Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/12/2023

Chùa to Phật lớn vực sâu

Nguyễn Nhơn

Hạ Mã

Trước cổng Văn Miếu- Quốc Tử Giám có một tấm biển xi măng viết chữ "Hạ mã".

chuato2

Hai tấm bia đề chữ "Hạ Mã" - có nghĩa là xuống ngựa nằm hai bên khu Tiền án trước khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hồi trước, nhiều người dân sống ở Hà Nội và một số đông học sinh, sinh viên sắp đi thi thường xuyên thắp hương thành kính lễ bái trước tấm biển này.

Hạ mã nghĩa là xuống ngựa. Năm 1771, Thượng thư Bộ Công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, ông Nguyễn Hoản cho dựng tấm bia này để nhắc nhở mọi người, kể cả quan lại, khi tới đây đều phải xuống ngựa, xuống xe, đi bộ qua để tỏ lòng kính trọng các bậc tiên thánh, tiên hiền được ghi tên trên bia đá ghi công tích đặt bên trong Văn Miếu (trích tư liệu).

Của đáng tội, ông Thượng thư lại làm việc có tâm quá, nên tấm biển thông báo có ý nghĩa "Xuống xe dẫn bộ" lại được đúc chữ nổi tráng men trên tấm xi măng hình chiếc bia, có chân đế hình mây cuộn, lại được đặt trong nhà che bia có cột, có mái đôi, tám đầu đao cong vắt rất đẹp và trang nghiêm.

Quan Thượng không ngờ bởi vì sự trang trọng đó mà vài trăm năm sau, dân tình biến luôn tấm bia Hạ mã của ông thành… địa điểm tâm linh. Hương, hoa, vàng bạc, bánh trái… người ta cúng nhiều đến gần tràn cả ra đường, rồi chổng mông quỳ gối khấn vái. Vái ông "Hạ Mã" linh thiêng phù hộ cho thân chủ học gì thì thi cũng tài, thi đâu đậu đó.

Khổ thân ông … Hạ Mã, hàng ngày hít khói hương đến đen cả phổi !

Nhưng ông cũng không cô đơn.

chuato1

Hai tấm bia đề chữ "Hạ Mã" - nhiều người dân sống ở Hà Nội và một số đông học sinh, sinh viên sắp đi thi thường xuyên thắp hương thành kính lễ bái trước tấm biển này.

Thần thiêng vì cho số đề

Dân Việt Nam ta thích thờ cúng phải biết. Chiếc cây cổ thụ vài trăm năm nghiễm nhiên thành "cây thần". Tảng đá đặt sau lưng tượng Phật trong chùa, bỗng cũng thành "đá thần". Hai con rắn bạch tạng bò lên trên một ngôi mộ vô danh, thành luôn "rắn thần". Nhưng "thần" này chỉ được phép hiển linh cho số để trúng đề thôi nghe.

Một cô gái trẻ chết bất đắc kỳ tử, một chiếc xe hơi bị ngập nước nổi lềnh bềnh trên phố Hà Nội, một ráng mây lạ trời chiều, một con mèo đen nhảy lên cửa sổ, số người đi bầu cử tổng thống Mỹ, một nghệ sĩ nổi tiếng vừa qua đời, mộ Võ Thị Sáu ở Côn Đảo…. tất cả đều có thể là căn cứ cho dân ta luận số đánh đề. Như chuyện tảng đá sau tượng Phật, chẳng biết từ đâu sinh tin đồn cứ tưới rượu vào thì mặt đá hiện ra con số, ai "theo" đảm bảo thắng đề, có người trúng đến trăm triệu. Ối giời ơi thế là thôi, dân mình đổ xô đến cúng tưới rượu lụt cả đá và lễ mễ bái lạy để xin số.

Một cuộc sống chông chênh không có nền tảng đạo đức và tôn giáo thật sự. Một xã hội đảo điên theo đồng tiền và quyền lực. Một nền kinh tế nhà nước chỉ thấy tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng. Nền kinh tế tư nhân chủ yếu phân lô bán đất nền. Bất an thường trực và những sự việc bất thường méo mó nhưng lại diễn ra thường xuyên khiến người dân không dám đặt niềm tin vào những giá trị tinh thần cao thượng, vì tuy nó tốt nhưng khó thực hiện.

Thực tế là trong xã hội Việt Nam hiện tại, người tốt khó sống hơn người lèo lá, cơ hội.

Thế thì chỉ có gởi niềm tin vào tiền mặt là chắc ăn nhất.

Nhưng tầm dân thường thì cũng chỉ loanh quanh thắp nhang bày mâm ngũ quả cầu trúng đề, trúng vé số, đi thi đậu, chồng không ngoại tình… là hết.

Mê tín nhất Việt Nam, phải kể đến tầm các quan. Quan càng to càng tín, càng mê.

chuato3

Bức tượng Phật lớn tại Chùa Khai Nguyên ở Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội hôm 18/5/2019. AFP

Xin Phật cho chức

Phổ biến (và vô hại) nhất là tục đi đủ 10 cảnh chùa vào đầu năm mới. Nhưng nguyện cầu lớn nhất của các lãnh đạo không phải là "an" bình thường như dân thường mà là thăng tiến, quyền chức, quan lộc.

Cho nên cái sự đi chùa của thê tử các quan nó nhiêu khê gấp nhiều lần. Tại sao là thê tử ? Vì các quan phải kiêng cữ, ai lại chiềng phương diện quốc gia ra những nơi nhạy cảm cho bọn báo chí chụp hình chất vấn quốc hội ? Để cho vợ con thay mặt mình đi cầu cúng, trấn yểm là hợp lẽ nhất. Còn vì sao lại đến chùa xin Phật cho chức ? Thì có lẽ vì ông Phật ổng hiền, nên dân ta nghĩ xin gì ở ổng cũng được, bất biết Phật từng là thái tử và bỏ hết vinh hoa phú quý để đi tìm chân hạnh phúc của đời người.

Nói túm lại là đi chùa đầu năm quan trọng lắm. Phải chọn ngày, chọn giờ, chọn hướng xuất hành. Chọn màu trang phục, chọn chất liệu của trang sức đeo trên người. Vàng, bạc hay ngọc, đồng, gỗ, đá… đều phải được thầy bói ruột tỉ mỉ xem trước hàng tháng giời. Đúng giờ đúng ngày đúng hướng đúng màu đúng trang phục, bước chân đi phải chọn chân nào bước trước, cấm sai một ly kẻo quan lộc bị chấn động.

Lễ cúng xin tất nhiên phải thật dồi dào đúng nghĩa mâm cao cỗ đầy, kèm phong bì nặng.

Đấy là lễ chùa đầu năm. Còn quanh năm suốt tháng thì vô vàn luật lệ phải tuân thủ chặt. Cứ tính từ đầu trở xuống cho dễ nhé.

Tóc : nhuộm hay không nhuộm, cắt kiểu gì, rẽ ngôi bao nhiêu phần tóc mỗi bên.

Mặt : Để nguyên hay tu bổ, nâng, hạ, bơm, cắt, nhuộm, tỉa (lông mày, râu, ria). Theo đó, mũi, gò má, trán, thái dương hay cằm đều là những nét phong thủy có quan hệ long trọng đến quan mệnh của gia chủ, có thể lên hoặc xuống. Các quan tin lắm điều này.

Răng : nên chỉnh nha, tẩy màu hay không. Vì một hàm răng vổ (răng hô) tuy xấu nhưng xét về tử vi có khi lại là đà tiến lên, giúp thăng quan tiến chức phát tài phát lộc.

Trang phục : Dĩ nhiên phải đúng màu hợp mệnh của gia chủ lẫn mệnh của chủ. Ví dụ chủ mệnh mộc thì bản thân không thể mặc màu đỏ hay trắng, bạc. Vì đỏ là hỏa, bạc hay trắng là kim. Mà lửa hay dao thì đều có thể đốt hay đốn gốc cây. Chủ mà thấy quân mặc kiểu này trong những dịp quan trọng thì cắt biên chế gấp !

Màu của chiếc xe cũng phải chọn gắt gao theo nguyên tắc ngũ hành như thế.

Tuổi của trợ lý, của lái xe, của… bồ nhí, càng phải chắc chắn phải hợp mệnh, theo kiểu khuông phò, hỗ trợ, chúng tinh phủng nguyệt (ngàn sao vây quanh mặt trăng).

Rồi đến chữ ký. Làm quan mà, phải ký liên tục nên chữ ký quan trọng lắm. Chữ ký ngắn dài, nét lên nét xuống, thắt nút hay đá hất ra sao đều cần có thầy xem, thầy vạch cho ký mẫu. Gia chủ cứ thế bặm môi ký tập thật cặm cụi cho quen tay. Đến khi ký thật thì cứ là phóng bút không lệch nét nào. Nên có những chữ ký lãnh đạo mà nét hất cuối thẳng đứng như vách tòa cao ốc (để thăng quan tiến chức theo đường thẳng đứng), hoặc nét vạch ngang dài như đường Trường Sơn (để quan lộ vĩnh viễn miên man không dứt)…

Đến hướng ngồi, hướng nằm, hướng cửa, hướng bếp, hướng giường. Có những chiếc ghế và bàn kê thành một góc vô cùng kỳ cục vì thầy phán phải như thế mới hợp phong thủy cho tài lộc dồi dào. Có những am thờ trịnh trọng nghi ngút khói hương trên tầng cao nhất của một ngôi biệt thự hiện đại giữa lòng thành phố. Có những khoản tiền đều đặn và (không) bí mật (cho lắm) rót vào tài khoản của trụ trì một số cơ sở thờ tự nổi tiếng, để các vị trung gian này đều đặn chuyển lên các đấng linh thiêng những lời cầu xin của gia chủ.

chuato4

Các nhà sư làm lễ cho cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Việt Nam Quốc Tự ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/9/2018 (minh hoạ). AFP

Người ta thức đêm thức hôm, vòng trong vòng ngoài quanh cái đền Trần nhỏ xíu đã được rào khóa kín cửa để tranh bằng được một cái "ấn đền Trần", vì, thiên hạ đồn hễ ai sở hữu được một tờ ấn là công danh rộng mở.

Nhưng thế cũng chưa thể đủ an toàn (tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường làm quan). Nên còn phải "xí phần" : cúc cung hầu hạ một đấng thánh thần cụ thể, một ông Hoàng, bà Cô, bà Chúa có tên có tuổi nào đấy, làm con nhang tận tụy, cúng tiền nặng tay, đều đặn, kín miệng. Mong có ngày Cô thương.

Phải được Cô thương, vì con đường thăng tiến lên làm lãnh đạo ở Việt Nam không phải bằng tài quản lý hay khả năng chuyên môn. Từ lâu dân gian đã tổng kết : Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ. Nếu không sinh ra đã "đồng chí này là con đồng chí nào" thì phải cực lực dùng tiền chạy ghế. Nhưng cả hai thứ đấy đều không phải do nỗ lực bình thường mà có, đã thế lại phải tranh đua trong bối cảnh vô vàn biến số, hầu như không có gì đảm bảo được hiện tại và tương lai. Vì thế người ta phải bám víu vào những niềm tin tâm linh, những đấng vô hình có quyền lực vô biên và không thể giải thích theo logic thông thường.

Ở Việt Nam, càng ngày càng xuất hiện những tượng Phật khổng lồ, cao gần trăm mét, nặng hàng chục tấn. Tượng Phật khổng lồ sau phải khổng lồ hơn những khổng lồ trước. Có lẽ vì chỉ những kích thước "khủng" đó mới đủ sức lấp những vực thẳm bất an và hoang mang trong lòng người.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 11/12/2023

Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước, hiện đang sống ở Thái Lan.

Tham khảo : 

https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/don-thoi-da-than-hien-linh-cho-so-de-20160920104007283.htm

https://www.luatkhoa.com/2023/06/cuoc-dua-xay-tuong-phat-hoanh-trang-o-viet-nam/

https://thanhnien.vn/ky-la-nhung-tuong-phat-khong-lo-o-mien-tay-185591352.htm#

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nhơn
Read 442 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)