Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/11/2023

Biển Đông : Bắc Kinh đi sai nước cờ

Thu Hằng

Chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông đẩy Philippines và Nhật Bản thắt chặt hợp tác

Chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông đang thúc đẩy Philippines và Nhật Bản thắt chặt hợp tác. Cụ thể, Philippines đã trở thành nước đối tác đầu tiên của Nhật Bản trong khuôn khổ Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (Official Security Assistance, OSA). Tokyo chuyển giao cho Manila hệ thống radar cố định, được đặt dọc theo bờ biển Philippines. Ngoài ra, hai nước cũng khởi động đàm phán về Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) để tăng cường hợp tác quân sự.

chine1

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện Philippines ngày 04/11/2023. via Reuters - Pool

Philippines : Nước thụ hưởng đầu tiên trong Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức

Hệ thống radar giám sát tầm xa trị giá 600 triệu yen sẽ giúp Hải Quân Philippines theo dõi bờ biển trong bối cảnh cả hai nước "quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông", cùng với "ý đồ dùng vũ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng", dù không nêu đích danh Trung Quốc.

Trong trường hợp Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) được đúc kết, Nhật Bản sẽ được phép triển khai quân, tiếp cận các căn cứ quân sự và vận chuyển thiết bị cho Philippines. Báo mạng Singapore The Strait Times nhắc lại cho đến nay mới chỉ có Hoa Kỳ được hưởng quy chế như vậy nhờ Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) ký với với Manila năm 1998.

Tổng thống Marcos Jr. không che giấu "những lợi ích không chỉ đối với lực lượng quốc phòng" của Philippines, mà còn "cho cả việc duy trì hòa bình và ổn định ở trong vùng". Nhật Bản và Philippines đều nằm gần Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền và vẫn đe dọa là nếu cần sẽ dùng vũ lực để thống nhất với Hoa lục. Do vị trí địa lý, Philippines trở thành một đồng minh chiến lược đối với Mỹ và Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc hoặc Bắc Kinh tấn công vũ trang ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Những hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng đã thúc đẩy Washington, Tokyo và Manila thắt chặt hợp tác an ninh ba bên, đặc biệt là "để bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông". Nếu như vào tháng 03/2023, quân đội Nhật Bản chỉ quan sát Mỹ-Philippines tập trận chung, thì đến tháng 6, lần đầu tiên lực lượng tuần duyên Philippines và Nhật Bản đã thao dượt chung. Thông qua hoạt động đó, "Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần tăng cường năng lực quốc phòng của Philippines và đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực", theo phát biểu của thủ tướng Kishida.

Quan hệ Nhật Bản - Philippines bước vào "thời kỳ vàng son"

Trong hai ngày công du Manila (03-04/11) của thủ tướng Nhật Bản, đã có nhiều tuyên bố và hoạt động khẳng định "đỉnh cao" của mối quan hệ song phương. Ông Fumio Kishida cũng là lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên được vinh dự phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện Philippines. Hai nước cũng ký nhiều thỏa thuận hợp tác về đối phó thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch và thương mại. "Mối quan hệ tuyệt vời giữa Nhật Bản và Philippines" bước vào "thời kỳ vàng son", theo phát biểu của thủ tướng Fumio Kishida trước Quốc Hội lưỡng viện Philippines.

Tuy nhiên, việc Philippines và Nhật Bản xích lại gần nhau không phải là bất ngờ đối với nhà phân tích địa-chính trị Dindo Manhit, chủ tịch Viện Stratbase ADR ở Manila. Nhật Bản có rất nhiều chương trình viện trợ phát triển và tăng cường năng lực hàng hải dân sự cho Philippines, ví dụ như cung cấp 12 tầu tuần tra cho hải cảnh Philippines trong hai thập niên gần đây, tuyển dụng nhiều lao động Philippines, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Theo ông Dindo Manhit, đây là "thời điểm thuận lợi để nâng cấp mối quan hệ đối tác lên một tầm cao mới nhờ quan hệ hợp tác an ninh mạnh mẽ hơn".

Nhà phân tích Don McLain Gill, giảng viên Đại học De La Salle ở Manila, cho rằng việc mở rộng quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Philippines cũng phản ánh chiến lược đối ngoại của Tokyo nhằm viện trợ cho "những nước có chung lý tưởng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương", qua đó "thể hiện cam kết giữ vai trò lớn hơn với tư cách là một đối tác an ninh".

Năm 2023, Nhật Bản chọn bốn nước là Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji trong khuôn khổ Viện trợ An ninh Chính thức (OSA). Đến năm 2024, sẽ có sáu nước nhận được viện trợ từ chương trình này, gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 09/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 295 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)