Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/11/2023

Dùng đô la thay nội tệ peso : Thách thức nào cho Argentina ?

Thanh Hà

Javier Milei đắc cử vẻ vang tại Argentina nhờ hứa hẹn khai tử đồng tiền quốc gia -đồng peso và thay vào đó bằng đô la Mỹ : Liều thuốc đắng hòng mưu cầu ổn định cho nền kinh tế lớn thứ ba tại Châu Mỹ Latinh. Bài toán này có sức khả thi hay không khi mà Buenos Aires từ tháng 4/2023 đã từng bước từ bỏ đô la để thanh toán nợ và các bạn hàng bằng nhân dân tệ của Trung Quốc ?

peso1

Nghệ sĩ Argentina Sergio Díaz và một tác phẩm nghệ thuật thể hiện cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này : tờ đô la Mỹ và tờ 500 peso của Argentina, có hình George Washington cầm súng trường bên cạnh một con báo đốm đã chết. Ảnh chụp tại studio của ông ở Salta, Argentina, ngày 09/03/2023. AP - Javier Corbalan

Vài ngày trước bầu cử Argentina, tổng thống mãn nhiệm Alberto Fernandez loan báo triển hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, tổng trị giá 6,5 tỷ đô la. Thỏa thuận này cho phép "bảo đảm khả năng thanh toán" của Buenos Aires, vào lúc tỉ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia -peso trồi sụt thất thường, lạm phát lên tới 140%.

Hôm 20/11/2023, trên 55% cử tri tín nhiệm, Javier Milei một chuyên gia kinh tế, 53 tuổi được bầu lên nhờ những cam kết đoạn tuyệt với di sản cồng kềnh của những đời tổng thống tiền nhiệm, "đập đổ tất cả để xây dựng lại từ đầu", "không chơi với các chế độ cộng sản" như Trung Quốc hay "thiên cộng" như Brazil, cả hai cùng là những đối tác thương mại hàng đầu của Argentina. Đáng chú ý hơn cả là hứa hẹn dùng đô la Mỹ thay cho đồng tiền quốc gia.

Dẹp bỏ đồng peso để cột chặt đồng tiền Argentina vào với đô la Mỹ có giúp Buenos Aires bài trừ tận gốc rễ tình trạng lạm phát "phi mã" triền miên hay không ? Đâu là những trở ngại cụ thể trên con đường của ông Milei để đạt đến mục tiêu đó hòng "ổn định" một cỗ máy kinh tế với gần 500 tỷ đô la Mỹ GDP này và đâu là cái giá mà dân 46 triệu dân Argentina sẽ phải gánh chịu ?

Trước Argentina ba nước ở Châu Mỹ Latinh đã từ bỏ đồng nội tệ để sử dụng đô la Hoa Kỳ với những kết quả được cho là khá "thành công". Đó là trường hợp của ba nền kinh tế tương đối nhỏ, Panama, Ecuador và Salvador. 

Đô la hóa kinh tế Argentina

Ngày 10/12/2023 Javier Milei tuyên thệ nhậm chức trong bối cảnh 40% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó, vật giá "leo thang từng ngày", lạm phát dao động ở ngưỡng 140%, đồng tiền quốc gia peso liên tục bị phá giá và không còn một chút uy tín nào đối với cả người dân trong nước lẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Với 114 tỷ đô la nợ nước ngoài, chủ yếu là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Argentina là nền kinh tế đang trỗi dậy mang nợ nhiều nhất trên thế giới.

Trong những điều kiện đó, Javier Milei chủ trương đã được bầu lên chức vụ tối cao với hứa hẹn áp dụng một "liệu pháp sốc" "tái thiết" Argentina tìm lại hào quang đã mất cho Buenos Aires. Chiếc đũa thần cho phép mang lại phép lạ đó là "đồng đô la Mỹ". 

Trên đài RFI tiếng Pháp, giáo sư kinh tế Juan Carluccio đại học Surrey – miền nam Anh Quốc - trước hết giải thích tổng thống tân cử Argentina muốn dùng đồng đô la để khống chế lạm phát trước hết là một ý đồ chính trị :

"Ý tưởng của ông Javier Milei là khi Argentina dùng đồng đô la thì các chính trị gia sẽ không còn có thể tùy tiện in tiền, không thể tài trợ một cách bừa bãi cho các chương trình công cộng. Qua đó dẹp được lạm phát. Điều đó chỉ đúng một phần, bởi vì chúng ta có thể giải quyết lạm phát bằng những cách khác mà không nhất thiết phải khai tử đồng peso".

Nhưng tính toán đó chỉ đúng có một phần như giáo sư Carluccio vừa ghi nhận khi mà mức "cung" không đáp ứng được với nhu cầu của người dân và nhất là các chính phủ liên tiếp "tùy tiện in tiền" để tài trợ các chương trình xã hội, hay đầu tư công cộng. Riêng trong trường hợp của Argentina vấn đề đặt ra là lạm phát đã kéo dài gần một nửa thế kỷ và chủ yếu xuất phát từ hai yếu tố.

Giáo sư Carluccio : "Lạm phát do khối lượng đồng peso của Argentina lưu hành quá lớn, bởi vì chính phủ tùy tiện in tiền để đài thọ các chương trình chi tiêu công cộng. Trong khi đó thì cỗ máy sản xuất, hàng hóa ở Argentina lại không tăng lên. Thế rồi từ mấy chục năm nay người dân thường xuyên phải đối mặt với lạm phát cho nên chỉ cần một chút biến động là cũng đủ khiến dân chúng đua nhau tích trữ hàng hóa, lương thực… vật giá qua đó lại bị đẩy lên cao".

Hiệu quả và tính khả thi ?

Vậy dùng đô la thay cho peso có phải là liệu pháp tốt nhất để khống chế lạm phát và nhất là đem lại ổn định cho kinh tế nước này hay không ? Giới chuyên gia đồng loạt trả lời không vì nhiều lý do.

Thứ nhất lạm phát tại Argentina từ đầu năm đến nay liên tục vượt ngưỡng 100% và thậm chí có thể đụng ngưỡng 180 -190% từ nay đến 2023. Cùng lúc Buenos Aires đang mang nợ chồng chất, ngân sách nhà nước thâm hụt và toàn bộ gánh nặng đè lên Ngân hàng Trung ương, bởi chính phủ không còn chút uy tín nào để có thể đi vay trên thị trường. Kinh tế đình đốn - IMF dự báo GDP giảm 3,5% trong năm 2023 - làm cạn nguồn thuế doanh nghiệp và tư nhân, thuế TVA trong công quỹ nhà nước. Giải pháp còn lại để tránh phải tuyên bố phá sản là Argentina vừa phải in tiền, vừa phải cầu viện thêm các chủ nợ nước ngoài, như là Trung Quốc hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. 

Lạm phát qua đó tiếp tục tăng thêm, đồng nội tệ peso tiếp tục bị phá giá.

Kinh tế gia Roberta Fortes, thuộc hãng bảo hiểm của Pháp Allianz ghi nhận : dùng đô la thay đồng peso sẽ "chỉ tước đi thẩm quyền của chính phủ để tài trợ thâm hụt ngân sách nhưng sẽ không làm hạ nhiệt tình hình giá cả trên thị trường", nhất là khi lạm phát ở Argentina do năng lượng, nguyên và nhiên liệu tăng cao và ngoài nông phẩm thì Argentina không có gì nhiều để xuất khẩu.

Giáo sư Carluccio đại học Surrey, Anh Quốc giải thích rõ hơn :

"Thực ra như tất cả mọi quốc gia, Argentina có hai cách để thu vào đồng đô la : một là xuất khẩu hàng hóa cho thế giới. Hóa đơn thanh toán bằng đô la và đồng tiền Mỹ sẽ được giữ ở Ngân Hàng Trung Ương. Dự trữ bằng đô la càng lớn, thì kinh tế và tài chính của Argentina càng được ổn định. Khả năng thứ hai để thu vào đô la là Argentina phải là điểm đầu tư hấp dẫn để thu hút chú ý của giới tư bản quốc tế. Nhưng từ nhiều năm qua kinh tế đình đốn, lạm phát phi mã. Không mấy ai dám mạo hiểm bỏ vốn đầu tư vào Argentina".

Theo giáo sư Carlos Quenan, đại học Paris Sorbonne Nouvelle nêu lên một khó khăn khác : dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương gần như không có. Hơn nữa một khi sử dụng đô la, chính phủ Argentina cũng sẽ "phải tuân thủ của chính sách tiền tệ Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ" mà trong hiện tại thì "chu kỳ kinh tế của Argentina không đồng điệu với nước Mỹ" : Vậy làm thế nào để tính tới khả năng "đem lại ổn định hóa" cho kinh tế Argentina ?

Dân chúng sẽ lại phải hy sinh thêm 

Trên đài truyền hình France24 kinh tế gia Alexandre Kateb, sáng lập viên trung tâm tư vấn The Multipolarity Report, nhấn mạnh đến tác động ngắn hạn đối với hàng triệu người dân Argentina khi đồng peso càng mất giá so với đô la :

"Từ bỏ đồng tiền quốc gia không bao giờ là một ý tưởng hay cả, bởi vì qua đó người ta mất đi quyền tự chủ về mặt tiền tệ, kinh tế. Hơn nữa gắn chặt kinh tế Argentina vào với đồng đô la Mỹ, mà Hoa Kỳ là một nền kinh tế rất mạnh, thì đòi hỏi Argentina cũng phải có những nền tảng vững chắc. Hiện thời đó là điều không tưởng. Do vậy, bỏ peso để dùng đô la, không mang lại lợi lộc gì cho Argentina - có chăng là chỉ riêng đối với một số nhà xuất khẩu nguyên liệu bởi vì dùng đô la thì họ không bị động vì những biến đổi của tỷ giá hối đoái giữa đô la và peso. Nhưng trong ngắn hạn cả tầng lớp trung lưu tại Argentina sẽ bị nghèo đi khi phải chuyển sang dùng đô la bởi vì đồng peso trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ còn bị phá giá mạnh hơn nữa".

Một đồng peso mất giá thêm nữa sẽ càng là một gánh nặng khi cần Argentina phải thanh toán hóa đơn bằng đô la Mỹ cho các nhà cung cấp dầu khí, nguyên và nhiên liệu… đó cũng là một kênh dẫn đến lạm phát tại quốc gia Châu Mỹ La-tinh này.

Argentina trước bài toán khó Nhân dân tệ Trung Quốc và đô la Mỹ

Đành rằng giới quan sát đồng loạt chí trích chủ trương thay thế nội tệ bằng đô la Mỹ, song một thực tế không thể chối cãi là dân Argentina từ thập niên 1930/40 đã rất "gắn bó" với đô la. Theo thẩm đỉnh gần đây nhất của nhà kinh tế học Nicolas Gadano, 20% đô la Mỹ ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ do người dân Argentina nắm giữ. 

Cuối cùng, kế hoạch "đô la hóa" kinh tế Argentina của ông Javier Milei đang đặt ra một vấn đề lớn về thương mại với nhà cung cấp quan trọng nhất của Buenos Aires là Trung Quốc.

Tổng thống tân cử Argentina cho biết sẽ hủy quyết định của người tiền nhiệm về việc gia nhập khối các nền kinh tế đang trỗi dậy, hiện bao gồm 5 thành viên là Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Trên nguyên tắc kể từ ngày 01/01/2024 Argentina là một trong 6 thành viên mới trong đại gia đình này.

Javier Milei với chủ trương gắn chặt kinh tế Argentina vào đồng đô la Mỹ cũng là một vố đau đối với Bắc Kinh. Tháng 2/2022 để đánh dấu 50 năm quan hệ song phương, lãnh đạo Trung Quốc và Argentina ký thỏa thuận ghi nhớ, Buenos Aires là một thành viên mới trong số các quốc gia tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21, một sáng kiến của ông Tập Cận Bình. Lập tức Trung Quốc đầu tư gần 25 tỷ đô la vào Argentina. Đến tháng 4/2023 Buenos Aires rầm rộ tuyên bố sử dụng đồng tiền Trung Quốc thay thế một phần cho đô la trong các khoản giao dịch quốc tế, để giảm bớt lệ thuộc vào Mỹ và nhất là vào đồng tiền của Mỹ.

Trong suốt thời gian vận động tranh cử ứng viên Milei đã thẳng thừng tuyên bố "không chơi với cộng sản" và lãnh đạo tương lai Argentina từng xem chính quyền Trung Quốc là một chế độ của những "kẻ sát nhân". Ông cũng đã chỉ trích chính quyền của tổng thống Alberto Fernandez "lén lút" vay Trung Quốc 8 tỷ đô la, ký với Bắc Kinh tổng cộng "9 hợp đồng mờ ám".

Một cộng tác viên đắc lực của ông Milei và cũng là người được cho là có triển vọng giữ chức ngoại trưởng Argentina trong vài tuần lễ nữa, bà Diana Mondino vào tuần trước đã xác nhận Buenos Aires "không có ý định tham gia khối BRICS" và dự trù "ngừng có những liên hệ" với hai chế độ ở Bắc Kinh và Brasilia.

Có điều như giới phân tích ghi nhận, sau giai đoạn tranh cử, giờ đây ông Milei phải đối mặt với thực tế và rất có thể là ông không có nhiều lựa chọn.

Buenos Aires đang cần gấp 3 tỷ đô la để thanh toán nợ đáo hạn trong năm 2024-2025, cần trả 44 tỷ đô la nợ đã vay của IMF từ 2018. Không chắc là tổng thống tân cử Javier Milei dám xóa bỏ những hợp đồng mà người tiền nhiệm đã ký với các đối tác Trung Quốc liên quan đến các dự án xây dựng nhà máy thủy điện, nhà máy điện hạt nhân, cầu đường, các trung tâm phát triển năng lượng gió… Đó là những dự án trên giấy tờ bảo đảm từ 2 đến 3 ngàn công việc làm cho người dân Argentina. 

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 28/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 252 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)