Ngay hôm Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị bắt, gia đình ông Hiệp đã chủ động nộp ngay 4,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can.
Vợ chồng đại gia bất động sản nổi tiếng Thái Bình khoe tiền "khủng" trên mạng xã hội - Ảnh minh họa
Trước đó, ngày 29/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa tống đạt quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, để điều tra sai phạm liên quan đến vụ án Hạc Thành Tower. Sau khi bị khởi tố, ông Trịnh Văn Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) đã chủ động nộp khoảng 22,5 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan công an để khắc phục hậu quả.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Xứng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) cũng nộp khoảng 22,5 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan công an, nhằm phục vụ điều tra và khắc phục hậu quả do sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower thời điểm bị can còn đương chức. Bà Đinh Cẩm Vân (cựu Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa) cũng nộp 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vì liên quan vụ án Hạc Thành Tower.
Việc nộp ngay tiền khắc phục hậu quả ngay giai đoạn bắt đầu điều tra đã cho thấy Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế tiền mặt. Mà một nền kinh tế có quá nhiều tiền mặt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nhỏ là mất công kiểm đếm, lớn hơn là tiếp tay cho kinh tế ngầm, rửa tiền… Tiền mặt chảy ngoài ngân hàng, khiến kiểm soát lạm phát khó khăn hơn.
Việc sử dụng USD trong thanh toán và tích trữ cũng là một biểu hiện của nền kinh tế tiền mặt. Nó không đơn giản chỉ là những con số cộng trừ giữa lãi suất và lạm phát của USD và VND.
Với chuyện rất nhanh chóng nộp tiền khắc phục hậu quả ở giai đoạn bắt đầu điều tra như trên cho thấy trên thực tế lâu nay là rất khó kiểm soát chính xác thu nhập của các quan chức để thực hiện Luật Thuế thu nhập đối với cá nhân có thu nhập cao.
Tiền mặt cũng chính là môi trường dung dưỡng cho kinh tế ngầm, hối lộ, tham nhũng. Chục năm về trước, theo một tài liệu của WB (*) thì kinh tế ngầm ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng hơn 50% GDP chính thức ; và kinh tế ngầm có xu hướng tăng lên từ khoảng 30% năm 1997 lên 51% năm 2001.
Ông Nguyễn Bích Lâm, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thời gian qua, ngành thống kê đã thu thập, tính toán và xử lý được dữ liệu 3 thành tố phi chính thức gồm kinh tế hộ kinh doanh cá thể không đăng ký kinh doanh ; kinh tế gia đình tự sản, tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót. Tuy nhiên kinh tế ngầm, phi pháp chưa thể thống kê được.
Giới phân tích độc lập cho rằng cần thẳng thắn nhìn vào vấn đề là ở các nước, chính phủ, Nhà nước đều mong muốn khu vực chính thức càng rộng lớn. Nếu có khu vực kinh tế ngầm lớn chỉ chứng tỏ sự kém cỏi của chính sách hoặc chính sách bị thiết kế, ứng dụng tồi đến mức người ta không dám trở thành khu vực kinh tế chính thức, chỉ làm ngầm.
Hoặc trường hợp thứ hai là chính sách Chính phủ, Bộ, ngành đang dung túng, tiếp tay cho những người làm kinh tế ngầm phát huy năng lực, bắt tay với một số nhóm trong nhà nước, để trốn tránh nghĩa vụ doanh nghiệp, cá nhân, không tham gia phải đóng góp, nộp thuế, minh bạch công khai với người tiêu dùng, với Nhà nước.
Có thể đơn cử về trường hợp thứ hai là trong nhà các quan chức khi vừa ngờ vực vướng lao lý, lập tức thân nhân ‘chung – chi’ ngay số tiền bị cáo buộc, bất kể thực hư ra sao… Điều này ngoại chuyện ý nghĩa về "thiện chí", cho thấy đáng lo ngai không kém của kinh tế ngầm có dấu hiệu lũng đoạn cả hệ thống chính trị.
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 05/01/2024
Tham khảo