chí Minh có một vị trí quan trọng trong quá trình đổi mới nhưng nếu không có các giải pháp tốt và đồng bộ thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nhiều công trình lớn và quan trọng sẽ bị đình trệ.

Thủ tướng cho rằng những kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được trung ương xem xét cụ thể và phải thực hiện theo đúng trình tự và thẩm quyền. Quan điểm của Chính phủ là sẽ có cơ chế chính sách tốt tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.

quan1

Quan đi dẹp chợ, bị dân ôm chân năn nỉ xin tha

Những năm gần đây, Chính phủ có những giải pháp tích cực, cụ thể trong việc tăng cường phân cấp nhiều hơn, rõ hơn các nhiệm vụ, thẩm quyền từ Chính phủ, các bộ, ngành cho chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương (tỉnh - huyện - xã).

Lâu nay, trong nhiều văn kiện của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ có đề cập nhiều đến chủ trương phân cấp nhưng khi triển khai trong thực tế thì vẫn còn nặng về xin - cho. Vì vậy, những đề xuất xin cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh cũng chính là những mong muốn của nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, với tầm vóc của Thành phố Hồ Chí Minh, những vướng mắc về cơ chế đặc thù càng lộ rõ. Nước ta không đặt vấn đề như luật tự trị địa phương như một số nước nhưng chúng ta cần có luật về phân cấp cho rạch ròi, minh bạch. Thực tế, xin cơ chế đặc thù cũng là sự xin - cho nhưng bài bản hơn mà thôi.

Trong thời gian qua, những giải pháp đổi mới, tăng cường phân cấp chưa giải quyết được một cách cơ bản, có hệ thống. Việc phân cấp trung ương - địa phương còn thiên về các giải pháp tình thế để khắc phục những bức xúc của các địa phương và chưa có cơ sở pháp lý thống nhất, hợp lý và đồng bộ. Việc phân cấp cũng chưa định rõ những loại việc địa phương toàn quyền quyết định ; những việc trước khi địa phương quyết định phải có ý kiến của trung ương và những việc phải thực hiện theo quyết định của trung ương.

Với tính đa dạng phức tạp, phong phú của đời sống kinh tế - xã hội, đặc thù về địa lý nhân văn, việc tập trung cao độ đưa đến bộ máy nhà nước xơ cứng, quan liêu. Bước sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu thì nhược điểm kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp đã bộc lộ cản trở sự phát triển của xã hội.

Để tiến hành triển khai phân cấp, trước tiên phải giải quyết cho được tư tưởng bao biện của các bộ, ngành. Tư tưởng này có nguồn gốc bao cấp về mặt tư duy lâu nay đã thành thói quen, ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều cán bộ của bộ, ngành. Kế đến, không loại trừ ý muốn ôm giữ đặc quyền ban phát, khó từ bỏ cơ chế xin - cho nhiều quyền lợi ; không tin tưởng cấp dưới. Cũng phải nói thêm cho công bằng, nhiều địa phương vẫn quen ỷ lại ở trung ương, sợ trách nhiệm nên cũng không mặn mà với phân cấp.

Khi có cơ chế chính sách, tạo điều kiện để phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là đầu tàu để cả nước tiến lên. Ngược lại, một khi Thành phố Hồ Chí Minh không phát triển được thì sẽ ảnh hưởng đến cả nước. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một khi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát triển tốt thì kinh tế cả nước mới phát triển tốt được.

Diệp Văn Sơn

Nguồn : Người Lao Động, 02/07/2017

Quay lại trang chủ
Read 911 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)