Nhìn từ chuyến thăm của Tập Cận Bình - Không có quá khứ không có tương lai
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 15/12/2023
Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam, vào ngày 12 và 13/12/2023. Trước đó, ngày 11 và 12/12/2023, ông Hun Manet cũng viếng thăm chính thức Việt Nam, trên cương vị tân Thủ tướng Campuchia.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón cấp Nhà nước Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh : TTXViệt Nam
Hai quốc gia Campuchia và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, cùng nhiều "ơn oán" với Việt Nam, đặc trưng bởi lịch sử hiện đại, xuất phát từ hai cuộc chiến được gọi tên : Chiến tranh biên giới Tây Nam (1975 - 1989) và Chiến tranh biên giới phía Bắc (1979 - 1990). Trải qua vô số thăng trầm thời cuộc, Trung Quốc - Việt Nam - Campuchia vẫn cố gắng duy trì ngoại giao tốt đẹp lẫn nhau.
Trong 3 quốc gia này, chỉ có Campuchia - về mặt chính thức - không thuộc "hệ phái" cộng sản. Tuy nhiên, dư luận thế giới vẫn nhìn rõ tính chất "cha truyền con nối" của xứ sở Chùa Tháp. Dù phát triển kinh tế vẫn trên đà tiến triển nhưng Campuchia bị Hoa Kỳ cấm vận võ khí [1] vào tháng Mười Hai năm 2021. Còn Việt Nam đã được Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn [2] lịnh cấm vận võ khí vào tháng Năm năm 2016.
Trong 3 quốc gia kể trên, Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang theo đuổi "hệ phái" cộng sản. Tuy nhiên, Trung Quốc chứng minh thành công nổi bật, khi từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ độc tài toàn trị, với hình ảnh Tập Hoàng Đế hiệu triệu "muôn người như một - tiền hô hậu ủng" là sự thật, không thể phủ nhận. Còn Việt Nam, dù trải qua gần nửa thế kỷ, vẫn dậm chân tại chỗ với chế độ độc đảng toàn trị, bằng sách lược "tập thể lãnh đạo - cá nhơn phụ trách". Có lẽ vì vậy, trang fanpge của đài RFA gây cảm giác một chút ngậm ngùi và một phần cay đắng [3] bằng clip dài 1 phút 30 giây, trong đó, hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng rất yếu đuối cùng bộ dạng run rẩy và không còn điều khiển nổi cơ thể, trước cuộc gặp quan trọng tầm vóc quốc tế. Trong giọng nói hụt hơi, ông Trọng không ngăn nổi sự xúc động với cách nói nghẹn ngào : "...đồng chí Tập Cận Bình còn trẻ hơn tôi rất nhiều. Nhưng mà tôi thì đã già rồi. Rất muốn gửi gắm và trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ". Đi cùng lời nói nghẹn ngào của ông Trọng là cử chỉ vỗ vai nhè nhẹ với lòng thương xót cùng ánh mắt ái ngại của Hoàng đế Tập Cận Bình, dành cho Tổng bí thư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ! Fanpage RFA nhấn mạnh 30 con chữ này đã bị lược bỏ trên phương tiện truyền thông đại chúng, từ phía Việt Nam ! Việc lược bỏ này càng chứng minh rõ, ông Trọng chỉ là "cá nhơn" (trong Bộ Chính trị), còn "tập thể" (Bộ Chính trị) đã quyết định phải cắt bỏ.
Với thời gian viếng thăm ngắn ngủi, một khối lượng văn bản đồ sộ với 36 thỏa thuận được đôi bên ký kết, cùng với "Tuyên bố chung" dài hơn 6.000 con chữ [4]. Một kỷ lục, mà báo giới gọi là "chưa từng có trong lịch sử" ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc. Tất cả báo chí đều ca ngợi sự thành công cao độ của chuyến viếng thăm này.
Mới đó gần nửa thế kỷ với "chiến thắng vang dội địa cầu" bằng việc "đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào". Nay :
Vui sao nước mắt lại trào
Thay bằng khóc hận thuở nào đa mang
Thành công bỗng hóa gian nan
Giang sơn một mối hoang mang tấc lòng
Nỗi niềm ông Trọng nghẹn ngào
Trách nhiệm nay đã trao vào tay ai
Gìn non giữ nước làm sao
Hỡi đồng chí tốt chớ xao lãng giùm...
Chuyến viếng thăm thành công, với 21 phát đại bác vang rền chào đón Tập Hoàng đế kia mà ?! Tại sao ông Trọng phải dùng chữ "Nhưng" trong câu nói 30 chữ nêu trên, như là phó thác mọi an nguy cận kề/sinh tồn hoại diệt, cho lớp cộng sản Việt Nam hậu bối đang cầm quyền ? Đó là băn khoăn không chỉ của hơn 5 triệu đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, mà bất cứ người dân nào cũng thắc mắc không kém, dành cho cuộc viếng thăm "thành công - thành công - đại thành công" của tình "đoàn kết - hữu nghị" và "keo sơn gắn bó" từ thuở Hồ Chí Minh "lập quốc" !
Dường như lịch sử - lịch sử chính trị - địa chính trị đã phôi pha, nhạt nhòa, theo suốt năm tháng cai trị bạo tàn và sắt máu của người cộng sản Việt Nam, khiến hầu hết người dân không còn hiểu gì thêm, ngoài 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (ngỡ là) bị cưỡng chiếm từ "người bạn 4 tốt", bởi những người cộng sản Việt Nam hiền lành - ngây thơ, như vô số đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam bày tỏ suốt nhiều chục năm qua (?). Của đáng tội thiệt !
Quá khứ thường được người đời coi là lịch sử. Sai lầm này không chỉ của thường dân, giới sử gia cũng gieo rắc vào trong sách báo, về Chiến tranh biên giới Tây Nam và Chiến tranh biên giới phía Bắc. Không dừng ở sai lầm về lý thuyết, cao hơn, khi "đóng đinh" lịch sử như là dấu chấm hết, lúc đó trở thành tội lỗi với di họa khôn lường cho hiện tại, qua câu nói nghẹn ngào của đương kim Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
Báo chí trong nước không nhắc đến khái niệm "cộng đồng chung vận mệnh". Chỉ có truyền thông nước ngoài như RFI, đề cập vào hôm 13 tháng Mười Hai năm 2023 : "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Hà Nội vào hôm nay, 13/12/2023, kết thúc chuyến công du hai ngày. Trong một bản tuyên bố chung, hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng xây dựng một cộng đồng chung mà cách gọi theo phía Việt Nam là "cộng đồng chia sẻ tương lai", khác với từ ngữ của phía Trung Quốc là "cộng đồng chung vận mệnh". [5]
Lịch sử chính trị đã bị cắt khúc, cho đến nay vẫn mập mờ về "Hội nghị Thành Đô" năm 1990. Vào ngày 14/01/2020, tờ báo quan trọng nhứt mang tên Nhân Dân đã gọi "Mật ước Thành Đô - Một điển hình của sự dối trá" [6]. Vậy thì, Đảng cộng sản Việt Nam nên bạch hóa với bằng chứng rõ ràng về "sự dối trá" đó, trước toàn thể người dân Việt Nam được chăng ?
Trước khi nói về "tương lai", "quá khứ" phải được đào bới lại. Bởi quá khứ - hiện tại - tương lai là một dòng chảy liên tục của bất kỳ quốc gia nào. Không được cắt khúc quá khứ, như cắt ổ bánh mì đã gặm nhấm chán chê, rồi bỏ mứa nó vô cái thùng rác mang tên "lịch sử" nhằm trốn chạy sự thật !
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 15/12/2023
[1] https://tuoitre.vn/phan-ung-lenh-cam-van-ong-hun-sen-ra-lenh-pha-huy-vu-...
[2] https://tuoitre.vn/my-go-bo-cam-van-vu-khi-doi-voi-viet-nam-1105993.htm
[3] https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/244936091946587/
[4] https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-va-trung-quoc-da-co-mot-tuyen-bo-chung...
[5] https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20231213-vi%E1%BB%87t-nam-trung-q...
[6] https://nhandan.vn/mat-uoc-thanh-do-mot-thi-du-dien-hinh-cua-su-doi-tra-...
***************************
Trung Quốc vẫn giữ ‘cộng đồng vận mệnh chung’ với Việt Nam trên văn bản chữ Hán ?
BBC, 15/12/2023
Bản tiếng Trung đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ghi lại phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Hà Nội vừa qua dùng khá nhiều lần cụm từ ‘vận mệnh chung’ vốn gây tranh cãi ở Việt Nam dù bản tiếng Anh của bộ này lại dùng ngôn từ hơi khác.
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam thưởn thức trà Việt Nam ở Hà Nội
Trang mfa.gov.cn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong văn bản đăng lúc 20 giờ 13 ngày 14/12/2023, giờ Bắc Kinh để ở nhan đề và nhắc lại nhiều lần trong bài cụm từ "cộng đồng vận mệnh chung Trung-Việt" (中越命运共同体-Zhong Yue mingyun gongtong ti).
Ngay ở nhan đề, bài viết dùng khái niệm "cùng chia sẻ vận mệnh tương lai" (命运与共创未来-mingyun yugong chuang weilai) để ca ngợi các tiến triển mới, chiến lược, trong quan hệ hai nước cùng do các đảng cộng sản lãnh đạo.
Đặc biệt, bài của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lời lãnh đạo nước này phát biểu ở Việt Nam, nói rằng đây là thời điểm đặc biệt tốt "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để hai bên xác lập cộng đồng vận mệnh chung (nguyên văn : 中越命运共同体具有天时、地利、人和的独特优势- Trung-Việt mệnh vận cộng đồng thể hữu thiên thời, địa lợi, nhận hòa độc đặc ưu thế).
Tuy thế, bản tiếng Anh mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát hành một ngày trước đó trên cùng trang web mfa.gov.vn thì lại có nhan đề hơi khác. Đó là "Renewing Traditional Friendship and Embarking on a New Journey to Build a China-Viet Nam Community with a Shared Future" (tạm dịch : Làm mới tình hữu nghị truyền thống và bước vào cuộc hành trình mới để xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam với tương lai được chia sẻ).
Như thế, khái niệm ‘vận mệnh’ (mingyun) mà Trung Quốc thường dịch ra Anh ngữ là "destiny" không có ở nhan đề này và không hề thấy ở trong bài (xem toàn văn ở đây ).
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng hướng tới giới trẻ Việt Nam, nói rằng họ là những người đi tiên phong trong trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của con người, và đóng góp vào việc "xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung/chia sẻ cùng nhau của nhân loại" (a community with a shared future for mankind).
Thanh niên được cho là đóng vai trò trọng tâm trong quan hệ vì tương lai của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Trung Quốc, theo các nhà lãnh đạo hai nước. Hình ảnh bà Bành Lệ Viện, đệ nhất phu nhân Trung Quốc, vẫy chào các thanh niên Việt Nam
Ngôn từ phục vụ các đối tượng khác nhau ?
Một biên tập viên ban tiếng Trung của BBC tại Hong Kong đánh giá rằng có thể thấy rõ bản Trung văn của phía Trung Quốc đưa ra giữ nguyên nhiều khái niệm chính quyền nước này tuyên truyền lâu nay, nhưng bản tiếng Anh thì có khác một chút.
Đặc biệt, việc các phát biểu của lãnh đạo Việt Nam không có câu nào nói về "community of common destiny" (cộng đồng vận mệnh chung) là điều đáng chú ý, theo nhà báo ở Hong Kong.
Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình mà các báo chính thống ở Việt Nam đồng loạt đăng tải cũng chỉ dùng khái niệm "cộng đồng chia sẻ tương lai" trong hai bối cảnh, khi ông Tập nói về "tương lai nhân loại" và về quan hệ Trung-Việt.
Ngoài ra, ông cũng nhắc lại một số lần về "cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương".
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS, Singapore, giải thích với BBC hôm 13/12 về sự "thiếu vắng" khái niệm nhạy cảm từ Trung văn khi chuyển ngữ sang tiếng Việt trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Vận mệnh hay chung con đường, ngôn từ như thế có thể tạo ra phản ứng không tốt trong chính nội bộ của Việt Nam, khi mà tâm lý không thích Trung Quốc ở Việt Nam còn khá nhiều. Tôi nghĩ đấy là lý do hai bên lái đi một chút để tránh sự nhạy cảm, nghi ngờ từ cả phía nội bộ và người dân Việt Nam".
Cũng hôm 14/12/2023, một ngày sau khi Chủ tịch Tập về nước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi của báo chí về "nội hàm của hợp tác Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, giải thích trước câu hỏi từ truyền thông nước ngoài về khái niệm này như sau :
"Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới".
Nguồn : BBC, 15/12/2023
*************************
Phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc gặp nhân sĩ hữu nghị và thanh niên Việt – Trung
Nguyễn Hải Hoành, Nghiên cứu quốc tế, 15/12/2023
Kính thưa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bà Ngô Thị Mẫn,
Thưa các đồng chí và các bạn thanh niên hai nước Trung Quốc, Việt Nam,
Xin gửi mọi người lời chào buổi chiều tốt lành !
Rất vui được gặp các bạn. Sau sáu năm, tôi lại đến thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp, thấy các bạn tràn trề nhiệt tình tôi vô cùng vui mừng. Hôm nay ở đây có không ít bạn cũ từng nhiều năm dốc sức phấn đấu vì tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam, cũng có rất nhiều bạn trẻ mới. Thay mặt Đảng và Chính phủ Trung Quốc, tôi xin gửi tới các bạn lời thăm hỏi thân thiết !
Hôm qua, tôi và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng nhau tuyên bố xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước Trung Quốc, Việt Nam. Đây là quyết sách chiến lược trọng đại mà chúng ta đưa ra xuất phát từ sự chấn hưng chủ nghĩa xã hội thế giới và thực hiện hòa bình, ổn định lâu dài cho hai nước Trung – Việt, bắt nguồn sâu sắc từ tình hữu hảo truyền thống Trung – Việt, phù hợp với lợi ích chung. và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta cùng chung chí hướng và giúp đỡ lẫn nhau. Từ thời cận đại đến nay, hai đảng, nhân dân hai nước Trung Quốc – Việt Nam luôn giữ vững lý tưởng, niềm tin chung, trong tiến trình sự nghiệp đấu tranh giành độc lập nhà nước, giải phóng dân tộc, chúng ta luôn cùng hội cùng thuyền, ủng hộ lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng ở Trung Quốc lâu tới 12 năm, lần lượt thành lập Hội Đồng chí Thanh niên Cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu và Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông. Ông còn ở Vân Nam, Quảng Tây và các nơi khác trong một thời gian dài, từ đó tiến hành chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Nông Kỳ Trấn (Nong Qizhen), một dân làng ở huyện Long Châu, Quảng Tây, từng liều mạng bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Quảng Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết "Thư gửi đồng bào Việt Nam" nổi tiếng và năm 1945 từ đó trở về Việt Nam lãnh đạo "Cách mạng tháng Tám" đi đến thắng lợi, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, hơn 1.400 tướng sĩ Trung Quốc đã hy sinh anh dũng và yên nghỉ trên đất nước Việt Nam bao la. Bệnh viện Nam Khê Sơn (Nanxishan) ở Quế Lâm, Quảng Tây đã cứu trợ hơn 5.000 chiến sĩ Việt Nam bị thương. Trường Dục Tài (Yucai) [tức Khu Học xá Trung ương Nam Ninh] đã đào tạo cho Việt Nam hơn 10.000 học sinh. Việt Nam cũng tích cực ủng hộ cách mạng Trung Quốc, Tướng quân Hồng Thuỷ (Hong Shui) [tức tướng Nguyễn Sơn] tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, tham gia cuộc Trường chinh của Hồng quân Trung Quốc, là "Lưỡng quốc Tướng quân" tiếng tăm hiển hách. Câu thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Việt -Trung tình hữu nghị sâu sắc, vừa là đồng chí, vừa là anh em" đã trở thành ký ức lịch sử không thể phai mờ của nhân dân hai nước về những năm tháng phi thường ấy.
Căn cứ vào tình hình hiện tại, chúng ta trước sau như một kiên định hợp tác cùng có lợi. Trong 15 năm thiết lập mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam đã kiên trì lấy nhân dân làm trung tâm, ra sức thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Kể từ thời đại mới đến nay, các Tổng bí thư hai đảng Trung Quốc và Việt Nam đã hai lần thăm lẫn nhau, dẫn dắt hiệu quả sự phát triển lành mạnh và ổn định mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Cách đây không lâu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến đi trồng "Cây hữu nghị" tại cửa khẩu Hữu nghị ở biên giới hai nước, thể hiện sự coi trọng đặc biệt mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Hai bên đã phát huy vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo hợp tác song phương và thúc đẩy hơn 30 cơ chế hợp tác như hội thảo lý luận hai Đảng, giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, các hội nghị hợp tác Bộ Công an hai nước đấu tranh chống tội phạm, thúc đẩy hiệu quả trao đổi kinh nghiệm quản trị Đảng và quản trị nước, tạo động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi nước.
Trung Quốc từ lâu đã là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 trên thế giới. Với việc triển khai các chuyến tàu quốc tế Trung Quốc-Việt Nam và khởi công xây dựng cửa khẩu thông minh, tăng tốc kết nối các cửa khẩu biên giới trên đất liền, các nông sản chất lượng cao của Việt Nam như vải thiều, sầu riêng, thanh long đã được bán sang Trung Quốc với số lượng lớn. Nguyên liệu thô và máy móc, thiết bị do Trung Quốc xuất khẩu cũng đã hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển ngành chế tạo của Việt Nam, thúc đẩy việc nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam. Tuyến đường sắt nhẹ Hà Nội số 2 do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng đã vận chuyển gần 20 triệu lượt người, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân Hà Nội. Các công ty Trung Quốc đã xây dựng cụm công nghiệp quang điện ở nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, đầu tư và xây dựng nhiều dự án phát điện từ rác thải ở Hà Nội và những nơi khác, giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam.
Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới Thác Đức Thiên (Detian, Bản Giốc) Trung Quốc-Việt Nam đã vận hành thử nghiệm thành công. Các hoạt động như giao lưu hữu nghị giữa Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tỉnh biên giới, liên hoan nhân dân biên giới Trung Quốc – Việt Nam được triển khai vô cùng sinh động. Các tác phẩm kinh điển truyền thống của Trung Quốc rất nổi tiếng ở Việt Nam, các tác phẩm điện ảnh, truyền hình đương đại của Trung Quốc cũng được người dân Việt Nam vô cùng yêu thích. Các ca khúc nhạc pop Việt lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, ca sĩ Việt cũng thu hút được lượng lớn "fan" Trung Quốc trên các chương trình văn nghệ của Trung Quốc. Trao đổi và hợp tác hiệu quả đã tăng cường sự thông cảm giữa nhân dân hai nước.
Nhìn về tương lai, chúng ta có chung tương lai và vận mệnh. Trước một thế giới đan xen hỗn loạn, tôi đề xuất ý tưởng xây dựng Cộng đồng cùng chia sẻ tương lai cho nhân loại, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, nhằm thúc đẩy các nước trên thế giới cùng chung tay ứng đối những thách thức toàn cầu. Hiện nay, Trung Quốc đang thúc đẩy toàn diện sự nghiệp vĩ đại xây dựng nước mạnh, phục hưng dân tộc theo mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Điều chúng tôi theo đuổi không phải là hiện đại hóa theo cách chỉ lo cho mình mà sẽ kiên quyết không đổi đi theo con đường phát triển hòa bình, kiên trì phương châm ngoại giao thân thiện và kết bạn với các nước láng giềng, kiên trì tư tưởng ngoại giao chân thành bao dung với các nước xung quanh, sao cho công cuộc hiện đại hóa kiểu Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nước xung quanh. Việt Nam đang ra sức đẩy mạnh xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hướng tới hai mục tiêu phấn đấu đặt ra nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và đất nước.
Thưa các đồng chí và các bạn thanh niên !
Nền tảng của tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam là ở nhân dân và tương lai là ở lớp thanh niên. Tôi muốn nêu ra ba niềm hy vọng.
Hy vọng rằng các bạn sẽ là người kế thừa tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam và góp sức xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược. Ngày nay, Trung Quốc và Việt Nam đã dùng những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế – xã hội để chứng minh một cách hùng hồn với thế giới rằng con đường phát triển mà chúng ta đã chọn là hoàn toàn đúng đắn. Hai nước chúng ta tăng cường đoàn kết hợp tác sẽ có lợi cho sự phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của mỗi nước. Hy vọng rằng các nhân sĩ hữu hảo thuộc mọi tầng lớp xã hội ở hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ trở thành những người đi đầu trong hành trình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam và góp sức thực hiện hành trình trăm năm của mỗi nước cũng như xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Hy vọng rằng các bạn sẽ cố gắng trở thành người tham gia vào quá trình chấn hưng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đóng góp cho hòa bình và ổn định lâu dài của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc và công cuộc đổi mới của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, điều đó vừa là kết quả của sự tự thân phấn đấu mà cũng được hưởng lợi từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, cởi mở và bao dung. Châu Á – Thái Bình Dương là nơi chúng ta yên thân lập phận, là nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cởi mở, bao dung và hợp tác cùng có lợi mới là con đường đúng đắn của loài người. Chúng ta phải giương cao ngọn cờ của cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương, hội tụ thêm năng lượng tích cực đoàn kết và tiến lên phía trước, cùng nhau đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hài hòa và phồn vinh.
Hy vọng rằng các bạn sẽ dám trở thành những người đi tiên phong phấn đấu không ngừng cho sự xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại. Hai đảng Trung Quốc và Việt Nam đều là những chính đảng Mác-xít hướng tới thế giới, hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, hai nước phải trở thành lực lượng trung kiên thúc đẩy sự nghiệp tiến bộ của nhân loại. Mục tiêu hùng vĩ xây dựng một cộng đồng nhân loại cùng chia sẻ tương lai đòi hỏi nhiều thế hệ con người chạy tiếp sức thì mới thực hiện được. Chúng ta phải gánh vác trách nhiệm của thời đại với tấm lòng rộng mở hơn và tầm nhìn bao quát hơn, lên tiếng bảo vệ sự công bằng và chính nghĩa quốc tế, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ toàn cầu.
Thưa các đồng chí và các bạn thanh niên !
Tục ngữ Việt Nam có câu : "Mọi vật trên thế giới không ngừng thay đổi, chỉ có trái tim này là vững chắc". Không quên con đường dẫn mình đến thì mới biết mình sẽ đi đâu. Hành trình gian truân và những thành tựu vẻ vang của sự phát triển lớn mạnh trong sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và Việt Nam thể hiện đầy đủ rằng việc Trung Quốc và Việt Nam tăng cường đoàn kết, hợp tác là kinh nghiệm lịch sử quan trọng để chúng ta chiến thắng mọi rủi ro, thách thức trên con đường tiến lên, không ngừng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhìn về tương lai, chúng ta phải luôn không quên nguyện vọng ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh của mình và cùng nhau tay nắm tay đi theo con đường xã hội chủ nghĩa của mỗi nước, sao cho kết quả xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước, và cùng nhau đóng góp lớn hơn cho sự nghiệp tiến bộ của nhân loại.
Xin cảm ơn mọi người.
Tập Cận Bình
Nguyễn Hải Hoành biên dịch
Nguyên tác tiếng Trung của Tân Hoa Xã, ngày 13/12/2023 习近平会见中越两国青年和友好人士代表时的讲话(全文), 来源:新华网, 新华社河内12月13日电.
************************
Ngoại giao Trung Quốc nói gì về chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình ?
VOA, 15/12/2023
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15/12 đã dành phần lớn cuộc họp báo để nói về chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, Vương Nghị, ca ngợi chuyến công du đã đạt được những thành tựu to lớn và được phía Việt Nam đón tiếp "nồng hậu, ở mức độ trang trọng nhất và chưa từng có".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh.
"Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu một cột mốc mới trong mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước", Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc (State Council) hôm 15/12 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, cũng là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói.
"Phía Việt Nam rất coi trọng chuyến thăm này và bày tỏ sự đón tiếp nồng hậu ở mức trang trọng nhất và chưa từng có", ông Vương nói thêm và lưu ý việc đích thân Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã ra tận sân bay để đón tiếp và tiễn đoàn Trung Quốc.
Những nhận xét trên của ông Vương Nghị cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, lặp lại trong cuộc họp báo ngày 15/12, và lưu ý thêm rằng "báo chí quốc tế đã theo sát chuyến thăm và tin tưởng rộng rãi rằng chuyến thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và hơn thế nữa, sẽ có tác động quan trọng và sâu rộng đến sự phát triển quan hệ giữa hai đảng, hai nước cũng như trên toàn bộ khu vực và thậm chí cả bối cảnh toàn cầu".
Người đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tóm tắt 3 điểm nổi bật trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, bao gồm : Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới.
"Điểm nổi bật của chuyến thăm là khi lãnh đạo hai đảng và hai nước đưa ra quyết định lịch sử quan trọng là xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai, mang ý nghĩa chiến lược", bà Mao nói.
Đây được xem là "kết quả chính trị quan trọng nhất của chuyến thăm", và là "kết quả tất yếu, phản ánh xu hướng của thời đại và phục vụ lợi ích cơ bản của hai đất nước, hai dân tộc", vẫn theo lời bà Mao.
Bà Mao Ninh cũng không quên nhắc đến các sáng kiến mà Bắc Kinh đã nỗ lực lôi kéo các nước tham gia trong nhiều năm qua như : Sáng kiến Vành đai, Con đường, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Văn minh Toàn cầu…, và khẳng định các sáng kiến toàn cầu này do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất "nhằm bảo vệ lợi ích chung của nhân loại".
"Phía Việt Nam kiên quyết ủng hộ và sẽ tích cực tham gia các sáng kiến này", người phát ngôn Mao Ninh nói, và thêm rằng phía Việt Nam xem việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là lựa chọn chiến lược, "không bị quấy rầy, phá hoại bởi bất kỳ thế lực bên ngoài nào".
"Điều này đặt nền tảng chính trị vững chắc cho việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai", vẫn lời bà Mao.
Nội dung nổi bật thứ hai là việc hợp tác trên thực tế, trong đó có việc ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh, vận tải, kiểm dịch, quốc phòng, hợp tác hàng hải…
Nội dung thứ ba là "một chương mới được viết cho tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam", bà Mao Ninh nói, và cho biết ông Tập Cận Bình đã lưu ý với phía Việt Nam rằng điều quan trọng là phải thực hiện "một cách tiếp cận có hệ thống" để thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai bên, cần tập trung vào lĩnh vực sinh kế, hợp tác về thanh niên để mối quan hệ hữu nghị là được truyền từ đời này sang đời khác, "cung cấp nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược".
Theo người đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến thăm của ông Tập là một ví dụ sinh động về việc Trung Quốc theo đuổi ngoại giao láng giềng với tinh thần thân thiện, chân thành, cùng có lợi và toàn diện, cũng như một thực tiễn thành công khác của Tư tưởng Tập Cận Bình về Ngoại giao.
Trong khi phía Trung Quốc hết lời ca ngợi chuyến thăm, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ lên tiếng giải thích về "nội hàm Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc", một khái niệm gây tranh cãi trong giới ngoại giao, nghiên cứu và công luận tại Việt Nam.
"Trong Tuyên bố chung nước Cộng hòa xã hội chủ Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, hai bên nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại", báo Lao Động dẫn lời người phát ngôn Phạm Thu Hằng nói.
"Hai bên cũng nhất trí cho rằng phát triển quan hệ giữa hai nước cần tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế. Hai bên kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình", vẫn theo lời bà Hằng.
"Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm.
Bà lưu ý rằng những phương hướng hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới trên bình diện song phương và trong các vấn đề khu vực và toàn cầu đã được nêu cụ thể trong Tuyên bố chung giữa hai nước.
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra chỉ 3 tháng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Việt Nam để nâng cấp mối quan hệ Mỹ-Việt lên mức cao nhất, ngang với Trung Quốc và Nga. Giới quan sát và nghiên cứu quốc tế cho rằng chuyến đi nhằm mục đích chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với quốc gia cộng sản ở Đông Nam Á.
Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam, giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng về mọi lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế cho đến an ninh và các vấn đề quốc tế.
Mặc dù không nêu tên cụ thể, nhưng Chủ tịch Trung Quốc trong ngày công du cuối cùng ở Hà Nội đã nói với nói với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính : "Trung Quốc và Việt Nam nên cảnh giác và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây rối loạn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương", China Daily tường thuật.
Nguồn : VOA, 15/12/2023