Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/12/2023

Ông Tập và ông Trọng cùng ảnh hưởng thế nào đến bang giao Trung – Việt ?

Trần Hiếu Chân

Có ý kiến cho rằng bang giao Trung – Việt hiện nay là kết quả của khá nhiều thỏa thuận công khai và ngấm ngầm lâu nay giữa hai Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, quan hệ cá nhân giữa hai đảng trưởng, Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng, đóng vai trò dẫn dắt.

viettrung0

Hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng thường uống trà mỗi khi gặp gỡ - Ảnh minh họa Buổi trà đàm ngày 30/10/2022 tại Bắc Kinh

Điều nhận định nói trên hoàn toàn đúng, nhưng chưa đầy đủ. Bang giao Trung – Việt "đơm hoa kết trái" không chỉ phụ thuộc vào quan hệ cá nhân giữa các Tổng bí thư. Giống như lịch sử hàng ngàn năm thời Bắc thuộc cũ, ông vua nào sau khi lên ngôi ở xứ Nam Việt này đều phải tìm cách này hay cách khác triều cống các hoàng đế Trung Hoa. Thậm chí sau khi đánh tan quân xâm lược phương Bắc xong, vua quan An Nam còn phải đúc người bằng vàng để "đút lót thiên triều" nhằm cầu hòa (1). Sự ràng buộc thời hiện đại, ít nhất là từ năm 1945 đến nay, còn nghiêm trọng hơn cả thời phong kiến nhiều lần. Chỉ cần lướt qua ghi chép về các cuộc tiếp xúc gián tiếp và trực tiếp giữa Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông và Stalin suốt những năm từ 1948 đến 1953, ngay theo các nguồn chính thống (2) lẫn các tài liệu nghiên cứu lịch sử (3), có thể "yên tâm" là lời cảm thán của cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, "thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu" (4), hoàn toàn không phải do bất mãn mà sinh ra.

Một khi Stalin, vị chúa tể cai trị Liên Xô bằng bàn tay sắt suốt 30 năm, đã giao trách nhiệm cho Mao "phụ trách" Việt Nam thì "mối tình thắm thiết Việt – Hoa" không thể nào đi trệch khỏi đường ray "nô bộc" (5). Có thể dành thời gian để bình luận thêm việc, ông Trọng đã đón ông Tập thế nào ? Rồi lại đem so sánh cuộc đón tiếp ấy với cuộc giữa ông Trọng với Tổng thống Biden… ? Nhưng mọi so sánh đều khập khiểng ! Vì không chỉ giới phân tích, mà ngay người dân bình thường nhất, từ chú lái grab đến bà bán bún ốc tại chợ cóc… ai ai cũng hiểu rất rõ cái tâm, cái tầm, cũng như mục đích, mưu đồ lẫn hành động cụ thể của những "yếu nhân" trong cuộc. Cứ nhìn cảnh phố xá Hà Nội vắng tanh (trừ các ngã tư giao thông khi đoàn của ông Tập đi qua), đủ hiểu xứ Đông Lào nghĩ gì về Trung Quốc. Ngược lại, chính quyền "ma giáo" đến mức phải dọa người dân không được ra đường, không được mở cửa sổ vẫy đoàn xe của Tổng thống Mỹ (dọa dân an ninh sẽ bắn đấy), đủ thấy tình cảm nồng hậu của dân chúng Việt đối với quốc khách Xứ Cờ hoa. 

Cả cái "tâm thư" ông Tập "gửi đăng" trên báo "Nhân Dân" cũng chẳng mấy ai để ý (6). Tuy nhiên, bên cạnh tách café buổi sáng, người dân lại bàn tán nhiều về việc tại sao Tổng bí thư Trọng lại suýt khóc trước mặt ông Tập trong buổi gặp gỡ thế hệ trẻ hai nước Việt Nam – Trung Quốc ? Với giọng xúc động nghẹn ngào, ông Trọng phân bua, "tôi già rồi, rất muốn trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ…". Nội dung đoạn này không thấy ghi lại trong các văn bản công bố trên báo chí trong nước (7). Nhân chuyện ông Trọng suýt khóc, dư luận nhớ lại "giọt nước mắt rơi vào lịch sử của Tổng bí thư" để nói về sự kiện diễn ra hồi tháng 10/2012, khi ông phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6. Đấy là dịp hiếm hoi Tổng bí thư đã nhận lỗi trước toàn dân về các khuyết điểm của đảng ở hiện tại lẫn quá khứ (8). Làm Tổng bí thư đến nhiệm kỳ thứ ba, "đầu đội trời chân đạp đất", đáng ra phải mạnh mẽ, chứ sao động tí là rơi lệ, mà lần thứ hai này lại rơi lệ trước "người anh em thù địch" ("brother enemy", từ của Nayan Chanda). Bất luận mưu đồ gì thì đấy cũng là một chỉ dấu tồi cho tương lai ! 

Nguyễn Phú Trọng có bắt chước Lưu Bị hay không, khỏi cần phải phỏng đoán ! Nhưng nhắc đến văn hóa Trung Hoa, không thể bỏ qua tác phẩm "Hậu Hắc Học" nổi tiếng. Cuốn sách chứa đựng toàn bộ nghiên cứu tâm huyết cả đời của Giáo sư Lý Tôn Ngô về quy luật thành bại tự cổ chí kim, gói gọn trong 2 chữ : Hậu và Hắc. Nghe có vẻ đơn giản nhưng ít người thật sự vận dụng thành công được 2 chữ này, vì không biết quy luật của nó. Giấu ý định của mình với người khác, đó là Hậu (Mặt Dày) ; Áp đặt ý chí của mình lên người khác, đó là Hắc (Tâm Đen) (9). Nhìn hai tổng bí thư vỗ về, ôm nhau khi Tổng Trọng rời bục phát biểu, buộc phải nghĩ đến "thuật Mặt Dày Tâm Đen". Tổng bí thư khẳng định, ông không tham quyền cố vị, sẵn sàng "nhường ngôi", nhưng không tìm được "thế tử" đành ngồi lại. Tập Cận Bình tỏ ra "thấu cảm", như muốn động viên, "đồng chí làm việc, tôi yên tâm" (câu Mao Chủ tịch nói với Hoa Quốc Phong). Hãy chờ đến Đại hội 14, đại chúng sẽ được thưởng lãm tiếp màn hý kịch do hai đại kịch sỹ này công diễn. 

Để trả lời rốt ráo câu hỏi "ông Tập và ông Trọng cùng ảnh hưởng thế nào đến bang giao Trung – Việt ?’, thiết nghĩ những ai quan tâm đến chủ đề này nên dành thời gian nghe youtube ghi lại cuộc hội luận của đài RFA (10). Nội dung cuộc hội luận khá phong phú, đã đề cập đến nhiều chiều kích, thậm chí là những góc khuất của mối quan hệ giữa hai Đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, cũng như giữa các đảng trưởng. Có thể bạn sẽ có những ý kiến khác với các vị khách mời, nhưng dù sao đấy cũng là một nguồn thông tin bổ ích. Những phân tích trong bài viết trên đây, tác giả không lấy từ yotube thượng dẫn, do khuôn khổ của bài viết. Tuy nhiên, tác giả tán đồng với nhiều nhận định của các vị khách mời. Tác giả đã nêu ý kiến trong bài viết của mình và rất mong độc gia tham khảo thêm nguồn thượng dẫn từ RFA !

Trần Hiếu Chân

Nguồn : RFA, 22/12/2023

Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.

Tham khảo

(1) https://giaoducthoidai.vn/nguoi-pha-bo-le-cong-tuong-vang-lieu-thang-post520312.html

(2) https://baotintuc.vn/ho-so/chuyen-cong-du-doi-ngoai-bi-mat-lich-su-cua-ho-chi-minh-20150519101423018.htm

(3) Việt Nam Mật Chiến (Phần 4)

(4) https://www.voatiengviet.com/a/thoi-ky-bac-thuoc-moi-07-19-2011-125825768/907449.html

(5) https://nghiencuuquocte.org/2021/07/15/viet-nam-mat-chien-phan-3/

(6) https://nhandan.vn/xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-trung-quoc-viet-nam-co-y-nghia-chien-luoc-mo-ra-trang-su-moi-chung-tay-huong-toi-hien-dai-hoa-post787021.html

(7) https://baotiengdan.com/2023/12/15/vi-sao-tong-bi-thu-trong-xuc-dong-luc-doc-dien-tu-truoc-tap-can-binh/

(8) https://dantri.com.vn/blog/nghi-ve-giot-nuoc-mat-roi-vao-lich-su-cua-tong-bi-thu-20151106051241537.htm

(9) https://toi-moi-et-passions.blog4ever.com/h7853u-h7855c-h7885c-ly-ton-ngo-s7921-th7853t-th7853t-s7921-v7873-cac-mau-s7855c-trong-nhan-cach

(10) Mối quan hệ Nguyễn Phú Trọng-Tập Cận Bình tác động đến chính trị Việt Nam ra sao ?

******************************

Việt Nam và 'ngoại giao cây tre' sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập

BBC, 20/12/2023

Thế giới đang bước vào thời kỳ cạnh tranh Đông-Tây mới, và Việt Nam phải có đối pháp khác, thay vì vẫn kiên định với chiến lược 'cây tre' của mình, một chuyên gia về an ninh từ Hoa Kỳ đánh giá với BBC.

caytre1

Khái niệm ngoại giao 'cây tre' lần đầu tiên được Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng khởi xướng tại Hội nghị Ngoại giao vào ngày 22/8/2016

"'Cây tre Việt Nam' hoàn toàn có thể bị 'con gấu trúc Trung Quốc' gặm nhấm dần dần", Giáo sư Alexander L. Vuving bình luận sau chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội.

Lý do, theo nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hoa Kỳ, là bởi chính sách ngoại giao 'cây tre' chỉ phát huy tác dụng thời hậu Chiến tranh Lạnh, "còn bây giờ chúng ta đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hậu hậu Chiến tranh Lạnh, mà tôi tạm gọi là tranh chấp Đông-Tây mới với Mỹ và Phương Tây một bên, và Trung Quốc và Nga một bên kia".

Việt Nam cần chú ý đến vấn đề "lấy thực lực làm gốc" để "cây tre" đứng vững, theo Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng từ Quỹ Taiwan NextGen Foundation, Đài Bắc.

Trong lúc đó, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cho biết ông "không thấy ấn tượng" trước nền ngoại giao 'cây tre' của Việt Nam.

Khái niệm 'ngoại giao cây tre' lần đầu tiên được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra hồi năm 2016, và kể từ đó đã thường xuyên được sử dụng để gọi đường lối đối ngoại mà giới lãnh đạo nước này đánh giá là "rất đặc sắc và độc đáo".

Hà Nội từ trước tới nay thường tuyên bố muốn "làm bạn với tất cả các nước" và thực hiện chính sách quốc phòng "Bốn Không", với "đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa".

Nâng cấp quan hệ với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc

Trong ba tháng cuối năm 2023, nền ngoại giao Việt Nam có những bước đi ngoại giao mang tính cột mốc với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai siêu cường thế giới.

Tháng 9, Việt Nam đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới năm và nâng cấp vượt hai bậc trong mối quan hệ với Washington, từ "đối tác toàn diện" lên "đối tác chiến lược toàn diện".

Tháng 12, Hà Nội chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ký gia nhập "cộng đồng chia sẻ tương lai" với Trung Quốc sau nhiều năm từ chối.

Giáo sư Vuving nói trong khi Việt Nam ra sức cân bằng mối quan hệ với các cường quốc, thì đã bị Trung Quốc chớp thời cơ.

"Tôi nghĩ một trong lý do lớn mà Việt Nam quyết định chấp nhận 'bài thuốc bắc' này ở chỗ là họ rất muốn cân bằng trong đường lối đối ngoại với các nước lớn.

"Sau khi họ nâng cấp hai bậc với Mỹ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện rồi nâng cấp quan hệ với Nhật Bản vừa qua từ đối tác chiến lược sâu rộng lên đối tác chiến lược toàn diện, thì họ thấy mình đã ngã sang phía Mỹ, Nhật rồi thì nên ngã một tí sang Trung Quốc cho cân bằng.

"Do đó Trung Quốc đã chớp được thời cơ này và đã ép được Việt Nam nâng cấp quan hệ từ 'đối tác chiến lược toàn diện' lên 'cộng đồng chia sẻ tương lai, hay chung vận mệnh này'. Nhượng bộ nằm ở chỗ Việt Nam không được lợi gì trong cộng đồng này, cái lợi rất là nhỏ và rủi ro rất là lớn", ông nhận định.

Giáo sư Zachary Abuza cũng nhận định rằng rõ ràng Bắc Kinh "đã không hài lòng" trước việc Việt Nam mới đây đã có những bước nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, Nhật và Úc, ba thành viên trong 'Bộ tứ' (Quad), được xem là một tổ chức được lập nên để chống lại sự bá quyền của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ cũng đang có mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

"Ông Tập, giống các lãnh đạo Trung Quốc khác, đã nhắc nhở các lãnh đạo Việt Nam về tầm quan trọng duy trì bản chất chủ nghĩa xã hội trong chính sách ngoại giao của mình.

"Tôi không hào hứng về cộng đồng chia sẻ chung tương lai của Trung Quốc, quá nhiều mỹ từ, trong khi chỉ phản ảnh một vài nguyên tắc. Và theo nhiều cách, Bắc Kinh đang ra sức kiềm chế các hành động của Hà Nội trên Biển Đông.

"Ranh giới giữa các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, và chống Đảng cộng sản Việt Nam cũng rất mong manh", ông nói với BBC News tiếng Việt.

'Ngoại giao cây tre'

caytre2

Hình ảnh tre trúc tại lễ đón Chủ tịch Tập ở Hà Nội được chú ý nhiều

Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng nói hôm 19/12 là 'ngoại giao cây tre' Việt Nam ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nhận định ngoại giao cây tre của Việt Nam nên được hiểu là cách tiếp cận thực dụng (pragmatism) dựa trên việc chú trọng vào thực tế (thay vì lý tưởng) và sự sáng tạo trong việc ứng phó với những tình huống cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh uyển chuyển về sách lược thì ngoại giao cây tre lại có thêm yếu tố kiên định về nguyên tắc.

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng đánh giá rằng thế giới đang trong bối cảnh của nền "Hòa bình Băng giá" (Cold Peace) - "nơi các siêu cường vẫn hợp tác với nhau và chưa cạnh tranh với tính chất sống còn thông qua hình thành các lực lượng đối chọi rõ rệt".

"Nền hoà bình này mong manh, luôn có thể bùng phát thành các các xung đột (như ở Đông Âu và Trung Đông hiện nay), đồng thời "băng giá" vì các quốc gia hợp tác thận trọng, dè chừng lẫn nhau, và không phải lúc nào cũng thực tâm trong đối thoại".

Trong bối cảnh đó, "nền ngoại giao cây tre dễ bị hiểu là thiên về "ứng phó" (bị động) thay vì hành động có tính chủ động -- nhất là thể hiện vai trò lãnh đạo trong các thể chế khu vực", ông bình luận.

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nhận định : "Các đánh giá về ngoại giao cây tre của Việt Nam chủ yếu do các học giả Việt Nam trong và ngoài nước nghiên cứu và phổ biến qua các bài viết và phát biểu, không nhiều các học giả nước ngoài chú ý đến vấn đề này.

"Các học giả quốc tế, theo quan sát của tôi, ưa thích thuật ngữ "hedging" (phòng bị nước đôi) hay "balancing" (cân bằng) hơn.

"Việc "đề cập" hay "nói đến" (mention) và "thừa nhận" (recognize) là hai chuyện khác nhau. Đề cập chưa hẳn là thừa nhận, và thừa nhận nhiều khả năng mang hàm ý rằng đã đề cập.

"Tôi nghĩ để nước ngoài thừa nhận thì Việt Nam, song song với phổ biến ngoại giao cây tre qua con đường báo chí, học thuật, truyền thông…, cần chú ý đến các hoạt động thực tiễn hơn. Làm được như vậy thì mới "đúng và đủ", tránh ta vừa đề ra chính sách rồi lại tự… khen ta hay "nghĩ" là quốc tế khen mình".

Giáo sư Vuving từ Hoa Kỳ nói rằng chính sách "ngoại giao cây tre" chỉ phát huy tác dụng thời hậu Chiến tranh Lạnh, "còn bây giờ chúng ta đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hậu hậu Chiến tranh Lạnh, mà tôi tạm gọi là tranh chấp Đông-Tây mới với Mỹ và Phương Tây một bên, và Trung Quốc và Nga một bên kia".

Trong cuộc đối đầu này, những công thức được sử dụng trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh thì không được sử dụng nữa.

"Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trở nên ghê gớm như thế này, cây tre không phải là giải pháp hữu hiệu, theo tôi. Gió to, gió lớn thế này, thì tre sẽ không chịu được, bật gốc, chắc phải dùng biện pháp khác. Nói một cách hình tượng là cây tre Việt Nam hoàn toàn có thể bị con gấu trúc Trung Quốc gặm nhấm dần dần. Việt Nam phải tìm phương cách khác", Giáo sư Vuving nói.

Giáo sư Zachary Abuza cho biết ông "không thấy ấn tượng" trước nền ngoại giao 'cây tre' của Việt Nam.

"Việt Nam đã nhận được nhiều lời tán dương cho nền ngoại giao 'cây tre'. Cá nhân tôi thì không thấy ấn tượng từ các cuộc họp thượng đỉnh và tầm quan trọng của hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao đơn phương của phía Việt Nam. Chúng chỉ mang tính biểu tượng, và tôi quan trọng về bản chất thực sự các mối quan hệ này hơn", ông nói.

Tăng cường hợp tác sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam hay Trung Quốc nhiều hơn ?

Trong dịp ông Tập tới thăm Hà Nội mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, ít hơn con số 45 văn bản được đề xuất trước đó, trên các lĩnh vực gồm, cơ sở hạ tầng và đường sắt, an ninh - quốc phòng, dữ liệu, nền kinh tế số và viễn thông, thương mại và đầu tư.

Về viễn cảnh hợp tác sắp tới, Giáo sư Zachary Abuza nói ông hy vọng phía Việt Nam "đủ sáng suốt" để tách biệt Trung Quốc ra khỏi ngành công nghiệp đất hiếm, trong bối cảnh Trung Quốc có sự kiểm soát đáng kể liên quan đến chuỗi sản xuất mặt hàng này trên toàn cầu.

Trong khi đó Giáo su Vuving không lạc quan về viễn cảnh hợp tác Việt-Trung, "Hợp tác thực chất mà hai bên đã ký là xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn, của Trung Quốc, từ Hà Khẩu, ra đến Lào Cai, chạy qua Hà Nội, đến Hải Phòng, thúc đẩy bán hàng hoá Việt Nam sang Trung Quốc rẻ hơn, do đó có lợi hơn khi Việt Nam chuyển sang cho Trung Quốc hơn là để lại Việt Nam sản xuất.

"Tôi lấy ví dụ đất hiếm chẳng hạn. Trung Quốc nắm mọi công nghệ chế biến tốt hơn, còn Việt Nam thì chỉ có khai thác thôi. Đường vận chuyển dễ dàng như vậy thì giá thành vận chuyển quặng thô từ Việt Nam sang Trung Quốc rẻ hơn nhiều, cho nên càng khuyến khích người ta chuyển quặng thô sang Trung Quốc. Đường sắt này tạo thành độ trũng, khuyến khích chuyển quặng thô… Có thể có những hậu quả là Việt Nam thiệt thòi, phụ thuộc hơn vào Trung Quốc".

"Một số người nghĩ rằng đây là một dạng mua thời gian, có người nói 'phải giữ kẻ thù gần hơn', câu này chỉ đúng trong những hoàn cảnh nhất định, trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay thì tôi không thấy đúng", Giáo sư Vuving nói.

Nguồn : BBC, 20/12/2023


Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hiếu Chân
Read 345 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)