"Gameshow" Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đã diễn ra đến lần bốn, kết quả vẫn không có gì mới. Ghế ai nấy vẫn còn nguyên. Mặc dù việc lấy phiếu tín nhiệm được tuyên truyền ầm ỉ là lần này đã được trung ương rút kinh nghiệm sâu sắc, thực hiện theo Quy định 96 Bộ Chính trị, định khung xử lý như : "trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn ; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định".
Trình tự lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (Hình từ Internet)
Mạnh hơn nữa còn có khung "Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm" (1).
Đúng là chuyện khó như thế chỉ có Bộ Chính trị mới nghĩ ra được ! Đầu óc bình thường người ta chỉ nghĩ ra được chuyện lấy tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm. Nghĩ ra được ba mức cao, vừa, thấp quả là thông minh tuyệt vời, có chỉ số IQ tuyệt đối. Nhưng nghĩ thêm được khung "trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp" còn cho thấy thể chế của Đảng còn nhân từ, bao dung, khuyến khích quan chức tha hồ bỏ phiếu để bảo vệ nhau.
Thật ra chuyện này không lạ, xét theo góc độ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng trong hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo đó thể hiện rõ nhất thông qua con người và tổ chức. Ngay Quốc hội và các đại biểu cũng do đảng chọn ra để diễn vai bổ nhiệm, miễn nhiệm, luật hóa các ý muộn của đảng. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng thật thà yêu cầu "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật" (2).
Chuyện nhân sự xưa nay là độc quyền của đảng, chưa bao giờ đảng muốn nhả ra cho bất kỳ ai, kể cả Quốc hội. Khi đảng muốn, Quốc hội phải cong đít kéo nhau họp online, offline bất thường để truất phế, miễn nhiệm, bãi nhiệm anh Bảy, anh Ba theo các nghị quyết của Đảng trước đó. Gần đây nhất là các phiên họp bất thường bãi nhiệm Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Nguyễn Xuân Phúc.
Chưa có trường hợp ngược lại trung ương đảng phải truất phế đồng chí A, đồng chí B theo yêu cầu Quốc hội. Chính vì vậy, cho dù có thêm 100 lần lấy phiếu tín nhiệm, sẽ chẳng có ai bị suy suyển sợi lông chân nếu chưa bị đảng đưa tên vào sổ phong thần.
Vì sao người đặt luật chơi cho "Gameshow" này lại tạo ra không khí nhợt nhạt đến mức người dân thờ ơ chẳng mấy ai quan tâm. Phải chăng người đốt lò vĩ đại đã thật sự lú lẫn, mỏi mệt sau ba nhiệm kỳ lãnh tụ tối cao ? E rằng thấy vậy mà không phải vậy ! Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín !
Tôi hoàn toàn đồng cảm với tác giả Vũ Hải Lê qua bài viết trên Blog RFA "Lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội : "Hư chiêu" này phục vụ "thực chiêu" nào ? Tác giả đã cho rằng "thực chiêu" của việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là đòn tung hỏa mù để cho các phe phái so kè ảnh hưởng" (3).
Chính trường nhà sản luôn đoàn kết chặt chẽ đến nỗi nhiều đồng chí đang trên đỉnh cao quyền lực ôm tình đoàn kết ra đi bất ngờ bí ẩn từ Trần Đại Quang, Nguyễn Bá Thanh, Lê Văn Thành, mới nhất là Nguyễn Chí Vịnh. Nhà sản không chấp nhận đa nguyên chính trị, không chia sẻ quyền trị dân, có sức ảnh hưởng tới dân ngay cả với nhà sư, ca sĩ và bóp chết mọi mầm mống ấy từ trong trứng nước. Nhưng bản thân nhà sản luôn là cuộc tranh giành đấu đá triệt tiêu nhau giữa các phe nhóm lợi ích trong thế lực cầm quyền. Các nhóm tranh nhau đủ thứ từ lợi ích sân sau, lãnh đia cai trị mà quan trọng nhất là ngôi vương quyền lực, ghế Tổng bí thư.
Nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ tung độc chiêu vụ án xét lại, chống đảng giam giữ, thanh trừng hàng trăm đối thủ là tướng tá, bộ trưởng, ủy viên trung ương duy trì quyền lực suốt hai thập niên 1960-1970. Thế lực Đỗ Mười, Lê Đức Anh với công cụ siêu quyền lực Tổng cục 2 khi về hưu vẫn khống chế trung ương qua vai trò Cố vấn. Tổng Trọng nhà ta cũng mấy phen nghẹn ngào rơi lệ mới quật ngã đồng chí X và lao tâm, khổ trí giữ ghế đến nhiệm kỳ 3.
Vậy phải chăng cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội không phải để củng cố bộ máy nhà nước mà là hư chiêu trong trận đồ bát quái chính trường nhà sản, ai đó bày ra nhằm hướng đến thực quyền là chiếc ghế quyền lực tối cao ?
Vấn đề là hiện nay nhà sản có mấy phe ? Nếu nhìn vào số ghế ở nhà đỏ thì có hai trung tâm quyền lực đáng gờm là Nghệ An, Hà Tĩnh đều có trên 10 ủy viên trung ương.
Nếu nhìn theo xu thế quyền bính, Vương Đình Huệ đứng đầu nhóm Nghệ An, nắm Quốc hội, có Tổng Trọng bảo kê được nhiều người đồn đoán sẽ kế vị ngôi vương. Phạm Minh Chính đang nắm thực quyền cai trị, có thế lực Thanh Hóa, Quảng Ninh cũng không kém cạnh. Lão tướng Tô Lâm, cánh tay mặt chuyên đốn củi cho lò cụ Tổng, công lao hạng mã so ra hơn Vương Đình Huệ nhiều lần. Thế lực nổi chìm của Tô Lâm đang bao trùm nhiều lĩnh vực. Cuộc đua tam mã đến đích đỉnh cao quyền lực ngày càng lộ rõ. Vương Đình Huệ lép vế trên mặt trận ngoại giao, chỉ được đi du hí các nước lon con nhưng thảnh thơi dùng vai trò quyền lực, giám sát của Quốc hội ngáng chân Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tô Lâm không ngừng khai thác tội phạm vắng mặt Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các góc khuất ở Quảng Ninh.
Nếu tính về vai vế, không xét thực quyền thì chàng trai trẻ ngoan ngoãn, từng thừa lệnh Tổng Trọng ký những văn bản gây thù chuốc oán với nhiều thế lực khác là Võ Văn Thưởng cũng là ứng viên tiềm năng thừa kế ngai vàng.
Theo nguyên tắc bất di bất dịch của cộng sản, đại hội đảng và bầu bán trong đại hội cũng chỉ là màn trình diễn. Ban chấp hành và cả chức Tổng bí thư đều được định đoạt trong các màn đấu đá, dàn xếp thỏa hiệp ở các kỳ họp trung ương trước đó. Vai trò quan trọng nhất là Bộ Chính trị hay chính xác hơn là Tiểu ban nhân sự của khóa trước sẽ quyết định nhân sự cho khóa mới.
Với vai trò Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội khóa 14, việc chọn lựa của Tổng Trọng trước các ứng viên tiềm năng này thật khó khăn. Mỗi ứng viên đều có tiềm lực, thế lực, thực lực để đảm đương vai trò. Ngược lại, mỗi ứng viên đều có gót chân Asin để các đồng chí đối thủ cạnh tranh tận dụng khai thác.
Thực tế cho thấy Nguyễn Phú Trọng luôn tích cực đương đầu với các đối thủ ngang tầm như Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang và ưu ái với lớp trẻ tìm người kế vị rất sớm ngay từ đầu, giữa nhiệm kỳ. Tuy không công bố chính thức, công khai nhưng qua cách phân công, bổ nhiệm và ưu ái quyền lực, người ta thấy nhiều ứng cử viên từng đặt một chân lên ngôi hoàng đế : Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng… Nhưng rất tiếc, do lý do khách quan, các ứng viên chưa đủ uy tín, chưa đủ tầm hoặc bộc lộ điểm yếu, sai sót nên bị rớt đài. Ông Trọng buộc lòng phải thành trường hợp đặc biệt quá tuổi, bị đảng tín nhiệm phải ngồi lại ghế Tổng bí thư thêm hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Báo Tuổi trẻ có thống kê thú vị "Kết quả 4 đợt lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội" vào các năm 2023, 2018, 2014 và 2013 với từng chức danh (4).
Ấn tượng mạnh nhất là số phiếu tín nhiệm thấp của tất cả các chức danh trong lần này giảm thấp hơn nhiều lần so với năm 2013. Năm 2013 có 8 chức danh trên 100 phiếu tín nhiệm thấp, tất cả đều trong phe chính phủ. Năm 2023 này, chức danh tín nhiệm thấp nhiều nhất chỉ có 72 phiếu. Rất nhiều chức danh tín nhiệm thấp chỉ có 1 con số. Phải chăng chính phủ khóa này làm việc tốt hơn hay Quốc hội khóa này tín nhiệm Chính phủ cao hơn ?
Một ấn tượng khác là trong cả bốn cuộc lấy phiếu, tỷ lệ tín nhiệm cao của các chức danh thuộc về Quốc hội đều cao chót vót trên 90%.
Điều này cho thấy "Gameshow" kết quả lấy phiếu tín nhiệm có luật, có tác động ngầm ngoài luật chơi nhà cái.
Trong lần này, khoảng cách số phiếu tín nhiệm cao giữa bộ ba ứng cử viên kế vị có khoảng cách khá xa. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với 437 phiếu (gần 91%) và Thủ tướng Phạm Minh Chính với 373 phiếu (khoảng 77%). Bộ trưởng Công an Tô Lâm 329 phiếu đạt mức 68%. Con số này không ảnh hưởng đến chức vụ từng người nhưng khi đem ra so sánh để lựa chọn thì khoảng cách ấy có ý nghĩa nhất định. Khoảng cách ấy càng kích thích sự nổ lực cạnh tranh để cân bằng và gia tăng khoảng cách.
Thời gian từ nay đến đại hội 14 còn xa, cuộc đua tam mã sẽ càng gay gắt, 30 chưa phải là tết, đâu ai biết việc gì sẽ xảy ra.
Theo kinh nghiệm lịch sử từ đảng đàn anh, Mao Trạch Đông phải làm Chủ tịch tới hơi thở cuối cùng vì đám đàn em kế cận cứ trong thế quần ngư tranh thực !
Biết đâu rằng dù hết sức công tâm lựa chọn, bồi dưỡng nhưng do khách quan, bác Cả nhà ta lại tiếp tục phải hy sinh cống hiến cho đảng thêm một nhiệm kỳ ?
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 30/10/2023
1. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/q...
2. https://vneconomy.vn/chu-tich-quoc-hoi-phai-ban-de-ra-duoc-luat-dac-khu.htm
3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/national-assembly-votes...
4. https://tuoitre.vn/ket-qua-4-dot-lay-phieu-tin-nhiem-tai-quoc-hoi/202310...