Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/07/2017

Ba năm "mới bấy nhiêu ngày"…

Nguyễn Tường Thụy

Tôi mượn cách diễn đạt của ông Tố Hữu để viết về Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam nhân kỷ niệm 3 năm thành lập Hội. Tuy nhiên, nó có khác về mệnh đề thứ hai. Tôi không có cái nhìn tích cực, "lãng mạn cách mạng" của ông Tố Hữu : "Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều". 16 năm sau khi "đổi thay đã nhiều" đó, người ta buộc phải xem xét lại đường lối hợp tác hóa nông nghiệp, thay đổi cơ bản quan hệ sản xuất trong nông nghiệp tiến tới khai tử hợp tác xã.

ba1

Lễ kỷ niệm 2 năm Hội Nhà báo độc lập Việt Nam tại Sài Gòn.

Còn mệnh đề thứ hai của tôi, tôi muốn nói rằng, con đường tiến tới một nền báo chí tự do còn nhiều gian nan, vất vả và nguy hiểm. Nhiều người đã phải trả giá khi chiến đấu cho sự thật, mới đây nhất là blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bản án 10 năm tù.

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam ra đời là một sự đòi hỏi tất yếu của tự do báo chí. Trước đó đã có nhiều trang blog cá nhân xuất hiện, dũng cảm đưa ra những thông tin trong bóng tối, cất lên tiếng nói phản biện. Câu lạc bộ Nhà báo Tự do ra đời ngày 19/9/2007. Sau đó, tất cả thành viên Câu lạc bộ bị bắt tù. Mạng lưới blogger Việt Nam thành lập ngày 10/12/2013 nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền. Vào nửa cuối Tháng 4 và nửa đầu Tháng 5/2014, một đoàn blogger Việt Nam gồm 6 người sang Hoa Kỳ vận động cho tự do báo chí ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc ra đời của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam không liên quan trực tiếp đến chuyến đi ấy mà là cả một quá trình trăn trở của những người cầm bút độc lập, là sự đòi hỏi của tự do báo chí, như một quá trình thai nghén, đến kỳ thì sinh nở.

Thời điểm ấy, chính sự ở Việt Nam khá rối ren. Giàn khoan HD981 của Trung Cộng đang khiêu khích ở Biển Đông, gây nên làn sóng phẫn nộ trong nhân dân. Một loạt cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành khác nổ ra. Đặc biệt, có những cuộc biểu tình biến thành bạo loạn, đập phá nhà xưởng của người Trung Quốc.

Việc lấy ngày ngày 4 tháng 7 trùng với ngày Lễ Độc Lập của người Mỹ để ra mắt hội Nhà báo độc lập Việt Nam nhằm đề cao tinh thần Độc lập trong tiêu chí của Hội, không liên quan đến hệ thống báo chí quốc doanh. Hội muốn tạo sân chơi thật sự cho các cây bút, các nhà văn, nhà báo nói lên sự thật, tăng cường sức phản biện và đưa sự thật đến với người dân Việt Nam.

Ngay sau khi ra đời, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã phải đương đầu với những người đồng nghiệp nhưng không đồng chí, đó là các báo Petro Times, Nhà báo và công luận, Quân đội nhân dân. Họ không tiếc lời rủa sả, coi Hội Nhà báo độc lập Việt Nam như kẻ thù, là những phần tử này nọ, "đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước" "thực hiện các mưu đồ đen tối" "thu nạp những phần tử chống đối trong và ngoài nước" "nhóm người tiêu cực, bất mãn", "thành lập trái pháp luật"

Họ qui chụp Hội Nhà báo độc lập  gồm những blogger đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước, "dựa hơi Mỹ", "mưu đồ cách mạng hoa nhài"

Qui chụp chán, cuối cùng họ lớn tiếng đòi "loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội".

Một số trang blog nặc danh, điển hình là trang Việt Nam Thời báo - vntb.org cũng tích cực không kém, giọng lưỡi thì thật ghê sợ. Ngoài xuyên tạc về Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, họ ra sức xuyên tạc, và sống sượng hơn là bịa đặt về các ủy viên Ban lãnh đạo.

Các ủy viên Ban lãnh đạo, một số hội viên hoạt động tích cực bị sách nhiễu như bị triệu tập, canh chặn, ngăn cản quyền đi lại. Hai hội viên không chịu được sức ép của an ninh đã xin ra khỏi Hội. Các cuộc họp bị theo dõi, thậm chí bị đánh phá, một số hội viên bị ngăn chặn. Cuộc họp ngày 17/4/2016 tại Hà Nội, toàn bộ Ban điều hành trong nước bị bắt câu lưu ở đồn công an khi từ Sài Gòn ra hoặc bị canh chặn tại nhà.

Tổ chức Hội thì như thế, trang Việt Nam Thời báo, tiếng nói của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cũng bị đánh phá ác liệt. Chỉ sau 10 ngày ra mắt, trang báo này đã bị một bàn tay hacker lẩn khuất phá hoại nặng nề. Tới cuối tháng 7/2014, trang Việt Nam Thời Báo hầu như tê liệt.

Ngoài việc bị báo chí nhà nước, dư luận viên đánh phá, Hội còn có những vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, đó chỉ là khác nhau về quan điểm làm báo, về cá tính. Những mâu thuẫn này được giải quyết theo hướng dân chủ, được quyết định bởi điều lệ Hội hoặc theo đa số. Hai tháng sau khi thành lập, Hội đã phải khai trừ một Hội viên là ủy viên Ban lãnh đạo. Trong sự cố này, một phó chủ tịch và 5 hội viên khác xin ra khỏi Hội. Cuộc bầu cử cuối Tháng 6/2016 có 4 hội viên xin ra.

Việc kết nạp hội viên ban đầu còn dễ dãi và có những thiếu sót. Có một vài trường hợp, Ban lãnh đạo căn cứ vào ý kiến ủng hộ thành lập hội trong quá trình vận động mà ghi danh nhưng có thể không có ý kiến gia nhập chính thức gây nên phản ứng, cho là "lợi dụng tên tuổi". Ngược lại, khi yêu cầu người muốn vào Hội xác nhận có nguyện vọng xin vào hội thì lại bị phản ứng, cho rằng chỉ cần hội viên (có uy tín ?) giới thiệu là được, không được "bắt làm đơn". Trước tình hình này, Tháng 6/2016, Hội đã ra "Qui chế hội viên" trong đó qui định rõ thủ tục gia nhập Hội.

Trên quan điểm cần tinh là trước hết, Hội đã rà soát lại những hội viên ghi tên những đợt đầu sau khi thành lập nhưng không tham gia sinh hoạt. Tháng 9 năm 2016, Hội đã xóa tên 2 đợt, gồm 17 hội viên. Việc xóa tên này không có ai phản ứng gì.

Trong bối cảnh chính trị, xã hội hiện nay, những hội viên Hội Nhà báo độc lập  không có quyền lợi nào khác ngoài quyền được dấn thân - dấn thân cho một nền báo chí tự do. Tình hình căng thẳng, bị đánh phá nêu ở trên giải thích cho điều này. Đặc biệt những hội viên là ủy viên Ban điều hành càng cần dấn thân nhiều hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hội bị sách nhiễu trước hết, sau đó đến các Phó chủ tịch, các ủy viên Ban điều hành rồi các hội viên tích cực.

Trở lại trang website Việt Nam Thời báo. Trang Việt NamTB cùng tuổi với Hội NHĐLViệt Nam. Trải qua bao sóng gió, trang báo ngày càng trưởng thành. Đến nay, ngoài trang Việt NamTB chính thức, Hội đã xây dựng được một trang truyền hình. Riêng trang truyền thanh, sau một thời gian làm thử, Ban điều hành đã thống nhất ngừng hoạt động.

Trước sự đánh phá của nhà cầm quyền và của hàng chục trang blog và trang báo nặc danh hoặc có đăng ký, hàng ngày Việt Nam Thời báo vẫn dõng dạc cất tiếng nói trung thực, với đầy đủ các thông tin ở mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Những sự thật đen tối, xấu xa người ta muốn ém nhẹm thì độc giả tìm thấy ở đây. Độc giả có thể tìm ở đây những tiếng nói phản biện thuyết phục, có lý lẽ, qua đó có thể nâng cao nhận thức của mình về các vấn đề xã hội. Việt Nam Thời báo ngày càng có thêm những cây bút phản biện đang hoặc đã từng viết cho báo chí nhà nước. Mặc dù vậy, vẫn còn có những hội viên chưa có bài viết.

So với hệ thống báo chí khổng lồ của nhà nước với hơn 20 nghìn hội viên, Hội HBĐLViệt Nam chỉ bằng 3,5 phần nghìn về con số và bằng 0% về vật chất nhưng vẫn cứng cỏi, can đảm vươn lên. Ba năm "mới bấy nhiêu ngày" mà đã bao nhiêu gian nan vất vả, hiểm nguy. Nhưng cũng trong ba năm ấy, những gì Hội làm được thật đáng tự hào. Nếu nhà cầm quyền để cho Hội tự do phát triển thì kết quả đâu chỉ có thế. Tuy nhiên để xây dựng một nền báo chí tự do thì đó mới chỉ là chặng ban đầu. Khi nào nhà cầm quyền không còn sợ sự thật, biết chấp nhận ý kiến trái chiều thì mọi nỗ lực của những người làm báo độc lập mới đạt được mục tiêu cơ bản. Nhưng để có được cái "khi nào" ấy, những người làm báo độc lập phải can đảm, chấp nhận gian nan, vất vả, hy sinh, chứ không bỗng dưng mà có được.

Kết

Vào khoảng giữa năm 2016, có một người xin vào Hội. Nhưng khi đặt vấn đề anh cần viết đơn và kê khai quá trình làm báo thì anh phản đối trên trang fb cá nhân của mình rằng, từ xưa, chưa ai bắt anh phải làm đơn vào hội nọ hội kia. Rồi anh kể ra những hội anh đã từng tham gia. Qua đó, tôi biết anh đã tham gia các nhóm thơ hay diễn đàn này nọ. Yêu cầu anh viết đơn là xúc phạm đến anh.

Quả là tôi đã tham gia nhiều diễn đàn như thế mà admin chẳng cần biết tôi là ai. Thì ra anh tưởng Hội Nhà báo độc lập  là một tổ chức viết lách ăn chơi, du hí, ngâm vịnh chứ hoàn toàn không hiểu gì về Hội.

Hội NBBĐLViệt Nam không phải nơi cho ai đó chỉ để ghi danh. Hội không lợi dụng tên tuổi của ai nhưng sẵn sàng đón những ai chấp nhận mất mát hy sinh, dấn thân cho một nền báo chí tự do mà không đòi hỏi một điều kiện gì.

Nhân kỷ niệm 3 năm thành lập Hội Nhà báo độc lập , xin bày tỏ lòng biết ơn và cảm phục đến những ký giả tự do, những blogger đã, đang và mới vào tù. Các anh chị đã tạo ra tiền đề cho sự ra đời của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam bằng sự dấn thân cao cả của mình, đã đồng hành cùng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam trong 3 năm nay. Đó là những con người dấn thân nhiều nhất cho Tự do báo chí ở Việt Nam.

Kỷ niệm 3 năm Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, VNTB, 03/07/2017 (nguyentuongthuy's blog)

Quay lại trang chủ
Read 791 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)