Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/10/2023

Xong bất động sản, đến lượt đại gia các hãng xe "được" chiếu cố

Hoài Nguyễn, Hà Nguyên

Nhà xe Phương Trang với bê bối tài chính ít được nhắc đến

Hoài Nguyễn, VNTB, 30/10/2023

Công ty trung tâm của hệ thống Phương Trang là Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang (Futa Corp) do ông Nguyễn Hữu Luận làm chủ. Futa Corp cùng các cổ đông sáng lập của mình đầu tư vào rất nhiều công ty khác như Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (Futa Buslines), Chuyển phát nhanh Phương Trang (Futa Express), Bất động sản Phương Trang (Futa Land), Taxi Phương Trang (Futa Taxi), Quảng cáo… Trong đó, Futa Buslines là công ty đảm nhận hoạt động kinh doanh vận tải xe khách của hệ thống.

nhaxe1

Nhà xe Phương Trang từng vướng lùm xùm trong vụ bị một ngân hàng tố cáo về chuyện nợ nần gần 3.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, Phương Trang đã bị cuốn vào trào lưu đầu tư bất động sản. Hàng loạt dự án được công ty ấp ủ như Khu đô thị mới Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng, các dự án New Pearl, The Landmark City tại thành phố Hồ Chí Minh…

Khi thị trường bất động sản đóng băng, hầu hết các dự án bất động sản của Phương Trang bị đình trệ trong khi công ty vẫn đang phải ôm khoản nợ cả ngàn tỷ đồng chưa có hướng giải quyết trong thời gian dài.

Năm 2015, Ngân hàng Xây Dựng (gọi tắt là CB) đã bán nợ xấu cho Công ty quản lý nợ các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 500 tỷ đồng. Năm 2016, cùng với việc khoanh nợ, bán nợ cho VAMC, xử lý tài sản, ngân hàng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để có kết luận đối với các khoản nợ lớn, tích cực thu hồi nợ bằng tiền. Trong quý II/2016, các nhóm nợ xấu lớn đã và đang được ngân hàng tập trung xử lý, đặc biệt là gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang đã được CB khởi kiện từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015.

Theo hồ sơ của CB, nhóm nợ Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang là một trong những nhóm nợ lớn, tồn đọng suốt nhiều năm qua từ thời ngân hàng cổ phần với hồ sơ pháp lý khá phức tạp. Việc xúc tiến xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến nhóm nợ Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang được cho là sẽ là khởi đầu khả quan để CB có cơ sở xử lý tích cực các nhóm nợ xấu lớn trong năm 2016.

Giới làm ăn đồn đoán sở dĩ Phương Trang… tuột dốc – có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đó là vào cuối tháng 6/2011, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã chính thức ra mắt các thành viên Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội. Qua lời tự giới thiệu và danh thiếp gửi đến những người quan tâm, bà được giới thiệu là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phương Trang (Futa group).

Ngoài ra, bà Hằng cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sàn giao dịch Bất động sản Phương Trang Hà Nội (Futa Land). Nói về lý do tham gia thị trường bất động sản, bà Hằng giải thích : "Từ mặt đất trở xuống, tôi đã làm 20 năm nay, tại sao tôi lại không làm từ mặt đất trở lên cho cộng đồng, xã hội. Xã hội người âm tôi đã làm nhiều rồi, thế thì bây giờ tôi làm cho dương trần này" (?!).

Năm 2010-2011, Phương Trang chính thức cho ra đời Công ty Bất động sản FutaLand. Vào thời điểm đó, trao đổi với báo chí, ông Đặng Đình Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Phương Trang (hiện không còn làm việc ở Futaland) đã không ngần ngại cho biết chiến lược đầu tư của FutaLand là tập trung vào các phân khúc căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, nhà phố, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp.

Thời điểm đó Phương Trang đã phối hợp với Địa ốc Hưng Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Thế giới Căn hộ cho ra mắt sàn giao dịch bất động sản Phương Trang - Hưng Hưng Thịnh - Thế giới Căn hộ tại 76-82 Trần Hưng Đạo, Q.1, Thành phố Hồ Chí Minh rất "hoành tráng".

Không dừng lại ở đó, Phương Trang còn đầu tư vào hàng loạt bất động sản cao cao cấp khác như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) có giá bán thời điểm đó lên đến 90 triệu đồng/m2. Sau đó là hàng loạt các dự án như The Landmark City, quận 1 (4.261 m2), dự án Quang Thuận Thủ Đức (1,2 ha), Golden Gate, quận 7 (1,9 ha), dự án Han Riverview, Đà Nẵng (1,4 ha), Khu đô thị mới Futa Cove, Đà Nẵng (120 ha)…

Năm 2013, Futaland đã phải chuyển nhượng dự án New Pearl cho Vạn Thịnh Phát với giá trị chuyển nhượng khoảng 20 triệu USD sau khi mới thi công đến tầng 2…

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 30/10/2023

**************************

Nhà xe Thành Bưởi bị hăm he về tội trốn thuế

https://vietnamthoibao.org/vntb-nha-xe-thanh-buoi-bi-ham.../

Hà Nguyên, VNTB, 29/10/2023

"Bao giờ thì đến lượt mình ?"

nhaxe2

Chiều hôm 28/10/2023, một bản tin được phát từ nhà xe Thành Bưởi :

"Do bị tịch thu toàn bộ hệ thống máy chủ đột ngột khuya 26/10/2023, tập thể nhân viên Công ty Thành Bưởi đã cố gắng hết sức mấy hôm nay chuyển dùng excel, giấy, viết, làm thủ công nhưng cuối cùng hôm nay em thay mặt Công ty thông báo : Công ty Thành Bưởi phải tự ngưng hoạt động mảng vận chuyển khách tất cả các nơi : từ 5g sáng chủ nhật, ngày 29/10/2023 do không có máy chủ, dữ liệu khách hàng rối loạn, dữ liệu làm việc làm thủ công sai sót nhiều, làm ảnh hưởng tới khách.

Quý khách đã chuyển khoản Công ty, em sẽ chuyển khoản hoàn trả lại sớm nhất. Mong quý khách hàng thông cảm, lượng thứ".

Một thông tin khác cũng đáng quan tâm được nhà xe Thành Bưởi đưa ra sau đó : "Hỗ trợ xe các loại đưa đám tang miễn phí ở Đà Lạt em vẫn duy trì. Nhưng hệ thống máy chủ chưa xin lại được nên quý khách hàng đến 6 Lữ Gia liên hệ giùm em. Em cảm ơn. Nghĩa tử là nghĩa tận".

Mặc dù phía công an chưa lên tiếng vụ việc nhà xe Thành Bưởi, song báo điện tử Chính phủ (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) đã có bài viết dạng phóng sự điều tra, đưa ra kết luận "Nhà xe Thành Bưởi lộng hành, có dấu hiệu trốn thuế và làm ngơ".

Một vài tình tiết được nêu trong bài phóng sự điều tra này : Tổng hành khách trên xe sau đó là 26 khách. Khi xe rời bến khoảng 10 phút thì phụ xe bắt đầu thu tiền từng người. Phụ xe kêu chúng tôi đưa phiếu thông tin số ghế (không phải vé xe) cho phụ xe, tiếp đó phụ xe thu tiền mà không đưa cho khách bất kỳ hóa đơn hay biên lai thu tiền nào.

Tương tự, tất cả hành khách trên xe đều chỉ đưa phiếu thông tin và tiền vé 280.000 đồng cho phụ xe, ngoài ra không ai nhận hóa đơn hay ký vào hợp đồng vận chuyển hành khách của nhà xe này.

Xe chạy được 30 phút thì tài xế dừng đón thêm 1 khách. Khoảng một giờ sau xe tiếp tục đón 4 khách dọc đường đoạn qua TP Biên Hòa, Đồng Nai. 4 khách này sau khi lên xe không có phiếu thông tin mà chỉ đưa tiền cho phụ xe và như mọi hành khách, 4 khách này cũng không được đưa hóa đơn, phiếu thu. (dừng trích).

Bài báo có đoạn kết luận : "chỉ riêng việc các xe khách Thành Bưởi không vào bến, cả ngàn tỷ đồng tiền thuế VAT và hàng trăm tỷ đồng tiền phí vào bến có thể đã thất thu trong thời gian dài".

Một số tình huống đặt ra : việc xe xuất bến – thu tiền vé nhưng không hóa đơn, thì gần như nhà xe nào cũng tương tự vậy lâu nay, chẳng riêng gì Thành Bưởi.

Việc nhà xe Thành Bưởi không vào bến xe Miền Đông dẫn đến thất thu thuế là một suy diễn, và ở đây thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý vận tải đường bộ. Hơn nữa, nếu để xảy ra kéo dài chuyện xe không vào bến, vậy thì phải chăng hệ thống quản lý camera giám sát hành trình bắt buộc trên xe khách đã bị vô hiệu hóa ?.

Nếu thực sự nhà xe Thành Bưởi cố tình trốn thuế, chắc chắn họ hiểu cần phải trang bị hệ thống máy chủ "ngầm" trong hoạt động ra sao. Không ai ‘hồn nhiên’ gian lận và công khai dữ liệu – chứng cứ trốn thuế sờ sờ ngay tại trụ sở để dễ bị tóm cả (?!).

Từ vụ việc đang diễn ra ở nhà xe Thành Bưởi, tạm gác việc bàn luận về tội danh hình sự, qua chuyện "thu giữ máy chủ" của công an, cho thấy các nhà xe cần mạnh dạn đầu tư hệ thống lưu trữ dự phòng, bảo mật để không bị lệ thuộc vào một máy chủ nào đó khi vướng lùm xùm như nhà xe Thành Bưởi hiện tại.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 30/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, Hà Nguyên
Read 377 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)