Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/11/2023

Tham vọng đất hiếm của Việt Nam : Động lực kinh tế và chiến lược

Lê Hồng Hiệp

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai  thế giới sau Trung Quốc, với ước tính khoảng 22 triệu tấn, chiếm khoảng 19%  trữ lượng được biết đến của thế giới. Tuy nhiên, bất chấp nhiều nỗ lực nhằm phát triển ngành đất hiếm, bao gồm cả việc hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản vào đầu những năm 2010, vẫn chưa có nhiều tiến triển và Việt Nam vẫn chưa triển khai thành công ngành đất hiếm của mình.

dathiem01

Theo quy hoạch, tổng sản lượng khai thác giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 sẽ đạt khoảng 2,112 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Nhưng mọi thứ dường như đang thay đổi nhanh chóng. Vào tháng 7, Chính phủ Việt Nam đã công bố quy hoạch tổng thể ngành khoáng sản với mục tiêu khai thác và chế biến hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm vào năm 2030 và sản xuất 60.000 tấn oxit đất hiếm mỗi năm. Ngày 18/10, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức một hội thảo bàn về phát triển ngành đất hiếm. Việt Nam cũng đã lên kế hoạch đấu giá quyền khai thác một số khu vực ở Đông Pao, mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước, trước cuối năm nay.

Không giống như các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên khác như dầu khí hay than đá, ngành đất hiếm dù có tầm quan trọng chiến lược nhưng vẫn còn tương đối nhỏ. Theo Research Nester, thị trường kim loại đất hiếm toàn cầu năm 2022 trị giá khoảng 10 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp hàng năm là 8% để đạt tổng doanh thu 20 tỷ USD vào năm 2035. Nếu phát triển thành công ngành đất hiếm để chiếm 10% thị trường toàn cầu vào thời điểm đó, Việt Nam có thể tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận tiềm năng có thể thấp hơn đáng kể nếu tính đến tất cả chi phí sản xuất. Những lợi ích kinh tế tương đối khiêm tốn này, cộng với việc thiếu công nghệ phù hợp và những lo ngại về tác động môi trường, có thể đã trì hoãn những nỗ lực phát triển ngành này trước đây của Việt Nam.

Do đó, những nỗ lực phát triển ngành đất hiếm gần đây của Việt Nam có thể được lý giải tốt hơn bằng những lợi ích chiến lược mà Việt Nam hy vọng đạt được, đặc biệt là tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của nước này đối với các cường quốc trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt.

Trung Quốc hiện chiếm 63% sản lượng khai thác đất hiếm, 85% năng lực chế biến đất hiếm và 92% sản lượng nam châm đất hiếm của thế giới. Các oxit đất hiếm cũng như các hợp kim và nam châm đất hiếm mà Trung Quốc kiểm soát là những thành phần quan trọng trong các ngành công nghiệp thiết yếu như điện tử, xe điện và tua-bin gió. Chúng cũng rất cần thiết cho việc sản xuất các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa, radar và máy bay tàng hình.

Điều này dẫn đến sự phụ thuộc đầy rủi ro từ phía Mỹ và các đồng minh vào hoạt động xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc. Ví dụ, Washington hiện nhập khoảng 74% lượng đất hiếm từ Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc bị cáo buộc áp đặt một lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau một tranh chấp trên biển, làm tăng khả năng Trung Quốc sẽ áp lệnh cấm xuất khẩu tương tự đối với Mỹ. Kể từ tháng 8, Trung Quốc cũng đã hạn chế xuất khẩu germanium và gallium, những thành phần quan trọng của một số sản phẩm công nghệ cao, càng làm tăng thêm lo ngại ở Washington.

Washington và các đồng minh đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm khỏi Trung Quốc. Bên cạnh việc khôi phục các mỏ đất hiếm của mình, họ cũng tăng cường hợp tác với Việt Nam để phát triển nguồn cung thay thế. Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9, hai nước đã ký một Bản ghi nhớ nhằm hỗ trợ Việt Nam định lượng tài nguyên đất hiếm và tiềm năng kinh tế, cũng như thu hút các khoản đầu tư chất lượng cho lĩnh vực này. Tháng trước, Emily Blanchard, Chuyên gia kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phát biểu trong chuyến thăm Hà Nội rằng Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc đảm bảo an ninh khoáng sản và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị đấu giá các mỏ đất hiếm của mình, cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam phát triển ngành này.

Một số đồng minh của Mỹ cũng bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam để khai thác tiềm năng đất hiếm. Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hồi tháng 6, hai nước đã ký Bản ghi nhớ thành lập trung tâm chuỗi cung ứng chung về đất hiếm và các khoáng sản như vonfram, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng đáng tin cậy cho các công ty Hàn Quốc. Một số nhà đầu tư Australia, trong đó có Blackstone, cũng đã bày tỏ ý định đấu thầu quyền khai thác tại mỏ Đông Pao.

Nếu Việt Nam có thể phát triển thành công ngành công nghiệp đất hiếm và trở thành nhà cung cấp các sản phẩm đất hiếm đáng tin cậy cho Hoa Kỳ và các đồng minh, điều đó sẽ nâng cao đáng kể vị thế của Hà Nội trong các tính toán chiến lược của Washington và đồng minh. Nó cũng sẽ giúp củng cố mối quan hệ của Hà Nội với các đối tác này, bù đắp cho sự miễn cưỡng của Hà Nội trong việc tham gia vào một số hoạt động hợp tác quốc phòng nhạy cảm. Về lâu dài, phát triển ngành đất hiếm còn có thể mang lại cho Việt Nam những lợi ích kinh tế tiềm năng khác, bao gồm việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các sản phẩm công nghệ cao, điều cần thiết cho tham vọng trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa và thu nhập cao của Việt Nam vào năm 2045.

Tuy nhiên, liệu Việt Nam có thể khởi động ngành đất hiếm như kế hoạch hay không vẫn còn chưa rõ. Thách thức nghiêm trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là thu hút các nhà đầu tư có năng lực và tiếp thu được các công nghệ hiệu quả, thân thiện với môi trường cho các cơ sở chế biến quặng của mình. Kết quả của cuộc đấu giá nhượng quyền khai thác tại mỏ Đông Pao trong những tháng tới có thể cung cấp thêm góc nhìn chi tiết về những vấn đề này.

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 10/11/2023

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hồng Hiệp
Read 257 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)