"Để phục hồi và phát triển kinh tế thì tiền là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn tiền là thể chế".
Một phiên họp Quốc hội Pháp tại Paris - Ảnh minh họa
Quốc hội Việt Nam tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024 cùng với việc đánh giá việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội giữa nhiệm kỳ, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn thành phố Hà Nội) dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy nền kinh tế vẫn đang khó khăn. "Để phục hồi và phát triển kinh tế thì tiền là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn tiền là thể chế", ông Lộc nói.
Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn "thể chế tồi thì có tiền chúng ta cũng không tiêu được". Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc – người từng có thời gian dài là Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính - điều mà theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp đang trở nên nặng nề hơn trong mấy năm qua.
"Phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện. Đồng thời, phải gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp", ông Vũ Tiến Lộc nhấn rõ.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn tỉnh Cà Mau) hình tượng : "Việc các ngành, địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy chiếc áo cơ chế của chúng ta đã quá chật hẹp. Cho nên, cần rà soát đồng bộ để may chiếc áo mới thay vì vá víu, thay từng cúc áo một".
Từ cách diễn giải từ hai vị đại biểu trên cho thấy "thể chế" cần thay đổi ở đây đó là "thể chế chính trị".
Thể chế là thuật ngữ thường được sử dụng trong chính trị. Thể chế chính trị có thể được hiểu là hình thức chế độ, tư tưởng chính trị mà quốc gia đó đã lựa chọn thực hiện. Thể chế chính trị biểu hiện ở hệ thống pháp luật, bộ máy quản lý hành chính nhà nước, cách thức tổ chức, thực hiện các chính sách pháp luật, đường lối đối nội đối ngoại của mỗi quốc gia.
Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn cho mình thể chế chính trị riêng biệt, phù hợp với khả năng, năng lực của mình. Tại Việt Nam, thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là thể chế đang được áp dụng thực hiện.
Các tổ chức cấu tạo nên bộ máy chính trị hiện nay ở Việt Nam theo Hiến pháp 2013 bao gồm : Đảng cộng sản Việt Nam ; Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ; Hội Nông dân Việt Nam ; Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Phía Tuyên giáo Đảng lâu nay vẫn đưa ra lập luận sau đây cho cách hiểu "thể chế" : Đường lối, chủ trương của Đảng được coi là định hướng chính trị cho hoạt động của toàn bộ máy Nhà nước. Trong đó, việc áp dụng những nội dung này như thế nào và hiện thực hóa nó ra sao được gọi là "thể chế".
Thuật ngữ "thể chế hóa" được sử dụng lần đầu trong Văn kiện Đại hội V của Đảng.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội đã khẳng định : Cơ chế "Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý đã được thể chế hóa trong Hiến pháp…". Đến Đại hội VI, thuật ngữ "thể chế hóa" được sử dụng khái quát hơn, thể hiện quan điểm mới của Đảng về pháp luật thời kỳ đổi mới : "Pháp luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuân theo pháp luật là chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng".
Quan điểm mới của Đảng về pháp luật tiếp tục được khẳng định qua các Đại hội Đảng.
Như vậy từ tóm lược nêu trên cho thấy yêu cầu "áo mới" cho thể chế, có lẽ phải chờ đợi nhiệm kỳ mới của Đảng, khi ấy tùy thuộc vào tân Tổng bí thư mà "áo mới" này sẽ được may với chất liệu, phụ kiện ra sao để có độ bền mà không phải cứ mãi "vá víu, thay từng cúc áo một" như các nhiệm kỳ gần đây của Đảng.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 03/11/2023