Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

01/11/2023

Tôn giáo không thể đứng trên Quốc gia và Dân tộc

Ngô Đình Nhu

"Công lý phải đi trước từ bi. Từ bi trước tiên phải bắt đầu từ công lý. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải có công lý trước rồi đến từ bi ; điều này không phải là chúng ta cho người ta nhiều thứ, mỗi tháng một lần rồi đi về nhà mãn nguyện với từ bi của mình, mà không quan tâm đến ai chết trong chính nhà ta. Như thế là sai lầm. Từ bi tồn tại vì nền tảng của công lý tồn tại. Chính trên nền tảng công lý này, một đóa hoa nở ra tên là Từ bi. Nếu không có nền tảng công lý thì không thể có từ bi".

Ngô Đình Nhu

Sài Gòn, 15/11/1957

diem1

Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai (bên phải) - cố vấn Ngô Đình Nhu.

Lời tòa soạn : Ngày 01/01/2023 là đúng 60 năm ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu bị sát hại tại Sài Gòn, chấm dứt nền Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam sau Hiệp định Genève 1954.

Sau ngày 1/11/1963, những tiếng xấu đua nhau đổ lên đầu chế độ Ngô Đình Diệm, nào là độc tài gia đình trị, đàn áp Phật giáo, muốn đi đêm với chế độ cộng sản miền Bắc… Người chết không thể biện hộ. Cho đến sau ngày 30/4/1975 mọi việc đều được sáng tỏ, sự thật đã được phơi bày. Đằng sau những cuộc xuống đường của Phật giáo dưới thời Ngô Đình Diệm đều có bàn tay của cộng sản, Giáo hội Phật giáo miền Nam bị thao túng và chia rẽ. Nhóm Phật giáo Ấn Quang tưởng cộng tác với cộng sản sẽ được trọng dụng sau 1975, nào ngờ còn bị đàn áp tồi tệ hơn dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Một số nhân sự lãnh đạo Phật giáo không quốc doanh (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) miền Nam sau 1975 bị chế độ cộng sản ức hiếp đã được những người Công giáo tận tình giúp đỡ, trong khi giới tăng sĩ lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang hoàn toàn im lặng và tự giải tán trong bóng ti..

Chúng tôi cho đăng lại sau đây Thông cáo số 3 ngày 26/6/1963 - bản tiếng Việt được học giả Trần Quốc Việt dịch lại từ tiếng Anh - do Cố vấn Ngô Đình Nhu biên soạn và phổ biến trên các phương tiện truyền thông Việt Nam Cộng Hòa thời đó. Thông cáo này hướng dẫn Phong trào Thanh niên Cộng hòa (rất ít được nhắc tới) cách hành xử trong những tình huống mới về vấn đề Phật giáo.

Đăng lại Thông cáo số 3 này cũng là một cách phục hồi danh dự và sự sáng suốt của hai anh em họ Ngô Đình trước cuộc binh biến ngày 01/11/1963. (NVH)

diem2

Cố vấn Ngô Đình Nhu duyệt hàng quân danh dự nhân chuyến viếng thăm Ấp chiến lược Củ Chi ngày 1/4/1962

Lời người dịch : Cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 là đêm trước của những bi kịch liên tiếp dẫn đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những kẻ nhân danh Phật giáo, hữu ý và cả vô tình, đã hy sinh sự nghiệp tối thượng của Tổ quốc và Dân tộc, tức tự do và trường tồn, lên bàn thờ của cái gọi là "bảo vệ đạo pháp". Họ không những đã góp phần rất quan trọng trong việc khai tử quốc gia Việt Nam Cộng Hòa mà còn làm băng hoại và suy tàn Phật giáo dưới bóng cờ đỏ. Nhân dịp đánh dấu 60 năm tang thương này, chúng tôi dịch bài viết của ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu và tổng giám mục Ngô Đình Thục với mục đích chỉ ra rằng đôi khi sự vô minh cá nhân sát hại tương lai của cả một dân tộc.

Trần Quốc Việt

diem3

Ông Ngô Đình Diệm là Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa

*******************************

Thông cáo số 3 của Phong trào Thanh niên Cộng Hòa 

Sài Gòn, ngày 26 tháng Sáu, 1963

Những nam nữ trẻ của Thanh niên Cộng hòa,

Đáp lại Thông cáo số 2, các bạn đã ngay lập tức và đồng lòng nhận thức được trách nhiệm của các bạn đối với Hiến pháp, sự thật, và an ninh công cộng cũng như đối với quyền lợi tối cao của Quốc gia. Tôi gởi lời chúc mừng đến tất cả các thành viên của phong trào về phản ứng tức thì của các bạn và về những nỗ lực thể chất và tinh thần các bạn đã mất để giúp chính quyền và những người thiện chí ở phía các nhà sư trong việc giải quyết "vấn đề Phật giáo".

Tuy nhiên, kể từ khi công bố thông cáo chung được Ủy ban Liên bộ và phái đoàn của Tổng hội Phật giáo cùng ký kết cho đến nay, một số câu hỏi nào đấy đã được nêu lên trong Phong trào Thanh niên Cộng hòa. Sau vài cuộc họp dành cho việc nghiên cứu thông cáo chung, phiên họp toàn thể của Phong trào đã tóm tắt những quan tâm của tất cả những đoàn viên thành ba điểm chính và đệ trình chúng lên người lãnh đạo cao nhất của Phong trào vào ngày 25 tháng Sáu. Những điểm chính này như sau :

1. So sánh Thông cáo Chung với đường lối hoạt động của Thanh niên Cộng hòa, các đoàn viên chúng ta thấy rằng Thông cáo Chung, cả về hình thức và nội dung, đều không hợp với lý tưởng của Thanh niên Cộng hòa, một lý tưởng nghĩa hiệp, không vụ lợi, hoàn toàn tập trung vào việc phục vụ nhân dân, với biểu tượng tinh thần của Phong trào là lá cờ quốc gia mà nên luôn luôn có địa vị cao hơn những biểu tượng của tất cả những hội tư nhân khác.

2. So sánh Thông cáo Chung với Hiến pháp mà là kim chỉ nam hoạt động cho Thanh niên Cộng hòa, các đoàn viên chúng ta thấy rằng Thông cáo Chung dường như tạo ra đặc quyền và độc quyền có lợi cho một nhóm riêng, nhưng trái lại Hiến pháp ủng hộ sự bình đẳng trong sự thăng tiến chung.

3. So sánh Thông cáo Chung với luật pháp hiện hành, các đoàn viên chúng ta thấy rằng Thông cáo Chung dường như đôi khi đi ngược lại với luật pháp.

Vì những quan tâm này từ các đoàn viên chúng ta, và biết rằng những thế lực phản động cấu kết với cộng sản đang không ngừng tìm cách lợi dụng những sự hiểu lầm bằng cách bóp méo sự thật qua sự tuyên truyền có định hướng nhằm mục đích gieo những mối bất hòa mới để phá hoại sự đoàn kết thiêng liêng của chúng ta và để gây sức ép bất chính lên tâm hồn của tín đồ Phật giáo thiện chí, nên tôi cho trách nhiệm của tôi là phác ra vắn tắt những nét chính về bối cảnh của "vấn đề Phật giáo" và chỉ cho các bạn thấy hoàn cảnh nó được phát động và hoàn cảnh nó được giải quyết xong bằng Thông cáo Chung, để theo truyền thống của Phong trào chúng ta, mỗi người trong chúng ta có thể phán xét tỏ tường, tự mình giải quyết những vấn đề của mình và tự do bắt đầu có thái độ rõ ràng và cương quyết ở bên trong và bên ngoài Phong trào.

Trước tiên, tôi phải khẳng định rằng Phong trào Thanh niên Cộng hòa là một phong trào tự do và của nhân dân : phong trào không lệ thuộc vào bất kỳ chính quyền nào và nhất quyết không mù quáng theo bất kỳ ai. Tuy nhiên, phong trào này là phong trào nghĩa hiệp ; phong trào đã giao cho mình sứ mạng bảo vệ những gì phong trào tin là chính nghĩa ; tự nhiên phong trào phải bảo vệ thành quả cách mạng cũng như lập trường của phong trào trong bối cảnh của hoàn cảnh lịch sử và tình thế của quốc gia mà trong đó tất cả những đoàn viên đều thừa nhận rằng so với tất cả những chính quyền cũ thì chính quyền hiện nay là thuận lợi nhất cho sự phát triển hoàn toàn lý tưởng của Thanh niên Cộng hòa.

***

Ngay đầu năm 1957 chính quyền này đã ký hai lệnh về bảo vệ Cờ Quốc Gia nhằm đảm bảo cho biểu tượng thiêng liêng này vị trí cao nhất xứng đáng.

Những lệnh này lẽ ra nên được thi hành đầy đủ nhưng lại không được thi hành. Điều này giải thích việc ban hành chỉ thị vào ngày 6 tháng 5 nhằm nhắc nhở tất cả sự tôn trọng dành cho Lá Cờ Quốc Gia. Chỉ thị này không nhắm vào bất kỳ tôn giáo cụ thể nào. Đúng là sau khi ban hành chỉ thị trên thì vài ngày sau đến ngày Phật đản, nhưng cũng đúng là chỉ thị được ban hành ngay trước lễ Chúa Thăng Thiên của Công giáo. Tuy nhiên tôi cho là tinh thần của mục đích của sự nhắc nhở này đã bị hiểu lầm. Lợi dụng sự hiểu lầm này, những phần tử nào đó bình thường thì rất thờ ơ với cuộc đấu tranh anh hùng của toàn dân chống cộng sản xâm lược thì nay lại tỏ ra rất hăng say tham gia một chiến dịch có hệ thống và dối trá nhằm xuyên tạc các sự việc, với ý định đầu độc tinh thần của các tín đồ, gây áp lực nặng nề lên các nhà sư đáng kính và khích động phong trào bất tuân luật pháp, dưới cái cớ dối trá là "đấu tranh chống đàn áp Phật giáo" và "bảo vệ Đạo Pháp".

diem4

Chiến dịch bắt đầu với năm yêu cầu chính do Tổng Hội Phật Giáo đưa ra. Sau đây là những yêu cầu này và lập trường của chính quyền.

1. Yêu cầu thứ nhất 

"Yêu cầu chính quyền thu hồi vĩnh viễn công điện ra lệnh cấm treo giáo kỳ Phật giáo".

Thật ra chính quyền chưa từng bao giờ gởi công điện ra lệnh cấm treo bất kỳ lá cờ Phật giáo nào.

Giống như tất cả các lá cờ khác, lá cờ của Tổng Hội Phật Giáo phải nhường vị trí ưu tiên cho lá cờ quốc gia tại những nơi công cộng. Nội dung chủ yếu của chỉ thị được ban hành chỉ là như thế chứ không có gì khác.

Lá cờ quốc gia hoàn toàn không phải là lá cờ riêng của chính quyền như những phần tử khích động bạo loạn nào đấy đã dám ám chỉ. Lá cờ quốc gia là biểu tượng duy nhất của tổ quốc yêu dấu của chúng ta và của toàn thể nhân dân. Chừng nào lá cờ vẫn còn là biểu tượng của dân tộc thì nhân dân phải chấp nhận mọi hy sinh để bảo vệ lá cờ và để gìn giữ lá cờ ở địa vị cao nhất trong đời sống quốc gia.

Dù gì chăng nữa, không có gì về chuyện này lại có thể biện minh cho những sự kiện đã xảy ra, nếu như những nhà lãnh đạo của Tổng Hội Phật Giáo ngay chính từ đầu đã tỏ ra hiểu biết, kiên nhẫn, bình tĩnh và đặc biệt sáng suốt về những phần tử cực đoan mà có thể tồn tại trong tất cả các hội.

Không may thay không đúng như vậy, và chính những sự kiện diễn ra liên tiếp đã khiến dân tình rối loạn với sự can thiệp của những phần tử giỏi về xúi dục tâm hồn phản loạn và giỏi về tạo ra tình trạng căng thẳng mà đưa đến những hành động phi lý và không hợp pháp mà gây ra bao tổn thất về nhân mạng.

Trái tim yêu nước nào mà lại không xúc động và sững sốt trước những hậu quả xảy ra như thế, không phải vì một chút bất kỳ tự do tôn giáo nào bị lâm nguy nhưng chỉ vì tranh cãi về vị trí riêng dành cho cờ quốc gia và cho cờ của Tổng Hội Phật Giáo. Mọi người đều biết rằng từ thời xưa đến nay, những Phật tử thuần thành nhất đều không tôn kính Đức Phật dưới kỳ hiệu của bất kỳ lá cờ nào. Hơn nữa, và bất kỳ lý lẽ gì được đưa ra chăng nữa, tôi đồng ý với các bạn rằng sự " mặc cả " về chủ đề này cũng không có lợi cho bất kỳ ai dưới mắt của người ngoại quốc cũng như dưới mắt của nhân dân Việt Nam mà ý thức rất rõ ràng rằng bao hy sinh họ đang đóng góp để phục vụ tổ quốc đều là những hy sinh đang đóng góp dưới nếp gấp của lá cờ quốc gia chứ không phải của bất kỳ lá cờ nào khác. Chắc chắn chính vì nghĩ đến ý tưởng này mà trong Phong trào Thanh niên Cộng hòa, một hội tư nhân đã góp phần lớn nhất trong cuộc chiến tranh này, chúng ta luôn luôn đặt lá cờ quốc gia bên trên kỳ hiệu của chúng ta.

2. Yêu cầu thứ hai 

"Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa giáo đã được ghi trong Đạo dụ số 10".

Cái cách mà yêu cầu này được nêu ra sẽ khiến người ta tưởng rằng chính quyền thực sự công khai ủng hộ chính sách thiên vị đối với Công giáo bằng cách gây tổn hại đến Phật giáo.

Một lần nữa, thực tế thì khác !

Đạo dụ số 10 được ban hành dưới thời Bảo Đại (ngày 6 tháng 8, 1950) đã thực sự chỉ xác định cách thức thành lập các hội tư nhân, tôn giáo và các hội khác, để họ có thể đạt được quyền lực pháp lý để mua, hoạt động và bán bất động sản. Một điều khoản dự bị ghi trong Điều 44 tuyên bố rằng chế độ đặc biệt sẽ được ấn định sau cho "các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô và các Hoa kiều lý sự hội", nghĩa là cho những hội tôn giáo hay hội khác có đặc trưng quốc tế hay ngoại quốc.

Những quy định mà sắc lệnh này tuyên bố thực tế cho đến hôm nay vẫn chưa định rõ. Mặt khác, chúng thuộc về chuyên môn của lập pháp và bất kỳ công dân nào cũng có quyền yêu cầu Quốc hội Lập hiến xem xét vấn đề này và bỏ phiếu về nó.

Mười ba năm trôi qua nhưng không ai đã từng đưa ra bất kỳ tranh cãi nào về Đạo dụ số 10. Hơn thế nữa, về phần mình chính quyền đã không bao giờ lợi dụng Đạo dụ số 10 này hay sự thiếu những quy định pháp lý cho các hội quốc tế hay ngoại quốc, để thực thi bất kỳ sự kỳ thị tôn giáo nào.

Thật ra mà nói, chính quyền đã áp dụng nghiêm ngặt những điều khoản trong đạo dụ đó chỉ với những hội mà không có hệ thống hay tổ chức được chính quyền cho phép, bao gồm cả những tổ chức tôn giáo có hệ thống được tin tưởng, và dường như có đặc trưng xã hội thế tục chẳng hạn như hội "Hành động Công giáo" hay hội "Phật giáo xã hội". Như vậy, một tổ chức như "Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo", mặc dù xuất phát từ một tổ chức được cho phép như "Tổng Hội Phật Giáo", nhưng có đặc trưng xã hội thế tục và không phải tổ chức tôn giáo thuần túy như "Tổng Hội Phật Giáo". Vì lý do này, nó nên tuân theo những quy định chung áp dụng cho các hội tư nhân, nếu không điều đó có nghĩa là so với các tôn giáo khác Phật giáo được dành cho một chế độ đặc quyền không ai bằng.

Về những hội thuần túy tôn giáo chính quyền từ trước đến nay đã không thực thi nghiêm ngặt Đạo dụ số 10. Trong trường hợp các tổ chức tôn giáo Công giáo sự thực thi đạo dụ cởi mở hơn không gây ra điều bất lợi nào vì những tổ chức này đặt nền tảng trên một hệ thống rất chi tiết, rất phức tạp và được kiểm soát rất chặt chẽ mà hầu hết những người Công giáo ở địa phương và trên thế giới đều biết. Nhưng ngược lại chính sự thực thi cởi mở ấy có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quốc gia trong trường hợp những tổ chức tôn giáo mà không có bất kỳ những cơ cấu quốc tế hay địa phương nào đưa ra những bảo đảm đủ cho cả Nhà nước và tín đồ ; nghĩa là một tổ chức được cơ cấu hợp lý, vững chắc mà mọi người đều biết đến.

Bằng chứng về điều kiện dễ dàng mà chính quyền dành cho Phật giáo có thể tìm thấy trong hàng trăm ngôi chùa được xây cất mà không một ai cảm thấy cần phải báo cáo với nhà cầm quyền về hội của họ, điều lệ của họ, và nội quy của họ, và thậm chí cũng chẳng khai báo về bất kỳ điều gì. Những chùa này mà sự thống nhất chủ yếu chỉ ở danh hiệu Đức Phật hay ở áo choàng của các nhà sư mà thường là không có mối quan hệ lẫn nhau. Hiện nay tuy cùng giáo phái nhưng có rất nhiều chùa và tông phái hoàn toàn khác nhau và hoàn toàn không thuộc về một hội chung với nhau.

Một chuyện xảy ra đầy ý nghĩa là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đã đón tiếp ở Sài Gòn một phái đoàn Phật giáo đến gặp ông với tư cách là đại diện của Tổng Hội Phật Giáo ; nhưng về sau tính cách đại diện của phái đoàn này không được thừa nhận và thậm chí một phái đoàn khác không nhìn nhận phái đoàn này. Vì vậy chính quyền phải trì hoãn một vài ngày sự khởi đầu cuộc đàm phán, để cho những người lãnh đạo Tổng Hội Phật Giáo có thời gian đồng ý với nhau, và chọn ra một phái đoàn chính thức để đại diện cho hội này.

Dù sao đi nữa, Quốc hội Lập Hiến hiện nay cũng đang xem xét sửa lại hoàn toàn và rõ ràng từng chi tiết về những điều khoản của Đạo dụ số 10 để đề xuất những quy định thích hợp liên quan đến tất cả các khía cạnh của vấn đề.

Về vấn đề này dường như có lợi khi nhớ lại rằng đối diện với những âm mưu phá hoại và lật đổ chính quyền từ bên ngoài, dù do cộng sản khích động hay không, thì quyền lợi của quốc gia chỉ có thể được bảo vệ bởi một đạo luật vững chắc và nghiêm ngặt xác định rõ chế độ của những hội. Điều cốt yếu là đạo luật như thế phải được đặt nền tảng trên tinh thần bình đẳng và phải phản ánh trung thành tinh thần của Hiến pháp.

Những công dân ngay thẳng thì không có gì phải sợ những điều lệ nghiêm ngặt về vấn đề này nếu hội của họ không tiến hành những hoạt động trá hình xấu xa. Đấy là lý do phong trào của chúng ta không sợ bất kỳ sự kiểm soát nào : Chúng ta thực hành nghiêm ngặt sự tự chủ của mình.

3. Yêu cầu thứ ba 

"Yêu cầu chính quyền chấm dứt bắt bớ và đàn áp tín đồ Phật giáo".

Ở đây một lần nữa cách viết này nhằm mục đích khiến người ta tưởng rằng chính quyền này ủng hộ chính sách đàn áp thế tục vô cớ đối với những nhà sư chỉ vì những người này dành thời gian cầu nguyện Đức Phật.

Thật ra chính quyền không bao giờ tự tiện thực hiện bất kỳ cuộc bắt bớ nào hay thi hành bất kỳ sự đàn áp nào đối với những tín đồ Phật giáo chỉ vì lý do họ là những tín đồ Phật giáo, mặc dù những phần tử khích động bạo loạn đã thâm nhập vào hàng ngũ của những tín đồ Phật giáo đã và đang tiến hành khiêu khích đủ mọi loại. Hơn thế nữa Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa còn đích thân cam đoan với Tổng Hội Phật Giáo rằng chính quyền luôn luôn sẵn sàng xem xét bất kỳ trường hợp cụ thể nào về bắt bớ người trái pháp luật hay bất kỳ trường hợp đàn áp nào mà có thể được báo cáo cho ông hay.

Hơn nữa, chúng ta không được quên rằng Bộ Tư pháp được lập ra chính xác để giải quyết những vấn đề như thế.

Có một điểm nữa tôi muốn mọi người lưu ý :

Không ai có thể hy vọng ở sự ân xá trong quá khứ của Tổng thống để tiếp tục gây rối.

Chính quyền này luôn luôn chứng tỏ yêu nước, và mục đích chính của chính quyền là bảo vệ tổ quốc, chứ chính quyền không có bất kỳ lợi ích nào khi liên can vào các vụ bắt bớ tùy tiện và trái pháp luật.

Cho nên chúng ta nhất định không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Nhà nước mà chỉ có mình chính quyền chịu trách nhiệm. Cho nên chúng ta yêu cầu những người lãnh đạo của Tổng Hội Phật Giáo phải tránh làm điều này, và đặc biệt khi sự can thiệp như thế thiên vị những kẻ khích động bạo loạn, chính xác là những kẻ có tội đã bỏ qua những thỏa thuận đã ký giữa chính hội với chính quyền : vì, làm như vậy, họ sẽ tạo ra những hoài nghi nghiêm trọng nhất về sự thành thực và thiện chí của Hội và của những người lãnh đạo hội.

4. Yêu cầu thứ tư 

"Yêu cầu cho tăng ni Phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo".

Điểm này được ghi rõ ràng và chi tiết trong Hiến pháp. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa hơn nữa đã cam đoan với Tổng Hội Phật Giáo rằng nếu bất kỳ sự vi phạm nào về điều khoản được báo cáo, chính quyền sẽ luôn luôn xem xét nó.

1. Trong trường hợp cụ thể về những cuộc họp được tổ chức ở những chùa mà đã không đệ trình bất kỳ điều lệ hay nội quy nào và những chùa đấy không thuộc về bất kỳ tổ chức nào mà được chính quyền công nhận thì tất nhiên phải cần xin phép trước. Điều này rất bình thường. Còn về những chùa thuộc về một tổ chức được công nhận, nếu đôi khi chính họ cũng cần phải xin phép trước khi tổ chức cuộc họp bình thường thì sự xin phép trước này là vì những lý do an ninh quốc gia hay là vì những chùa này nằm ở những khu vực mất an ninh. Những người hưởng sự an ninh và tiện nghi của thành thị thường quên rằng nhân dân ta đang đương đầu với cuộc chiến tranh thuộc loại nguy hiểm nhất và rằng cả nước đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

2. Về những chùa công do dân làng xây dựng hay do những cá nhân cúng dường cho làng, những chùa này là tài sản của cộng đồng làng chứ không thuộc về tài sản của bất kỳ hội tôn giáo nào cả ; vì lý do này, chúng được đặt dưới trách nhiệm của ủy ban hành chánh làng. Trong những Làng Ấp Chiến Lược, những ủy ban như vậy thường là do dân chúng bầu lên. Bất kỳ điều gì cản trở sự phát triển của chương trình Ấp Chiến Lược đều được coi là hành động phá hoại chống lại cuộc cách mạng dân tộc.

3. Về tài sản của Tổng Hội Phật Giáo, vì hiện nay không có văn kiện nào định rõ quốc tịch của các hội, cho nên chính quyền dành cho hội này sự đối xử giống y như sự đối xử dành cho các hội Công giáo, cả hai đều được coi là những chi nhánh của một tổ chức quốc tế.

Ta phải lưu ý rằng Tổng Hội Phật Giáo phủ nhận bất kỳ quan hệ nào với bất kỳ tổ chức quốc tế nào để không bị yêu cầu phải tuân theo những quy định pháp luật về vấn đề tài sản mà các tổ chức Công giáo phải tuân theo.

Như vậy Tổng Hội Phật Giáo đã yêu cầu được đối xử đặc quyền so với các tổ chức Công giáo chứ hoàn toàn không phải "được hưởng chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Công giáo".

Về điều này, người ta phải biết rằng trách nhiệm chính của bất kỳ chính quyền nào là ngăn ngừa tất cả những hình thức lệ thuộc bất luận chúng có thể là gì và rằng đây là lý do tại sao cần thiết phải có những quy định pháp luật liên quan đến việc mua tài sản ở trong nước bởi những người nước ngoài và các hội, đặc biệt những hội có mối quan hệ quốc tế ; vì những hội này sử dụng những phương tiện đặc biệt mạnh mẽ, hiệu quả hơn rất nhiều so với những phương tiện có sẵn đối với công dân địa phương. Họ thấy họ có thể mua cả Việt Nam nếu như những quy định và luật pháp thích hợp không ngăn cản họ làm như vậy.

Dù thế nào chăng nữa, vấn đề liên quan đến Đạo dụ số 10 đang được Quốc hội xem xét nhằm thảo ra, hợp với tinh thần của Hiến pháp, những đạo luật thích hợp để bảo đảm tốt nhất cho Quốc gia đồng thời tránh gây ra bất kỳ sự phân biệt tôn giáo nào.

4. Liên quan đến kiểm duyệt sách báo, Tổng Giám đốc Thông tin đã tiết lộ những trường hợp mà bây giờ ai cũng biết : những sách được giới thiệu như là kinh sách hay sách dạy về tôn giáo (không chỉ Phật giáo) mà thực ra là những sách tuyên truyền cộng sản. Chính chỉ vì lý do này mà Tổng Giám đốc Thông tin lại gánh vác trách nhiệm kiểm duyệt ; nếu không thì không có sự hạn chế bất cứ điều gì từng được áp dụng đối với sách báo Phật giáo thực sự. Trách nhiệm của bất kỳ cộng đồng tôn giáo xứng đáng với tên gọi này là luôn luôn giúp đỡ nhà cầm quyền bằng cách tự kiểm duyệt cẩn thận tất cả các kinh sách được lưu hành nhân danh họ.

5. Về xây dựng chùa, trường học, và các cơ sở xã hội Phật giáo, chính quyền không bao giờ áp đặt bất kỳ sự hạn chế gì.

Bằng chứng cụ thể cho việc này là trong số 4.766 chùa hiện có trong cả nước thì 1.275 chùa mới đã được xây dựng và 1.295 chùa cũ được tín đồ Phật giáo trùng tu trong suốt 8 năm qua dưới chính quyền hiện nay mặc dù chiến tranh, và điều này còn chưa kể đến các cơ sở xã hội Phật giáo.

Một ví dụ nổi bật khác về sự đối xử tốt của chính quyền dành cho Phật giáo : mặc dù Tổng Hội Phật Giáo yêu cầu quyền lợi của điều khoản liên quan đến tài sản của Đạo dụ số 10, một điều khoản không cho phép bất kỳ sự trợ cấp nào, nhưng chính quyền đã trợ cấp hơn 9 triệu đồng cho các công trình xây dựng đã được đề cập ở trên, bao gồm 5 triệu cho các chùa ở khu vực Huế.

5. Yêu cầu thứ năm 

"Yêu cầu chính quyền bồi thường công bằng cho những nạn nhân bị giết oan và trừng phạt thích đáng những kẻ chủ mưu".

Thật ra ngay từ đầu chính quyền đã trợ giúp cho gia đình của các nạn nhân trong biến cố ngày 8 tháng 5. Những nạn nhân này cũng hoàn toàn không phải tín đồ Phật giáo, một người là Công giáo, còn hầu hết những người khác chỉ thờ cúng tổ tiên.

Chính quyền này luôn luôn và trong mọi hoàn cảnh đều giúp đỡ các nạn nhân tai nạn và thiên tai khi xét họ xứng đáng được giúp đỡ. Trong trường hợp hiện nay, chính quyền chỉ từ chối chấp nhận lời tố cáo rằng chính chính quyền đã khiến họ trở thành nạn nhân.

Thật sự có sự chỉ trích gay gắt không thể nào tin được từ những kẻ khích động bạo loạn qua sự phổ biến những truyền đơn được ký tên "Phật giáo Việt Nam" và tố cáo chính quyền "dùng các xe tăng đè bẹp đám đông", và ra lệnh bắn vào đám đông bằng "súng đại bác, súng trường và lựu đạn", mặc dù hoàn toàn không có bất kỳ bằng chứng nào được thu thập để chứng minh lời tố cáo như thế, và mặc dù những nạn nhân, không có ngoại lệ, đều mang những vết thương do chất nổ từ plastic, vua của loại bom nhỏ mà lực lượng an ninh không dùng vì họ không có, nhưng ngược lại, Việt Cộng lại hay dùng, đặc biệt trong các hoạt động khủng bố của chúng.

Về những vụ phá rối đã xảy ra liên quan đến "vấn đề Phật giáo" chúng ta phải thừa nhận rằng phải chăng có một số khuyết điểm trong việc duy trì an ninh trật tự về đêm, những khuyết điểm mà chính quyền sẽ xem xét lại chi tiết để phạt những người có trách nhiệm - tuy nhiên, ta không thể nào phủ nhận những nguyên nhân ban đầu của những vụ phá rối này và những vụ khác. Tổ chức Phật giáo, không đủ nghiêm ngặt, đã để cho một số những phần tử khích động bạo loạn nào đấy xâm nhập vào hàng ngũ của tổ chức và lợi dụng tên của tổ chức để khích động dân chúng theo những cách bất hợp pháp nhất. Trắng tợn nhất là các vụ sau :

1. Nhân vụ giết người được sắp đặt và mưu tính từ trước nơi xăng được trút lên người một nhà sư để thiêu sống người không may này, những nhà sư khác đã không ngần ngại đối xử thô bạo với cảnh sát để ngăn cản họ không làm tròn trách nhiệm của họ mà, hơn nữa, lại thuộc về bất kỳ công dân nào nhằm "cứu người gặp nạn", một trách nhiệm có tính chất bắt buộc đến mức luật pháp quy định hình phạt về tội " không giúp đỡ " cho những ai trốn tránh trách nhiệm này.

2. Sau khi thỏa thuận được ký kết giữa ủy ban liên bộ và Tổng Hội Phật Giáo thì các nhà sư nào đấy, từ bên trong một ngôi chùa và đứng trên xe, dùng loa phóng thanh khích động dân chúng chống lại chính quyền. Thậm chí còn tệ hại hơn nữa, những phần tử khác, lại xưng là "tín đồ Phật giáo", đã không ngần ngại trang bị xích xe đạp, gậy gộc, lựu đạn cay, và đá để dùng chúng chống lại lực lượng an ninh, khiến cho 42 cảnh sát bị thương.

Vậy những kẻ được gọi là "tín đồ Phật giáo" này cố gắng đạt được điều gì ? Họ muốn dự lễ tang mà đã bị hoãn lại bởi chính quyết định của Tổng Hội Phật Giáo, một quyết định mà chính các nhà sư đã đi đến tận nơi để tuyên bố và giải thích cho những kẻ biểu tình Phật giáo, nhưng vô vọng.

Chính lúc này đây trách nhiệm của chúng ta là nhắc nhở tất cả những tín đồ Phật giáo thiện ý cũng như tất cả các Hội Phật Giáo rằng họ phải nắm lấy cơ hội này để siết chặt hàng ngũ và tăng cường cảnh giác để ngăn cản kẻ thù chung và tay sai của chúng không thâm nhập, không gieo rắc hoài nghi trong những đạo hữu tín đồ Phật giáo và bất ổn trong nước, mà sẽ hại không những quốc gia mà còn hại đến chính sự nghiệp Phật giáo, một sự nghiệp mà tất cả đoàn viên chúng ta đều hăng hái bảo vệ.

Những nam nữ trẻ của Thanh niên Cộng hòa,

Tôi vừa phác ra cho các bạn thấy những điểm chính, để giúp các bạn hiểu rõ hơn Thông cáo Chung vào ngày 16 tháng Sáu được ký bởi Ủy ban Liên bộ và Tổng Hội Phật Giáo nhằm chấm dứt một tình thế được tạo ra từ những sự hiểu lầm mà đã bị lợi dụng đến tối đa, theo cách dã man nhất, và đã khiến các bạn rất đau buồn.

Trong suốt diễn biến của vấn đề này, đối với tất cả những ai mà đã đo bằng chính mắt mình sự thành công mà chính quyền đã đạt được qua sự lãnh đạo cương quyết của chính quyền trong cuộc chiến tranh chống cộng sản và họ cũng đã thấy chính quyền chiến đấu qua từng giai đoạn mà không hề nao núng thì có thể tưởng như khó tin rằng cũng vẫn chính quyền này lại có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng như thế mà không thể nào giải quyết nó ngay lập tức.

Cái gọi là "sự chậm chạp" này đôi khi còn bị tưởng lầm là nhút nhát, và "bất lực về chính trị", và một số người đã đi xa đến mức tin và tuyên bố rằng chính quyền thấy mình bị áp đảo.

Thật ra, chuyện như thế hoàn toàn không đúng và các bạn ý thức rõ ràng về điều này. Ban đầu người ta tin rằng đây là một vấn đề thuần túy về tôn giáo nên người ta nghĩ rằng vấn đề sẽ được chính những người thánh thiện và đáng tôn kính giải quyết ngay khi họ biết rõ, vì chính quyền không bao giờ thi hành chính sách kỳ thị và đàn áp tôn giáo gì cả.

Mặc dù tình thế chỉ ra rằng ta không nên đi bước như thế, nhưng chính vì lý do này mà chính quyền đã muốn thỏa mãn những nguyện vọng của các nhà sư Phật giáo mà yêu cầu cả hai bên đều giữ im lặng trong khi chờ thành lập phái đoàn Phật giáo chính thức và, về sau, trong suốt những cuộc đàm phán, để không ai có thể nói về "đổ dầu vào lửa". Mặc dù sự thỏa thuận về im lặng này chỉ được một bên tôn trọng, nhưng chính quyền đã không muốn đưa ra bất kỳ giải thích chính thức nào.

Còn nếu như chính quyền làm như vậy thì chính quyền sẽ cùng một lúc phá tan âm mưu bao vây được mưu tính từ trước bởi những phần tử khích động bạo loạn mà bằng mọi thủ đoạn tìm cách lợi dụng sự im lặng này để dồn chính quyền vào chân tường bằng cách xử dụng dư luận trong và ngoài nước mà hoàn toàn do chính họ lèo lái, và qua đó họ hy vọng có thể cuối cùng gây ra những tình thế sẽ không thể nào đảo ngược. Nhưng một lần nữa chính quyền quyết định vẫn cẩn thận tuân theo thỏa thuận về sự kín đáo lẫn nhau.

Tuy nhiên sự kiên nhẫn của chính quyền không có nghĩa là khi liên quan đến tôn giáo hay chỉ vẻ ngoài tôn giáo, cơ quan công quyền sẵn sàng phá vỡ những nguyên tắc của mình, trong đó nguyên tắc nghiêm ngặt nhất là không bao giờ khuất phục trước bất kỳ sự phi lý nào, đặc biệt khi điều này gắn liền với sự hăm dọa hay với bất kỳ hình thức áp lực khác mà có thể gieo rắc bất an trong nước ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp.

Nếu thái độ của chính quyền có thể có vẻ dường như lưỡng lự thì chúng ta biết rằng có một lý do khác cho sự giả định này. Không nói đến sự điềm tĩnh chính quyền có được nhờ ý thức về lẽ phải và lập trường quốc gia vững chắc của mình, không nói đến chỉ sự nhẫn nhịn và thiện chí thật sự của chính quyền, thái độ của chính quyền chỉ là thái độ hợp với sự thành thật và trung thành - (vì không có lời thích đáng nào khác cho vấn đề chính quyền tin là thuần túy tôn giáo ) - người ta vẫn còn phải xét rằng chính quyền đã cảm thấy mình bị giằng xé bởi cuối cùng phải buộc lòng trừng phạt những cá nhân không may mắn đã bị các mục tử xấu làm cho mù quáng và cuồng tín, sau khi đã lạm dụng tính thật thà của họ và lừa gạt nhiệt tình của Phật tử.

Chính vì để tránh tình huống cuối cùng như thế cho nên chính quyền đã cẩn thận tuân theo cuộc hưu chiến im lặng này và chịu đựng những khiêu khích đã mưu tính trước bởi những phần tử khích động bạo loạn không phải để lường gạt bất kỳ ai trong các cuộc đàm phán mà chỉ để cho phép Tổng Hội Phật Giáo thừa nhận rõ ràng lập trường của chính quyền.

Sự tôn trọng thỏa thuận im lặng, tất nhiên không phải là không nguy hiểm, vì nó có nguy cơ đặt chính quyền vào một tình thế bấp bênh nếu như mọi người không may mắn được phú cho đủ lương tri để tự mình xét đoán tình hình.

Tuy nhiên tin tưởng vào lòng ái quốc và lương tri của nhân dân ta, để đối phó với vấn đề này chính quyền vẫn tiếp tục thực hành đức hạnh cốt yếu của nhà Phật "nhẫn nhục ba - la - mật ".

***

Tuy nhiên bây giờ vấn đề đã giải quyết xong nên được coi là bài học có ích cho chúng ta cũng như cho nhiều người khác. Những sự kiện này đã chỉ cho tất cả các quốc gia thấy nguy cơ ở chỗ thiếu thông tin và thiếu giáo dục trong quần chúng nhân dân mà bất kỳ lúc nào cũng có thể đưa đẩy một số người nào đấy đến cuồng tín.

Về phần mình, từ điều này các tín đồ Phật giáo nên hăng hái kêu gọi cảnh giác nhiều hơn, nhiều bảo đảm hơn, nhiều bảo vệ hơn trong cơ cấu tổ chức của họ, làm như thế là ngăn ngừa bất kỳ âm mưu lợi dụng nào từ những kẻ đầu cơ chính trị.

Mặt khác kinh nghiệm đã qua hé lộ cho chúng ta thấy -và tôi thấy điều này là mới và đáng tiếc - sự thiếu điềm tĩnh và thực tế của bạn bè nào đấy của chúng ta. Phản ứng của họ đã khiến chúng ta càng hiểu rõ hơn nhiều về nguy cơ đón nhận vào trong chúng ta những phần tử mà lúc nào cũng sắp sửa hoảng sợ, không thể phân biệt sự thật với vẻ ngoài giả dối. Tuy nhiên nhờ thái độ và nỗ lực giải thích của các bạn cùng với nỗ lực của những tổ chức khác, dân chúng nói chung đã không hưởng ứng chiến dịch do các phần tử khích động bạo loạn phát động.

Những nam nữ trẻ của Thanh niên Cộng hòa,

Chính trách nhiệm của các bạn cũng kêu gọi dân chúng chống lại những quyến rũ của cuồng tín mê tín và không quan tâm đến mệnh lệnh từ những mục tử mà đức hạnh của họ chưa qua thử thách. Cho dù ta có nhận được những hứa hẹn bảo đảm nào đấy đi nữa thì chúng ta cũng hãy luôn luôn cảnh giác, và chúng ta hãy nên biết rằng mới đây trong các cuộc đàm phán, một vị Hòa thượng đã than phiền với Ủy ban Liên bộ rằng trong vòng chỉ một ngày, ông đã thấy người ta phân phát 2 hoặc 3 truyền đơn có chữ ký và con dấu của ông nhưng ông không bao giờ thảo ra những tờ truyền đơn này. Một lần nữa chúng ta không bao giờ cho phép Sự nghiệp Tối thượng của Tổ quốc bị phản bội, vì chúng ta sẽ ra sao nếu không có sự nghiệp ấy ? Không siêu hình học nào có thể đòi hỏi sự hy sinh quyền lợi của Quốc gia và Dân tộc. Những tôn giáo xứng đáng với tên này đều kêu gọi tín đồ của họ "tôn trọng và phục tùng quyền lực hợp pháp". Đây là luật pháp phổ quát.

Và đấy là lý do đồng bào Phật tử phải gìn giữ trong lòng mình niềm tin thiêng liêng về từ bi và phẩm giá đặc trưng của Phật giáo ; "trách nhiệm cao quý" ! Phật giáo không cho phép mình bị say mê bởi sự kỳ diệu của danh hiệu Đức Phật. Phật giáo không cho phép đặt mình dưới sự kiểm soát của sự dối trá mang tính ý thức hệ mà rất hay bị chính trị và những thứ không liên quan gì đến triết học Phật giáo làm cho băng hoại, vì triết học cao quý này chắc chắn hướng đến sự diệt trừ tận gốc rễ mọi mê tín cũng như mọi cuồng tín.

Quyền lực tinh thần và thế tục cũng có lúc làm say đắm Giáo hội Công giáo, rồi ngày nọ sau hơn mười thế kỷ tồn tại Giáo hội đã gây ra cuộc ly giáo : Phong trào Cải cách. Bất chấp mối bất hòa đau đớn này Giáo hội đã trở nên mạnh mẽ và được kính trọng trở lại, chính nhờ vì từ đấy đến nay Giáo hội không bao giờ phạm sai lầm là thay đổi giáo lý để mong có thêm tín đồ. Giáo hội đã bằng lòng với việc kiên quyết sửa lần lượt những khuyết điểm, và, kỳ diệu và tốt đẹp thay, chính kinh nghiệm cao cả này đã ban cho Giáo hội một tổ chức nơi sự tự chủ luôn luôn được thực hành. Những quan điểm như vậy nếu được áp dụng với Phật giáo thì Phật giáo phải tự chỉnh đốn để sống trong những cộng đồng nghiêm ngặt và kỷ luật cao bất kể triết học của đạo Phật về nguồn cảm hứng cá nhân. Không có tôn giáo nào lại phụ thuộc vào uy tín duy nhất của mình và quyền lực thế tục duy nhất của mình để thu phục lẽ phải và nhân tâm.

Cho nên chúng ta hãy cẩn thận chọn khuôn khổ mà trong đó chúng ta muốn thấy đức tin của chúng ta đơm hoa kết trái. Hãy để khuôn khổ này cho chúng ta cũng như cộng đồng quốc gia tất cả mọi bảo đảm về lẽ phải và hiệu quả.

Chẳng phải ở nước ta có câu nói "chọn mặt gởi vàng" hay sao ? Nhưng vàng là gì so với đức tin ? Và nếu ta rất quan tâm đến vàng thì bao nhiêu quan tâm hơn thế nữa ta nên dành cho đức tin ?

Chính quyền này có một trách nhiệm lịch sử đối với Quốc gia cũng như đối với toàn thế giới, trách nhiệm chiến thắng cộng sản ngay chính trên đất này ; chính quyền này cần phải chứng minh rằng gã khổng lồ vô nhân đạo, không tôn trọng con người, không tôn trọng tổ quốc, không tôn trọng gia đình, hay tôn giáo này có thể bị đánh bại bởi một đối thủ nhỏ bé kém phát triển, miễn là đối thủ này được nuôi dưỡng bằng lòng yêu nước can đảm.

Phật giáo, giống như tất cả các tôn giáo khác, có thể xứng đáng với sự tôn trọng của chính quyền và của nhân dân chỉ ở mức độ Phật giáo chứng tỏ mình thấm đẫm tinh thần chủ nghĩa dân tộc và trung thành với cuộc đấu tranh chống cộng sản để bảo vệ giáo lý và tự do truyền đạo. Những nhà lãnh đạo tôn giáo của Việt Nam phải từ chối yêu cầu hay chấp nhận bất kỳ viện trợ nước ngoài nào mà nhằm mục đích tạo ra những giáo phái chính trị phục vụ phong trào phản dân tộc và cái gọi là trung lập mà chỉ tỏ ra thờ ơ trước tội ác của cộng sản.

Chúng ta có trách nhiệm báo trước cho dân chúng đề phòng những âm mưu mới nhất của những phần tử khích động bạo loạn bị cộng sản nắm trong tay, và điều này, đặc biệt ở các thành phố, vì cộng sản đã thấy mình bị dồn vào chân tường ở nông thôn nơi dân chúng đã tìm thấy sự che chở trong các ấp chiến lược.

Những âm mưu này gồm có :

1. Tìm cách gây ra chủ nghĩa bè phái mù quáng, bằng cách khiến cho người ta tin, chẳng hạn, cuộc chiến đấu chống lại chính quyền là cần thiết để làm cho tự do tín ngưỡng thắng thế.

Thật ra chỉ cần có lòng tin vào ý thức và tình anh em là đủ để giải quyết nhanh chóng mọi hiểu lầm mà không để mình bị lôi kéo vào sự khích động dễ bị cộng sản và những kẻ vô chính phủ lợi dụng, và đi kèm theo bạo lực mà trái với lời dạy của nhà Phật.

2. Chuẩn bị đồng thời một chiến dịch nhằm thuyết phục các vị Hòa Thượng rằng "chính quyền không giữ lời hứa bảo vệ Phật giáo, vân vân…". Những người thánh thiện này sống xa lánh cuộc đời, nhiều người trong họ chỉ đọc chữ nôm và quá thiện lành nên không nghi ngờ những lời quả quyết của những cán bộ quá khích nào đấy, và rồi họ bị xúi giục chỉ trích kịch liệt lập trường của chính quyền và coi bất kỳ lý lẽ nào của các cơ quan công quyền đều là "những dấu hiệu của ý xấu và đức tin xấu". Như vậy sự cuồng tín nào đấy có thể nảy sinh trong công luận mà bị khích động lên rất cao bởi những yêu cầu vô căn cứ, trong khi đó những tín đồ Phật giáo ở ngoại quốc lại thường bày tỏ ý kiến chỉ trích mạnh mẽ. Thêm vào đó là ảnh hưởng của tuyên truyền của cộng sản quốc tế và cộng sản nằm vùng nhằm gia tăng áp lực chống lại chính quyền mà chỉ thi hành đầy đủ đúng đắn những gì hai bên đã đồng ý với nhau.

Về phần mình, chúng ta với trách nhiệm chính là bảo vệ nhân dân và bảo vệ những thành quả chiến thắng của nhân dân ta, thành quả mà chúng ta, những nam nữ trẻ, đã đóng góp rất lớn bằng chính máu của mình, chúng ta nhất định hoàn toàn có thể khám phá ra sự phá hoại và rồi hành động chống lại nó cho dù nó có thể núp dưới bất kỳ chiêu bài gì nữa, ngay cả chiêu bài tôn giáo.

Tôi tin chắc rằng với một tâm hồn rộng mở ra với lẽ phải, với niềm vui, với tuổi trẻ, nhưng là một tâm hồn nhất quyết thoát ra khỏi tất cả các mưu tính, các tổ chức và các tư tưởng lạc hậu, là một tâm hồn quyết tâm xây dựng một xã hội mới nơi có nhiều công lý hơn, nhiều tự do hơn, nhiều tình anh em hơn, chúng ta, những nam nữ trẻ, những người đại diện hơn một triệu rưỡi đoàn viên chúng ta, sẽ tìm thấy các giải pháp cho các vấn đề của chúng ta để có thể vận dụng tất cả năng lực của ta để bảo vệ Hiến pháp vì lợi ích của tất cả các công dân bao gồm những người anh em Phật giáo, và khắc phục tất cả những trở ngại có thể cản trở bước tiến của nhân dân chúng ta cũng như bước tiến của Phong trào Thanh niên Cộng hòa.

Sài Gòn, ngày 26 tháng Sáu, 1963

Thủ lĩnh của Phong trào Thanh niên Cộng hòa

Ngô Đình Nhu

Nguồn : Communiqué n°3, The Vietnam Center & Sam Johnson Vietnam Archives, Texas Tech University

Comminiqué n°3 - ngodinhnhu.pdf

Trần Quốc Việt dịch

(01/11/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Đình Nhu, Trần Quốc Việt
Read 1777 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)