Cuộc xung đột tại Ukaine sắp sửa bước sang năm thứ ba. Trong vòng vài tháng qua, khu vực tiền tuyến dường như không có chuyển biến đáng kể, nhưng cuộc chiến tranh này sẽ thay đổi thế nào trong năm 2024 ?
Một binh sĩ Ukraine ở gần thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine
Tổng thống Volodomyr Zelensky đã thừa nhận cuộc tấn công mùa xuân của Ukraine đã không thành công như ông kỳ vọng. Nga vẫn kiểm soát được khoảng 18% lãnh thổ Ukraine.
Trong bài viết này, ba nhà phân tích quân sự chia sẻ với BBC nhận định của họ về diễn biến cuộc chiến tranh Ukraine trong 12 tháng tới.
1. Cuộc chiến sẽ kéo dài nhưng không vô thời hạn
Barbara Zanchetta, Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, Đại học King's College London
Viễn cảnh về một sự kết thúc cho cuộc chiến tranh Ukraine vẫn không có gì là sáng sủa. So với thời điểm này vào năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin mạnh hơn, xét theo khía cạnh chính trị hơn là quân sự.
Tình hình trên chiến trường vẫn không có gì rõ ràng. Gần đây, cuộc phản công mùa đông của Ukraine đã chấm dứt. Tuy nhiên, Nga cũng không đạt được đột phá nào. Hơn lúc nào hết, cục diện cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào những quyết định chính trị được đưa ra cách xa trung tâm cuộc xung đột hàng ngàn cây số - ở Washington và Brussels.
Tinh thần đoàn kết ấn tượng của Phương Tây trong năm 2022, và xuyên suốt năm 2023, giờ đây đang bắt đầu lung lay.
Gói viện trợ quốc phòng của Mỹ dành cho Ukraine đã bị đem ra làm món đổi chác - điều mà Tổng thống Biden đã gọi một cách chính xác là "nền chính trị nhỏ nhen" ở Washington. Và tương lai về một gói viện trợ kinh tế của EU dường như đang phụ thuộc vào lập trường bất thường của Hungary trong dài hạn.
Thái độ lưỡng lự ở các thủ đô Phương Tây đã khiến ý chí của Putin được củng cố. Sự xuất hiện công khai gần đây của ông và những tuyên bố hùng hồn cho thấy rằng miễn Putin còn muốn làm thì nước Nga sẽ vẫn theo đến cùng.
Trong bài phát biểu năm mới 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi tinh thần đoàn kết trong quân đội, nhưng không công khai đề cập đến cuộc chiến tranh tại Ukraine
Vậy thì, liệu Phương Tây sẽ có sức mạnh và độ bền để tiếp tục phản kháng chống Putin và tất cả những gì ông ta đại diện hay không ?
Quyết định của EU mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine và Moldova không chỉ có ý nghĩa biểu tượng. EU công khai muốn tiếp tục hậu thuẫn Kyiv, khi một tương lai về tư cách thành viên trong EU dành cho Ukraine sẽ không thể xảy ra nếu Nga có được chiến thắng toàn diện.
Tại Washington, chuyện đảo ngược hoàn toàn chính sách là điều khó xảy ra.
Dù nhiều người cho rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ đối diện với thời khắc cáo chung khi mà tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Donald Trump gia tăng trong các cuộc thăm dò, nhưng có thể thấy, dù từng rất màu mè phô trương, cựu Tổng thống đã không rút Mỹ khỏi NATO vào năm 2016. Và một mình ông sẽ không thể làm một cuộc cách mạng để thay đổi mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương của Mỹ vốn đã kéo dài trong 75 năm được.
Nói vậy không có nghĩa rằng các rạn nứt gần đây trong nội bộ Phương Tây là không đáng kể. Đối với Phương Tây, và cũng như với Ukraine, năm 2024 sẽ khó khăn hơn.
Đối với các nền dân chủ, việc đạt được đồng thuận dài hạn cho chiến tranh luôn phức tạp hơn so với các nền chuyên chế vốn không phải chịu trách nhiệm giải trình nào.
Và dù có khả năng cuộc chiến tranh Ukraine sẽ kéo dài hết năm 2024, không có nghĩa nó sẽ kéo dài vô thời hạn.
Với việc Nga đang vững tin hơn nhờ sự chần chừ của Phương Tây, và trong hoàn cảnh không xảy ra một cuộc đảo chính hoặc một vấn đề sức khỏe khiến ông Putin chết, chỉ có thể dự đoán rằng sẽ có một sự dàn xếp qua thương lượng, điều mà cả đôi bên hiện nay đều bác bỏ.
2. Một năm củng cố sức mạnh
Michael Clarke, cựu Tổng Giám đốc Viện Royal United Services Institute
Cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine năm 2022 cho thấy một cuộc chiến tranh lớn đã quay trở lại lục địa Châu Âu. Diễn biến cuộc xung đột năm 2023 đã đánh dấu một thực tế là chiến tranh kỷ nguyên công nghiệp hóa cũng đã quay trở lại.
Chiến tranh thời công nghiệp hóa đẩy phần lớn, trong một số trường hợp là toàn bộ các nền kinh tế, vào việc sản xuất trang thiết bị phục vụ chiến tranh vốn được coi là ưu tiên. Ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2021 và sẽ ngốn 30% chi tiêu chính phủ vào năm sau.
Điều này sẽ khiến cuộc chiến tranh ở Ukraine kéo dài lâu hơn và gây ra những tổn thương về kinh tế hơn bất kỳ điều gì mà Châu Âu đã biết đến kể từ giữa thế kỷ 20. Năm 2024 sẽ cho thấy Nga - và hai nước cung cấp vũ khí Bắc Hàn và Iran - hay Ukraine - và các quốc gia ủng hộ từ Phương Tây - có đủ năng lực đáp ứng rất nhiều yêu cầu của dạng chiến tranh thời kỳ công nghiệp.
Sẽ là sai lầm khi nói rằng các khu vực tiền tuyến ở Ukraine đã rơi vào thế bế tắc, thực ra cả hai bên đều đủ sức cầm cự để tìm cách giành được những mục tiêu chiến lược.
Quân Nga có thể sẽ lại tìm cách tấn công trên toàn mặt trận, ít nhất là nhằm giữ vững toàn bộ vùng Donbas. Ukraine có thể sẽ ra sức khai thác thành công mà họ đạt được trong việc tái kiểm soát vùng tây Biển Đen và hành lang thương mại quan trọng dẫn đến eo biển Bosphorus.
Có thể Kyiv cũng sẽ tìm cách gây ra một số bất ngờ về quân sự cho quân xâm lược Nga, từ đó đánh bật đối phương ra khỏi một số khu vực.
Nhưng xét về bản chất, năm 2024 sẽ là năm củng cố sức mạnh cho cả Kyiv và Moscow.
Nga thiếu trang thiết bị và nhân lực được huấn luyện nên chưa thể tiến hành một cuộc tấn công chiến lược ít nhất là cho đến mùa xuân năm 2025.
Một binh sĩ Ukraine sử dụng súng phóng lựu trên tuyến đầu Avdiivka, vùng Donbas
Trong khi đó, Ukraine cần sự hỗ trợ về quân sự và tài chính của Phương Tây để tiếp tục chiến đấu trong năm 2024, cùng lúc phải tăng cường quân lực để tạo điều kiện cho một loạt các cuộc tiến công giải phóng trong tương lai.
Chiến tranh kỷ nguyên công nghiệp hóa là cuộc chiến giữa các xã hội. Chuyện xảy ra trên chiến trường thực ra chỉ là triệu chứng của cuộc chiến đó.
Diễn biến quân sự trong cuộc chiến tranh năm 2024 sẽ được định đoạt tại Moscow, Kyiv, Washington, Brussels, Bắc Kinh, Tehran và Bình Nhưỡng hơn là tại các thành phố của Ukraine như Avdiivka, Tokmak, Kramatorsk hay bất kỳ chiến trường giao tranh ác liệt nào dọc theo khu vực tiền tuyến.
3. Ukraine sẽ gây sức ép lên Nga quanh Crimea
Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy, Lục quân Mỹ tại Châu Âu
Nga thiếu sức mạnh đột phá và quyết định để đè bẹp Ukraine và sẽ làm những gì có thể tại các vùng lãnh thổ đã chiếm đóng, tận dụng thời gian để củng cố phòng thủ trong khi hy vọng Phương Tây sẽ đánh mất ý chí tiếp tục hậu thuẫn cho Ukraine.
Nhưng Ukraine sẽ không dừng lại. Ukraine đang trong cuộc chiến sống còn và hiểu điều mà Nga sẽ làm nếu họ dừng lại. Thêm nhiều quốc gia Châu Âu hiện đang bàn về yêu cầu gia tăng viện trợ trước quan ngại rằng Mỹ đang giảm ý chí.
Tuy nhiên, tôi dự đoán vào đầu năm 2024, Mỹ sẽ khám phá lại xương sống chiến lược của mình và thông qua gói viện trợ cho Ukraine, vốn đã bị hoãn tại Quốc hội vào tháng 12/2023.
Vì vậy, tôi dự đoán Ukraine sẽ thực hiện những điều này trong các tháng tiếp theo để giành lại ưu thế :
- tái thiết các đơn vị đã bị suy yếu sau nhiều tháng giao chiến, vốn sẽ rất cần thiết cho một cuộc tiến công mới ;
- cải thiện hệ thống tuyển quân bên trong Ukraine để tận dụng tối đa sức mạnh nhân lực sẵn có ;
- gia tăng sản xuất đạn dược và vũ khí ;
- cải thiện khả năng chiến đấu chống lại năng lực tác chiến điện tử mạnh của Nga - như phá sóng, can thiệp và định vị.
Đầu mùa hè năm nay, Ukraine sẽ có thể lần đầu sử dụng các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo, hy vọng sẽ giúp cải thiện khả năng đối phó với các chiến đấu cơ của Nga và củng cố hệ thống phòng không.
Khu vực quan trọng mang tính chiến lược nhất ở Ukraine vẫn còn do Nga chiếm đóng là bán đảo Crimea, mà chúng ta gọi là "địa bàn quyết định".
Ukraine sẽ làm tất cả những gì có thể để gây áp lực cho phía Nga tại đây, để quấy rối lực lượng hải quân Nga tại căn cứ Sevastopol, cũng như vài căn cứ không quân ở đấy và căn cứ hậu cần tại thị trấn Dzankoy.
Họ đã chứng tỏ được điều này. Với chỉ ba tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp, quân đội Ukraine đã khiến Tư lệnh Hạm đội Biển Đen rút một phần ba lực lượng ra khỏi Sevastopol.
Ukraine đương nhiên không có nguồn lực vô hạn, đặc biệt xét về đạn pháo và các vũ khí chuẩn xác tầm xa.
Nhưng quân Nga thì lại trong tình trạng tệ hơn. Cuộc chiến tranh là một phép thử ý chí và một phép thử về hậu cần. Hệ thống hậu cần tại Nga dễ bị tác động và hiện đang chịu các áp lực thường trực liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.
Nguồn : BBC, 02/01/2024