Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/11/2023

Ý tưởng "Phiên tòa nhân dân" cần được hoàn thiện để trở thành khả thi

Võ An Đôn, Trương Nhân Tuấn, RFA

Ý tưởng về thành lập "Phiên tòa nhân dân" của luật sư Võ An Đôn là một ý kiến hay và mới nhưng để có thể trở thành khả thi và có lợi cho người dân Việt Nam thì cần phải được chỉnh sửa và hoàn thiện thêm, theo nhà nghiên cứu xã hội Trương Nhân Tuấn và một số luật sư.

ytuong1

Công an đứng canh ngoài cổng Tòa án Nhân dân ở Hà Nội hôm 8/1/2018 - AFP

Vào đầu tháng 11 vừa qua, luật sư Võ An Đôn, người vừa cùng gia đình sang Hoa Kỳ tị nạn, đã kêu gọi các luật sư đang tị nạn tại Hoa Kỳ thành lập "Đoàn Luật sư Việt Nam Hải ngoại" và "Phiên tòa nhân dân" với mục tiêu khai dân trí, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân trong nước và lên tiếng về những bất công trong xã hội Việt Nam.

Theo đó, "Phiên tòa nhân dân" do các luật sư lập theo mô hình Tòa hình sự quốc (ICC) sẽ xét xử các quan chức trong bộ máy chính quyền Việt Nam vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam. Phiên tòa này xét xử trực tuyến, hội đồng xét xử là các luật sư, bồi thẩm đoàn là người Việt trong và ngoài nước.

Tư cách pháp nhân của các luật sư và thẩm quyền của tòa ?

Ông Trương Nhân Tuấn, một nhà nghiên cứu người Pháp gốc Việt, cho rằng các luật sư cần thiết lập một tòa án trước khi tiến hành bất cứ một phiên xét xử nào. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) :

"Một phiên tòa chỉ có thể được mở ra nhằm mục đích xét xử một pháp nhân tội phạm đã được xác định nào đó, trước hết phải có một tòa án. Không có tòa án thì sẽ không có phiên tòa nào được xét xử hết, tức là khi mà có tòa án thì mình mới có thể nói đến phiên tòa này hay là phiên tòa khác.

Tức là thành việc thành lập đó tôi nghĩ không phải là thành lập một phiên tòa xử một người mà thành lập một tòa án để xử hết người này đến người khác".

Theo ông, điều quan trọng thứ hai là tư cách pháp nhân của những người có ý muốn thành lập một phiên tòa và thẩm quyền của phiên tòa này cũng như là hệ thống luật lệ mà tòa này dựa lên đó để mà phán xét hay là xét xử những người có tội.

"Nếu luật sư Đôn cũng như quý luật sư khác làm gì cũng theo luật mà làm đó thì trong chừng mực đó tòa án của luật sư Đôn cùng với hệ thống luật lệ xét xử của tòa án đó không thể nào tách khỏi cái thẩm quyền của quốc gia mà luật sư Đôn cũng như là những luật sư khác mang quốc tịch".

Theo ông, nếu luật sư Đôn và các luật sư cộng sự khác vẫn còn là công dân Việt Nam, tức là vẫn còn quốc tịch Việt Nam, thì họ sẽ chịu thẩm quyền xét xử của quốc gia Việt Nam. 

Trong hợp theo này, hoạt động của phiên tòa theo ý tưởng của luật sư Võ An Đôn sẽ không khả thi, điều mà ông ví như với việc "hái sao trên trời" vì sự chính danh của cơ quan quyền lực, ở đây là quyền tư pháp, phải được công nhận bởi cộng đồng dân chúng trong một quốc gia hoặc cộng đồng quốc tế, và "quyền lực không tự mình ban cho, ngay cả quyền được xét xử".

Trong trường hợp ngược lại, việc thành lập và hoạt động của một tổ chức như luật sư Võ An Đôn đề nghị cũng không khả thi. Ông Tuấn lập luận :

"Nếu luật sư Đôn và các luật sư cộng tác không còn quốc tịch Việt Nam nữa mà có quốc tịch Mỹ thì mọi hành động của các luật sư này phải tuân theo luật lệ của nước Mỹ. 

Giả sử các luật sư thành công trong việc thiết chế một tòa án hay một phiên tòa trên đất Mỹ thì tòa án đó không thể sử dụng luật Việt Nam để xét xử các phạm nhân giả định mà tòa án đó phải tuân theo luật lệ Mỹ. Điều đó là bất khả thi, một tòa án của Mỹ đâu có thể xét xử một người Việt Nam, phán quyết của tòa án này không có một ý nghĩa nào hết".

Các luật sư có thể bị kiện ngược

Theo ông Tuấn, tuy phán quyết của "Phiên tòa nhân dân" không có giá trị pháp lý đối với những quan chức Việt Nam bị kết tội, nhưng lại có thể gây phiền toái cho các luật sư tị nạn. Ông giải thích :

"Phán quyết không có giá trị gì đối với cái phạm nhân giả định ở bên Việt Nam hết nhưng mà nó có thể trở thành một cái bằng chứng về phỉ báng hay xâm phạm đời tư của luật sư Đôn và nhóm luật sư kia đối với cá nhân quan chức ở Việt Nam.

Một cái phán quyết mà tòa án không ai công nhận không có thẩm quyền gì hết ra một phán quyết nói ông này tham thế này ông này phản quốc thế kia mà cái tòa án đó không có thẩm quyền không có giá trị pháp lý nhưng mà cái người liên quan tức là cái người bị chỉ định là có tội ở Việt Nam vẫn có thể sử dụng phán quyết như một chứng cứ kiện ngược lại vì quý vị này đã phỉ báng cá nhân, xâm phạm về tư cá nhân của họ".

Hơn thế nữa, các luật sư tị nạn có thể gặp rắc rối từ chính quyền Hoa Kỳ khi Washington và Hà Nội đang có quan hệ bang giao rất thân thiết, hai quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam.

Theo lý luận của ông Tuấn, chính quyền Việt Nam có thể nhìn nhận các luật sư tị nạn và "Phiên tòa nhân dân" có mục tiêu chống lại nhà nước độc đảng ở Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ cho phép thành lập một tổ chức như vậy ở quốc gia của mình, thì quan hệ song phương có thể bị ảnh hưởng, do vậy, Washington có thể "sẽ phải dẹp cái tòa án đó và trừng phạt những người tổ chức ra tòa án này".

Tòa án lương tâm hoặc Diễn đàn công lý

Để tránh những rắc rối pháp lý như vậy, ông Tuấn đề nghị các luật sư thay đổi tên gọi sang "Tòa án lương tâm.

"Tòa án lương tâm mình đưa ra giả sử như mình đưa ra, mình trình bày đó một cái bài viết mình thế này dựa trên những cái sự kiện như thế này thì ông này nếu mình chiếu theo luật lệ Việt Nam thì sẽ mang tội này".

Theo ông, hình thức "Tòa án lương tâm" sẽ giúp cho các luật sư không vướng phải hậu quả pháp lý sau này.

Ông cũng đề nghị một hình thức khác hoạt động dưới mô hình Diễn đàn công lý.

"Ý kiến thứ hai mà tôi có thể đề nghị, đó là thay vì một cái tòa án lương tâm mình có thể thành lập một cái gọi là diễn đàn công lý để mình diễn đạt những cái ý kiến của mình hay là diễn đạt ý kiến của nhiều người về tội trạng của ông này hay là tội trạng của ông kia. Quan trọng là cùng một cái nội dung đó, nếu mà mình đứng dưới tên của một cái tòa án thì cái chuyện đó mình có thể gặp rắc rối với những đối tượng ở Việt Nam nhưng mà dưới một cái tên khác thì cũng giống như những bài viết về vấn đề đó".

Theo ông, "Tòa án lương tâm" hay "Diễn đàn công lý" cũng có tác động tương tự như là một phán quyết của tòa án nhân dân.

Trong đề nghị của mình, luật sư Võ An Đôn cho biết "Phiên tòa nhân dân" sẽ sử dụng chính luật pháp Việt Nam để xét xử các quan chức phạm tội tham ô hay thực hiện các hoạt động vi phạm nhân quyền. Tư liệu để xét xử cũng dựa trên tài liệu điều tra của cơ quan công an Việt Nam cùng tư liệu từ truyền thông và điều tra bổ sung từ các nhân vật có liên quan.

Theo ông Tuấn, việc áp dụng luật Việt Nam hiện hành để xét xử các quan chức của chế độ là không dễ vì luật pháp Việt Nam được làm ra để áp dụng cho dân chúng còn đảng viên và quan chức chỉ chịu kỷ luật theo Điều lệ đảng. Họ chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật sau khi đã bị khai trừ khỏi đảng.

""Nếu luật sư Đôn và những luật sư cộng tác thành lập một cái tòa án gì đó mà dựa trên luật lệ ở Việt Nam để mà xét xử các quan chức Việt Nam thì tòa án này không có thẩm quyền vì luật pháp Việt Nam không nhằm xét xử Đảng và các đảng viên".

Theo ông, ý kiến của luật sư Võ Văn Đôn là đề nghị hay và mới, đáng được khai triển nhưng cần chỉnh sửa để trở nên khả thi và người dân được hưởng lợi.

Cần mở rộng phạm vi của "Phiên tòa nhân dân"

Theo một luật sư nhân quyền ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, các luật sư đang tị nạn ở Hoa Kỳ cần mở rộng phạm vi hoạt động của "Phiên tòa nhân dân" vì sự bất công trở thành hệ thống ở Việt Nam trong khi hệ thống tư pháp bị méo mó một cách nghiêm trọng.

Theo ông, nếu có một phiên tòa hay hệ thống tòa án như "Phiên tòa nhân dân" thì không chỉ xét xử các quan chức mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả tòa hành chính hay dân sự.

Ông cho biết người dân kiện cơ quan công quyền rất nhiều, tuy nhiên, tỷ lệ thắng kiện của người dân vô cùng thấp cho dù họ có đủ chứng cứ và dữ liệu có lợi cho mình.

Ông cũng cho rằng "Phiên tòa nhân dân" sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin vì kết luận điều tra của cơ quan công an, cáo trạng của Viện kiểm sát, và thông tin từ truyền thông nhà nước không đáng tin cậy.

Còn luật sư Dương Vĩnh Tuyến từ Bình Phước cho rằng đề nghị của đồng nghiệp Võ An Đôn là không khả thi. Ông nói với RFA về "Phiên tòa nhân dân" qua tin nhắn trong ngày 28/11 :

"Không có tác dụng và không khả thi. Muốn hiệu quả thì phải có tôn chỉ, mục đích. Chỉ kêu gọi mà không nêu rõ tôn chỉ, mục đích thì cũng không khác gì những Youtuber khác, đã và đang làm, sau khi được định cư ở nước ngoài.

Nếu để khai trí mà thành lập phiên tòa nhân dân thì sai lầm. Muốn khai trí người dân thì anh phải biết người dân đang ở đâu ? họ có ưu điểm gì, điểm yếu gì... ? Thấy được ưu của họ thì mới có phương pháp làm cho ưu bộc lộ, phát triển. Thấy điểm yếu thì mới có cách thức làm cho họ khắc phục."...

Nhiều luật sư và người hoạt động xã hội, trong đó có hai luật sư đang tị nạn tại Hoa Kỳ, Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng, ủng hộ đề nghị của luật sư Võ An Đôn và cho rằng với tư cách là tác giả, Võ An Đôn cần hoàn thiện trước khi chính thức đưa ra bàn thảo để thực hiện.

Nguồn : RFA, 28/11/2023

************************

Luật sư Võ An Đôn kêu gọi thành lập "Phiên tòa Nhân dân" để xét xử quan chức cộng sản

RFA, 09/11/2023

Luật sư Võ An Đôn, người cùng gia đình rời Việt Nam sang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ vào cuối tháng trước cho rằng, một phiên tòa có bồi thẩm đoàn là người dân trong và ngoài nước có tác dụng răn đe các quan chức cộng sản vi phạm nhân quyền.

ytuong2

Luật sư Võ An Đôn khi còn ở Việt Nam - Photo: RFA

Ông Võ An Đôn, 46 tuổi, được nhiều người biết đến sau khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại trong vụ án năm công an dùng nhục hình khiến nạn nhân Ngô Thanh Kiều tử vong ở Phú Yên.

Ông bị rút thẻ hành nghề luật sư sau khi thường xuyên trả lời phỏng vấn các báo đài tiếng Việt về các vấn đề của đất nước, bảo vệ cho nhiều thân chủ là người hoạt động nhân quyền... và có các phát ngôn về nghề luật sư ở trong nước.

Hôm 3/11, ông viết trên trang Facebook cá nhân kêu gọi các luật sư đang tị nạn Mỹ thành lập "Đoàn Luật sư Việt Nam Hải ngoại" và "Phiên tòa Nhân dân" nhằm trợ giúp người dân trong nước và răn đe quan chức nhúng chàm. Ý tưởng này được nhiều người đón nhận và chia sẻ, bên cạnh ý kiến cho rằng điều này là "ngây ngô".

Theo ông Đôn, việc tập hợp các luật sư có lòng với đất nước chỉ với mục đích dùng kiến thức pháp luật để tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân cũng như các vấn đề bức xúc trong nhân dân, và khai dân trí, phổ biến kiến thức cho người dân để xã hội văn minh hơn.

Ông chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 08/11 :

"Nhu cầu trợ giúp pháp lý trong nước rất là lớn bởi vì người dân rất cần luật sư trợ giúp, đặc biệt trong những vụ án bị cưỡng chế đất đai, tranh chấp đất đai, các quan chức nhà nước thu hồi đất đai… tranh chấp, khiếu nại, tố cáo rất là nhiều".

Bên cạnh đó, các thành viên của "Đoàn Luật sư Việt Nam Hải ngoại" có thể bình luận hoặc có bài viết phân tích để người dân xem về những vụ án hoặc những hành vi mà dư luận trong nước quan tâm.

Ông cho rằng hệ thống tòa án ở Việt Nam là công cụ của Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền để xét xử người dân trong khi các quan chức được bao che nên họ thường được bỏ qua tội trạng hoặc chỉ phải chịu những mức án nhẹ không tương xứng với hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

Một ví dụ điển hình ông nêu ra là vụ án "Chuyến bay giải cứu", trong đó nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cấu kết với một số doanh nghiệp và chính quyền một số địa phương để hồi hương người Việt từ nước ngoài với giá vé máy bay cao ngất ngưởng, sau đó họ bị nhét vào các khu cách ly với chi phí ăn ở rất đắt. 

"Trong vụ án Chuyến bay giải cứu, thiệt hại của người dân rất là lớn nhưng (quan chức bị - PV) xử rất nhẹ. Luật pháp quy định rõ ràng các chế tài rất nặng nhưng trong thực tế bản án rất nhẹ và thiệt hại của người dân không được bồi thường theo luật pháp khiến người dân rất bức xúc".

Ngoài ra, Phiên tòa Nhân dân cũng sẽ có thể được thành lập dùng để xét xử các quan chức công bằng và nghiêm khắc hơn.

"Tôi có ý tưởng cùng các luật sư khác thành lập phiên tòa nhân dân, một phiên tòa đúng nghĩa là của nhân dân, chứ không phải như các phiên tòa nhân dân trong nước dùng luật pháp Việt Nam để xét xử quan chức Việt Nam giống như tòa án quốc tế xử Putin (đương kim Tổng thống Liên bang Nga- PV) vừa rồi.

Hội đồng xét xử là các luật sư còn bồi thẩm đoàn là người dân trong nước và ngoài nước".

Theo ông, hồ sơ và các chứng cứ của phiên tòa này dựa vào kết quả điều tra của cơ quan công an, cáo trạng của Viện Kiểm sát, và thông tin bổ sung từ báo chí, điều tra trực tiếp từ những người liên quan trong vụ án.

Để tránh oan sai, Phiên tòa Nhân dân chỉ hoạt động khi có chứng cứ rõ ràng.

Ông nói về tác dụng răn đe của phiên tòa dạng này:

"Chúng tôi không có nhà nước, không có quân đội, không có cảnh sát, không có nhà tù nên việc cưỡng chế thi hành bản án rất là khó. Nhưng bản án này thể hiện đúng luật pháp, dùng luật pháp Việt Nam và ý chí nguyện vọng của nhân dân Việt Nam cho nên nó có tác dụng răn đe rất là lớn.

Bản án này mà khi tuyên một ai đó vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam thì tôi nghĩ rằng dù người đó có chức quyền lớn bao nhiêu cũng phải khiếp sợ về ý chí của người dân trong bản án này".

Theo luật sư Võ An Đôn, các luật sư mới từ Việt Nam sang tị nạn tại Mỹ có thể tham gia, rồi sau đó mạng lưới có thể được mở rộng với sự tham dự của các luật sư khác ở Mỹ và trên thế giới.

Ông nói giới luật sư ở Việt Nam có thể không thể tham gia ngay nhưng họ có thể âm thầm đóng góp cho công việc chung. Ông cho biết đã chia sẻ ý tưởng với nhiều luật sư và nhận được sự đồng tình và khích lệ từ họ.

Ông cũng cho rằng đây mới chỉ là ý tưởng ban đầu, và cần sự bàn bạc, thống nhất với các luật sư khác để xây dựng chi tiết dự án để biến thành khả thi.

Giới luật sư nói gì ?

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa cho các thành viên tu tại gia của Tịnh thất Bồng Lai nhưng bị buộc đi tị nạn ở Hoa Kỳ từ giữa năm nay, cho biết "Phiên tòa Nhân dân" như đề nghị của đồng nghiệp Võ An Đôn là một cách thức đấu tranh mới, đầy sáng tạo và cũng là cách "chia lửa" với những người đang dấn thân tranh đấu vì những giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Ông nói với RFA trong tin nhắn :

"Khi nghe luật sư Đôn chia sẻ ý tưởng này, tôi đã hết sức tán thưởng và đồng tình ngay. Trong hoàn cảnh chưa thể chính thức thiết lập tòa án để xét xử tội ác chế độ Cộng sản, thì những ‘Phiên tòa Nhân dân’ xét xử theo đúng các tiêu chuẩn luật pháp văn minh sẽ đều mang ý nghĩa tích cực cả.

Một mặt giúp công chúng có cái nhìn về tội ác của chế độ cộng Sản dưới góc độ pháp lý, chứ không phải chỉ là sự phê phán chung chung, đầy chất cảm tính. Mặt khác, không chỉ tích cực đối với công chúng, mà ngay cả những bị cáo, những tên tội phạm trong nước bị đưa ra xét xử trong ‘Phiên tòa Nhân dân’ cũng sẽ phải biết đối diện với những tội trạng như thế nào và hình phạt đối với chúng ra sao để mà chuẩn bị hung hăng hơn hoặc chùn tay trước tội ác".

Theo ông, phán quyết từ những phiên tòa như thế này cũng sẽ là cách thức khẳng định tính không chính danh của chế độ Cộng sản trong việc cướp chính quyền, nắm giữ quyền lực quốc gia và tham tàn, thu vén tài nguyên quốc gia làm của riêng.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng không chỉ các luật sư phải lưu vong ra hải ngoại, mà hầu hết đồng bào quốc nội, những người đang là nạn nhân trực tiếp của chế độ cộng sản và đồng bào người Việt phải tị nạn tại hải ngoại để tìm kiếm tự do sẽ đều đồng tình với ý tưởng thiết lập "Phiên tòa Nhân dân" của luật sư Võ An Đôn.

"Tôi đã đề nghị luật sư Võ An Đôn, với tư cách tác giả, nên phác thảo ý tưởng thành phương án để có cơ sở đưa góp ý chung với các đồng nghiệp, kể cả tham khảo ý kiến các vị đã hoặc đang từng làm việc trong ngành tư pháp Việt Nam trước đây hoặc tại hải ngoại. Đến khi có phương án khả thi thì công bố chính thức ra công chúng".

Luật sư Ngô Anh Tuấn, người từng tham gia bào chữa cho nhiều nhà hoạt động và đang sinh sống ở Hà Nội, nói về đề nghị của luật sư Võ An Đôn "ý tưởng thì hay nhưng thực sự rất ngây thơ về mặt pháp lý, cả về pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế. Khả năng thực hiện được là khó vì nó không nhận được sự đồng thuận của những người am hiểu về pháp lý".

Về sự tham gia của luật sư trong nước, ông nói trong tin nhắn gửi RFA trong ngày 08/11 :

"Luật sư đang hành nghề hợp pháp ở Việt Nam gần như chắc chắn 100% không có ai tham gia, nếu họ không muốn bị chấm dứt hành nghề, thậm chí bị bắt ngay lập tức.

Ngay cả tôi, tôi là người ngay thẳng, ngang tàng nhưng tôi không hành xử kiểu lấy trứng chọi đá một cách bất chấp và ngây ngô như vậy".

Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đề nghị của ông Đôn khá thú vị nhưng còn quá sớm để nhận định về tính khả thi.

RFA, 09/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ An Đôn, Trương Nhân Tuấn, RFA tiếng Việt
Read 303 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)