Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

27/09/2023

Bắc Kinh muốn áp đặt tiếng Quan Thoại trên toàn lãnh thổ

Gina Anne Tam

Đằng sau cuộc đàn áp tiếng Quảng Đông và các phương ngữ ở Trung Quốc

Gina Anne Tam, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 27/09/2023

Tại sao Bắc Kinh lại tìm cách quảng bá tiếng Quan Thoại ?

Cuối tháng 8 vừa qua, chính quyền Hong Kong đã đột kích vào nhà của Andrew Chan, người sáng lập một nhóm ủng hộ tiếng Quảng Đông có tên là Hiệp hội Học tập Ngôn ngữ Hong Kong (Hong Kong Language Learning Association). Lực lượng an ninh quốc gia đã thẩm vấn Chan về một cuộc thi tiểu luận mà nhóm của ông đã tổ chức ba năm trước đó, dành cho các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ phổ biến ở Hong Kong. Một trong những tác phẩm lọt vào vòng chung kết của cuộc thi là một truyện ngắn viễn tưởng, kể về một chàng trai trẻ tìm cách khôi phục lịch sử của Hong Kong vốn đã bị chế độ độc tài xóa bỏ. Trong quá trình lục soát nhà của Chan mà không hề có lệnh khám xét, cảnh sát đã yêu cầu ông xóa tác phẩm trên khỏi trang web của mình, đe dọa sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ông và gia đình. Sau đó, Chan đưa ra tuyên bố rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài giải tán Hiệp hội, một tổ chức đã giúp quảng bá văn hóa Hong Kong thông qua việc bảo tồn tiếng Quảng Đông trong gần mười năm.

quangdong1

Luyện tập thư pháp ở Cửu Giang, Trung Quốc, tháng 2 năm 2020 - Thomas Peter / Reuters

Nhà nước Trung Quốc từ lâu đã quan tâm đến việc hạn chế sự đa dạng của các ngôn ngữ được sử dụng ở đại lục, và gần đây hơn, là ở cả các đặc khu hành chính. Theo chính sách của nhà nước, tiếng Quan Thoại là quốc ngữ duy nhất, trong khi tất cả các ngôn ngữ khác bị hạ thấp, từ những ngôn ngữ được sử dụng bởi các dân tộc thiểu số của Trung Quốc như tiếng Tây Tạng và tiếng Duy Ngô Nhĩ, cho đến các ngôn ngữ địa phương phổ biến hơn như tiếng Quảng Đông. Như tôi đã nhận định trên Foreign Affairs vào năm 2016 , các chính sách ngôn ngữ ở Trung Quốc – thứ đã tạo ra hệ thống phân cấp ngôn ngữ này – được củng cố bởi triết lý rằng bản sắc Trung Quốc, bao gồm cả ngôn ngữ đại diện cho nó, phải thống nhất, đồng nhất, và gắn liền về bản chất với nhà nước Trung Quốc. Triết lý này xem những biểu hiện khác biệt hoặc đa dạng của bản sắc Trung Quốc – bao gồm việc tôn vinh hoặc đối xử bình đẳng với bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài quốc ngữ – là không quan trọng, thậm chí là nguy hiểm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đường lối của nhà nước Trung Quốc ngày càng trở nên không khoan nhượng. Các chính sách của họ vào giữa những năm 2010 dường như còn ôn hòa hơn so với những nỗ lực ngày nay, nhằm san bằng sự phức tạp của bản sắc Trung Quốc và mở rộng quyền bá chủ không giới hạn của tiếng Quan Thoại.

Hướng tới một ngôn ngữ duy nhất

Người ta thường nghĩ Trung Quốc là một quốc gia đồng nhất về mặt ngôn ngữ, nơi người dân nói một ngôn ngữ "Trung Quốc" duy nhất là tiếng Quan Thoại. Nhưng thật ra Trung Quốc là một quốc gia cực kỳ đa dạng về ngôn ngữ. Ngoài hàng chục ngôn ngữ được các nhóm thiểu số bản địa sử dụng, như tiếng Mông Cổ, tiếng Duy Ngô Nhĩ, và tiếng Tây Tạng, nước này còn là quê hương của hàng chục ngôn ngữ phổ thông như tiếng Quảng Đông, tiếng Thượng Hải, và tiếng Tứ Xuyên. Ngày nay, nhà nước Trung Quốc gọi những ngôn ngữ này là fangyan hay "phương ngữ". Trong các thông báo chính thức, chính sách nhà nước, và thậm chí cả hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhà nước xem tiếng Quan Thoại là quốc ngữ duy nhất và là "ngôn ngữ chung của người Hán". Hệ thống phân cấp ngôn ngữ này phục vụ lợi ích của nhà nước Trung Quốc hiện tại, nhưng thật ra nó đã có từ trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngay từ thời Trung Hoa Dân Quốc (1911–1949), nhiều vùng đã xem tiếng Quan Thoại – một ngôn ngữ được chuẩn hóa dựa trên tiếng nói ở Bắc Kinh và các khu vực xung quanh – là quốc ngữ duy nhất : đồng thời, các chủ thể nhà nước và phi nhà nước đã tìm cách biến các ngôn ngữ khác thành tiếng địa phương. Ở cấp độ chính sách, chính phủ Quốc Dân Đảng, giống như chính phủ cộng sản kế nhiệm, đã thúc đẩy một ngôn ngữ Trung Quốc duy nhất, với các chính sách tương tự như những chính sách mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ thực hiện sau đó.

Dưới thời Tập Cận Bình, chính phủ đã quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng một ngôn ngữ chung. Một chỉ thị năm 2012 đã trao quyền cho các cơ quan nhà nước quảng bá tiếng Quan Thoại thông qua việc "giám sát và kiểm tra" ngôn ngữ được sử dụng trong cả không gian công cộng và riêng tư. Từ các sự kiện "tuần lễ quảng bá tiếng Quan Thoại" hàng năm tại các trường học địa phương, nơi các học sinh được dạy rằng "Cùng nói tiếng Quan Thoại, cùng xây Trung Hoa mộng", đến việc cấm chính quyền cấp tỉnh sử dụng ngôn ngữ địa phương tại các cơ quan hành chính, hoặc việc các lãnh đạo đảng cấp cao khiển trách các cán bộ "yếu" tiếng Quan Thoại, các cơ quan chính phủ ở tất cả các cấp đều đã nhớ nằm lòng chỉ thị này. Mười một năm sau, tác động của chỉ thị dần trở nên rõ ràng. Các cuộc khảo sát trên khắp Trung Quốc cho thấy số người có thể nói các ngôn ngữ địa phương khác ngoài tiếng Quan Thoại đang sụt giảm nhanh chóng.

quangdong2

Sơ đồ những phương ngữ chính ở Trung Quốc

Đối với những ngôn ngữ được sử dụng bởi các dân tộc không phải người Hán, vốn là dân tộc chiếm đa số ở Trung Quốc, tình hình còn nghiêm trọng hơn. Ở Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ thường xuyên bị giam giữ hoặc trừng phạt vì nói tiếng mẹ đẻ của họ, và chương trình tuyên truyền buộc những người bị giam giữ trong các trại "cải tạo" phải học tiếng Quan Thoại. Ở Tây Tạng, nhà nước đã gây khó khăn cho những người muốn học tiếng địa phương, thậm chí còn bắt giữ một nhà hoạt động bảo tồn ngôn ngữ Tây Tạng vào năm 2016, do người này đã yêu cầu nhà nước tôn trọng cam kết trong hiến pháp là đối xử bình đẳng với tất cả các thứ tiếng dân tộc thiểu số. Năm 2020, các cuộc biểu tình ở Nội Mông phản đối việc cắt giảm chương trình giảng dạy tiếng Mông Cổ trong trường học đã vấp phải các vụ đàn áp và bắt giữ.

Nhìn chung, đàn áp ít khắc nghiệt hơn đối với những người ủng hộ các ngôn ngữ như tiếng Quảng Đông – một ngôn ngữ dù không phải tiếng Quan Thoại, nhưng lại được sử dụng bởi nhóm dân tộc chiếm đa số. Tuy nhiên, những ngôn ngữ này cũng phải chịu đựng sự đàn áp của nhà nước. Trường hợp của Hiệp hội Học tập Ngôn ngữ Hong Kong là trường hợp mới đây và công khai nhất, nhưng suốt nhiều năm, chính quyền trung ương Trung Quốc và các đồng minh ở Hong Kong đã sử dụng luận điệu hạ thấp các ngôn ngữ không phải tiếng Quan Thoại, rằng chúng "không gì hơn là các phương ngữ" và không xứng đáng với loại địa vị và ảnh hưởng dành cho quốc ngữ Trung Quốc.

Im lặng

Bản thân những cuộc đàn áp này là một điềm báo về những cách thức mà nhà nước Trung Quốc sẽ sử dụng để mở rộng quyền bá chủ của tiếng Quan Thoại. Tuy nhiên, chúng chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong cách nhà nước ép buộc các ngôn ngữ của Trung Quốc phải tuân theo một hệ thống phân cấp rõ ràng. Với mỗi cuộc biểu tình bị dập tắt, hoặc mỗi nhóm vận động bị đóng cửa, lại có hàng trăm quyết định được đưa ra ở Bắc Kinh nhằm tạo ra những trở ngại mới cho việc học, nói, hoặc sáng tạo bằng các ngôn ngữ ngoài tiếng Quan Thoại.

Một trong những lĩnh vực mà những trở ngại kể trên được thể hiện rõ ràng nhất là các ưu tiên về cơ sở hạ tầng và giáo dục. Ngày nay, ở Trung Quốc đại lục, tất cả các ký tự Latinh hóa được sử dụng trên biển báo, trong sách vở, và tại các quảng trường công cộng đều phải bằng Bính âm Hán ngữ (Hanyu Pinyin), một hệ thống Latinh hóa dựa trên cách phát âm tiếng Quan Thoại. Trẻ em Trung Quốc bắt buộc phải học hệ thống này ở trường, nhưng không phải học cách Latinh hóa các thứ tiếng dựa trên Hán tự khác. Bính âm Hán ngữ thường xuyên được dạy ngay cả ở các trường học Hong Kong, trong khi hệ thống Latinh hóa của tiếng Quảng Đông lại hiếm khi được dạy, quảng bá, hoặc sử dụng. Ngay cả bộ máy kiểm duyệt cũng phản ánh những ưu tiên về ngôn ngữ của nhà nước. Năm 2019, ứng dụng mạng xã hội Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) đã bắt đầu gửi tin nhắn cảnh báo tới những người dùng đã đăng video bằng tiếng Quảng Đông "Vui lòng sử dụng tiếng Quan Thoại". Khi được hỏi về các tin nhắn này, chủ sở hữu của Douyin, Bytedance, trả lời rằng mục đích không phải là cấm sử dụng tiếng Quảng Đông, mà đơn giản là họ thiếu cơ sở hạ tầng để kiểm duyệt nội dung bằng tiếng Quảng Đông. Công ty đã trở nên nổi tiếng "chỉ sau một đêm" này nhận thấy việc thuê người nói tiếng Quảng Đông để đảm bảo rằng các bài đăng bằng tiếng Quảng Đông tuân thủ đúng các quy định kiểm duyệt của Trung Quốc là vô ích.

Sau cùng, những người muốn nói hoặc sáng tạo bằng tiếng mẹ đẻ của họ vẫn có thể tìm ra giải pháp. Những người nói tiếng Quảng Đông hoặc các ngôn ngữ không phải tiếng Quan Thoại có thể sử dụng các nền tảng ngoài Douyin, chí ít là ở thời điểm hiện tại. Dù những người nói tiếng Quảng Đông có thể học Bính âm, nhưng nếu muốn, họ cũng có thể chọn học phiên bản Latinh hóa của tiếng Quảng Đông thông qua các kênh khác, hoặc bỏ qua hoàn toàn việc học chữ Latinh hóa. Tuy nhiên, nhà nước đang chọn chỉ đầu tư vào một số cơ sở hạ tầng ngôn ngữ nhất định, chẳng hạn như bộ máy kiểm duyệt thông thạo tiếng Quan Thoại, các hệ thống Latinh hóa tiếng Quan Thoại, hoặc giáo dục tiếng Quan Thoại, chứ không đầu tư vào những cơ sở khác. Những quyết định này cũng có tác động tiêu cực giống như những lệnh cấm hoàn toàn, bởi vì chúng đảm bảo rằng rất ít người có đủ phương tiện hoặc ý chí để tiếp tục nói những ngôn ngữ không được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nhà nước hoặc cơ sở hạ tầng công cộng. Kiểu "cắt đầu tư thụ động" này cũng đi kèm với khả năng phủ nhận chính đáng. Nhà nước có thể dễ dàng phủ nhận rằng việc ngó lơ không đầu tư hạ tầng cho các ngôn ngữ không phải tiếng Quan Thoại không phải là áp bức.

Ngôn ngữ chính là bản sắc

Thông qua các luận điệu, chính sách, và ưu tiên của mình, chính phủ Bắc Kinh đã thể hiện rất rõ ý định ngăn chặn không chỉ những tiếng nói bất ôngnh kiến, mà cả những tiếng nói thể hiện bản sắc Trung Quốc theo cách khác biệt. Thật vậy, chính phủ Bắc Kinh và các đồng minh của họ ở Hong Kong xem những nỗ lực thể hiện bản sắc riêng biệt của Hong Kong tương đương với sự bất ôngnh kiến. Từ việc liên tục tìm kiếm lý do pháp lý để cấm bài hát biểu tình bằng tiếng Quảng Đông "Glory to Hong Kong", cho đến việc liên tục điều chỉnh chương trình giảng dạy về nghiên cứu xã hội và lịch sử để khiến học sinh nghĩ rằng các em không phải là "người Hong Kong" mà là công dân Trung Quốc sống ở Hong Kong, chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh đang tìm cách đảm bảo rằng tầm nhìn về một bản sắc Trung Quốc đồng nhất sẽ được áp dụng cho người Hong Kong.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã sở hữu những phương tiện tốt hơn để thực thi các mục tiêu của mình. Những tiến bộ công nghệ đã mang lại cho nhà nước Trung Quốc những cách thức mới để giám sát và kiểm soát không gian riêng tư. Khả năng định hình cuộc sống hàng ngày của chính phủ Trung Quốc hiện nay đã hạn chế hơn nữa quyền tự do thể hiện bản thân của người dân. Việc sử dụng rộng rãi các biện pháp giám sát, giam giữ phi pháp, và lao động cưỡng bức ở Tân Cương trong những năm gần đây cho thấy chính phủ sẵn sàng làm đến mức nào để buộc người dân phải tuân thủ. Nhiều chiến lược trong số này đang nhanh chóng trở nên phổ biến khắp đất nước, nhất là vì chính sách "zero Covid" (được phát động năm 2020) đã giúp bình thường hóa hoạt động giám sát sinh hoạt hàng ngày. Dù nhiều biện pháp trong số này chưa phổ biến ở Hong Kong, nhưng hoạt động giám sát tại đặc khu cũng đã tăng lên, cả về cách cảnh sát Hong Kong giám sát lịch trình và lời nói người dân, lẫn các loại hành động mà họ cho là đe dọa an ninh quốc gia.

Điều đó không có nghĩa là người dân Trung Quốc và Hong Kong đang âm thầm chấp nhận sự cứng rắn của chế độ độc tài. Bất đồng quan điểm ở đại lục, dù còn âm ỉ và yếu đuối, vẫn có thể được tìm thấy trên khắp đất nước, từ những nỗ lực của người Thượng Hải nhằm chống lại quyền bá chủ của tiếng Quan Thoại bằng cách quảng bá ngôn ngữ địa phương của họ thông qua các cuộc thi văn học, cho đến các cuộc "biểu tình giấy trắng " chống lại lệnh phong tỏa theo zero Covid. Nhưng tinh thần phản kháng sự cai trị độc tài ngày càng tăng của Bắc Kinh thể hiện rõ nhất ở Hong Kong. Các cuộc biểu tình năm 2019 đã đưa bản sắc độc đáo của Hong Kong lên hàng đầu, khi ngày càng nhiều người Hong Kong từ chối chấp nhận "bản sắc Trung Quốc" bao trùm trên họ. Các cuộc thăm dò vào thời điểm đó cho thấy có ít hơn 1/10 cư dân Hong Kong xem mình là người Trung Quốc và gần một nửa tự nhận mình chỉ là "người Hong Kong". Sự thay đổi thậm chí còn rõ hơn ở những người trẻ tuổi. Một cuộc thăm dò vào tháng 6/2022 cho thấy 76% người từ 18 đến 30 tuổi xác định mình là người Hong Kong, chỉ có 2% tự nhận mình là người Trung Quốc.

Ngôn ngữ là yếu tố cốt lõi giúp người Hong Kong chống lại những nỗ lực của nhà nước nhằm tái định hình bản sắc thành phố của họ. Thật vậy, như nhà báo Mary Hui đã lưu ý, tiếng Quảng Đông đã trở thành ngôn ngữ phản kháng cốt lõi trong phong trào năm 2019, một cách để người Hong Kong khẳng định bản sắc của họ, tách biệt với bản sắc Trung Quốc, và là cơ sở tạo ra một tập hợp các biểu tượng, cụm từ, và bài hát gắn kết những người nói tiếng Quảng Đông với nhau trong bối cảnh phản đối nhà nước Trung Quốc. Sau sự ra đời của đạo luật an ninh quốc gia năm 2020, một đạo luật sâu rộng nhắm vào các hành vi ly khai và lật đổ, nhưng đang được sử dụng một cách rộng rãi để trấn áp bất ôngnh kiến và phản kháng, những nỗ lực bảo vệ bản sắc Hong Kong thông qua bảo tồn ngôn ngữ của đặc khu đã lan rộng khắp thế giới, với các nhóm nói tiếng Quảng Đông ở Bắc Mỹ và Châu Âu đang nỗ lực quảng bá ngôn ngữ này trong cộng đồng hải ngoại.

Tác động của việc đóng cửa Hiệp hội Học tập Ngôn ngữ Hong Kong rất rõ ràng : tiếng Quảng Đông và các ngôn ngữ không phải tiếng Quan Thoại ở Trung Quốc đã mất đi một tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ, và những người mong muốn thúc đẩy các quyền ngôn ngữ sẽ chùn bước. Tác động của đàn áp ngôn ngữ là rất sâu rộng. Ngôn ngữ là một phần không thể thiếu của con người. Khi một thể chế quyền lực thu hẹp phạm vi và cách thức người ta sử dụng một ngôn ngữ, như nhà nước Trung Quốc đã làm trong thập niên qua, điều đó sẽ bóp nghẹt khả năng của người dân trong việc thể hiện bản thân một cách sâu sắc và toàn diện.

Gina Anne Tam

Nguyên tác : "China’s Language Police", Foreign Affairs, 19/09/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/09/2023

Gina Anne Tam là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Trinity. Bà là tác giả cuốn sách "Dialect and Nationalism in China, 1860–1960".

*************************

Đằng sau cuộc chiến tiếng Quảng Đông-Quan thoại ở Hồng Kông

Gina Anne Tam, Nguyễn Lương Sỹ, Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu quốc tế, 06/09/2016

Năm 2012, Lương Chấn Anh nhậm chức Đặc khu trưởng Hồng Kông sau một chiến dịch gây tranh cãi. Nhờ quy chế "một quốc gia, hai chế độ" đặc thù của Hồng Kông được dàn xếp với Trung Quốc đại lục, ông đã đắc cử vào chức vụ cao nhất của lãnh thổ này không phải bằng một cuộc bỏ phiếu bởi người dân Hồng Kông mà bằng một hội đồng bầu cử gồm 1.200 thành viên được xem là một bè đảng có các ràng buộc kinh tế và chính trị với Bắc Kinh. Những người chỉ trích Lương Chấn Anh trên mạng đặt biệt danh cho ông là "ông 689", chỉ số phiếu thực tế ông nhận được từ nhóm người thân Bắc Kinh so với 3,5 triệu cử tri được đăng ký của thành phố.

quangdong3

Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên thệ trước Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong lễ nhậm chức của chính phủ mới ở Hồng Kông, ngày 1 tháng 7 năm 2012.

Bài phát biểu nhậm chức của ông Lương, được trình bày bằng tiếng Quan Thoại – ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc đại lục – chỉ gióng thêm một cảnh báo nữa cho thành phố này. Đó là lần đầu tiên kể từ khi Hồng Kông được người Anh trao trả vào năm 1997, một Đặc khu trưởng không phát biểu bằng tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ chính của thành phố nơi ông đắc cử làm đại diện. Điều này càng củng cố một niềm tin đang lớn dần ở Hồng Kông rằng ông chẳng khác gì một con rối của Đảng cộng sản.

Tính biểu tượng của khoảnh khắc này không bị người dân Hồng Kông bỏ qua, đặc biệt là với những ai xuống đường hai năm sau đó trong một phong trào được gọi là cuộc Cách mạng Dù. Phong trào này đấu tranh đòi quyền tự trị lớn hơn so với Trung Quốc đại lục, không chỉ về chính trị mà còn về văn hóa, với ngôn ngữ nằm ở trung tâm của cuộc đấu tranh này. Các nhà hoạt động nhấn mạnh tính chính danh của tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ được gần 90% cư dân thành phố sử dụng. Trong suốt cuộc Cách mạng Dù, khắp các con đường ở khu Mong Kok liên tục râm ran ca khúc tiếng Quảng nổi tiếng ở thập niên 1990 "Hải khoát thiên không", được vang lên lặp đi lặp lại từ radio. Các từ lóng tiếng Quảng bao phủ khắp các poster dán đầy trên những bức tường của phố đi bộ ở Quảng trường Kim Chung. Các nhà hoạt động sử dụng từ yuzhe (雨遮), tiếng Quảng có nghĩa là "dù", chứ không phải là từ yusan () trong tiếng Quan Thoi, để đặt tên cho cuc cách mng.

Niềm tự hào về tiếng Quảng và mối quan ngại rõ ràng rằng ngôn ngữ này đang bị đe dọa tiếp tục dẫn dắt văn hóa và chính trị Hồng Kông. Bộ phim độc lập thể loại mạt thế phát hành năm 2015 mang tên "Thập niên", tạo tiếng vang trong giới trẻ đang bất bình của thành phố, đã diễn tả toàn bộ các nỗi âu lo điển hình về tình trạng giám sát và bạo lực của nhà nước. Bộ phim mô tả một Hồng Kông chỉ sau đây một thập niên sẽ bị đại lục kiểm soát : sẽ có những vụ ám sát được dàn xếp nhằm khủng bố tinh thần người dân Hồng Kông buộc phải nghe lời, và trẻ em sẽ được huấn luyện để trở thành những người giám sát bị kiểm soát tư tưởng. Chưa hết, thứ làm khổ sở người dân Hồng Kông nhất là một đạo luật trong phim nghiêm cấm người dân thành phố nói bất cứ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Quan Thoại. Sự cưỡng bức về văn hóa của Bắc Kinh, chứ không chỉ là năng lực giám sát và bạo lực, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Hồng Kong.

Dĩ nhiên, việc sử dụng tiếng Quan Thoại ở Hồng Kông đang ngày càng tăng với tốc độ đáng báo động đối với nhiều cư dân. Hơn một nửa người dân thành phố nói thứ ngôn ngữ này, so với chỉ 30% một thập niên trước. Từ 2012, nó đã vượt qua tiếng Anh để trở thành ngôn ngữ phổ biến thứ hai ở Hồng Kông. Xu hướng đó đang được lèo lái bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều người tạm trú từ đại lục – chẳng hạn như người nhập cư và khách du lịch – và bởi cả mối quan hệ ngày càng khăng khít của chính quyền Hồng Kông với Bắc Kinh.

Sự phản đối chống lại xu hướng đó thỉnh thoảng biểu hiện qua một sự phân biệt nhẹ nhàng, nhưng đôi khi công khai mạnh mẽ. Các video trên Youtube so sánh khách du lịch từ đại lục với những kẻ phá hoại, và những người phản đối thường quay video những du khách người Trung Quốc đại lục có hành vi kém văn minh hoặc đáng xấu hổ. Nhưng dường như nhiều người dân Hồng Kông chỉ lo lắng rằng ngôn ngữ bản địa của họ có thể đang bị đe dọa. Sinh viên tại Đại học Thành thị Hồng Kông đã khước từ thành công yêu cầu của các bạn học đến từ đại lục về việc chuyển ngôn ngữ giảng dạy từ tiếng Quảng sang tiếng Quan Thoại. Các game thủ Hồng Kông đã tẩy chay Nintendo vì bỏ qua tên gọi bằng tiếng Quảng cho Pokemon trong cơ sở dữ liệu trung tâm của nó, và kênh truyền hình địa phương TVB tràn ngập các lời phàn nàn từ người địa phương giận dữ bởi quyết định hủy bỏ chương trình tiếng Quảng. Thỉnh thoảng, sự giận dữ của người dân về ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh đối với Hồng Kông lại bùng phát. Thậm chí hai năm trước khi Phòng trào Dù diễn ra, giáo viên tại Hồng Kông đã xuống đường chỉ trích các đề xuất thay đổi chương trình giảng dạy bởi chính quyền Hồng Kông nhằm thiết lập các lớp học giáo dục công dân trong đó nhấn mạnh tình yêu dành cho Trung Quốc và hệ thống cộng sản độc đảng. Trong những cuộc biểu tình này, giáo viên cũng biểu hiện thái độ thất vọng vì tiếng Quan Thoại đang dần thay thế tiếng Quảng để trở thành ngôn ngữ giảng dạy trong các lớp tiếng Hoa.

Đó là lý do giúp cho thông điệp của Phong trào Dù tiếp tục vang vọng ở Hồng Kông : một phiên bản bản sắc Trung Hoa được Bắc Kinh ủng hộ, trong đó bao gồm cả việc nói tiếng Quan Thoại, không chỉ không thể đại diện được cho bản sắc Trung Hoa – hay gốc gác Trung Quốc của họ – mà còn đe dọa chính bản sắc đó. Thậm chí ngày nay, dù người dân Hồng Kông đang bị chia rẽ về việc nhận diện gốc gác bản thân ra sao, và gần ba phần tư nói rằng họ là người Hoa – nhưng họ hoặc nhận gốc gác của mình là "người Hoa", "người Hoa Hồng Kông", hoặc "người Hoa đến từ Hồng Kông". Nhưng câu hỏi nằm trong tâm trí nhiều nhà hoạt động trong Phong trào Dù đó là thành phố này có thể duy trì bản sắc ngôn ngữ và văn hóa riêng biệt như thế nào trong bối cảnh sự hợp nhất với đại lục sau cùng có thể xảy ra, hoặc liệu họ phải đối mặt với sự đồng hóa về văn hóa hay không. Một vài phần của ý nghĩ đó xuất phát từ việc Hồng Kông đã từng kinh qua chủ nghĩa thực dân, thời kỳ mà họ được trao một số quyền tự trị nhất định. Người Anh cai quản bằng tiếng Anh, nhưng không giống Trung Quốc đại lục, họ không mong muốn đồng hóa, và không cố gắng can thiệp vào sự phát triển văn hóa và xã hội của thành phố này.

Tiếng Quan Thoại và sự phản đối chống lại nó đã có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc từ những năm tháng suy tàn của triều đại nhà Thanh (1644 – 1911). Sau hàng loạt thất bại quân sự nhục nhã hồi giữa thế kỷ 19, giới tinh hoa Trung Quốc tuyệt vọng tìm cách lý giải những hạn chế của chính đất nước mình. Sự cai trị trì trệ bởi giới vua chúa càng làm gia tăng thêm nỗi tuyệt vọng trong tầng lớp tinh hoa, khiến giới quan chức và trí thức băn khoăn liệu hiện đại hóa công nghệ và quân sự có đủ để đẩy Trung Quốc bước vào thế giới hiện đại hay không. Điều này làm họ nhận thức rằng tình trạng lạc hậu của Trung Quốc bắt nguồn từ thứ còn sâu xa hơn : nền văn hóa của nước này.

Vì vậy, ngôn ngữ chính là trung tâm trong công cuộc tái tạo của Trung Quốc. Lúc bấy giờ, người Trung Quốc sử dụng hàng trăm ngôn ngữ địa phương, được gọi là fangyan (phương ngôn), vốn không hề có điểm chung. Bước sang thế kỷ 20, khi sự hỗn loạn chính trị đe dọa xé tan Trung Quốc thành nhiều mảnh, điều đó đã thay đổi. Ngoài việc sáng tạo ra lá cờ quốc gia và đề cao một lịch sử chung của quốc gia, nhà nước (Trung Quốc) bắt đầu khởi xướng một ngôn ngữ quốc gia duy nhất.

Thông qua những ủy ban được nhà nước tài trợ, các học giả đã gặp gỡ nhau trong suốt hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 nhằm sáng tạo và truyền bá ngôn ngữ đó. Trong khi một số người đề xuất Trung Quốc nên theo bước Nhật Bản và áp dụng ngôn ngữ của thủ đô làm chuẩn mực quốc gia, nhiều người khác thúc giục một sự hợp nhất – một thứ ngôn ngữ chứa đựng các đặc trưng âm sắc của các loại tiếng Trung Quốc khác nhau, trong quá khứ và cả hiện tại. Năm 1913, một ủy ban đã đồng thuận về một sự hợp nhất như vậy, nhưng thực tiễn giảng dạy một ngôn ngữ như thế đã chứng minh là không khả thi. Như một trong những người sáng tạo ra thứ ngôn ngữ này đã nói đùa nhiều năm sau đó, "Tôi là người duy nhất sử dụng ‘thứ thổ ngữ ngu ngốc’ (idiolect – chơi chữ giữa idiot và dialect) này, thứ vốn được dự định trở thành ngôn ngữ quốc gia cho bốn, năm hay sáu trăm triệu người sử dụng". Những người mơ mộng về một thứ ngôn ngữ quốc gia bao quát hết tất cả sự đa dạng ngôn ngữ của Trung Quốc đã phải chấp nhận thất bại. Năm 1927, khi Quốc Dân Đảng tiến hành một cuộc viễn chinh lên miền Bắc nhằm đưa toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc vào phạm vi kiểm soát của một chính quyền trung ương, họ đã lựa chọn tiếng Quan Thoại – dựa trên ngôn ngữ được dùng tại Bắc Kinh – làm ngôn ngữ quốc gia. Các ngôn ngữ địa phương khác của Trung Quốc, bao gồm cả tiếng Quảng, được xem là thổ ngữ – một thực thể ngôn ngữ phụ.

Sau năm 1949, tại Trung Quốc của Mao, Đảng cộng sản phán xét mọi tư tưởng và hành vi bằng cách xem chúng có gắn liền với các mục tiêu quốc gia không – và họ xem việc sử dụng ngôn ngữ của Trung Quốc cộng sản là hành động hữu ích và cách mạng. Các sở giáo dục địa phương mời học sinh, giáo viên và quan chức tham gia vào chiến dịch "Truyền bá tiếng Quan Thoại", trong đó họ được tuyên truyền rằng tư duy của họ sẽ được hoàn thiện hơn nếu dùng ngôn ngữ của nước Trung Quốc cách mạng. Một diễn giả tại một trong những sự kiện đó đã tuyên bố rằng, "Tuân theo Đảng (cộng sản) chưa bao giờ là sai lầm. Sử dụng ngôn ngữ quốc gia là tuân theo Đảng". Trong hoàn cảnh như vậy, sử dụng một ngôn ngữ thay thế khác là phản động.

Dĩ nhiên, Hồng Kông phần nào đó đã được che chắn khỏi các chính biến ở Trung Quốc nhờ địa vị là một thuộc địa của Anh. Nhưng họ nhận thức được lịch sử đó, và kể từ khi được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, họ đặc biệt nhạy cảm với sự áp đảo ngôn ngữ quốc gia của Bắc Kinh đối với các phương ngôn. Ví dụ, Pang Ho-cheung (Bành Hạo Tường), một đạo diễn phim người Hồng Kông, đã vô tình trở nên nổi tiếng vài năm trước khi ông đã khăng khăng nói tiếng Quảng Đông tại một hội chợ sách, bất chấp các phóng viên yêu cầu ông nói tiếng Quan Thoại. Cư dân mạng Hồng Kông ca ngợi ông là "bảo vệ chân giá trị" của Miền Nam Trung Quốc, những bình luận ám chỉ rằng việc sử dụng phương ngôn là một hành động chính trị dũng cảm.

Năm 2010, một nhóm người biểu tình đã tụ tập ở Công viên Nhân dân Quảng Đông, hát vang các bài nhạc pop tiếng Quảng và mang áo phông in khẩu hiệu thể hiện niềm tự hào về vùng của mình, chẳng hạn như bài "Hát lời ngợi ca Quảng Đông" (Sing Praises for Canton). Một người đàn ông tự hào giơ một poster ghi "Tôi yêu tiếng Quảng Đông : Tôi không nói tiếng bí đao hầm". Cụm từ "bí đao hầm" (bodonggwa) được sử dụng rộng rãi như tiếng lóng mang tính chế diễu trong tiếng Quảng Đông để nhại từ Putonghua (tiếng Quảng là potongwa) có nghĩa là "phổ thông thoại" (tiếng phổ thông), hay tiếng Quan Thoại.

Việc sử dụng ngôn ngữ mang tính khiêu khích ở cuộc biểu tình này, cũng như với Phong trào Dù về sau, chính là sự phản kháng lại yêu sách ngoan cố của Trung Quốc đại lục về một bản sắc hợp nhất. Bằng việc sử dụng tiếng Quảng Đông, người dân Hồng Kông đã nhấn mạnh rằng bản sắc Trung Quốc vẫn là một vấn đề tranh cãi, một trận chiến mà trong đó nhà nước Trung Quốc và người dân bình thường từ Cáp Nhĩ Tân đến Hồng Kông sẽ phải đấu tranh vì quyền xác định đâu mới là bản sắc Trung Hoa.

Gina Anne Tam

Nguyên tác : "Tongue – Tied in Hong Kong : The Fight for Two Systems and Two Languages", Foreign Affairs, 03/08/2016

Nguyễn Lương Sỹ biên dịch

Lê Hồng Hiệp hiệu đính

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 06/09/2016

Gina Anne Tam là Trợ lý Giáo sư ngành Lịch sử Trung Quốc tại Đại học Trinity. Bà nhận bằng tiến sĩ ở Stanford vào năm 2016, và hiện đang viết một cuốn sách về vai trò của tiếng địa phương trong việc kiến tạo nên Trung Quốc hiện đại.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gina Anne Tam, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nguyễn Lương Sỹ, Lê Hồng Hiệp
Read 930 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)