Đại biểu quốc hội thành khẩn nhận tội bảo kê : mặt mũi nào cho Quốc hội
Cảnh Chân, VNTB, 07/01/2024
Ông Lưu Bình Nhưỡng là đại diện cho một nhóm lãnh đạo dối trá, mị dân với bức bình phong đại biểu quốc hội.
Phạm Minh Cường (phải) khai rằng đã nhận Lưu Bình Nhưỡng là "bố nuôi".
Là đại biểu dân cử, dân bầu, đại diện nhân dân nhưng cuối cùng lại "thành khẩn" nhận tội bảo kê, cưỡng đoạt hàng tỷ đồng tài sản của người dân. Ông Lưu Bình Nhưỡng là đại diện cho một nhóm lãnh đạo dối trá, mị dân với bức bình phong là đại biểu quốc hội đại diện nhân dân.
Đại biểu nhận giang hồ làm con nuôi để thu tiền bảo kê
Theo cáo buộc từ phía công an, ông Nhưỡng từng nhận Phạm Minh Cường (Cường "quắt", có 3 tiền án) là cháu. Còn Cường khai rằng đã nhận Lưu Bình Nhưỡng là "bố nuôi". Nhờ vậy, Cường lợi dụng mối quan hệ này để nhờ đại biểu quốc hội can thiệp, "tác động" với cơ quan chức năng tại tỉnh Thái Bình để các nhóm giang hồ tại địa phương không "gây sự với băng của Cường. Từ đó giúp Cường có thể độc quyền "bảo kê" việc khai thác cát ở Thái Bình.
Với sự tiếp tay của đại biểu quốc hội, kiêm phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, Cường quắt và đồng bọn đã chiếm giữ một địa bàn rộng lớn, lên tới 180 hecta đất tại các bãi triều ven biển. Nhằm thu tiền bảo kê các doanh nghiệp khai thác cát tại tỉnh Thái Bình.
Ngoài ra công an tỉnh Thái Bình còn khởi tố phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng thêm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo khoản 4 điều 358 Bộ luật Hình sự.
Đáng chú ý là ông Nhưỡng đã thừa nhận hành vi và nộp lại 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả nhằm được công nhận là "thành khẩn khai nhận" để được khoan hồng. Nước đi này có thể giúp ông Nhưỡng được giảm án khi ra toà, cùng với các điều kiện thường thấy của một cán bộ cộng sản như "gia đình có công với cách mạng", "phạm tội lần đầu", "thành khẩn khai báo"…
Nhưng đây lại là một nỗi ô uế của cái gọi là "đại biểu nhân dân"
Cần phải nhớ là cộng sản Việt Nam tuyên truyền rằng quốc hội và hội đồng nhân dân là hai cơ quan do người dân bầu ra. Đây là hai đại diện của nhân dân, hai bức bình phong để che giấu việc mua quan bán chức trong nội bộ đảng. Thế nhưng trên thực tế, cái ghế nào đảng cũng bán hết, hoàn toàn không có chuyện dân bầu.
Minh chứng cụ thể nhất là lời khai của bà Châu Thị Thu Nga hồi năm 2017. Bà này khai năm 2011 đã bỏ ra số tiền 30 tỷ để mua ghế đại biểu quốc hội. Đối với các quan chức cộng sản Việt Nam, cái gì không mua được bằng tiền, thì vẫn có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Cho nên không thể không nghi ngờ cái ghế đại biểu của Lưu Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, ông Nhưỡng còn là phó trưởng ban Dân nguyện, một cơ quan có nhiệm vụ tiếp dân. Là đầu mối tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghi, phản ánh của người dân… từ đó tham mưu lên uỷ ban thường vụ quốc hội. Đây là một kênh quan trọng để cử tri cả nước gửi gắm nguyện vọng đến cơ quan đại diện cao nhất của người dân.
Với những vai trò đó, với những niềm tin nhỏ nhoi còn sót lại của người dân, đúng ra ông Nhưỡng phải kháng cáo tới cùng để bảo vệ hình ảnh của mình, của cái gọi là quốc hội. Thế nhưng, viên cộng sản họ Lưu này đã dễ dàng thừa nhận hành vi "bảo kê" của mình để được giảm tội.
Với hình tượng là một đại biểu Nhân dân, thường xuyên đưa ra những phản biện dân túy, lời khai "thành khẩn" của Lưu Bình Nhưỡng không chỉ là cái tát vào mặt những người còn đặt niềm tin vào ông Nhưỡng, mà còn là cái tát vào mặt quốc hội. Nó vạch trần toàn bộ những thứ dơ bẩn, lưu manh nhất mà quốc hội và lãnh đạo cộng sản Việt Nam che giấu bấy lâu nay. Rồi ai còn tin vào cái gọi là ban dân nguyện, cái gọi là đại biểu quốc hội nữa không ? Hai chữ quốc hội có còn đáng để viết hoa cho một danh từ đại diện Nhân dân không ?
Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 07/01/2024
Tham khảo :
***************************
Vợ ông Lưu Bình Nhưỡng tạm ứng thi hành án ?
Hoài Nguyễn, VNTB, 07/01/2024
Đầu giờ chiều ngày 6/1/2024, Công an tỉnh Thái Bình có thông cáo báo chí về vụ án Lưu Bình Nhưỡng, nội dung như sau :
"Ngày 25/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo khoản 4 Điều 358 Bộ luật Hình sự. Các Quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Tài liệu điều tra xác định : Năm 2021, liên quan một dự án, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm hưởng 300.000 USD. Tại Cơ quan điều tra, ông Nhưỡng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và đã thông qua luật sư ủy quyền cho người thân nộp lại số tiền 7 tỷ đồng (tương đương 300.000 USD) để khắc phục hậu quả.
Để mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra thông báo các cá nhân, tổ chức đã từng bị ông Nhưỡng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc liên quan đến hành vi phạm tội khác của ông Nhưỡng đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, số 228 Trần Thánh Tông, thành phố Thái Bình phối hợp giải quyết (hoặc liên hệ Điều tra viên Nguyễn Đắc Vinh SĐT 0979730282). Trường hợp che giấu thông tin sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật".
Vợ ông Lưu Bình Nhưỡng nộp hơn 7 tỉ đồng khắc phục hậu quả cho chồng
Ông Lưu Bình Nhưỡng có học vị, học hàm là một tiến sĩ luật, dĩ nhiên là ông ấy hiểu khi một vụ án chưa được xét xử theo trình tự luật định thì ông vẫn là công dân vô tội.
Việc ông Lưu Bình Nhưỡng – gọi là "đã thông qua luật sư ủy quyền cho người thân nộp lại số tiền 7 tỷ đồng (tương đương 300.000 USD) để khắc phục hậu quả". – có thể coi như "tạm ứng thi hành án", và cũng là tình tiết ghi nhận "thiện chí hợp tác điều tra" của công dân Lưu Bình Nhưỡng. Hoặc ở đây là một sự mặc cả mang tính giảm nhẹ cho các bên liên quan, khi mà số tiền phạm tội có thể lớn hơn nhiều con số 300 ngàn Mỹ kim và còn dích dắc đến nhiều cá nhân khác nữa.
Đưa trước 300 ngàn đô la coi như "công lý chưa cân" nhưng tư pháp đã biết rõ cụ thể vụ án này "cán cân công lý" sẽ phải ra sao theo ý của… bề trên.
Ở đây còn có thể việc ông Lưu Bình Nhưỡng đã chủ động vận dụng kiến thức pháp luật hình sự để giúp bản thân giảm nhẹ các cáo buộc khi đang ở giai đoạn điều tra. Theo đó, Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau :
"1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây :
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa ;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây :
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa ;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa ;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự".
Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau :
"1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự :
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm ;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả ;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết ; …".
Dẫn chứng luôn cho dễ hình dung về chiêu thức vận dụng luật kể trên : Hôm 3/1/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do xét thấy hậu quả do các hành vi của bị can gây ra đã được khắc phục, không còn nguy hiểm cho xã hội. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cũng hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú", và hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Hải.
Trước đó, 14/11/2023, ông Nguyễn Văn Hải đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khởi tố bị can để điều tra về hành vi "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" …
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 07/01/2024
***************************
Công an Thái Bình : Ông Lưu Bình Nhưỡng thành khẩn nhận tội, chiếm hưởng 300.000 USD
Tiến Thắng, Tuổi Trẻ online, 06/01/2024
Quá trình điều tra, bị can Lưu Bình Nhưỡng được xác định thành khẩn nhận tội và đã chiếm hưởng khoảng 300.000 USD trong năm 2021.
Thời điểm cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh : Tiền Phong online
Ngày 6/1, Công an tỉnh Thái Bình thông tin thêm về diễn biến vụ án liên quan đến bị can Lưu Bình Nhưỡng mà cơ quan này đang thụ lý.
Theo Công an tỉnh Thái Bình, ngày 25/12/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo khoản 4 điều 358 Bộ luật Hình sự.
Các quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Kết quả điều tra bước đầu xác định : Năm 2021, liên quan một dự án trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm hưởng 300.000 USD.
Quá trình điều tra, ông Nhưỡng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và đã thông qua luật sư ủy quyền cho người thân nộp lại số tiền 7 tỉ đồng (tương đương 300.000 USD) để khắc phục hậu quả.
Để mở rộng vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thông báo cho các cá nhân, tổ chức từng bị ông Nhưỡng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc liên quan đến hành vi phạm tội khác của ông Nhưỡng có thể đến Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình tại số 228 Trần Thánh Tông, thành phố Thái Bình phối hợp giải quyết.
Các cá nhân, tổ chức cũng có thể liên hệ điều tra viên Nguyễn Đắc Vinh theo số điện thoại 0979 730 282. Trường hợp che giấu thông tin, quá trình điều tra phát hiện sẽ bị xem xét xử lý theo quy định.
Tiến Thắng
Nguồn : Tuổi Trẻ online, 06/01/2024
************************
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thông tin về hành vi của ông Lưu Bình Nhưỡng
Thắng, Tuổi Trẻ online, 06/01/2024
"Ông Lưu Bình Nhưỡng được Cường "quắt" nhận làm bố nuôi, nhờ can thiệp cơ quan chức năng Thái Bình để tạo điều kiện cho việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp".
Lại Hợp Mạnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, báo cáo trong Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII ngày 7/12/2023 (Ảnh : thaibinh.gov.vn)
Liên quan việc khởi tố, bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng, chiều 7/12, ông Lại Hợp Mạnh - viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình - đã trao đổi thêm đến các đại biểu tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII.
"Cường 'quắt' nhờ ông Nhưỡng can thiệp"
Theo ông Mạnh, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng căn cứ theo kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi, giang hồ cộm cán với biệt danh Cường "quắt" và có 3 tiền án) cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thái Bình : bị can Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, giúp sức để Cường ‘quắt’ cưỡng đoạt tài sản
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2020 - 2022, Cường cùng đồng bọn cưỡng đoạt số tiền gần 5 tỉ đồng của một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát ven biển thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.
Quá trình gây khó dễ cho doanh nghiệp, Cường bị một số nhóm xã hội cản trở dẫn tới việc chiếm đoạt tiền bị giảm sút.
Lợi dụng việc ông Nhưỡng từng nhận Cường là cháu và Cường cho biết ông Nhưỡng là "bố nuôi" nên đã nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp, tác động với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để các nhóm xã hội không gây sự với Cường. Nhờ đó, Cường có thể tiếp tục thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.
Theo ông Mạnh, hành vi phạm tội của bị can Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 4, điều 170 Bộ luật Hình sự.
Việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đều được cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy trình, quy định, có cơ chế kiểm soát. Hoạt động của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giám sát trực tiếp, toàn diện, chịu trách nhiệm về việc phê chuẩn khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.
"Nếu để xảy ra oan sai, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật" - ông Mạnh nêu.
"Triệt để, không bỏ lọt tội phạm"
Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã thu giữ, quản lý nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án, bảo đảm toàn diện, triệt để, không bỏ lọt tội phạm.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình cũng đã có văn bản gửi tất cả đoàn đại biểu, UBND các tỉnh, thành phố đề nghị rà soát, báo cáo những phiếu chuyển đơn của ông Lưu Bình Nhưỡng ký từ năm 2016 đến nay.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã thông tin từ kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường về tội "cưỡng đoạt tài sản", ngày 14-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (60 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra về tội "cưỡng đoạt tài sản" quy định tại điều 170, Bộ luật Hình sự.
Tiến Thắng
Nguồn : Tuổi Trẻ online, 07/12/2023