Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/12/2023

Con người Kissinger dưới mắt Lê Đức Thọ

Anthony Barnett

Lời người dịch : Anthony Barnett phỏng vấn ông Lê Đức Thọ tại Hà Nội vào tháng 3/1980 về hồi ký của ông Henry Kissinger, "The White House Years". Chúng tôi dịch những đoạn ông Thọ nhận xét về con người của Kissinger. (TQV)

kissinger1

(Từ trái sang) Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger, Tổng thống Richard Nixon và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Alexander Haig thảo luận về Chiến tranh Việt Nam trong phòng làm việc của Nixon tại Trại David, Maryland, ngày 13/11/1972 - Oliver F. Atkins—White House Photo/Nixon Presidential Library and Museum/NARA

Anthony Barnett : Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Cora Weiss vào cuối năm 1973, ông nói : "Trong các cuộc hòa đàm, tôi bảo Kissinger rằng tôi sẽ không viết sách. Kissinger nói ông sẽ viết. Tôi nói, "Đừng bóp méo sự thật". Phải chăng có bất kỳ sự bóp méo hay sự bỏ sót nào trong lời kể của ông ấy về các cuộc hòa đàm ?

Lê Đức Thọ : Bài điểm sách của tờ New Statesman nói hồi ký của Kissinger là "đầy những điều không đúng". Theo tôi, đây là sự đánh giá khá chính xác.

Như mọi người biết, Hoa Kỳ có thể ra khỏi Việt Nam vào năm 1969. Nhưng chính quyền Nixon - Kissinger ấp ủ ảo tưởng dùng "Việt Nam hóa" chiến tranh cùng với "lá bài Trung Quốc" để rút ra khỏi Miền Nam Việt Nam về mặt quân sự - trong khi vẫn duy trì sự hiện diện của họ về mặt chính trị thông qua chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn. Mục đích của Hoa Kỳ là vĩnh viễn chia cắt Việt Nam.

Nhưng Hoa Kỳ đã phải rút ra về mặt quân sự, từ đấy đưa đến sự sụp đổ của chính quyền Thiệu và giải phóng hoàn toàn Miền Nam Việt Nam. Đó là sự thất bại lớn nhất từ trước đến nay đối với Hoa Kỳ. Ông Kissinger không thể nói thật về chuyện này.

Thay vì thế, ông Kissinger đã cố gắng "viết lại lịch sử" trong nỗ lực khẳng định chính sách đã đưa đến sự thất bại ấy là thành công của chính mình. Ông cố gắng biện minh cho những tội ác mà chính quyền Nixon - Kissinger đã gây ra thêm đối với nhân dân Đông Dương và những tổn thất thêm về nhân mạng, tiền bạc, vật chất và phẩm giá quốc gia mà họ đã gây ra đối với Hoa Kỳ. Đấy là sự bóp méo chính trong những chương bàn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.

Sách cho rằng Hoa Kỳ phải tiến hành cuộc ném bom B52 vào cuối năm 1972, vì Bắc Việt muốn kéo dài các cuộc hòa đàm và từ chối ký vào hiệp định mà nội dung cơ bản của nó hai bên đã đồng ý vào tháng Mười.

Sự thật là chính Hoa Kỳ đã tráo trở hoàn toàn. Như hai bên đã đồng ý, Kissinger lẽ ra sẽ đến Hà Nội vào ngày 23/10/1972 để ký tắt Hiệp định, mà có thể chính thức ký vào ngày 31/10/1972. Vào ngày 21/10/1972, Nixon gởi thông điệp cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng Hoa Kỳ "coi như hiệp định đã hoàn tất".

Nhưng vào ngày hôm sau, 22/10, Kissinger lại nói rằng vẫn cần phải có một phiên họp khác cho nên vì thế không thể ký Hiệp định vào ngày 31/10. Đấy là lý do tại sao hòa đàm kéo dài, chủ yếu là vì Hoa Kỳ.

Thủ đoạn của Mỹ qua việc ném bom khủng bố ấy là chính quyền Nixon - Kissinger hy vọng có thể làm suy yếu trầm trọng tiềm lực của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, từ đấy buộc chúng tôi phải chấp nhận thêm những điều khoản do phía Hoa Kỳ đưa ra. Ngược lại, Hoa Kỳ mất 32 B52, cùng với nhiều phi công bị bắt hay bị giết. Đồng thời công luận thế giới, trong đó có công luận của chính Mỹ, lên án kịch liệt chính quyền Nixon và Kissinger. Chiến thắng của "Điện Biên Phủ trên không" này đã buộc Hoa Kỳ ký vào Hiệp định mà nội dung của nó hầu như không khác với nội dung vào tháng 10.

Sách khẳng định rằng tôi đã "bí mật" nói với Kissinger rằng "sứ mệnh của nhân dân Việt Nam là không chỉ chiếm Miền Nam Việt Nam mà còn thống trị cả Đông Dương nữa". Đây là một sự bịa đặt trắng trợn.

Thật ra, khi ông Kissinger yêu cầu tôi thảo luận về sự "trung lập hóa" Kampuchea (Cambodia), tôi bảo ông là tôi và ông chỉ có quyền thảo luận về vấn đề Việt Nam.

Để hiểu tại sao ông đã bịa đặt ra những lời nói "bí mật" như thế, ta phải nhớ rằng cuốn sách này cũng phục vụ sự mong muốn trở lại chức vụ của Kissinger - bất chấp hồ sơ tội ác chiến tranh của ông. Vì thế ông đã tham gia vào một chiến dịch mới nhằm chống lại Việt Nam, mà Washington và Bắc Kinh bây giờ đang tiến hành.

Sách cũng nói là tôi đã gợi ý với ông Kissinger nên loại bỏ Thiệu. Điều này cũng là sự bịa đặt. Chúng tôi đã không đấu tranh chống lại một người, mà chống lại toàn bộ chế độ phản động. Việc trừ khử một đầu sỏ cá nhân là nhiệm vụ truyền thống của Hoa Kỳ.

Chính Mỹ trước đây đã loại bỏ Diệm, và chính ông Kissinger nhiều lần gợi ý rằng Minh Lớn nên thay thế Thiệu.

Tôi có lần nói với ông rằng "anh là kẻ nói láo". Ngay cả những cộng sự thân cận của ông, chẳng hạn, Helmut Sonnefeldt, cũng khẳng định Kissinger "nói láo vì đó là bản chất của ông ta".

Anthony Barnett : Ông đánh giá gì về vai trò thật sự của Kissinger trong việc quyết định chính sách của Hoa Kỳ. Theo sau sự sụp đổ của Nixon nhiều người giới thiệu ông ấy là kiến trúc sư chính của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, đặc biệt về Trung Quốc. Tuy nhiên chính Kissinger giữa một cuộc khủng hoảng chính sách, về Ấn Độ, nói : "Chúng ta là người của Tổng thống". Mặc dù là người phục vụ quyền lực có tài, Kissinger phải chăng thực sự từng là người chủ của quyền lực ?

Lê Đức Thọ : Khi thành công, ông Kissinger muốn kể công. Khi không thành công, ông chuyển trách nhiệm sang Nixon.

Tuy nhiên, Nixon và Kissinger bổ sung cho nhau tới mức độ công luận gọi họ là "Nissinger". Và cả hai họ phải chịu trách nhiệm về chính sách ngoại giao Mỹ trong những năm 1968 - 74.

Kissinger là ví dụ điển hình của ngoại giao Mỹ sau Thế chiến thứ hai - bản chất hiếu chiến của nó và sự ngạo mạn. Vì vậy, mặc dù về mặt chính trị ông đôi khi rất khen ngợi chính sách thương lượng và thỏa hiệp, nhưng căn bản là ông cố gắng sử dụng sức mạnh quân sự. Đe dọa, phản bội, gian dối là nghề của chàng.

Tuy nhiên ông sống trong thế kỷ 20. Cán cân lực lượng hiện nay đang nghiêng về chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, hòa bình và dân chủ. Kissinger ảo tưởng ông có thể lặp lại chính sách Metternich của thế kỷ 19, và ông kiêu ngạo nghĩ điều này chứng tỏ ông là bậc thầy của chính trị thực dụng.

Thực ra, ông và Nixon đã ngây thơ trong khi đồng bào của họ phản đối chiến tranh lại thực tế hơn. Ngày nay nỗ lực biện minh quá khứ của ông có thể dẫn đến thêm nhiều thất bại. Điều này cũng đúng với Trung Quốc, như đã được nhận ra qua sự ủng hộ của họ trong cuộc xâm lăng Việt Nam của Pol Pot. 

Anthony Barnett

Nguyên tác : Kissenger and the historical record, New Statesman, 21/03/1983

Kissenger and the historical record.pdf

Trần Quốc Việt biên dịch (02/12/2023)

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anthony Barnett, Trần Quốc Việt
Read 383 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)