Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/11/2023

Phê bình việc luận tội mấy ông cố đạo...

Trương Nhân Tuấn

Nếu có nghiên cứu lịch sử Việt Nam (khách quan một chút) thì ta phải nhìn nhận là nếu không có Pháp "đô hộ" Việt Nam thì Việt Nam cũng trở thành thuộc địa của một đế quốc Tây phương khác (như Anh, Tây Ban Nha...). Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội để trở thành một "tỉnh" của Trung Quốc. Và ta cũng thấy rằng "chữ quốc ngữ" của các ông cố đạo không hề là phương tiện để thực dân chinh phục Việt Nam.

phapthuoc1

Jean Dupuis ngồi giữa với trang phục Mãn Thanh. Wikipedia

Việt Nam bị lệ thuộc Pháp là do "tình cờ địa lý" chớ không hề do "tham vọng lãnh thổ" của đế quốc Pháp. Mục tiêu chinh phục của Pháp thời đó, cũng như Anh và các đế quốc Tây phương khác, là lục địa Trung Hoa. Lục địa này cực kỳ giàu có vì đông dân lại nhiều vàng bạc, ngọc ngà châu báu tơ lụa... trong khi quân sự lại yếu kém. Việt Nam thời đó, nhìn lại qua hình ảnh của các nhà du hành Pháp, rõ ràng kém mở mang, nếu không nói là cực nghèo, không có gì để gợi lòng tham của đế quốc. (Nếu không thì Việt Nam đã bị Anh chiếm trước cả Pháp).

Quân Pháp tiếp nối quân Anh, cùng các đế quốc Tây phương khác, "phân liệt" Trung Hoa, mỗi đế quốc buộc Thanh triều dành một "tô giới" cho mình.

Đế quốc Pháp đi sau nước Anh, trâu chậm uống nước đục, phải lựa chọn "Cochinchine", tức Nam kỳ để làm "hậu cứ" dưỡng quân. Tàu bè Pháp thời đó đã được trang bị máy hơi nước do đó rất cần than đá mà miền Nam không có. Pháp quyết định (cùng với Tây Ban Nha) đánh Việt Nam ban đầu là để "trừng phạt" nhà Nguyễn vì triều đình đã có các chính sách giết chóc người theo đạo. Đến khi thấy "dễ ăn" quá, các vị tướng chỉ huy đạo quân viễn chinh mới lấy quyết định (ngược với Paris) là chiếm vĩnh viễn Nam kỳ để làm "bàn đạp chiếm Trung Hoa".

Bắc kỳ (Tonkin) chỉ được đế quốc Pháp để ý, sau khi nhận thấy sông Cửu Long không thể sử dụng để thông thương với các tỉnh Vân Nam, Quí Châu... (qua các cuộc du hành ngược sông Cửu Long của Auguste Pavie). Các "nhà thám hiểm" Pháp thời đó tưởng rằng vùng thượng du Bắc Việt, cũng như các tỉnh lục địa Trung Quốc rất giàu (bởi vì họ thấy dân thiểu số ở đây đeo vòng, kiềng... kim loại màu vàng mà họ tưởng là vàng thật !). Các bản "báo cáo" của phe thương nhân (tức phe chủ trương chinh phục) ghi nhận rằng Bắc kỳ có nhiều mỏ vàng, than đá v.v... Tonkin (Bắc kỳ) vì vậy được chia làm hai vùng : vùng đồng bằng và vùng hầm mỏ.

Cuộc "chinh phục" Bắc kỳ của Pháp rất gian nan, nhiều lần tưởng bỏ cuộc. Một mặt do mẫu quốc không mặn mà vì rất tốn kém. Mặt khác do dân Việt Nam chống đối với sự trợ giúp của tàn quân Trung Hoa (Cờ đen, Cờ vàng...). Cuộc chiến Pháp-Thanh cuối cùng 1885 diễn ra hai mặt : mặt trận biển và mặt trận các tỉnh thượng du. Pháp thắng trong đường tơ kẻ tóc, buộc Thanh triều ký hiệp ước Hòa bình ở Thiên Tân năm 1885, cam kết "nhượng" Việt Nam lại cho Pháp (trong đó có công ước phân định biên giới và các công ước về kinh tế).

Tức là trên tinh thần Hiệp ước Thiên tân 1885, Pháp nhìn nhận Việt Nam trước đó "thuộc" về Trung Hoa.

Tài liệu đã được giải mã (Văn khố Pháp ở Aix-En-Provence) cho thấy lý ra Pháp đã đồng ý "chia hai" Việt Nam với Trung Quốc. Từ Quảng Bình trở về phía bắc thuộc Trung Quốc. Quảng Bình về phía nam thuộc Pháp. Nếu không có phe "chủ chiến" phản đối thì "thôi rồi lượm ơi" ! Lý hồng Chương mua chuộc quan chức Pháp để Trung Hoa lấy tới Quảng Bình.

Ta cũng thấy nguyên nhân chiến tranh Pháp-Trung (1883-1885) là triều đình nhà Nguyễn quan niệm Việt Nam là một bộ phận của Trung Hoa. Thời đó triều đình Mãn Thanh đã rệu rã, ốc không mang nổi mình ốc, mà vua quan Việt Nam luôn gởi sứ đi triều cống (để tỏ lòng thần phục) và yêu cầu Thanh triều gởi quân sang tiếp cứu. Tăng Kỷ Trạch lấy đó làm "bằng chứng" để yêu cầu Pháp nhượng bộ.

Vì vậy các "học giả" Việt Nam phán rằng "chữ quốc ngữ" của mấy ông cố đạo là phương tiện để Pháp chinh phục Việt Nam là trật lất. Nói cho đúng là Pháp đã sử dụng chữ quốc ngữ như là phương tiện để dễ dàng "cai trị" Việt Nam. Tức là sau khi "gạo nấu thành cơm", vai trò "chữ quốc ngữ" trở thành quyết định cho văn hóa và văn minh Việt Nam bây giờ.

Điều này tốt hay xấu ?

Theo tôi, nếu không có mấy ông cố đạo "chế" ra "chữ quốc ngữ" thì Pháp sẽ sử dụng tiếng Tàu để cai trị Việt Nam. Dĩ nhiên qua những viên chức người Hoa.

Điều này sẽ ra sao, sau 1945 "Hoa quân nhập Việt" để tước khí giới quân Nhật ?

100% Bắc Kỳ (nếu không nói toàn cõi Việt Nam, ngoại trừ Cochinchine) sẽ thuộc về Trung Quốc.

Còn văn hóa Việt Nam, nếu "cắt bỏ" khúc thúi là "văn hóa xã hội chủ nghĩa", thì không thể chối cãi có rất nhiều cái hay, đẹp... nhờ tiếp cận văn hóa Tây phương. (Điển hình Việt Nam Cộng Hòa với nền giáo dục, xã hội, mô hình quốc gia pháp trị... cho thấy ưu việt và nhân bản hơn các quốc gia đồng thời ở Châu Á).

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 27/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn
Read 506 times

1 comment

  • Comment Link Hoàng Trường Sa mardi, 28 novembre 2023 03:40 posted by Hoàng Trường Sa

    Tác giả Trương Nhân Tuấn viết bài ni tui thấy đúng. Rõ ràng là mấy ông cố đạo chế ra chữ quốc ngữ để giảng đạo, chớ chẳng phải để xâm chiếm Việt Nam cái chi hết. Có điều tui nghĩ khác tác giả là nếu không có chữ quốc ngữ có lẽ Pháp sẽ không dùng chữ Tàu để cai trị VN, vì chữ Tàu khó bỏ mẹ. Nhiều phần là có lẽ Pháp sẽ dùng tiếng Tây để cai trị “ta”, và bây chừ chắc “ta” nói và viết tiếng Tây như Pháp rồi. May phước, nhờ ơn mấy ông cố đạo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Y Pha Nho, Pháp, Ý, v.v… mà bây chừ “ta” có cái chữ quốc ngữ tuyệt vời ni để giữ nước, để tự hào và tiến tới tương lai. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, cá nhân tui thực sự mang ơn mấy ông cố đạo này.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)