Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/01/2017

Có kỳ vọng dân chủ với luật Magnitsky ?

Cát Linh

magnisky1

The Magnitsky Act

Luật Magnitsky được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký ban hành thành luật và mở rộng phạm vi áp dụng với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với tình hình đàn áp, bắt bớ ngày càng tăng ở Việt Nam, luật Magnitsky có thể được xem là hy vọng cho những người đấu tranh dân chủ nói riêng và nhân quyền Việt Nam nói chung hay không ?

Hoan nghênh

Nhà hoạt động Lê Dũng từ Hà Nội cho chúng tôi biết qua email rằng không chỉ riêng ông, mà cả những nhà hoạt động khác đều mong muốn điều này từ năm 2011, khi Hà Nội diễn ra những cuộc biểu tình kéo dài.

Trong những cuộc biểu tình đó, hàng loạt những cá nhân "xuống đường" đã bị đàn áp, sách nhiễu vì lên tiếng bày tỏ, kêu gọi tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hoặc đòi hỏi môi trường sạch. Không chỉ xảy ra ở các cuộc biểu tình, những nhà hoạt động khác khi lên tiếng bằng những trang blog cá nhân cũng bị bắt vì tội "chống phá nhà nước".

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha cho biết bà rất hoan nghênh khi luật Nhân quyền được áp dụng ở Việt Nam :

"Tổng thống Mỹ ký điều luật đó thành luật áp dụng với các ông cộng sản như vậy thì tôi rất thích. Như vậy mới xứng đáng với những gì họ đã gây ra cho người dân Việt Nam, trong đó có gia đình của tôi".

Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thuỵ, từ Hà Nội cho biết :"Tuy chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về điều luật này nhưng cá nhân ông rất hoan nghênh".

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung cho rằng chính chế tài của Luật Magnitsky, là cấm xuất cảnh cho dù là công vụ hoặc đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ sẽ làm cho nhà cầm quyền Việt Nam thận trọng hơn :

"Cá nhân Trung thì Trung nghĩ là những người lãnh đạo trong Bộ chính trị sẽ thận trọng hơn khi ra quyết định bắt giam, đàn áp hay bỏ tù phong trào đấu tranh dân chủ".

Nhưng không nhiều kỳ vọng

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Ủy ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS) cho biết có ba đối tượng được xem là tội phạm phải chịu chế tài của luật này :

Thứ nhất là những giới chức chính quyền và những thuộc hạ của họ hoặc những người ngoài chính phủ hợp tác với giới chức chính quyền vi phạm nghiêm trọng quyền con người mà được quốc tế ghi nhận.

Thứ hai là những giới chức quyền cướp đoạt tài sản của người dân.

Và thứ ba là những giới chức chính quyền can dự vào những vụ tham nhũng lớn và đàn áp những người lên tiếng vạch trần những sự việc ấy.

Cả ba đối tượng được mà Tiến sĩ Thắng nêu lên đều là những quan chức trong bộ máy nhà nước, những người có ảnh hưởng nhiều đến các chính sách phát triển của quốc gia, cả kinh tế lẫn chính trị.

Luật sư Ngô Ngọc Trai từng đưa ra lo ngại về luật Magnitsky sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho bước tiến của Việt Nam và hơn hết, là khó khăn cho người dân Việt Nam. Đối với ông, trong bất kỳ chính sách hay ký kết nào, nhân dân cũng sẽ là người gánh chịu hậu quả :

"Hãy nghĩ nhiều hơn nữa tới người dân Việt Nam, những người thấp cổ bé họng, những người dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi. Hãy nghĩ nhiều đến họ. Hãy quan tâm đến họ trong bất kỳ kế hoạch hay chính sách nào".

Chính những người dân ấy, những người trực tiếp chịu sự đàn áp, bắt bớ tù đày, tuy vui mừng khi Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ đã tặng cho người Việt Nam một món quà nhân quyền, nhưng họ vẫn không khỏi băn khoăn để có thể hy vọng về một tương lai nhân quyền của Việt Nam, như người mẹ của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha bày tỏ :

"Tôi thấy họ (nhà cầm quyền Việt Nam) chẳng có sợ gì về những luật áp đặt họ đâu.

Tôi hy vọng, hy vọng thôi, chứ còn mà tin họ (nhà cầm quyền Việt Nam) thay đổi thì… không bao giờ".

Bà cho biết càng ngày họ càng đàn áp nhiều hơn, vìlo sợ :

"Năm nay họ bắt biết bao nhiều người vô tù vì điều 79, 88. Họ càng sợ thì họ càng bắt vì những cái tội rất… vu vơ"

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung, người vẫn còn đang trong thời gian quản chế thì nói rằng đó là "phản ứng đương nhiên" của một chế độ độc đảng cầm quyền :

"Độc tài trên một đất nước hơn 90 triệu dân như Việt Nam rất khó khăn. Lúc nào họ cũng nơm nớp lo sợ bị lật đổ. Lúc nào họ cũng sợ hết quyền lực vì quyền lực của họ không chính danh. Cho nên lúc nào họ cũng đàn áp".

Người Việt Nam quyết định

Do đó, cá nhân Nguyễn Tiến Trung nghĩ rằng luật Magntisky hay bất cứ luật nào trên thế giới cũng sẽ khó mà thay đổi được tình trạng nhân quyền hiện tại ở Việt Nam :

"Ở Việt Nam có dân chủ hay không thì phải do chính người dân Việt Nam tự quyết định lấy. Nếu người VIệt Nam không bắt tay vào hành động thì đạo luật như vậy ở Mỹ dù có một sự giúp đỡ nhất định vẫn không giúp Việt Nam dân chủ hóa được, không thể có chuyện tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam hoàn toàn được".

Mẹ của tù nhân Đinh Nguyên Kha cũng khẳng định :

"Tự thân mình đứng lên phản đối những gì họ sai trái thôi chứ để nói là ra luật để họ làm tốt hơn thì tôi thấy là không có đâu".

Phương cách hành động

Một trong những hình thức "bắt tay vào hành động" như cách nói của Nguyễn Tiến Trung hay "đứng lên phản đối" của bà Nguyễn Thị Kim Liên là cách mà Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng từng cho biết khi nói về Luật Magnitsky.

Theo ông, nếu người Việt Nam muốn khai dụng những biện pháp trừng phạt này đối với những giới chức là đối tượng bị trừng phạt trong nước thì cần phải thực hiện hồ sơ đầy đủ và chuyên nghiệp :

"Trong nước cần phải học ngay cách thức làm một bản báo cáo đúng với tiêu chuẩn Liên hiệp quốc, chứ không phải quay video, rồi tri hô thôi thì không được. Thủ tục phải rất chi li và đúng tiêu chuẩn quốc tế".

Những hồ sơ và danh sách ấy sẽ được chuyển đến các dân biểu, Thượng nghị sĩ để yêu cầu trình lên Tổng thống.

Cô Kim Vân, thành viên của Hội Phụ nữ nhân quyền Việt Nam, thành viên của Khối Nhân sanh hội Cao Đài cho biết những điều kiện cần thiết để thiết lập một bộ hồ sơ đúng tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc :

"Có một tiêu chuẩn nhất định mà trước đây đã làm báo cáo về những trường hợp vi phạm đó. Đồng thời theo đúng tiêu chuẩn quốc tế và Liên hiệp quốc của các quốc gia đã ký, trong đó có Hoa Kỳ đã công nhận. Sau đó sẽ viết thành một bản tường trình, cùng với chế tài và đính kèm vào những danh sách mình biết chính xác, đó là một bộ hồ sơ hoàn chỉnh".

Cũng theo cô Kim Vân, ngoài trang mạng BPSOS, những tổ chức xã hội dân sự như Hội phụ nữ nhân quyền, các tôn giáo như Phật giáo Hoà Hảo, Khối nhân sanh hội Cao Đài… đều có các buổi học về cách thiết lập bộ hồ sơ theo tiêu Liên hiệp quốc nhằm đề nghị áp dụng chế tài của Luật Magnitsky đối với các đối tượng vi phạm.

Luật Magnitsky, như mọi người cho biết, cho dù họ vui mừng và hoan nghênh đón nhận vì tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng trong nước, tuy nhiên, họ cũng nhận thấy rằng, dân chủ cho Việt Nam ; nhân quyền cho Việt Nam, chỉ có người Việt Nam quyết định.

Cát Linh, RFA

Nguồn : RFA, 01/01/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cát Linh
Read 665 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)