Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/11/2023

Vụ Formosa Hà Tĩnh : Diane Wilson đòi công lý cho người dân miền Trung

Nancy Bui, Nguyễn Văn Hùng, RFA

Bảy năm sau thảm họa Formosa Hà Tĩnh, người dân vẫn còn sợ hãi khi kiện Formosa

Nancy Bui, Nguyễn Văn Hùng, RFA, 08/11/2023

Đã bước sang ngày thứ chín bà Diane Wilson, Khôi nguyên Giải Môi trường Goldman 2023, thực hiện cuộc tuyệt thực  ngay trước nhà máy của Tập đoàn Formosa ở Texas, Hoa Kỳ để yêu cầu Formosa đền bù trực tiếp cho nạn nhân Việt Nam trong vụ "thảm họa môi trường 2016" do Formosa gây ra.

forrmosa1

Bà Diane Wilson trong ngày tuyệt thực thứ 8, ngày 7/11/2023 - Ảnh Nancy Bùi

Bà Nancy Bùi, đại diện Hội Công lý cho nạn nhân Formosa, trong ngày 7/11 cho RFA biết bác sỹ gia đình của bà Diane Wilson đã đến khám sức khỏe cho bà trong cùng ngày và thông báo sức khỏe bà Diane Wilson bị suy giảm, có dấu hiệu tăng huyết áp. Bác sỹ cũng đưa ra yêu cầu bà phải được chăm sóc y tế. Trong khi đó, suốt chín ngày qua, Formosa vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào theo yêu cầu của bà Diane Wilson. 

Liên quan đến vụ kiện này, bà Nancy Bùi cho biết, các các nạn nhân của thảm họa môi trường năm 2016 do nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải đã theo đuổi vụ kiện Formosa ở Đài Loan từ tháng 6 năm 2019 đến nay. Và, trong suốt quá trình đó nhiều khó khăn đã xảy ra.

Nhằm cập nhật những diễn biến về vụ kiện này ở Đài Bắc, RFA đã có cuộc trao đổi với bà Nancy Bùi, đại diện Hội Công lý cho nạn nhân Formosa, và Linh mục Nguyễn Văn Hùng - người tham gia hỗ trợ cho vụ kiện tại Đài Loan của các nạn nhân Formosa Việt Nam.

Trước đó, hôm 6/11/2023, RFA cũng đã gửi tới Ban điều hành Formosa ở Đài Loan thông qua cổng thông tin điện tử của công ty này một loạt câu hỏi liên quan đến cuộc tuyệt thực của bà Diane Wilon và vụ kiện của các nạn nhân Formosa ở Việt Nam nhưng chưa nhận được câu trả lời. 

RFA : Có ý kiến nói nguyên đơn của vụ kiện đang bị bế tắc. Xin bà Nancy và Linh mục Hùng cho biết những khó khăn hiện nay phía nguyên đơn gặp phải khi theo đuổi vụ kiện này.

Nancy Bùi : Phía Formosa có một luật sư rất giỏi, từng là thẩm phán ở Đài Loan. Theo luật pháp Đài Loan, khi vụ án có liên quan đến người ngoại quốc thì có quyền đòi hỏi bên nguyên đơn phải có giấy công chứng xác nhận thân phận. Ông ấy tư vấn cho Formosa đòi hỏi nạn nhân điều đó. Ông ấy biết là ở Việt Nam việ việc làm công chứng xác nhận thân nhân khá phức tạp. Nếu như ở Mỹ thì chỉ cần một người có con dấu được phép công chứng là xong. Nhưng ở Việt Nam, để công chứng thân nhân cho các hồ sơ nước ngoài thì cần đến chính quyền. Trước tiên họ phải xác nhận ở xã, rồi lên cơ quan an ninh trên bộ. Vụ việc liên quan đến Đài Loan nên còn phải đến Phòng Kinh tế Văn hóa Đài Loan ở Việt Nam. Làm những điều đó ở Việt Nam sẽ bị lộ thân phận hết. Kiện ở Việt Nam còn không được phép, làm sao người ta cho phép kiện ở Đài Loan ?

Cuối cùng, nhờ có một lá thư của các nghị sỹ quốc hội gửi cho Chính phủ Đài Loan mà cuối cùng Bộ Ngoại giao Đài Loan đã can thiệp. Họ cho phép phía nguyên đơn có thể đơn giản hóa một số thủ tục.

Nguyễn Văn Hùng : Tòa án yêu cầu cần có các giấy tờ pháp lý dịch ra tiếng Hoa và đi công chứng ở các cơ quan nhà nước Việt Nam, nộp cho Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Đài Loan ở Việt Nam. Chúng tôi đã trình bày cho các khó khăn đó cho các vị dân biểu Đài Loan và sau đó Bộ Ngoại giao Đài Loan đã nỗ lực để đơn giản hóa một chút thủ tục. 

Họ cũng yêu cầu có thể phải có một số văn bản pháp lý ở Việt Nam nữa và phải dịch sang tiếng Anh, được công chứng tại Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Đài Loan ở Việt Nam. Một số nguyên đơn đã làm được việc đó. Tuy nhiên, những yêu cầu đó gây ra nhiều khó khăn cho các nạn nhân ở vùng bị thiệt hại. 

Khó khăn thứ nhất là tâm lý sợ hãi của người dân trước sự đàn áp bắt bớ của nhà nước Việt Nam. Khó khăn thứ hai là họ là những người dân rất bình dân, họ khó khăn khi thực hiện các thủ tục giấy tờ. 

RFA : Vậy những khó khăn nêu trên đã được tháo gỡ đến đâu, tính đến thời điểm này ?

Nancy Bùi : Mặc dù thủ tục đã được phép đơn giản hơn nhưng bây giờ các nạn nhân vẫn cần phải làm xong thủ tục hồ sơ thân nhân theo yêu cầu của tòa án. Khi phía nguyên đơn hoàn tất được việc này thì vụ án sẽ tiếp tục. Con số nạn nhân bên nguyên đơn khá lớn, lên tới 7875 người, nên vẫn cần thêm thời gian chờ đợi. 

Tối cao Pháp viện Đài Loan đã cho phép kiện tại Đài Loan mặc dù vụ việc xảy ra ở Việt Nam. Các luật sư Đài Loan cho biết đây là điều chưa từng có tiền lệ. Đó là một đầu mối đã được gỡ. Hi vọng sau khi tháo gỡ hết các khó khăn thì vụ kiện sẽ tiếp tục có diễn biến mới. 

Nguyễn Văn Hùng : Hiện nay, những lo lắng của các nạn nhân càng ngày càng lớn hơn. Do thời gian qua, các cơ quan an ninh Việt Nam đã đi hạch hỏi, gây áp lực với những người mà không rõ vì lí do gì mà họ phát hiện ra việc công chứng giấy tờ này. 

RFA : Đài Loan hiện nằm ở tâm điểm của cuộc cạnh tranh Mỹ Trung. Đảng Dân Tiến cầm quyền hiện gặp nhiều khó khăn trên chính trường. Những tình huống chính trị như trên có ảnh hưởng bất lợi gì cho ngư dân Việt Nam trong vụ kiện này không ?

Nguyễn Văn Hùng : Sau hơn 30 năm làm việc ở Đài Loan, tôi nhận ra sự lành mạnh trong sự vận hành quốc gia của Đài Loan. Đó là sự độc lập của tòa án và ngành tư pháp. Họ rất độc lập trong xét xử. Tôi không thấy có áp lực nào của bên hành pháp để ảnh hưởng đến quyết định của bên tư pháp. Vì vậy, tôi chưa thấy những căng thẳng giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ và việc vận động tranh cử tổng thống ở Đài Loan hiện nay ảnh hưởng gì tới quá trình thưa kiện của các nguyên đơn, quá trình tòa điều tra và xem xét vụ án này. 

Công tâm mà nói, tôi cho rằng Bộ Ngoại giao Đài Loan nên nỗ lực để đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục theo như yêu cầu của bên tư pháp để giúp cho các nạn nhân có thể hoàn tất thủ tục dễ dàng hơn. 

Đó là một trong những nỗ lực chúng tôi sẽ cố gắng vận động trong thời gian sắp tới. Ở Đài Loan, dù có căng thẳng và khó khăn trong quá trình vận động bầu cử tổng thống và cạnh tranh Mỹ Trung, nhưng nếu vụ án được tiến hành suôn sẻ, đem lại công lý cho nạn nhân thì đó sẽ là một điểm son cho Đài Loan. Vì đây là một án chưa có tiền lệ ở Đài Loan. Việc Tối cao Pháp viện Đài Loan thụ lý hồ sơ đã là một điểm rất tốt của Đài Loan. Điều này hoàn toàn không phải do bên lập pháp hay hành pháp áp lực gì cả. Tòa án Đài Loan quyết định như vậy dựa trên việc xem xét hồ sơ mà các nạn nhân nộp cho họ. 

RFA : Nhà nước Việt Nam có phản ứng thế nào với vụ kiện Formosa ở Đài Loan ?

Nguyễn Văn Hùng : Từ 2016, khi thảm họa xảy ra, đến nay là một thời gian rất dài. Nhà nước Việt Nam đã làm gì cho các nạn nhân trong thời gian đó ? Điều duy nhất mà Chính phủ Việt Nam làm là làm việc với Formosa lấy nửa tỷ đô la. Đồng thời, vì áp lực dư luận mà bắt Formosa làm một số thủ tục để giải quyết vấn đề xả thải. Ngoài hai việc đó ra, tôi chưa thấy Chính phủ Việt Nam làm gì khác cho các nạn nhân. Việc lấy xong nửa tỷ đô la rồi phân phố, xử dụng ra sao thì không ai biết cả. 

Thứ hai, việc bắt công ty Formosa xử lý xả thải thì đến giờ phút này tôi chưa thấy công bố Formosa phải thực hiện những gì, và họ đã thực hiện những bước nào. Tôi chưa thấy tổ chức quốc tế nào được khảo sát để thẩm định, đánh giá việc xử lý xả thải của Formosa. Theo tôi, hằng năm, hoặc mỗi sáu tháng, cần có những báo cáo dựa trên khảo sát để thẩm định mức độ an toàn của khu vực đã xảy ra thảm họa. 

Về phía nạn nhân, Chính phủ Việt Nam thay vì giúp nạn nhân đòi công lý thì lại từ chối xét xử vụ kiện này ở Việt Nam. Thứ hai là Chính phủ đã đàn áp những người lên tiếng đòi công lý cho nạn nhân Formosa. Ít nhất có 24 người đã vô tù vì họ đã lên tiếng cho các nạn nhân Formosa, trong đó có chị Phạm Đoan Trang, Trần Thị Xuân, em Nguyễn Văn Hóa, anh Hoàng Bình, và nhiều tù nhân lương tâm khác. Những ai đòi quyền lợi cho nạn nhân của Formosa đều bị liệt kê vào thành phần gọi là "chống đối nhà nước". 

Nancy Bùi : Năm 2016, khi thảm họa môi trường xảy ra, hầu hết các hội đoàn người Việt ở hải ngoại thấy Chính phủ và Formosa không giúp đỡ người dân của mình thì chúng tôi quyên tiền gửi về cho người dân có gạo ăn và một số nhu cầu thiết yếu. Sau một thời gian, chúng tôi thấy họ tìm cách che giấu việc đền bù, họ cũng tìm cách từ chối, họ làm như người dân không có quyền đi kiện Formosa. Hơn nữa khi đó chúng tôi thấy người dân trong nước khi đi kiện, và cả những người giúp đỡ họ đi kiện, đã bị đánh đập rồi bỏ tù. Theo tôi nhớ thì gần 50 người đã phải vào tù. Chúng tôi thấy điều đó quá bất nhẫn. Tại sao Chính phủ lại đối xử với con dân của mình trong khi một công ty ngoại quốc làm ăn sai trái, đến đất nước mình làm những điều kinh khủng như vậy.

RFA : Truyền thông Đài Loan nói gì về cuộc đấu tranh tuyệt thực hiện nay của bà Diane Wilson ?

Nguyễn Văn Hùng : Tôi có cơ may gặp bà Diane Wilson khi bà đến Đài Bắc để tham gia một sự kiện của đại hội cổ đông Formosa. Khi đó bà Diane đã đặt vấn đề Formosa phải đền bù cho nạn nhân Việt Nam. 

Tôi có ghi danh tham gia tuyệt thực 2 ngày cùng bà Diane, để tri ân bà vì bà đã đấu tranh cho nạn nhân Việt Nam. 

Formosa biết cuộc tuyệt thực toàn cầu của bà Diane Wilson. Ban tổ chức cuộc tuyệt thực toàn cầu này đã gửi công văn thông báo cho tập đoàn Formosa ở Đài Loan. Các luật sư Đài Loan hỗ trợ cho vụ kiện của các nạn nhân đã ra một thông cáo báo chí về sự kiện này. Tôi nghĩ trong những ngày tới sẽ có nhiều bản tin trên truyền thông Đài Loan về cuộc tuyệt thực của bà Diane Wilson. 

Chúng tôi không biết Formosa sẽ làm gì. Nhưng chúng tôi không chờ Formosa làm gì. Tôi nghĩ là người Việt Nam thì chúng tôi cần lên tiếng cho người dân nước mình. 

Tôi nghĩ chúng ta cần lên tiếng để hỗ trợ cho bà Diane. Đồng bào ở gần đó thì nên đến thăm bà để hỗ trợ cho bà, liên lạc với các nghị sỹ, dân biểu ở địa phương để cho họ biết. Nếu khắp thế giới càng có nhiều người biết về sự kiện này thì tiếng nói của các nạn nhân càng được lắng nghe nhiều hơn. 

RFA : RFA xin cảm ơn bà Nancy Bùi và Linh mục Nguyễn Văn Hùng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

***********************

Hội Công lý cho nạn nhân Formosa : "Chúng tôi tin rằng hiện nay Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục xả thải ra biển"

RFA, 08/11/2023

Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục xả thải ra biển kể từ sau thảm họa Formosa 2016. Muốn biết người dân nơi đây đã phải gánh chịu hậu quả ra sao, cần phải có nghiên cứu độc lập. Đó là khẳng định của bà Nancy Bùi - Hội Công lý cho nạn nhân Formosa.

forrmosa2

Khôi nguyên Giải Môi trường Diane Wilson đang tuyệt thực trước Formosa Texas từ ngày 31/10/2023 để ủng hộ vụ kiện ở Đài Loan của nạn nhân Formosa Hà Tĩnh. Photo : RFA

Tiếp theo phần trước, mời quý vị tiếp tục theo dõi bài phỏng vấn sau của RFA với bà Nancy Bùi và Linh mục Nguyễn Văn Hùng. Để biết thêm chi tiết, quý khán thính giả có thể theo dõi cuộc phỏng vấn bà Diane Wilson

RFA : Có ý kiến cho rằng Formosa đã nộp cho Nhà nước Việt Nam nửa tỷ USD tiền đền bù cho những thiệt hại do thảm họa môi trường 2016 gây ra, vậy liệu có cơ sở pháp lý để đòi hỏi Formosa tiếp tục trả tiền cho nạn nhân là người dân hay không ?

Nancy Bùi : Không chỉ riêng tôi mà các luật sư và nhiều người khác cũng cho rằng bên gây hại có trách nhiệm đền bù trực tiếp cho bên thiệt hại. Nếu bên gây hại đưa tiền cho bên thứ ba, nhờ bên thứ ba này đưa tiền cho bên bên bị thiệt hại mà bên thứ ba này không đưa lại tiền cho nạn nhân thì đó là mối quan hệ giữa bên gây hại và bên thứ ba kia. Điều đó không hủy bỏ được trách nhiệm của bên gây hại với nạn nhân. 

Nhà nước Việt Nam có đưa ra một số thông tin rời rạc, chỗ này chi bao nhiêu tiền, chỗ kia chi bao nhiêu tiền, nhưng những con số đó không đầy đủ, không cho thấy bức tranh tổng thể là nửa tỉ đô la đó chi cho ai, vào việc gì. 

Có rất nhiều tiếng nói than phiền về vấn đề là có những người dân không nhận được đồng đền bù nào, hoặc có người được nhận nhưng rất ít so với thiệt hại. Đối với những người được đền bù, tính trung bình thì nhận được khoảng 740 USD nếu quy đổi sang tiền đô la. Trong đó, có những người mất cả nghề nghiệp. Hoặc có cơ sở kinh doanh sản xuất lưới đánh cá hàng tháng họ kiếm được khoảng 3 ngàn USD hàng tháng nếu quy đổi ra đô la nhưng tổng số tiền họ nhận được chỉ là 3 ngàn USD. Đó là chưa kể đến chi phí để làm sạch vùng biển đó, những người bị bệnh tật do ảnh hưởng từ ô nhiễm. 

Đó chỉ là một cái nhìn tổng quát dựa vào những thông tin rời rạc có được chứ chưa có một nghiên cứu nào để xác định tương đối toàn diện tổng những thiệt hại do thảm họa môi trường đó gây ra. 

Nguyễn Văn Hùng : Có ba vấn đề. Thứ nhất là việc đền bù phải được thực hiện trực tiếp giữa bên gây hại và bên bị thiệt hại. Nếu bên gây hại nhờ bên thứ ba nhận tiền mà bên thứ ba không trao lại cho bên bị thiệt hại đầy đủ và như bên bị thiệt hại mong muốn thì đó là vấn đề giữa bên gây hại và bên thứ ba. Bên bị thiệt hại vẫn có quyền khởi kiện để yêu cầu bên gây hại thực hiện nghĩa vụ đền bù trực tiếp cho mình. 

Thứ hai là Nhà nước Việt Nam khi làm việc với Formosa chưa bao giờ hỏi nạn nhân là họ muốn gì trong việc nhận bồi thường. Nạn nhân cũng chưa bao giờ ủy quyền cho Nhà nước Việt Nam nhận thay tiền đền bù. 

Thứ ba là sự bồi thường phải dựa trên hậu quả của sự thiệt hại. Chưa có một nghiên cứu nào để xác minh tổng thể các thiệt hại do thảm họa gây ra và Formosa phải bồi thường bao nhiêu. 

Vì những lý do trên, chúng tôi giúp cho nạn nhân đòi công lý trực tiếp từ bên gây hại là công ty Formosa chứ không phải là nhà nước Việt Nam. 

RFA : Về Hội Công lý cho nạn nhân Formosa, xin cho biết trong vụ kiện này, Hội có tư cách pháp lý kiện Formosa ở Đài Loan không ?

Nancy Bùi : Chúng tôi không kiện ai cả mà chúng tôi giúp nạn nhân kiện. Nạn nhân là nguyên đơn, còn công ty Formosa là bị đơn. Riêng hội thì giúp nguyên đơn về vấn đề hồ sơ, thuê mướn luật sư, tìm các dữ kiện cần thiết để chứng minh trước tòa về những thiệt hại một cách khoa học. Tổng cộng có 7874 nguyên đơn là các nạn nhân tham gia kiện Formosa. 

Về sự tham gia của Hội vào vụ kiện thì năm 2016, khi thảm họa môi trường xảy ra, nhiều hội đoàn người Việt ở hải ngoại đã quyên tiền gửi về cho người dân có gạo ăn và một số nhu cầu thiết yếu. Sau đó Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, người trông coi giáo phận vùng Hà Tĩnh khi đó, ra ngoại quốc để nói chuyện với cộng đồng người Việt hải ngoại, những tổ chức nhân quyền, môi trường quốc tế để đề nghị giúp cho người dân bị khốn khổ. Lúc Đức Giám mục đi vận động ở Seatle, gặp chúng tôi ở đó, ngài nói xin anh chị hải ngoại giúp đồng bào trong nước vì họ không có con đường nào. Chúng tôi về họp lại và quyết định giúp Đức Cha và người dân. Từ đó, chúng tôi đã gặp các nhóm luật sư về môi trường và nhân quyền ở Hoa Kỳ, Đài Loan và Canada. Nhóm luật sư Canada là chuyên về nhân quyền. Các luật sư tư vấn là cần kiện Formosa để đòi hỏi họ làm sạch môi trường biển như trước và đền bù trực tiếp cho ngư dân. Chúng tôi cũng yêu cầu phải có những cuộc khảo sát để bảo đảm là những ô nhiễm đó đã được làm sạch và bảo đảm trong tương lai không còn thảm họa tương tự xảy ra nữa. 

RFA : Xin cho biết khả năng tìm bằng chứng về trách nhiệm của Formosa trong thảm họa môi trường ở miền Trung Việt Nam năm 2016. Formosa sau đó có làm gì để giảm thiểu việc xả thải độc hại với môi trường hay không ?

Nancy Bùi : Chính phủ Việt Nam coi đây là vấn đề an ninh quốc gia nên không công bố đầy đủ kết quả điều tra. Có một số nhà khoa học ngoại quốc ở Đức, Nhật và trong nước đã đưa ra kết quả nghiên cứu cho rằng Formosa là thủ phạm của vụ này. Bản thân Formosa đã công khai trước công luận là họ phạm lỗi, họ xin nhận lỗi, họ đã nộp tiền phạt hoặc đền bù cho Nhà nước Việt Nam. Do đó, việc chứng minh Formosa phạm lỗi không phải là việc khó khăn. 

Chúng tôi tin rằng hiện nay Formosa vẫn tiếp tục xả thải ra biển vì cá không còn trở về, hoặc về rất ít, không đủ để ngư dân duy trì thu nhập như trước đây. Do đó, biển miền Trung trước đây bị hại và bây giờ vẫn tiếp tục bị hại. Bị hại nhiều hay ít thế nào thì đòi hỏi phải có nghiên cứu độc lập để biết rõ. 

Trong vụ việc Formosa ở Texas, Mỹ, xả thải ra vịnh, tòa án Mỹ đã tuyên Formosa đền bù cho ngư dân 50 triệu USD để họ lập hợp tác xã, khôi phục sinh kế. Ngoài ra còn có một bản án gắt gao là nếu Formosa còn xả thải ra biển thì cứ mỗi một viên hạt nhựa ra biển sẽ phải nộp phạt 15 ngàn USD cho năm đầu tiên, 25 ngàn USD cho năm thứ 2 và 35 ngàn USD cho năm thứ 3. Từ cuối 2019 đến nay thì họ vẫn xả thải một phần và bị phạt tới 13 triệu USD. Formosa Taxas có công nghệ tiên tiến hơn Formosa Hà Tĩnh. Ở Mỹ có tòa án độc lập, việc thực thi pháp luật nghiêm minh, các hội đoàn xã hội rất mạnh mà họ vẫn còn xả thải như vậy thì thử hỏi ở Việt Nam có cách nào để Formosa không làm ?

RFA : RFA xin cảm ơn bà Nancy Bùi và Linh mục Nguyễn Văn Hùng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 08/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nancy Bui, Nguyễn Văn Hùng, RFA
Read 207 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)